Hiện nay, tranh chấp di sản thừa kế không còn xa lạ gì với nhiều người, án tranh chấp di sản thừa kế đã trở thành loại án có số lượng nhiều, phức tạp, kéo dài nhất trong các loại án hiện nay ở các cấp Tòa án. Tranh chấp di sản thừa kế không đơn thuần chỉ là mâu thuẫn, xung đột về lợi ích, về tài sản mà sâu xa là bất đồng, mâu thuẫn giữa cha mẹ, anh em, vợ chồng, con cái, thậm chí kéo dài nhiều thế hệ.
Dưới đây là vụ án tranh chấp di sản thừa kế kéo dài 05 năm tại tỉnh Đ.K do luật sư Văn phòng luật sư Đồng Đội tham gia bảo vệ quyền lợi cho nguyên đơn, đây là vụ án có nhiều quan hệ pháp luật đan xen, chồng chéo hết sức phức tạp, hơn nữa, vụ án đặt ra dấu hỏi lớn về tình cảm gia đình, ân nghĩa, về những giá trị truyền thống bị xói mòn khi đứng trước lợi ích vật chất.
Tóm tắt nội dung vụ án:
Bà P.T.L (nguyên đơn) và ông Ng.Đ.Th kết hôn ngày 21/9/1992. Trong quá trình hôn nhân, bà P.T.L và ông Ng.Đ.Th có một con chung, tên là Ng.Đ.T (sinh năm 1994). Ngày 03/9/1997, ông Ng.Đ.Th chết, không để lại di chúc. Bố mẹ của ông Ng.Đ.Th là ông Ng.Đ.X (đã chết năm 2021) và bà Ng.T.Đ (đã chết năm 2022). Theo bà P.T.L, vợ chồng ông bà có tạo lập được các tài sản chung trong thời kỳ hôn nhân bao gồm:
- Quyền sử dụng đất 1000m2 tại thị trấn Đk.M, huyện Kr.N, nằm ở khu vực Lâm nghiệp III do UBND huyện Krông Nô cấp cho ông Ng.Đ.T tại Quyết định 59/QĐ-UB ngày 25/7/1989. Năm 1996, vợ chồng bà P.T.L đã chuyển nhượng 300m2 đất trong diện tích quyền sử dụng đất này cho bà P.T.H nhưng chỉ giao dịch bằng miệng, không có giấy tờ. (Bà P.T.L không yêu cầu tòa giải quyết 300m2 này). 700 m2 đất còn lại do ông Ng.Đ.H, Ng.Đ.Đ (bị đơn) là em trai của ông Ng.Đ.Th quản lý, xây dựng nhà trên đất.
- Quyền sử dụng đất 43.453 m2 nguồn gốc do vợ chồng bà P.T.L khai hoang từ năm 1994 tại xã Đk.Đ, huyện Kr.N. Đến năm 2003, bà P.T.L cho ông Ng.Đ.Đ, Ng.Đ.H mượn toàn bộ diện tích đất này để canh tác. Hiện quyền sử dụng đất này đã được cấp các GCNQSDĐ như sau:
– Diện tích đất 7.748m2 thửa 107; Diện tích đất 7.052m2 thửa 116; Diện tích đất 3.600m2 thửa 159 cùng tờ bản đồ số 18, tại Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất số 045015 ngày 28/12/2006 tọa lạc tại xã Đk.Đ, huyện Kr.N mang tên hộ ông Ng.Đ.H và bà P.T.T. Tháng 10/2021, ông Ng.Đ.H, bà P.T.T đã chuyển nhượng toàn bộ 03 thửa đất trên cho ông L.V.H và bà Tr.T.L với giá là 1.750.000.000 đồng và đã được cấp GCN ngày 30/12/2021. Năm 2022, Ông Ng.Đ.H, bà P.T.T đã thế chấp 03 thửa đất trên tại Ngân hàng Sacombank để vay số tiền là 01 tỷ.
– Diện tích đất 25.053m2 thửa 106, tờ bản đồ số 18, Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất số 044973 ngày 28/12/2006 tọa lạc tại xã Đk.Đ, huyện Kr.N, mang tên ông Ng.Đ.Đ.
Năm 2009, ông Ng.Đ.Đ đã chuyển nhượng, sang tên các thửa đất trên cho: Ông Ng.H.Ch, vợ là bà H.T.Đ: diện tích 937 m2; Ông Ng.Q.H, vợ là bà Đ.T.Th: diện tích 14.091 m2; Ông Ng.V.H, vợ là bà P.T.Ng.B: diện tích 10.025m2. Sau đó năm 2011, ông Ng.V.H, vợ là bà P.T.Ng.B đã chuyển nhượng quyền sử dụng đất, sang tên cho ông Tr.C.C, bà Ng.T.Q.
* Yêu cầu khởi kiện của bà P.T.L: Năm 2019 bà P.T.L có đơn khởi kiện gửi TAND tỉnh Đk.N yêu cầu: Phân chia theo pháp luật đối với di sản thừa kế của ông Ng.Đ.T; Buộc ông Ng.Đ.Đ, Ng.Đ.H trả lại quyền sử dụng đất đối với các thửa đất trên; Huỷ các (07) GCNQSDD cấp trái pháp luật cho ông Ng.Đ.H – bà P.T.T; Ông NG.Đ.Đ; Ông L.V.H – bà Tr.T.L; Ông Ng.H.Ch – bà H.T.Đ; Ông Ng.Q.H – bà Đ.T.Th; Ng.Q.H – bà Đ.T.Th; Tr.C.C – bà Ng.T.Q.
Bố mẹ chồng, em chồng chối bỏ con dâu/chị dâu bất chấp sự thật khách quan:
Trong suốt quá trình khởi kiện bố mẹ của ông Ng.Đ.Th là ông Ng.Đ.X, bà Ng.T.Đ và hai người em của ông Ng.Đ.Th cho rằng ông Ng.Đ.Th và bà P.T.L không phải vợ chồng, không có quan hệ hôn nhân, bất chấp sự thật khách quan là bà P.T.L và ông Ng.Đ.Th kết hôn ngày 21/9/1992, có trích lục đăng kí kết hôn, có một con chung là anh Ng.Đ.T (sinh năm 1994). Hơn nữa, việc này đã được UBND xã Đk.Đ xác nhận tại Công văn số 27/CV-UBND ngày 26/3/2020 kèm theo trích lục kết hôn ngày 16/3/2018. Như vậy, đây là cơ sở pháp lý để chứng minh quan hệ vợ chồng giữa bà P.T.L và ông Ng.Đ.Th.
Sự thật khách quan là không thể chối bỏ và cần được tôn trọng, nhưng trong vụ án trên, bố mẹ không chỉ chối bỏ quan hệ với người con dâu đã tần tảo chăm sóc con trai họ lúc ốm đau đến khi qua đời mà còn khước từ quan hệ với người cháu trai nối dõi, có lẽ giá trị gia đình và tình thân đã không còn khi đứng trước lợi ích vật chất. Quá uất ức, ngày mở phiên tòa xét xử sơ thẩm vụ án trên bà P.T.L đã đem ảnh cưới đến chứng minh quan hệ vợ chồng vì vợ chồng bà có đăng ký kết hôn, cưới hỏi, tổ chức lễ cưới mời anh em, họ hàng đến dự.
Ân nghĩa cưu mang, giúp đỡ khi khó khăn và sự phủ nhận nguồn gốc đất:
Vợ chồng bà P.T.L là người khai hoang diện tích đất trên, nhưng chỉ vì thương em, cưu mang cho hai người em từ Sài Gòn ra không có đất để làm ăn nên vợ chồng bà P.T.L đã cho hai người em chồng mượn đất để canh tác. Đáp lại sự giúp đỡ đó hai người em bội bạc, bác bỏ toàn bộ nguồn gốc đất cũng như công sức khai hoang, tôn tạo của vợ chồng bà P.T.L.
Tuy nhiên, những tài liệu, chứng cứ về đất đai đã chứng minh nguồi gốc đất do vợ chồng bà P.T.L khai hoang, hơn nữa, tại phiên tòa sơ thẩm bà P.T.L đã giao nộp Quyết định thu hồi đất của UBND huyên Kr.N (thu hồi 3,7m2 đất trong diện tích 100m2 đất của vợ chồng bà P.T.L), bà Lợi đã được chi trả tiền đền bù đối với diện tích đất thu hồi trên. Việc này đã minh chứng cho việc bà Lợi là chủ sử dụng đất, khi Nhà nước thu hồi đất thì được chi trả tiền đền bù cho chủ sử dụng đất theo quy định của pháp luật.
Khi nào tài sản riêng nhập thành tài sản chung của vợ chồng?
Tại thời điểm ông Ng.Đ.T được cấp quyền sử dụng đất trên, ông Ng.Đ.T chưa kết hôn với bà P.T.L. Năm 1992 bà P.T.L kết hôn hợp pháp với ông Ng.Đ.T tại UBND xã Đắk Đrô, huyện Krông Nô, tỉnh Đắk Nông. Theo hồ sơ vụ án, cả hai vợ chồng ông bà cùng canh tác và thu lợi đối với tài sản hình thành trên đất trong một thời gian dài đến khi ông Ng.Đ.T mất. Việc cùng canh tác chung được thể hiện công khai, rõ ràng. Điều này thể hiện ý chí của ông Ng.Đ.T về việc nhập tài sản riêng trước hôn nhân vào tài sản chung vợ chồng. Mặt khác, tại thời điểm ông bà cùng canh tác nêu trên, pháp luật điều chỉnh không có quy định buộc các bên phải thoả thuận bằng văn bản về việc nhập tài sản riêng vào tài sản chung (Điều 16, 17 Luật Hôn nhân và Gia đình năm 1986). Do vậy, cần xác định 1000m2 đất trên là tài sản chung trong hôn nhân và mỗi người có quyền sở hữu ½ giá trị tài sản.
Giấy nộp tiền sử dụng đất/Biên lai thu thuế đất hàng năm có giá trị chứng minh nguồn gốc đất không?
Quá trình tranh tụng tại phiên toàn, ông Ng.Đ.H và ông Ng.Đ.Đ cho rằng các ông có giấy nộp tiền sử dụng đất để chứng minh quyền sử dụng đất của mình. Tuy nhiên nộp tiền sử dụng đất/biên lai thu thuế đất hàng năm là nghĩa vụ của người đang sử dụng đất thực tế phải nộp cho Nhà nước, các giấy nộp tiền trên không có giá trị chứng minh về nguồn gốc đất, quyền sử dụng đất của người sử dụng đất theo quy định pháp luật.
Tại Điều 100 Luật đất đai 2013 và tại Điều 18 Nghị định 43/2014/NĐ-CP quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Đất đai quy định các giấy tờ khác lập trước ngày 15/10/1993 đã quy định rõ về các loại giấy tờ về quyền sử dụng đất, trong đó không ghi nhận Giấy nộp tiền sử dụng đất/Biên lai thu thuế đất hàng năm là giấy tờ về quyền sử dụng đất. Đồng thời, tại điểm c khoản 3 Điều 4 Luật thuế sử dụng đất phi nông nghiệp 2010 quy định rõ: “Việc nộp thuế không phải là căn cứ để giải quyết tranh chấp về quyền sử dụng đất”.
Án lệ về tính công sức quản lý, duy trì, làm tăng giá trị quyền sử dụng đất là tài sản thừa kế chưa được áp dụng trong giải quyết vụ án chia di sản thừa kế:
Tại Khoản 2 Điều 59 LHNGĐ năm 2014, Điều 618 BLDS năm 2015 đã quy định một số trường hợp phải tính công sức đóng góp, do đó khi phân chia di sản thừa kế, HĐXX phải tính đến công sức quản lý, đóng góp, tôn tạo, duy trì, làm tăng giá trị quyền sử dụng đất là tài sản thừa kế của bà P.T.L. Mặt khác, tại Án lệ số 05/2016/AL nêu: “…nếu Tòa án quyết định việc chia thừa kế cho các thừa kế thì phải xem xét về công sức đóng góp của họ..” và tại Án lệ số 02/2016/AL nêu: “..khi giải quyết tranh chấp thì Tòa án phải xem xét và tính công sức bảo quản, giữ gìn, tôn tạo, làm tăng giá trị quyền sử dụng đất…”
Kế thừa quyền và nghĩa vụ tố tụng – quy định còn nhiều bất cập khi áp dụng trong thực tế:
Trong trình giải quyết vụ án trên thì bố mẹ của ông Ng.Đ.Th là ông Ng.Đ.X (đã chết năm 2021) và bà Ng.T.Đ (đã chết năm 2022), vấn đề đặt ra là ai sẽ là người kế thừa quyền, nghĩa vụ tố tụng của ông Ng.Đ.X, bà Ng.T.Đ?
Trong vụ án trên, HĐXX xác định hai người con của ông Ng.Đ.X, bà Ng.T.Đ là ông Ng.Đ.H, Ng.Đ.Đ là người kế thừa quyền và nghĩa vụ tố tụng của ông Ng.Đ.X, bà Ng.T.Đ. Tuy nhiên, theo quy định tại khoản 1, Điều 74 BLTTDS 2015 : “Trường hợp đương sự là cá nhân đang tham gia tố tụng chết mà quyền, nghĩa vụ về tài sản của họ được thừa kế thì người thừa kế tham gia tố tụng”. Như vậy, theo Điều 652 BLDS 2015 thì người trai của ông Ng.Đ.Th là anh Ng.Đ.T (sinh năm 1994) là người thừa kế thế vị phần di sản thừa kế của ông Ng.Đ.Th, vậy trong vụ án này anh Ng.Đ.T có được xác định là người kế thừa quyền nghĩa vụ tố tụng của ông Ng.Đ.X, bà Ng.T.Đ hay không là vấn đề chưa được HĐXX làm rõ.
Quyền khởi kiện tranh chấp di sản thừa kế trong một vụ án khác:
Như đã nêu ở phần trên, trong trình giải quyết vụ án trên thì bố mẹ của ông Ng.Đ.Th là ông Ng.Đ.X (đã chết năm 2021) và bà Ng.T.Đ (đã chết năm 2022), đồng thời người trai của ông Ng.Đ.Th là anh Ng.Đ.T liên tục cho rằng mình cũng có quyền thừa kế đối với phần di sản mà Ng.Đ.X và bà Ng.T.Đ được chia trong vụ án này. Trong trường hợp này anh Ng.Đ.T có quyền khởi kiện ở một án khác để đề nghị chia di sản thừa kế của ông bà để lại.
Qua vụ án trên cho thấy tranh chấp di sản thừa kế trở thành loại án phức tạp, sự tranh chấp, ganh đua, hơn thua diễn ra trong ngay cả trong mối quan hệ gia đình, giữa những người thân ruột thịt với nhau. Sự phủ nhận công lao, ân nghĩa, giúp đỡ khi ngày đầu lập nghiệp, chưa có gì trong tay phần nào cho thấy các giá trị, truyền thống, tình cảm gia đình ngày càng bị lu mờ giữa xã hội hiện đại và coi trọng vật chất. Có lẽ chưa bao giờ tình cảm gia đình lại bị đặt lên bàn cân như hiện nay.
Vai trò của luật sư trong giải quyết các vụ án tranh chấp di sản thừa kế:
Trong các vụ án tranh chấp di sản thừa kế, sự tham gia của luật sư ngay từ giai đoạn đầu của vụ án rất quan trọng, luật sư không chỉ là người tư vấn pháp luật, giúp khách hàng bảo vệ tốt nhất quyền và lợi ích hợp pháp của mình mà còn đóng vai trò
quan trọng là người hòa giải, hóa giải nhưng mâu thuẫn, xung đột trong gia đình. Nhiều vụ án khách hàng tìm đến luật sư tư vấn ngay từ giai đoạn đầu và luật sư đã giúp các bên tổ chức hòa giải thành công, việc này có ý nghĩa rất lớn vì khách hàng không chỉ giải quyết được những mâu thuẫn, giữ được tình cảm gia đình, tình cảm anh chị em, mà còn giúp cơ quan tố tụng không phải mất công giải quyết một vụ án, thực hiện một quá trình tố tụng mới, giúp tiết kiệm chi phí, tiền bạc, công sức của các bên.
Hơn nữa, luật sư không chỉ am hiểu các quy định pháp luật mà nhiều luật sư có kinh nghiệm thực tế, đã trải qua nhiều thăng trầm của cuộc sống, do đó những tư vấn của luật sư dựa trên những trải nghiệm, những câu chuyện có thật, được rút từ thực tiễn cuộc sống và quá trình hành nghề luật sư.
Thông tin liên hệ:
Văn phòng luật sư Đồng Đội: P2708, Tòa nhà VP3 Bán đảo Linh Đàm, Hoàng Liệt, Hoàng Mai, Hà Nội
Điện thoại: 0936.026.559 – Email: tranxuantien1964@gmail.com
Website: https://dongdoilaw.vn
Facebook: https://www.facebook.com/dongdoilaw
Youtube: https://www.youtube.com/c/VănphòngluậtsưĐồngĐội
Tiktok: https://www.tiktok.com/@vpls_dongdoi
Người viết: Hoàng Thị Lan
Gmail: hglan2210@gmail.com
Số điện thoại: 0972640117