Thông thường, khi có nhu cầu trợ giúp pháp lý hay tư vấn pháp luật, khách hàng tìm đến các tổ chức hành nghề luật sư (Văn phòng luật sư, Công ty luật…) để nhờ đến sự giúp đỡ của những luật sư có kiến thức, có kinh nghiệm giải quyết những vấn đề của mình. Khi đó, các bên sẽ ký một hợp đồng – được gọi là hợp đồng dịch vụ pháp lý với những điều khoản cụ thể, quy định rõ ràng về quyền, nghĩa vụ của các bên, các công việc, thời hạn thực hiện công việc… Các khách hàng đa phần không am hiểu pháp luật nên chỉ ký vào hợp đồng. Bởi nghề luật sư cũng giống như nghề bác sĩ nên mọi người nghĩ không nên mặc cả mà dựa vào niềm tin!
Điều này đúng nhưng chưa đủ bởi luật sư là một nghề đặc biệt, hoạt động hành nghề của luật sư tuân thủ Luật luật sư và bộ quy tắc đạo đức khá hoàn thiện, chi tiết và nhân văn. Theo đó, khách hàng muốn nhận dịch vụ pháp lý của luật sư phải có thủ tục mời luật sư và ký kết Hợp đồng pháp lý với các điều khoản rõ ràng, không trái pháp luật, trái đạo đức và trên nguyên tắc tôn trọng, bình đẳng.
Tuy nhiên trong thực tế, có chuyện luật sư làm giúp do quen biết nên không ký hợp đồng pháp lý, có việc hợp đồng pháp lý chưa giao kết thì các bên đã gửi thủ tục luật sư đến cơ quan tố tụng, hay đã ký hợp đồng pháp lý nhưng hợp đồng này lại chứa các điều khoản bất lợi cho khách hàng… Do đó, cá biệt có trường hợp luật sư bị tố lừa dối khách hàng, (tiền nhận nhiều, nhận ngay khi ký hợp đồng nhưng việc lại không làm, chỉ hứa hão huyền. Điều này là vi phạm đạo đức nghề luật sư – không được hứa kết quả).
Xuất phát từ thực tiễn khá phức tạp nên có không ít khách hàng khi gặp luật sư đã yêu cầu, đòi hỏi nhiều điều vô lý như cam kết thời gian xong vụ A vụ B, yêu cầu phải có kết quả mới trả tiền, hay đòi lại tiền công tác phí, thù lao khi công việc không như ý khách hàng.
Những hạt sạn ở ngành nào lĩnh vực nào cũng có, vấn đề là cách ứng xử, là quan điểm hành nghề, là đạo đức của từng luật sư để tạo niềm tin cho khách hàng. Vậy nên khách hàng cần phải tìm hiểu kĩ luật sư mình cần mời về các khía cạnh:
– Thứ nhất, luật sư đó có quan điểm hành nghề, có đạo đức luật sư, có tinh nhanh, có khí phách không? Hay có nặng quá về tiền bạc không?
– Thứ hai, luật sư đã hành nghề bao lâu, có điều tiếng gì không, có ghi danh vụ việc nào, có lĩnh vực nào nổi trội tạo nên khác biệt không? Tổ chức hành nghề luật sư đó có phát triển, đông nhân lực không? Họ có danh, có phận ra sao trên làng nghề và trong xã hội… Tóm lại, khách hàng cần phải khái quát được nhân cách, trình độ của vị luật sư cần mời.
– Thứ ba, luật sư đó có giải pháp giảm thù lao, chi phí luật sư từ việc chủ động đào tạo nhân lực tốt, tinh thần phục vụ cao để làm việc có hiệu suất hay không? “Sếp” của tổ chức hành nghề luật sư có trình độ quản lý, có mối quan hệ sâu rộng để hợp tác chia sẻ nghiệp vụ, thu hút nhân tài, thu hút được những luật sư tận tâm vì khách hàng mà không đòi hỏi nhiều đến vật chất hay không?
Tìm hiểu được các khía cạnh này, khách hàng phần nào sẽ đánh giá khái quát về luật sư và tổ chức hành nghề luật sư muốn mời để bảo vệ quyền lợi cho mình. Từ đó, có cơ sở để quyết định có ký hợp đồng pháp lý với tổ chức hành nghề luật sư đó hay không nhằm tránh những rủi ro có thể phát sinh sau này.
Vừa qua luật sư của Văn phòng gửi dự thảo hợp đồng pháp lý với mục đích tư vấn thường xuyên cho một bệnh viện lớn tại Hà Nội. Nội dung cơ bản thì các bên đều hài lòng. Tuy nhiên, tôi có yêu cầu thêm một điều khoản nữa là bên khách có quyền chấm dứt hợp đồng pháp lý tại bất kỳ thời điểm nào và không phải bồi thường, tiền thù lao trả theo định kỳ vào ngày cuối cùng của mỗi tháng.
Điều này khiến cho khách hàng của tôi cảm thấy yên tâm hơn. Họ không phải lo lắng đến chuyện hợp đồng với luật sư bị hớ, bị cài, bị làm khó (Ví dụ có luật sư làm hợp đồng dịch vụ pháp lý bắt nộp toàn bộ tiền tư vấn thường xuyên của 6 tháng đến 01 năm ngay sau khi ký hợp đồng và không hoàn lại trong mọi trường hợp). Quan điểm của tôi thì tiền quý thật, nhưng lấy được niềm tin, sự an tâm cho khách hàng, để khách hàng nhớ đến luật sư mỗi khi có việc mới là điều đáng quý.
Chính vì thế nên tôi cho rằng bản thân mình chịu thiệt một chút không sao, mà khách hàng không hài lòng là cũng phải xem lại mình, (cũng có khách hàng thấy điều khoản ‘lỏng’ thì lợi dụng, công việc đang thuận lợi thì xin rút; ví như thu nợ, khi khách nhận được tiền hàng tháng thì lại xin thanh lý hợp đồng để họ tự thu tự nhận và đỡ mất phí.. Có khách hàng như thế và họ cũng không khá được vì nguyên tắc “gái có công thì chồng không phụ”, không nên ăn không của ai nhưng cũng không thể để ai ăn không của mình)
Luật sư cần có tinh thần phục vụ cầu thị tôn trọng khách hàng, chịu thiệt đúng thời điểm (coi đây là khoản đầu tư uy tín) thì sẽ phát triển và lâu bền. “Ăn ít no lâu” mà, các cụ dạy không bao giờ thừa.
Cũng xin trân trọng gửi lời cảm ơn tới quý khách hàng đã tin tưởng và sử dụng dịch vụ của Văn phòng Luật sư Đồng Đội trong những năm qua. Hy vọng sang năm tới, cũng như nhiều năm về sau, Văn phòng vẫn luôn được hân hạnh đồng hành và phục vụ nhiều quý khách hàng, quý đối tác..
Sự hài lòng của quý khách hàng là mục tiêu hàng đầu của Văn phòng Luật sư Đồng Đội chúng tôi!
Trên đây là một vài vấn đề cần lưu ý khi ký kết hợp đồng với các tổ chức hành nghề luật sư. Hy vọng nội dung bài viết sẽ giúp ích cho các bạn. Chúc các bạn thành công!
Thông tin liên hệ:
Văn phòng luật sư Đồng Đội: P2708, Tòa nhà VP3 Bán đảo Linh Đàm, Hoàng Liệt, Hoàng Mai, Hà Nội
Điện thoại: 0936.026.559 – Email: tranxuantien1964@gmail.com
Website: https://dongdoilaw.vn
Facebook: https://www.facebook.com/dongdoilaw
Youtube: https://www.youtube.com/c/VănphòngluậtsưĐồngĐội