Tối 28-9, nhiều đoạn video ghi lại cảnh một phụ nữ bị lực lượng chức năng phá khóa cửa căn hộ chung cư để cưỡng chế đi lấy mẫu xét nghiệm COVID-19 lan truyền trên mạng xã hội. Hình ảnh này làm dấy lên câu hỏi về cơ sở pháp lý cũng như khả năng quyền công dân bị xâm phạm trong dịch Covid-19.
Hiện nay, diễn biến dịch bệnh Covid-19 rất phức tạp nên việc xét nghiệm là cần thiết trong giai đoạn này và người dân nên tự nguyện hợp tác. Khi cần thiết, cơ quan y tế có thẩm quyền được lấy mẫu xét nghiệm COVID-19 đối với người bị nghi ngờ mắc bệnh truyền nhiễm để giám sát, cách ly y tế và điều trị theo quy định về phòng chống dịch bệnh COVID-19 của Chính phủ và Bộ Y tế. Do đó, nếu người dân đã có thông báo của cơ quan chức năng về việc đi xét nghiệm mà không chấp hành thì có thể căn cứ theo điểm a, khoản 2, điều 7, nghị định số 117/2020/NĐ-CP của Chính phủ thì hành vi không thực hiện xét nghiệm theo yêu cầu của cơ quan y tế có thẩm quyền sẽ bị phạt tiền từ 1-3 triệu đồng. Trong trường hợp người bị yêu cầu xét nghiệm cố tình không chấp hành thì sẽ có biện pháp cưỡng chế hành chính và quyết định cưỡng chế phải do chủ tịch UBND cấp huyện, quận nơi xảy ra sự việc ban hành và giao cho người thi hành công vụ thực hiện. Nếu quá trình cưỡng chế hành chính mà người đó vẫn cố tình không chấp hành, chống đối lại lực lượng chức năng thì người đó có thể bị xử lý về tội chống người thi hành công vụ theo Bộ luật hình sự.
Tuy nhiên, trong vụ việc gây nhiều tranh cãi này, lực lượng chức năng tại phường Vĩnh Phú, Thành phố Thuận An đã phá cửa và đột nhập vào nhà người phụ nữ và cưỡng chế người này đi xét nghiệm. Điều này vi phạm quy định của Hiến pháp trong việc bảo hộ quyền bất khả xâm phạm về chỗ ở và quyền bất khả xâm phạm về thân thể. Vì vậy, tôi xin đưa ra các quan điểm như sau:
Về phía lực lượng chức năng, hành vi cưỡng chế này rất phản cảm vì trong nhà có phụ nữ và trẻ em. Người phụ nữ bị cưỡng chế không hề được nhận bất kỳ văn bản thông báo nào về việc buộc phải chấp hành quy định xét nghiệm COVID-19 và trong nhà lại có trẻ em. Họ phá khóa cửa xông vào nhà bắt giữ người mẹ làm cháu bé khóc và la hét do hoảng loạn, sốc tâm lý có thể ảnh hưởng đến sự phát triển về tâm sinh lý của cháu bé. Hơn nữa, người phụ nữ này là giáo viên, hành động như vậy sẽ ảnh hưởng đến hình ảnh của cá nhân. Phải khẳng định đây là hành vi trái pháp luật và vi phạm nghiêm trọng quyền con người mà Hiến pháp và pháp luật bảo vệ. Cơ quan chức năng cần phải xem xét xử lý trách nhiệm của những người liên quan vì đây là hành vi trái pháp luật, có dấu hiệu xâm phạm chỗ ở và bắt giữ người trái pháp luật. Qua đó, phê phán hành vi của lực lượng chức năng đã bộc lộ rõ phần yếu kém trong công tác nghiệp vụ, bất lực trong việc thuyết phục người dân phòng chống dịch bệnh, đồng thời có hành vi lợi dụng chức vụ, quyền hạn để trả thù sự chống đối của người dân.
Lẽ ra, cơ quan chức năng cần phải thực hiện việc thuyết phục hoặc trao đổi với nhà trường, tổ chức làm việc để khuyến khích người phụ nữ tham gia xét nghiệm. Sau khi đã thực hiện mọi biện pháp kể trên mà người phụ nữ vẫn không chấp hành thì thực hiện việc cưỡng chế và phải có quyết định cưỡng chế của cơ quan chức năng. Nếu việc cưỡng chế xét nghiệm được thực hiện đúng trình tự thủ tục nhưng người phụ nữ này vẫn chống đối thì việc khởi tố vụ án và khởi tố bị can đối với người phụ nữ này là có cơ sở. Ngược lại, nếu không đủ các thủ tục pháp lý, hành vi thực hiện cưỡng chế của lực lượng chức năng không phải là thi hành công vụ. Trong trường hợp đó, việc khởi tố người phụ nữ về tội danh chống người thi hành công vụ là không có cơ sở. Nếu việc cưỡng chế không có quyết định thì đó là việc làm trái pháp luật của cơ quan chức năng nên không thể xem là thi hành công vụ.
Về phía người phụ nữ, sau khi nhận được thông báo về việc xét nghiệm Covid và nhận biết tình hình tại nơi sinh sống đang có F0 thì cần phải tích cực hợp tác với cơ quan chức năng để truy vết, không nên có hành vi chống đối, gây khó khăn cho người thi hành nhiệm vụ. Qua đó phê phán người phụ nữ thiếu ý thức, trách nhiệm trong công tác phòng chống dịch mặc dù hoạt động này đã được Nhà nước miễn phí. Hơn nữa là một giáo viên có sự hiểu biết sâu rộng thì phải nhận ra đây là việc làm cứng rắn mà cơ quan chức năng hành động nên phải tự giác hợp tác.
Song, người phụ nữ cũng có quyền khiếu nại tố cáo nếu nhận thấy hành vi cưỡng chế của lực lượng chức năng là sai trái, ảnh hưởng đến quyền lợi hợp pháp của mình, thực hiện hành vi “xốc nách” và đăng tải các đoạn video gây ảnh hưởng đến danh dự, nhân phẩm của mình. Bởi hành vi quay video và đăng tải lên mạng như hiện nay là trái pháp luật và công dân được luật pháp quy định bảo hộ quyền về hình ảnh cá nhân. Việc sử dụng hình ảnh của người khác phải có sự đồng ý của người đó, trừ trường hợp hình ảnh đó được sử dụng vì lợi ích quốc gia, dân tộc, lợi ích công cộng, hình ảnh từ hoạt động công cộng mà không làm ảnh hưởng đến danh dự, nhân phẩm, uy tín của người có hình ảnh theo quy định tại Điều 34 của Bộ luật dân sự 2015. Theo quy định của pháp luật, hành động của cơ quan chức năng được xác định là vi phạm pháp luật, tùy theo tính chất mức độ, có thể bị xử phạt vi phạm hành chính, bồi thường thiệt hại hoặc bị xử lý hình sự và buộc phải xóa bỏ, tháo gỡ các hình ảnh sử dụng trái phép đó.
Trong thực tế, cả nước Việt Nam đang chung tay phòng chống dịch, Đảng và Nhà nước tích cực ngoại giao để tìm kiếm nguồn vaccine tốt cứu giúp người dân, các đội ngũ y bác sĩ đã cố gắng hết mình thực hiện nhiệm vụ, hơn thế nữa là nhiều mạng người đã hi sinh trong công cuộc phòng chống dịch bệnh, vậy tại sao mỗi cá nhân lại không tích cực chủ động, chung tay vào quá trình thực hiện công tác phòng chống dịch bệnh, góp phần đẩy lùi dịch bệnh Covid-19 đang diễn biến phức tạp?