Khái niệm
Thương lượng là phương thức giải quyết tranh chấp thông qua việc các bên tranh chấp cùng nhau bàn bạc, tự dàn xếp, tháo gỡ những bất đồng phát sinh để loại bỏ tranh chấp mà không cần có sự trợ giúp hay phán quyết của bất kì bên thứ ba nào.
Đặc điểm
- Thứ nhất, phương thức giải quyết tranh chấp này được thực hiện bởi cơ chế tự giải quyết mà không cần bên thứ 3
- Thứ hai, quá trình thương lượng giữa các bên không bị ràng buộc bởi nguyên tắc pháp lý hay khuôn mẫu nào
- Thứ ba, kết quả thương lượng hoàn toàn phụ thuộc vào sự tự nguyện của mỗi bên tranh chấp mà không có bất kì cơ chế pháp lí nào bảo đảm việc thực thi đối với thỏa thuận của các bên trong quá trình thương lượng.
Ưu điểm
Ưu điểm nổi bật của phương thức giải quyết tranh chấp này là sự thuận tiện, đơn giản, nhanh chóng, tính linh hoạt, hiệu quả và ít tốn kém. Mặt khác, giải quyết tranh chấp bằng thương lượng còn bảo vệ được uy tín cho các bên tranh chấp cũng bí mật trong kinh doanh của các nhà kinh doanh.
Hạn chế
Khi một hoặc hai bên không có thái độ nỗ lực hợp tác, thiếu sự thiện chí, trung thực trong quá trình thương lượng thì khả năng thành công là rất mong manh, kết quả thương lượng thường bế tắc.
Kết quả thương lượng không được đảm bảo bằng cơ chế pháp lí mang tính bắt buộc. Do vậy, dù các bên có đạt được thỏa thuận để giải quyết vụ tranh chấp thì việc thực thi kết quả thương lượng cũng vẫn phụ thuộc vào sự tự nguyện của bên phải thi hành.
Những hạn chế này của thương lượng dễ bị lạm dụng trong thực tiễn giải quyết tranh chấp thương mại. Nhiều trường hợp vì thiếu sự thiện chí, hợp tác trong quá trình giải quyết vụ tranh chấp mà một bên đã tìm mọi cách trì hoãn quá trình thương lượng nhằm kéo dài vụ tranh chấp, nhất là khi thời hiệu khởi kiện không còn. Bởi vậy, các bên tranh chấp thường phải lưu ý, cân nhắc đến yếu tố này trước hoặc trong khi tiến hành thương lượng để có giải pháp lựa chọn hợp lí trong quá trình giải quyết tranh chấp thương mại.