Thời gian vừa qua, Luật sư tại Văn phòng Luật sư Đồng Đội có tham gia vụ án hình sự “cố ý gây thương tích” đã để lại cho các Luật sư tham gia và nhân viên tại văn phòng rất nhiều những kinh nghiệm quý giá về việc người đi tố cáo thành bị cáo và người bị tố cáo thành bị hại.
Nội dung vụ việc như sau: Do mâu thuẫn tranh chấp đất đai nên bà Đào Thị C đã kiện ông Nguyễn Văn D về việc “tranh chấp lối đi”. Trong quá trình giải quyết vụ án, bà Đào Thị C và Đỗ Anh T – người có quyền và nghĩa vụ liên quan đã có đơn đề nghị Tòa án áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời, buộc D phải tháo rào chắn, tháo dỡ nhà tạm, lấp rãnh, mở thông tuyến đường đúng như hiện trạng cũ đường đi cũ tại khu vực lối đi đang có tranh chấp. Sau quá trình xét xử, Tòa án đã ra quyết định bác bỏ toàn bộ yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn Đào Thị C và tạm giao cho ông D được quyền quản lý và sử dụng đối với diện tích đất và đường đi bờ ao, tuy nhiên, ông D phải dành cho gia đình bà C và các hộ dân một lối đi qua.
Ngày 13/03/2021, Cơ quan CSĐT Công an huyện H đã tiếp nhận đơn tố giác tội phạm của bà Phạm Thị H, sinh năm 1995 do Công an xã B huyện H chuyển đến với nội dung tố cáo Đỗ Anh T bị Nguyễn Văn D sinh năm 1960, Nguyễn Văn T1 sinh năm 1989, Nguyễn Tuấn Anh, sinh năm 1991 đánh gây thương tích. Hậu quả Đỗ Anh T bị thương tích vùng mặt và vùng đầu, Nguyễn Văn D bị thương tích tay phải đều phải đến cơ sở y tế để điều trị
Tuy nhiên, sau khi cơ quan CSĐT xác minh nội vụ việc như sau:
Khoảng 13h30 phút, ngày 13/03/2021, Nguyễn Văn D đi từ trung tâm xã B đến nhà thờ thôn D. Khi đi đến khu vực đất tranh chấp với nhà bà C, ông D thấy một số cột bê tông làm hàng rào của gia đình bị nhổ và vứt tại đó nên ông Dũng đi bộ đến kiểm tra. Cùng lúc đó, Đỗ Anh T điều khiển xe mô tô chở phía sau một chiếc sọt, trong đó, có 01 con dao bằng kim loại đi từ nhà Tấn, qua diện tích đất đang tranh chấp. Khi T đến chỗ ông D đang kiểm tra thì ông D chặn xe, cãi nhau với T và không cho Tấn tiếp tục đi qua phần đất đang tranh chấp làm xe của T đổ nghiêng sang trái rồi hai bên tiếp tục cãi chửi nhau. Khi T và D đang cãi nhau thì Nguyễn Văn T1 ( con đẻ của ông D) và một số người dân dâng có mặt tại nhà thờ gần đó đi đến. Sau đó, T rút con dao trong chiếc sọt buộc trên xe đi về phía ông D, thấy vậy ông D lùi về phía sau nơi T1 đang đứng thì T cầm dao chém về phía ông T một phát từ trên xuống dưới, ông d dơ tay phải lên đỡ nên bị T chém vào cẳng tay phải.
Thấy vậy, T1 nhặt một đoạn gậy bằng cành cọ vụt nhiều lần vào người T để T bỏ con dao, ngăn chặn T tiếp tục tấn công. Khi cành cọ đã vỡ mà T không bỏ dao ra thì T1 đã vứt cành cọ và lao vào giằng co, vật lộn với T để giằng dao của T. Lúc này Nguyễn Tuấn A đang đứng ở gần mép đường bê tông, thấy T dùng dao chém ông D nên đã chạy tới giúp T1 giữ người T và giằng được con dao từ tay của T vứt lên mặt được đang tranh chấp. Tiếp đó, T lấy đoạn dây thừng (đoạn dây dùng để buộc hàng rào) trói hai tay T lại để ngăn chặn hành vi gây thương tích và đưa T đến cơ quan có thẩm quyền để trình báo.
Nhưng chưa kịp đưa T đến cơ quan nhà nước thì người nhà của T đã đến hiện trường. Nguyễn Hoàng H là em vợ của T để ôm T1 để ngăn cản và do mọi người đến ông nên T1 và Tuấn A để T nằm tại đó.
Ông Nguyễn Văn D và Đỗ Anh T đều bị thương và được đưa đến cơ sở y tế để điều trị. Ông D được đưa đi điều trị, làm phẫu thuật nối gân tại Bệnh viện TWQĐ 108 Hà Nội. Nhưng T có đơn tố giác gia đình D tới Cơ quan CSĐT, Công an huyện H nên ông D đã nhờ Văn phòng Luật sư Đồng Đội để tham gia bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của D.
Sau khi tiếp nhận hồ sơ vụ án Trưởng văn phòng Luật sư Đồng Đội và các Luật sự của văn phòng đã nhanh chóng bắt tay vào việc giải quyết vụ án. Trong vụ án này có nhiều tình tiết quan trọng nếu không phát hiện kịp thời thì không thể làm thay đổi bản chất của vụ án.
1. Điều đọng lại của vụ án hình sự
Vụ án đã được đưa ra xét xử vào ngày 21/04/2023 và được tuyên án vào ngày 24/04/2023 ( trước đó, vụ án đã được xét xử sơ thẩm trong 4 ngày và cuối cùng phải trả hồ sơ để điều tra bổ sung). Theo đó, bị cáo T đã phải đối diện với mức phạt tù 3 năm 3 tháng cho hành vi coi thường tính mạng và sức khỏe của người khác.
Vụ việc trên đã đọng lại rất nhiều cảm xúc cũng như trải nghiệm quý giá đối với luật sư. Sau đây là một số kinh nghiệm rút ra đối với người tham gia tố tụng và với chính luật sư:
Thứ nhất, người tố giác lại trở thành bị cáo, người bị tố giác trở thành bị hại
Theo như nội dung vụ việc đã trình bày ở trên, D và T ( con rể của bà C) đã có tranh chấp đất đai với nhau. Mặc dù vụ án tranh chấp này đã được Tòa án 2 cấp xét xử với phán quyết cuối cùng là tạm giao cho ông D được quyền quản lý và sử dụng đối với diện tích đất và đường đi bờ ao và ông D phải dành cho gia đình bà C và các hộ dân một lối đi qua.
Rõ ràng, khi đã có phán quyết của Tòa, các bên đương sự trong vụ án tranh chấp này nên tuân thủ và thực hiện nghiêm túc theo quy định của pháp luật.
Tuy nhiên, Đỗ Anh T – là người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan trong vụ án lại tiếp tục gây hấn dẫn tới xô xát gây thương tích chỗ ông D. Do ông D là một người dân không am hiểu pháp luật nên khi vụ việc xảy ra, mặc dù là người bị gây thương tích nhưng ông D chỉ tự mình đi điều trị và cũng không có đơn tố giác hay yêu cầu gì đối với T.
Nhưng T là một người am hiểu pháp luật cho rằng quyền lợi của mình bị xâm phạm nên đã làm đơn tố giác tội phạm ông D, anh T1 và anh Tuấn A về hành vi cố ý gây thương tích để “dằn mặt” và ông D phải “trả giá” cho hành vi của mình.
Trong khi đó, nguyên tắc của giải quyết tranh chấp là tôn trọng sự thỏa thuận của các bên nên khi có tranh chấp xảy, nếu hai bên có thể hòa giải thì vụ việc sẽ giải quyết một cách nhanh chóng, tiết kiệm thời gian và chi phí cho hai bên. Vụ việc có lẽ đã kết thúc nếu như T và ông D cùng nhau bàn bạc, trao đổi với nhau.
Nhưng với bản tính háo thắng, vội vàng, coi thường pháp luật mà T đã không thể lường trước được bản thân T từ một người đi tố cáo người khác, lại trở thành bị cáo trong chính vụ việc của mình mà mình đã tố cáo.
Thứ hai, thay đổi hoàn toàn bản chất vụ án nhờ vào yêu cầu đề nghị giám định lại thương tích
Tại Quyết định trưng cầu giám định số 85, ngày 11/05/2021 của Cơ quan CSĐT công an huyện H tiến hành trưng cầu giám định viên Trung tâm pháp y tỉnh T, giám định thương tích, mức độ tổn hại phần trăm (%) sức khỏe của ông D.
Bản kết luận giám định Pháp y về thương thương tích số 72/2021/TgT, ngày 14/05/2021 của Trung tâm pháp y tỉnh T kết luận tỷ lệ tổn thương cơ thể do thương tích gây nên hiện tại là 03%.
Nhận thấy, bản kết luận giám định phản ánh không chính xác thương tích mà T đã gây ra cho ông D, Văn phòng Luật sư Đồng Đội đã tư vấn để ông D yêu cầu giám định lại.
Theo bản kết luận giám định pháp y về thương tích số 124/21/TgT ngày 02/07/2021 của Viện pháp y Quốc gia và bản kết luận pháp y lần II số 159/TgT ngày 19/10/2021 của Viện pháp y Quốc gia. Kết luận tỷ lệ tổn thương cơ thể do thương tích gây ra là 22%
Thứ ba, không có căn cứ chứng minh tỷ lệ tổn thương cơ thể của bị cáo T là do con trai ông D gây ra
Trong quá trình giải quyết vụ án CQĐT cho rằng T bị thương 12% (bản kết luận pháp y về thương tích số 62/2021/TgT, ngày 16/04/2021 của Trung tâm pháp y tỉnh T) là do con ông D thấy bố bị đánh nên đã ra can ngăn nên đây được coi là phòng vệ chính đáng, vì vậy, dù với thương tích 12% thì T không có tội.
Tại phiên tòa luật sư đã làm rõ, thương tích 12% của T hình thành trong ẩu đả, có khi T tự gây thương tích cho mình vì chính con ông D cũng bị gãy ngón tay nếu giám định thì sẽ là thương tích 6% (bản kết luận pháp y về thương tích số 71/2021/TgT, ngày 15/04/2021) mà không biết ai gây ra. Vậy nên không có căn cứ chứng minh tỷ lệ thương tích là do con ông D gây ra.
Thứ tư, không chấp nhận đề nghị thay đổi Kiểm sát viên của bị cáo
Tại phiên tòa, bị cáo có yêu cầu thay đổi kiểm sát viên vì cho rằng kiểm sát viên này đã tham gia vụ án tranh chấp lối đi mà Đỗ Anh T là người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan nên nếu kiểm sát viên này tham gia vụ án hình sự này là không khách quan.
Tuy nhiên, Luật sư đã phân tích theo quy định tại Điều 49, Điều 52 Bộ luật tố tụng hình sự năm 2015, sửa đổi bổ sung năm 2021, thì Kiểm sát viên phải từ chối tiến hành tố tụng hoặc bị thay đổi nếu thuộc trường hợp:
- Đồng thời là bị hại, đương sự; là người đại diện, người thân thích của bị hại, đương sự hoặc của bị can, bị cáo;
- Đã tham gia với tư cách là người bào chữa, người làm chứng, người giám định, người định giá tài sản, người phiên dịch, người dịch thuật trong vụ án đó;
- Có căn cứ rõ ràng khác để cho rằng họ có thể không vô tư trong khi làm nhiệm vụ.
- Đã tiến hành tố tụng trong vụ án đó với tư cách là Kiểm sát viên, Kiểm tra viên, Thẩm phán, Hội thẩm, Thẩm tra viên hoặc Thư ký Tòa án
Như vậy, theo quy định trên thì yêu cầu của bị cáo không có căn cứ để chấp nhận.
2. Kinh nghiệm rút ra từ vụ án hình sự
Nguyên tắc của giải quyết tranh chấp là tôn trọng sự thỏa thuận của các bên nên khi có tranh chấp xảy, nếu hai bên có thể hòa giải thì vụ việc sẽ giải quyết một cách nhanh chóng, tiết kiệm thời gian và chi phí cho hai bên. Tuy nhiên, không phải ai cũng có suy nghĩ như vậy nên đã dẫn đến hậu quả nghiêm trọng, khi người đi tố cáo lại thành bị cáo.
Vì vậy, khi xảy ra tranh chấp nên bình tĩnh, có cái đầu lạnh để điều chỉnh hành vi của mình phù hợp với chuẩn mực đạo đức và quy định pháp luật, tránh những trường hợp chỉ vì tranh chấp nhỏ mà khiến vụ việc càng thêm căng thẳng, khó khăn, nghiêm trọng và khó giải quyết. Điều này là rất quan trọng, bởi nếu không kiểm soát được hành vi của mình thì họ có thể phải gánh chịu hậu quả pháp lý nghiêm trọng từ chính những hành vi bộc phát, không suy nghĩ đó.
Bên cạnh đó, vai trò của người luật sư trong vụ án hình sự là rất quan trọng, là cầu nối giúp thân chủ có hành vi phù hợp và có thể bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của họ.
Trong vụ án hình sự, người luật sư cần nhìn nhận rõ bản chất của vụ việc, nêu theo “sợi dây công lý” để bảo vệ sự thật, bảo vệ lẽ phải. Khi nghiên cứu hồ sơ vụ việc, luật sư cần có cái nhìn khách quan, nắm chắc vụ việc để có thể đưa ra luận cứ thuyết phục cũng như có thể cô đọng ý để đặt ra câu hỏi phù hợp “đánh đúng, đánh trúng” vấn đề. Luật sư nên tránh trường hợp đưa ra các câu hỏi rườm rà, không đúng trọng tâm khiến vụ án càng trở nên rối rắm và tốn thời gian của những người tham gia vụ án.
Bên cạnh đó, người luật sư cũng cần lưu ý khi bảo vệ cho bị cáo trong vụ án hình sự. Luật sư nên khuyên ngăn, lý giải cho bị cáo hiểu vấn đề mà mình đang gặp phải để quá trình xét xử diễn ra nhanh chóng, tiết kiệm thời gian. Hơn thế nữa, nếu luật sư đưa ra lời khuyên và bị cáo hiểu được vấn đề thì sẽ có những giải pháp khắc phục phù hợp thì có thể giảm hình phạt, được hưởng khoan hồng của pháp luật. Điều này không chỉ phù hợp với đạo đức luật sư mà còn có thể giúp thân chủ của mình có được lợi ích tốt nhất trong vụ án hình sự.
Từ những kinh nghiệm nêu trên có thể thấy rằng, mỗi vụ án hình sự lại để lại dấu ấn sâu sắc đối với người luật sư. Từng vụ án là từng cảm xúc và kinh nghiệm khác nhau giúp luật sư có thể tích lũy thêm kinh nghiệm về hành nghề cũng như có thêm cái nhìn toàn cảnh về cuộc sống. Bên cạnh việc tích lũy thêm kinh nghiệm, luật sư cũng đưa ra lời khuyên cho mọi người khi tham gia vụ án hình sự, nên bình tĩnh, có cái đầu lạnh để điều chỉnh hành vi của bản thân tránh trường hợp đi tố cáo lại thành bị cáo.
3. Chuyện vui sau phiên tòa
Xuất phát từ việc là hàng xóm của nhau, gia đình bị cáo và bị hại đều cách trung tâm huyện H khoảng 30 km. Sau phiên tòa buổi sáng, gia đình bị hại và bị cáo đã tìm một quán ăn gần Tòa tranh thủ nghỉ ngơi để tiếp tục tham gia phiên tòa vào buổi chiều. Điều thú vị ở đây, là bị hại và bị cáo đều lựa chọn tại một nhà hàng, khi Luật sư cùng gia đình bị hại đến quán ăn thì đã thấy bị cáo và gia đình đã đến trước.
Mặc dù là người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho bị hại nhưng Luật sư rất rõ ràng trong công việc và cuộc sống đời thường. Nhiều người cho rằng việc nói chuyện với bị cáo là không nên nhưng Luật sư không nghĩ vậy, ra khỏi phiên tòa thì ai cũng đều có quyền của một công dân, không thể gắn cái “mác” bị cáo” để thể hiện thái độ không tốt đối với bị cáo và gia đình bị cáo.
Vì vậy, trong bữa cơm, Luật sư đã nói chuyện và chia sẻ với gia đình bị cáo : “Người phạm tội phải biết đối diện với sự thật, chuyện không nên có nếu gặp phải nên giải quyết trên nguyên tắc, tôn trọng lẫn nhau và được hưởng các tình tiết có lợi cho chính bản thân người phạm tội”
Luật sư mong muốn sau vụ việc này, bị cáo sẽ chấp hành tốt quy định của pháp luật để không rơi vào vết xe đổ do chính mình tạo ra.
Người viết: Nguyễn Thị Như Thùy – Lê Thị Lan Anh
Số điện thoại: 0367658315 – 0369731005
Thông tin liên hệ:
Văn phòng luật sư Đồng Đội: P2708, Tòa nhà VP3 Bán đảo Linh Đàm, Hoàng Liệt, Hoàng Mai, Hà Nội
Điện thoại: 0936.026.559 – Email: tranxuantien1964@gmail.com
Website: https://dongdoilaw.vn
Facebook: https://www.facebook.com/dongdoilaw
Youtube: https://www.youtube.com/c/VănphòngluậtsưĐồngĐội