Đừng nói rằng mình không biết – Mà hãy nói rằng mình chưa biết và mình sẽ biết !
Học từ xã hội, học từ nhiều nguồn, đường đi là do mình lựa chọn và mở ra. Chưa quen thì làm sẽ quen. Việc nào chưa làm được thì cố gắng sức mà làm cho được, tìm cách học làm cho được!
“Xôi hỏng bổng không – Tham bát bỏ mâm” đó chính là thực trạng của sinh viên khi cứ lao vào tìm kiếm số tiền trước mắt mà không bỏ sức ra học nghề học việc. Trước khi đòi hỏi về phí thì hãy hỏi mình đã tạo được giá trị gì hiện vật gì, nguồn ngân sách… gì cho Văn phòng cho tổ chức. Lương là chính sức lao động của mình!Mình phải là người tạo ra lương, tạo ra giá trị cho người sử dụng lao động thì người sử dụng lao động mới có giá trị trả lại cho mình (người lao động). Đó cách nhìn nhận vấn đề một cách có biện chứng và sát gần nhất với thực trạng xã hội hiện nay.
Có thể sau khi ra trường, để khắc phục cũng như duy trì ổn định tình trạng về mặt kinh tế. Nhiều bạn sẽ có những hướng đi riêng, có thể sẽ chọn cho mình một công việc khác, hoàn toàn trái ngành nghề. Nhưng đến khi muốn quay lại công việc cũng như giấc mơ của mình, về câu hỏi lý do tại sao mình bắt đầu ? Tại sao mình lựa chọn học Luật ? Chính thời điểm các bạn đặt ra cho mình hàng ngàn câu hỏi để quay lại thì mọi chuyện hoàn toàn đã khác, chúng ta bắt đầu làm lại từ con số không. Vì lúc đó, các bạn chẳng có một chút kinh nghiệm gì so với các bạn đồng niên khi mà còn ngồi trên ghế nhà trường đã tích cực tham gia các khóa đào tạo, các văn phòng luật sư, các Tổ chức hành nghề luật…
Điều đó giống như việc bạn học lái xe nhưng chẳng dám nắm tay lái, trông khi người khác tham gia “khóa học bổ túc tay lái” thì lại ôm vô lăng một cách thuần thục và trôi chảy. Vậy tại sao mình lại tiếc công tiếc của tham dự khóa học để bổ túc cái nghề của mình. Để được thực hành nghề, được cọ sát với nghề để sau này mình có thể “kím ra tiền từ nghề mình đã học”. Có thể bố mẹ sẽ sĩ diện với xã hội với xóm làng về cái hư danh, về câu chuyện học việc không lương, hay nhẽ ra câu chuyện về 4-5 năm Đại học lại chẳng kím ra nỗi được tiền so với các ngành nghề khác, tuy nhiên, nếu chúng ta buông tay, thì coi như vứt bỏ, cả đời cứ rơi vào vòng tròn luẩn quẩn, không có bắt đầu, và cũng không kết thúc.
Một câu nói phũ nhưng thật chính là: “nếu anh nghèo thì anh khó cơ hội trở thành luật sư”. Tuy nhiên, chúng ta hãy nhớ rằng “Cá vượt ngược dòng là cá sống, người vượt nghịch cảnh người thành công”. Xã hội đổi thay, trăm hình vạn kiểu, khó khăn cũng là điều khó tránh đối với mỗi người. Thất bại là mẹ của thành công, gian nan là thầy của trí tuệ. Khi đối diện với khó khăn cũng chính là lúc giáp mặt với cơ hội, vậy bạn có muốn tận dụng cơ hội để thành công hay không? Nếu muốn, hãy dũng mãnh tiến về phía trước, đối diện với khó khăn nghịch cảnh. Nếu chúng ta không có được sự hỗ trợ kinh tế từ gia đình thì hãy nỗ lực cố gắng vượt khó ở chính bản thân ta.
Gia đình và chính bản thân mình phải ý thức được rằng: trước khi câu được cá thì phải trang bị cho mình một cái cần câu thật tốt. Trước khi nghĩ mình đi kím ra được bao nhiêu tiền phải tìm cho ra được người thầy, người chỉ việc, người đào tạo mình có tâm có tầm, đào tạo và hướng dẫn một cách thực tâm. Với hình thức tuyển dụng mang tính chất Pr, mục đích quảng cáo, trả 2-3 triệu vào cho đẹp đội hình, chân dài, áo trắng sơmi vest rồi bảo đi đăng ký kinh doanh, thế đổi lại chúng ta nhận được gì từ đồng lương đó trên bước đường hành nghề luật của chúng ta. Và hơn ai hết, chỉ chúng ta mới là người trả lời được câu hỏi đó. Chúng ta chả học được gì ngoài việc đổi lấy đồng lương nhất thời để duy trì cuộc sống.
Vậy những yếu tố nào để học viên có thể đỗ khóa luật sư để lấy được chứng chỉ hành nghề ? Hãy gia nhập vào một tổ chức, một văn phòng có việc để làm. Có đi sâu sát thực tế, cọ sát với nghề, nắm vững hồ sơ, tự tin bản lĩnh đối đáp, không để áp lực kỳ thi đè nặng tư tưởng của mình. Tránh tình trạng đánh trống ghi tên, thi cho có. Chứng chỉ xứng đáng nhất là chứng chỉ từ khách hàng, khách hàng có tìm đến mình hay không. Thi rớt thì gắng sức học việc mà tiếp tục thi lại, tạo động lực cho mình, tránh nản lòng mà bỏ cuộc. Tất cả việc học, đời đều tính học phí, quan trọng ta học được gì và học phí bao nhiêu, ta đổi lại được những kiến thức gì, những tư duy kỹ năng gì, và điều đó giúp ích gì được cho công việc và cuộc sống của ta trong tương lai.
Luật sư hành nghề trên tinh thần “về lý” cũng như viện dẫn, ứng dụng các lý lẽ của pháp luật để giúp đời giúp người hoặc chí ít thì cũng giúp chính bản thân ta, nhưng, xét cho cùng vẫn phải tiếp cận từ “cái tình”. Khi gặp bị can, bị cáo, nên tiếp cận tình cảm, xoa diệu nỗi đau, động viên và định hướng tương lai. Giúp bị can bị cáo ổn định, vững tâm về mặt tinh thần trước khi nói đến lý lẽ, đúng sai trong từnh hành động đã gây ra. Đó là những lời chia sẻ cực kỳ hữu ích của Luật sư Trần Xuân Tiền (Trưởng văn phòng luật sư Đồng Đội thuộc Đoàn luật sư thành phố Hà Nội) chia sẻ đến các học viên tham dự buổi truyền đạt, giao lưu chia sẻ lớp “Học Việc Từ Xa”.
Qua hơn 3 giờ trao đổi, truyền đạt cũng như chia sẻ khó khăn vất vả của con đường đi đến tương lai, có thể nhận thấy ở chú (luật sư Tiền) là một người thầy có tâm và có tầm thực sự. Qua buổi giao lưu chia sẻ, học viên cảm nhận được sự giản dị nhưng đầy ý nghĩa, nhiệt huyết, tâm tư của người thầy mà không một bút vở nào có thể truyền tải được. Từng cử chỉ, từng lời nói, ánh mắt hun đúc của thầy (luật sư Tiền) đã truyền đến học viên một cảm hứng bất tận, đầy thuyết phục không chỉ là kiến thức, là nghị lực, là sự tự tin và bản lĩnh mà còn hun đúc tình yêu, niềm đam mê khát khao cháy bỏng để trở thành những người Luật sư chân chính.
Một lần nữa, chân thành cám ơn quý Luật sư cũng như các anh chị của Văn phòng luật sư Đồng Đội đã đồng hành, giao lưu chia sẻ truyền đạt kiến thức, kỹ năng đến các bạn học viên của lớp “Học Việc Từ Xa”. Hy vọng trong thời gian sắp tới, mô hình học tập và làm việc từ xa này sẽ được ứng dụng, nhân rộng thêm nữa dưới cái tâm và tầm của chú, người thầy, trưởng văn phòng luật sư Đồng Đội – Luật sư Trần Xuân Tiền, đáp ứng nguyện vọng của tất cả các học viên ở BA MIỀN ĐẤT NƯỚC./.
Long An, 02 tháng 9 năm 2021
Nguyễn Thị Bích Ngọc
ĐT: 0937.137.016
Email: ngocbichlaw.la@gmail.com