Thi hành án là giai đoạn cuối cùng của hoạt động tố tụng, có vai trò quan trọng trong việc góp phần đảm bảo hiệu lực thi hành bản án, quyết định. Tuy nhiên, trên thực tế có rất nhiều trường hợp người phải thi hành án không tự nguyện thực hiện thi hành án, khi đó cần phải cưỡng chế thi hành án. Vậy cưỡng chế thi hành án là gì? Thi hành án trong thực tiễn được thực hiện như thế nào? Vấn đề này sẽ được làm rõ trong bài viết dưới đây.
Cưỡng chế thi hành án là thuật ngữ xuất hiện nhiều trong pháp luật dân sự. Cưỡng chế thi hành án dân sự là hoạt động của cơ quan có thẩm quyền dùng quyền lực của mình để đảm bảo việc thi hành trên thực tế, quyền và nghĩa vụ của các chủ thể liên quan trong quyết định, bản án được thi hành theo đúng thủ tục.
Các biện pháp cưỡng chế thi hành án được quy định tại Điều 71 Luật thi hành án Dân sự 2008 sửa đổi, bổ sung 2014. Theo đó, cưỡng chế thi hành án dân sự bao gồm 6 biện pháp:
- Khấu trừ tiền trong tài khoản; thu hồi, xử lý tiền, giấy tờ có giá của người phải thi hành án
- Trừ vào thu nhập của người phải thi hành án.
- Kê biên, xử lý tài sản của người phải thi hành án, kể cả tài sản đang do người thứ ba giữ
- Khai thác tài sản của người phải thi hành án
- Buộc chuyển giao vật, chuyển giao quyền tài sản, giấy tờ
- Buộc người phải thi hành án thực hiện hoặc không được thực hiện công việc nhất định.
Tùy từng trường hợp, để thi hành án, chấp hành viên sẽ ra quyết định áp dụng một hoặc nhiều biện pháp cưỡng chế thi hành án dân sự.
Thực tế khi ban hành quyết định cưỡng chế thi hành án cơ quan thi hành án (Chi cục, Cục thi hành án) thường sẽ không để nội dung cũng như thời gian cưỡng chế cụ thể ngay trong quyết định cưỡng chế. Bởi sau khi ra quyết định cưỡng chế thi hành án, tùy theo thời gian mà cơ quan thi hành án sẽ ra Thông báo cưỡng chế thi hành án, có thể là ra thông báo kèm với quyết định luôn hoặc ra thông báo sau khi có quyết định cưỡng chế thi hành án. Trong thông báo cưỡng chế sẽ nêu rõ các nội dung về biện pháp cưỡng chế, thời gian, địa điểm, cũng như chi phí dự trù cưỡng chế trong quá trình cưỡng chế thi hành án.
Hiện nay việc cưỡng chế thi hành án gặp khá nhiều bất cập và khó khăn, nhất là đối với các trường hợp cưỡng chế đất, trả nhà, giao nhà, bởi khi liên quan đến nhà cửa, đất đai thì luôn là vấn đề nhạy cảm đối với người dân. Với những trường hợp đương sự cố tình gây khó khăn thường sẽ phải huy động khá nhiều lực lượng để đảm bảo cưỡng chế thi hành án, nhưng bên cạnh đó cũng có những trường hợp áp dụng biện pháp cưỡng chế tương đối đơn giản chẳng hạn như phong tỏa tài khoản ngân hàng, sổ tiết kiệm,…
Thực tiễn cho thấy, nhiều vụ cưỡng chế thi hành án được tổ chức thực hiện khi chưa đảm bảo các điều kiện về cưỡng chế thi hành án như: Xác minh, kê biên thiếu, không đầy đủ tài sản thi hành án; xác minh sai diện tích đất, số lượng tài sản thi hành án; dẫn đến thiệt hại nghiệm trọng về tài sản cho đương sự, cá nhân, cơ quan, tổ chức, Nhà nước trong các vụ việc dân sự.
Không khó để bắt gặp các trường hợp áp dụng biện pháp cưỡng chế thi hành án sai, như vụ việc bà Trần Thị Vinh ở Đồng Nai đã bị kê biên tài sản lớn hơn nhiều lần so với nghĩa vụ phải thi hành án, trong khi tài sản kê biên có thể phân chia mà không làm giảm đáng kể giá trị của tài sản nhưng Chấp hành viên vẫn tiến hành kê biên toàn bộ tài sản; hoặc tách tài sản kê biên thành hai khối để bán đấu giá dẫn đến làm giảm giá trị tài sản, gây thiệt hại cho người phải thi hành án (vi phạm khoản 1 Điều 13 Nghị định số 62/2015/NĐ-CP ngày 18/7/2015). Hay như việc bà Trần Thị Nghiệm tại huyện Bù gia Mập, tỉnh Bình Phước bị cưỡng chế toàn bộ tài sản sau khi ly hôn với giá trị lớn so với số tiền phải thi hành án. Điều đáng nói ở đây là dù VKSND huyện Bù Gia Mập đã đề nghị hoãn việc cưỡng chế, nhưng Chi cục THA dân sự huyện vẫn THA toàn bộ tài sản khiến mẹ con bà Nghiệm bị đẩy ra đường. Ngoài ra trong quá trình tổ chức thi hành án, Chấp hành viên còn mắc các sai phạm như ra các quyết định cưỡng chế thi hành án trong thời gian tự nguyện thi hành án ở vụ của bà Trần Thị My ở Tây Ninh, vi phạm khoản 1 Điều 46 Luật Thi hành án dân sự. Các sai phạm cụ thể và chi tiết mọi người có thể tham khảo đọc thêm ở bài viết dưới đây: https://dongdoilaw.vn/mot-so-sai-pham-trong-qua-trinh-to-chuc-thi-hanh-an-dan-su/
Để tránh và giảm thiểu được các thiệt hại, khó khăn khi áp dụng biện pháp cưỡng chế trong thi hành án thì nên ưu tiên áp dụng biện pháp thỏa thuận, hòa giải. Ngoài ra để đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của mình, các đương sự trong vụ việc cần tìm tới những Luật sư giàu kinh nghiệm trong lĩnh vực thi hành án để được tư vấn kịp thời tránh xảy ra các hậu quả khó khắc phục đồng thời các cơ quan thi hành án dân sự, Chấp hành viên cần phải tăng cường hơn nữa trách nhiệm trong công tác tổ chức thi hành án.
Người viết: Thu Hương – VPLS Đồng Đội.
________
Thông tin liên hệ:
Văn phòng luật sư Đồng Đội: P2708, Tòa nhà VP3 Bán đảo Linh Đàm, Hoàng Liệt, Hoàng Mai, Hà Nội
Điện thoại: 0936.026.559 – Email: tranxuantien1964@gmail.com
Website: https://dongdoilaw.vn
Facebook: https://www.facebook.com/dongdoilaw
Youtube: https://www.youtube.com/c/VănphòngluậtsưĐồngĐội
Tiktok: https://www.tiktok.com/@vpls_dongdoi