Cán bộ, công chức trong cơ quan nhà nước ở tất cả các lĩnh vực luôn đóng vai trò rất quan trọng, họ được coi là nền tảng của bộ máy nhà nước, là chỗ dựa cũng như công cụ sắc bén góp phần thúc đẩy sự phát triển của đất nước. Và trong lĩnh vực pháp luật về thi hành án cũng vậy, các cán bộ trong thi hành án dân sự là những người thực thi pháp luật, đưa công lý vào thực tiễn cuộc sống. Bởi thế nên quy trình bổ nhiệm, miễn nhiệm chấp hành viên rất quan trọng và được nhiều người quan tâm, bài viết dưới đây sẽ phân tích về vấn đề này.
Người có thẩm quyền bổ nhiệm chấp hành viên là Bộ trưởng Bộ tư pháp. Để tham gia thi tuyển chấp hành viên, người dự thi phải có đủ tiêu chuẩn của gạch Chấp hành viên, quy định tại điều 18 Luật thi hành án dân sự và không thuộc trường hợp đang bị truy cứu trách nhiệm hình sự hoặc đang bị xem xét xử lý kỷ luật nhưng chưa có kết luận và quyết định cuối cùng của cơ quan tổ chức có thẩm quyền.
Hồ sơ đề nghị tham gia dự tuyển gồm:
– Văn bản đề nghị của Cục trưởng Cục Thi hành án dân sự đối với cơ quan thi hành án dân sự hoặc Cục trưởng Cục Thi hành án Bộ Quốc phòng đối với Phòng Thi hành án cấp quân khu.
– Sơ yếu lý lịch theo mẫu do Bộ Nội vụ ban hành có xác nhận của Cơ quan quản lý công chức hoặc theo quy định của Bộ Quốc phòng đối với trường hợp bổ nhiệm Chấp hành viên sơ cấp trong quân đội
– Giấy chứng nhận sức khỏe do bệnh viện đa khoa cấp huyện trở lên cấp còn trong thời hạn quy định, tính đến ngày nộp hồ sơ dự tuyển.
– Quyết định tuyển dụng công chức và quyết định bổ nhiệm vào ngạch hiện tại của công chức dự thi.
– Bằng Cử nhân Luật trở lên (Bản sao có chứng thực)
– Văn bằng đào tạo nghiệp vụ thi hành án dân sự (Bản sao có chứng thực)
– Xác nhận của Cục trưởng Cục Thi hành án dân sự về:
+ Thời gian làm công tác pháp luật
+ Kết quả đánh giá công chức trong thời gian 03 năm liên tục gần nhất (2020, 2021,2022)
Trình tự thủ tục miễn nhiệm Chấp hành viên được quy định tại Điều 19 Luật Thi hành án dân sự, việc miễn nhiệm Chấp hành viên được thực hiện như sau:
– Chấp hành viên đương nhiên được miễn nhiệm trong trường hợp nghỉ hưu hoặc chuyển công tác tới cơ quan khác
Đối với ác trường hợp sau đây sẽ do Bộ trưởng Bộ Tư pháp xem xét, quyết định miễn nhiệm:
- Do hoàn cảnh gia đình hoặc sức khỏe mà xét thấy không thể bảo đảm hoàn thành nhiệm vụ Chấp hành viên;
- Năng lực chuyên môn, nghiệp vụ không bảo đảm thực hiện nhiệm vụ Chấp hành viên hoặc vì lý do khác mà không còn đủ tiêu chuẩn để làm Chấp hành viên.
Quy định về cách chức chức danh Chấp hành viên
Chấp hành viên có thể bị cách chức chức danh Chấp hành viên khi thuộc một trong các trường hợp sau đây:
– Vi phạm quy định của pháp luật trong quá trình tổ chức thi hành án chưa đến mức bị buộc thôi việc hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự nhưng xét thấy cần phải áp dụng hình thức kỷ luật cách chức chức danh Chấp hành viên.
– Vi phạm nghiêm trọng quy định tại Điều 21 Luật Thi hành án dân sự mà xét thấy cần thiết phải áp dụng hình thức kỷ luật cách chức chức danh Chấp hành viên.
Có thể thấy quy trình thủ tục bổ nhiệm cũng như bãi nhiệm, cách chức của Chấp hành viên được quy định khá nghiêm ngặt, bởi chấp hành viên là người thi hành các bản án, quyết định của Tòa án do đó đòi hỏi Chấp hành viên phải đáp ứng đầy đủ các điều kiện cả về phẩm chất lẫn chuyên môn để đảm bảo việc thực thi pháp luật được diễn ra khách quan, đúng quy định. Tuy nhiên thực tế có rất nhiều Chấp hành viên đã vi phạm nghiêm trọng trong quá trình thi thành án, đặc biệt là trong cưỡng chế thi hành án. Một vụ việc gần đây đang nhận được rất nhiều sự quan tâm trong dư luận về sai phạm của Chấp hành viên trong Thi hành án dân sự ở Yên Bái. Viện kiểm sát nhân dân tối cao thi hành lệnh bắt tạm giam đối với bà Trần Thị Hoa – Chấp hành viên thuộc Chi cục Thi hành án Dân sự TP Yên Bái để điều tra về tội “Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng”. Theo thông tin nhận được, ông Triệu Quốc Việt – Giám đốc công ty TNHH Trường Minh đã tố cáo bà Trần Thị Hoa cố tình thực hiện thi hành bản án sai, vi phạm pháp luật nghiêm trọng và có dấu hiệu lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ. Trong quá trình Chi cục Thi hành án Dân sự TP Yên Bái thực hiện xử lý tài sản bảo đảm khoản vay theo quyết định, Chấp hành viên Trần Thị Hoa đã thiếu trách nhiệm trong việc kê biên, thẩm định, bán đấu giá tài sản và cưỡng chế giao tài sản không đúng, gây thiệt hại lớn về tiền và tài sản cho bên đương sự là công ty TNHH Trường Minh. Sau hơn 4 tháng điều tra, Cơ quan điều tra Viện kiểm sát Nhân dân tối cao đã ra quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can và ra lệnh bắt tạm giam đối với bà Trần Thị Hoa. Đây chỉ là một trong các trường hợp sai phạm ở thực tế, cách làm việc tiêu cực, không trung thực, không đúng pháp luật của Chấp hành viên không chỉ gây thiệt hại, búc xúc cho đương sự nói riêng mà còn cho nhân dân nói chung, cũng vì thế mà tỷ lệ các đơn tố cáo, tố giác ngày càng nhiều.
Theo quy định số 132-QĐ/TW năm 2023 về kiểm soát quyền lực, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong hoạt động điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án. Theo đó đối với các hành vi vi phạm, lợi dụng, lạm dụng chức vụ, quyền hạn, lạm quyền, tham nhũng, tiêu cực sẽ bị xử lý theo điều 11 tại quy định này. Căn cứ vào đó, khi Chấp hành viên sai phạm sẽ bị xử lý nghiêm minh theo quy định của Đảng, pháp luật nhà nước và quy định của cơ quan, tổ chức, đơn vị. Thực tế đối với những sai phạm của Chấp hành viên khi có ý kiến, khiếu nại, tố cáo của đương sự thì sẽ tạm dừng việc tổ chức thi hành án đề xác minh, làm rõ và có biện pháp xử lý, khắc phục kịp thời, đồng thời sau khi điều tra về hành vi sai phạm, CHV có thể bị điều chuyển khỏi vị trí đang công tác, bị thay thế, cho thôi giữ chức, miễn nhiệm, từ chức, không bố trí công tác liên quan đến hoạt động tố tụng, thi hành án và các hoạt động khác có liên quan; thu hồi, không bổ nhiệm lại các chức danh tư pháp, bổ trợ tư pháp cũng như các hoạt động khác có liên quan đến tố tụng, thi hành án.
Ngày nay, công cuộc phòng chống tiêu cực trong hoạt động Thi hành án dân sự nhận được rất nhiều quan tâm, tình trạng chấp hành viên vi phạm vẫn có, bởi vậy cần phải tăng cường kiểm tra, thanh tra, giám sát chặt chẽ. Bên cạnh đó mỗi cán bộ, công chức, viên chức THADS cần tự răn mình, giữ mình, khách quan trong quá trình thực thi nhiệm vụ, không để xảy ra sai phạm, tiêu cực, ảnh hưởng đến bản thân, gia đình và cơ quan. Cùng nhau xây dựng hình ảnh “thân thiện”, “gần gũi” của người làm công tác THADS trong con mắt người dân, các bên có liên quan đến quá trình thi hành án và trong xã hội.
Người viết: Thu Hương – VPLS Đồng Đội
Người hướng dẫn: Luật sư Trần Xuân Tiền
___
Thông tin liên hệ:
Văn phòng luật sư Đồng Đội: P2708, Tòa nhà VP3 Bán đảo Linh Đàm, Hoàng Liệt, Hoàng Mai, Hà Nội
Điện thoại: 0936.026.559 – Email: tranxuantien1964@gmail.com
Website: https://dongdoilaw.vn
Facebook: https://www.facebook.com/dongdoilaw
Youtube: https://www.youtube.com/c/VănphòngluậtsưĐồngĐội
Tiktok: https://www.tiktok.com/@vpls_dongdoi