Khi xã hội ngày càng hiện đại và phát triển, kéo theo đó là những thay đổi về rất nhiều mặt ở các lĩnh vực: kinh tế – xã hội – lối sống. Một mặt với sự phát triển của xã hội hiện đại làm cho chất lượng cuộc sống của con người được ngày càng tốt hơn, nhưng mặt khác lại làm nảy sinh ra những vấn đề mới mà trước đây con người chưa từng gặp, chưa trải nghiệm, chưa biết cách đương đầu, đồng thời mức độ phức tạp, khó khăn của những vấn đề cũ đã gặp trước đây cũng có xu hướng tăng lên.
Có thể thấy trong xã hội hiện đại ngày nay con người càng cần có những trang bị về mặt kỹ năng sống để thích nghi tốt hơn nhằm mục đích nâng cao chất lượng cuộc sống. Thay vì phải đợi những trải nghiệm của bản thân để tích luỹ kỹ năng sống cho mình, hiện nay cũng đã có rất nhiều người, đặc biệt là các bạn trẻ đã chủ động tìm đến những trung tâm đào tạo kỹ năng sống, những khoá học trải nghiệm thực tiễn về kỹ năng sống…v.v…
Hiện nay, đã có rất nhiều cá nhân, tổ chức mong muốn có nhu cầu thành Tổ chức, cơ sở đào tạo về kỹ năng sống. Vậy làm thế nào để hoạt động đào tạo này đi vào hoạt động một cách chuyên nghiệp, bài bản và tuân thủ đúng với quy định của pháp luật. Văn phòng Luật sư Đồng đội sẽ giới thiệu đến quý khách hàng những điều kiện và thủ tục thành lập doanh nghiệp, cơ sở với mục đích hoạt động nhằm đào tạo về kỹ năng sống.
I. Cơ sở pháp lý
Luật số: 43/2019/QH14 ngày 14/6/2019 của Quốc hội ban hành về Luật Gáo dục;
Nghị định số: 84/2020/NĐ-CP ngày 17/7/2020 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Giáo dục;
Thông tư số: 04/2014/TT-BGDĐT ngày 28/2/2014 của Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành Quy định Quản lý hoạt động giáo dục kỹ năng sống và hoạt động giáo dục ngoài giờ hành chính.
II. Hiểu như thế nào về kỹ năng sống ?
Kỹ năng sống là những hành vi giúp cá nhân thích nghi với môi trường sống, tồn tại trong môi trường. Các kỹ năng sống có thể được tiếp thu thông qua giáo dục, trải nghiệm cuộc sống. Theo UNESCO thì: “kỹ năng sống là năng lực của mỗi cá nhân để thực hiện đầy đủ các chức năng và tham gia vào cuộc sống hàng ngày.”
Trong đó WTO định nghĩa về kỹ năng sống đó là: “ Những kỹ năng mang tính chất tâm lý xã hội và kỹ năng giao tiếp được vận dụng nhiều trong các tình huống hàng ngày, để tương tác có hiệu quả với người khác và giải quyết có hiệu quả những vấn đề, những tình huống của cuộc sống hàng ngày.”
Theo quy định tại khoản 1, Điều 2 Chương I Thông tư số: 04/2014/TT-BGDĐT ngày 28/2/2014 quy định: “ Hoạt động giáo dục kỹ năng sống là hoạt động giáo dục giúp cho người học hình thành và phát triển những thói quen, hành vi, thái độ tích cực, lành mạnh trong việc ứng xử các tình huống của cuộc sống cá nhân và tham gia đời sống xã hội, qua đó hoàn thiện nhân cách và định hướng phát triển bản thân tốt hơn dựa trên nền tảng các giá trị sống”.
III. Điều kiện mở trung tâm đào tạo kỹ năng sống.
1. Các đối tượng được phép thành lập và hoạt động trung tâm đào tạo kỹ năng sống.
Theo quy định tại Điều 1 Thông tư số: 04/2014/TT-BGDĐT ngày 28/02/2014 của Bộ Giáo dục và Đào tạo, có 03 nhóm đối tượng sau đây được phép mở trung tâm đào tạo kỹ năng sống:
Nhóm 1: Các cơ sở giáo dục (bao gồm nhà trẻ, trường mầm non, trường tiểu học, trường trung học cơ sở, trung học phổ thông, trường năng khiếu, trường trung cấp, cao đẳng, trường đại học… được Sở hoặc Bộ Giáo dục cấp phép hoạt động);
Nhóm 2: Các công ty, doanh nghiệp được cấp giấy phép kinh doanh theo quy định của Luật Doanh nghiệp, có đăng ký ngành nghề về giáo dục;
Nhóm 3: Các trung tâm của các tổ chức chính trị – xã hội, tổ chức xã hội nghề nghiệp có hoạt động trong lĩnh vực giáo dục kỹ năng sống và hoạt động giáo dục ngoại khóa.
2. Điều kiện về cơ sở vật chất cần đáp ứng – Điều 4, Chương II Thông tư số: 04/2014/TT-BGDĐT ngày 28/02/2014 có quy định như sau:
Trung tâm đào tạo kỹ năng sống cần phải có đầy đủ phòng học, phòng chức năng, có đầy đủ thiết bị, âm thanh, ánh sáng và đảm bảo đáp ứng các yêu cầu về vệ sinh học đường;
Trang thiết bị dạy học phải bảo đảm an toàn, phù hợp với nội dung giảng dạy, hoạt động và tâm lý từng lứa tuổi người học.
3. Điều kiện về đội ngũ nhân sự – Điều 5, Chương II Thông tư số: 04/2014/TT-BGDĐT ngày 28/02/2014 có quy định các giáo viên, báo cáo viên, huấn luyện viên tham gia giảng dạy, công tác tại trung tâm cần đáp ứng các điều kiện sau đây:
– Đáp ứng điều kiện về sức khỏe;
– Tư cách, phẩm chất đạo đức tốt; đang không trong thời gian bị kỷ luật hoặc không bị truy cứu trách nhiệm hình sự;
– Có chứng chỉ nghiệp vụ sư phạm và am hiểu các lĩnh vực kỹ năng sống hoặc các hoạt động giáo dục có liên quan.
4. Điều kiện về giáo trình, tài liệu giảng dạy – Điều 4, Chương II Thông tư số: 04/2014/TT-BGDĐT ngày 28/02/2014 quy định:
Trung tâm đào tạo kỹ năng sống phải có đủ giáo trình, tài liệu giảng dạy do Bộ Giáo dục và Đào tạo phê duyệt hoặc ban hành;
Tài liệu, giáo trình giảng dạy phải đảm bảo yêu cầu, có nội dung phù hợp với thuần phong mỹ tục Việt Nam, không trái với các quy định của pháp luật.
Lưu ý:
Nếu trung tâm tự xây dựng hoặc tự chọn giáo trình, tài liệu giảng dạy thì phải được sự phê duyệt của cơ quan có thẩm quyền.
IV. Quy trình, thủ tục thành lập trung tâm đào tạo kỹ năng sống
Theo quy định tại Thông tư 04/2014/TT-BGDĐT ngày 28/4/2014 đã hướng dẫn ở trên, ngoài các cơ sở giáo dục đã được cấp phép thì cá nhân, tổ chức muốn mở trung tâm đào tạo kỹ năng sống phải thành lập doanh nghiệp và có đăng ký kinh doanh ngành nghề về giáo dục. Việc này được thực hiện theo các bước sau:
Bước 1:
Điều kiện thành lập doanh nghiệp về giáo dục
Có 5 loại hình công ty, doanh nghiệp theo quy định pháp luật hiện hành để có thể lựa chọn bao gồm: doanh nghiệp tư nhân, công ty TNHH 1 thành viên, công ty hợp danh, công ty TNHH 2 thành viên trở lên và công ty cổ phần. (Luật Doanh nghiệp năm 2020).
Hồ sơ thành lập công ty về giáo dục
Thành phần hồ sơ thành lập doanh nghiệp về giáo dục gồm có;
- Giấy đề nghị đăng ký thành lập doanh nghiệp về giáo dục (theo mẫu quy định);
- Bản điều lệ công ty, doanh nghiệp hoạt động giáo dục;
- Bản sao chứng thực giấy tờ pháp lý cá nhân của người đại diện theo pháp luật;
- Danh sách thành viên góp vốn kèm theo bản sao chứng thực giấy tờ pháp lý của các thành viên (nếu thành lập công ty TNHH 2 thành viên trở lên hoặc công ty hợp danh);
- Danh sách cổ đông sáng lập kèm theo bản sao chứng thực giấy tờ pháp lý của các cổ đông (nếu thành lập công ty cổ phần);
- Giấy ủy quyền cá nhân làm thủ tục thành lập công ty tại cơ quan có thẩm quyền (nếu có)
Lưu ý:
Về giấy tờ pháp lý của người đại diện pháp luật, chủ sở hữu công ty, thành viên, cổ đông được quy định như sau:
Đối với cá nhân: Bản sao chứng thực CMND/CCCD/hộ chiếu còn thời hạn trong 6 tháng;
Đối với tổ chức: Bản sao chứng thực quyết định thành lập/giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp kèm theo văn bản cử người đại diện theo ủy quyền của tổ chức, bản sao chứng thực CMND/CCCD/hộ chiếu của người đại diện theo ủy quyền.
Mã ngành nghề về giáo dục cần đăng ký
Khi thành lập doanh nghiệp về đào tạo kỹ năng sống, bạn cần đăng ký mã ngành nghề sau đây:
Mã ngành nghề | Tên và chi tiết ngành nghề |
8559 | Giáo dục khác chưa được phân vào đâu
Chi tiết: Hoạt động giáo dục, đào tạo kỹ năng sống (Thông tư 04/2014/TT-BGDĐT ngày 28/4/2014 của Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành quy định quản lý hoạt động giáo dục kỹ năng sống và hoạt động giáo dục ngoài giờ chính khóa) |
Cách thức nộp hồ sơ và thời gian được cấp giấy phép kinh doanh
Tùy theo yêu cầu của từng tỉnh thành mà người được ủy quyền thực hiện thủ tục thành lập công ty có thể nộp hồ sơ trực tiếp tại Phòng Đăng ký kinh doanh cấp tỉnh hoặc tiến hành đăng ký tài khoản và nộp hồ sơ online trên Cổng thông tin quốc gia về đăng ký doanh nghiệp.
Trong trường hợp hồ sơ đầy đủ, hợp lệ, thì sau 3 ngày làm việc kể từ thời điểm nhận được hồ sơ, Phòng Đăng ký kinh doanh sẽ cấp giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp (hay còn gọi là giấy phép kinh doanh) cho công ty giáo dục đào tạo kỹ năng sống.
Bước 2: Xin giấy phép về hoạt động giáo dục kỹ năng sống
Hồ sơ xin cấp phép hoạt động giáo dục kỹ năng sống
Thành phần hồ sơ xin cấp phép hoạt động giáo dục kỹ năng sống gồm có:
- Tờ trình đề nghị xin cấp phép hoạt động giáo dục kỹ năng sống, hoạt động giáo dục ngoài giờ chính khóa;
- Giấy phép đăng ký kinh doanh;
- Danh sách và lý lịch trích ngang kèm theo các minh chứng hợp lệ của đội ngũ ban lãnh đạo, giáo viên, huấn luyện viên, báo cáo viên tham gia vào việc tổ chức và thực hiện các hoạt động giáo dục kỹ năng sống, giáo dục ngoại khóa;
- Bản kế hoạch hoạt động chi tiết, giáo trình và tài liệu giảng dạy, huấn luyện.
Lưu ý:
Nội dung tờ trình xin cấp phép phải nêu rõ mục tiêu, nhiệm vụ, chương trình và nội dung đào tạo, bồi dưỡng; cơ sở vật chất, thiết bị, địa điểm, tổ chức bộ máy, tài chính và các nguồn lực khác; cam kết đảm bảo an ninh, trật tự, vệ sinh môi trường, thực hiện nghiêm túc quy định của các cấp quản lý nơi tổ chức hoạt động giáo dục kỹ năng sống và hoạt động giáo dục ngoài giờ chính khóa;
Danh sách và lý lịch trích ngang phải ghi rõ đầy đủ họ tên, chức vụ, trình độ học vấn, nghề nghiệp, năng lực sư phạm và am hiểu các lĩnh vực kỹ năng sống hoặc hoạt động giáo dục có liên quan của đội ngũ ban lãnh đạo, giáo viên, báo cáo viên, huấn luyện viên.
Thủ tục cấp giấy phép hoạt động
Cơ quan có thẩm quyền cấp giấy phép:
Giám đốc Sở Giáo dục & Đào tạo cấp tỉnh nơi đăng ký hoạt động;
Hiệu trưởng trường đại học, cao đẳng cấp phép cho trung tâm hoạt động giáo dục kỹ năng sống nằm trong khuôn viên trường.
Quy trình giải quyết hồ sơ:
Sau khi chuẩn bị đầy đủ hồ sơ, người đại diện của doanh nghiệp hoặc trung tâm giáo dục kỹ năng sống nộp hồ sơ tới cơ quan có thẩm quyền;
Trong vòng 15 ngày làm việc kể từ ngày nhận được hồ sơ đầy đủ và hợp lệ, cơ quan có thẩm quyền sẽ thẩm định hồ sơ và cấp giấy phép cho trung tâm đào tạo kỹ năng sống. Trường hợp từ chối cấp phép sẽ có văn bản trả lời và nêu rõ lý do.
Những thủ tục cần thực hiện sau khi có giấy phép
Sau khi được cấp giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp về đào tạo kỹ năng sống, doanh nghiệp phải thực hiện các thủ tục sau đây:
Khắc dấu – in bảng hiệu;
Thông báo phát hành hoá đơn điện tử và tài khoản ngân hàng;
Khai thuế ban đầu.
Để tiết kiệm thời gian, chi phí cũng như hạn chế những sai sót khi chuẩn bị hồ sơ đăng ký thành lập doanh nghiệp và xin giấy phép hoạt động cho trung tâm đào tạo về kỹ năng sống. Bài viết trên đây chỉ mang tính tham khảo chung đến quý khách hàng. Không phải là nội dung tư vấn nhằm giải quyết các nhu cầu pháp lý cụ thể của từng khách hàng. Để được tư vấn đầy đủ và chính xác nhất. Quý khách vui lòng liên hệ Văn phòng Luật sư Đồng Đội theo số điện thoại: 0936 026 559 để nhận được sự hỗ trợ từ các luật sư tư vấn và chuyên viên pháp lý của Văn phòng.
Trân trọng cảm ơn!
Người viết: Trương Văn Dũng
Tham vấn: Luật sư Trần Xuân Tiền
Thông tin liên hệ:
Văn phòng luật sư Đồng Đội: P2708, Tòa nhà VP3 Bán đảo Linh Đàm, Hoàng Liệt, Hoàng Mai, Hà Nội
Điện thoại: 0936.026.559 – Email: tranxuantien1964@gmail.com
Website: https://dongdoilaw.vn
Facebook: https://www.facebook.com/dongdoilaw
Youtube: https://www.youtube.com/c/VănphòngluậtsưĐồngĐội
Tiktok: https://www.tiktok.com/@vpls_dongdoI