Tình huống: Vừa qua trên địa bàn thành phố H.N, tại một trường THPT A, hai em học sinh lớp 12 đã gây ẩu đả. Theo lời kể của em học sinh K là do không thích V nên hôm nay em K khi tan học đã hẹn em V ra chỗ gần trường để đánh em V. Mới đầu, em K chỉ tác động với em V bằng tay chân sau đó không kìm chế nổi cảm xúc nên em K có lấy một chiếc nón bảo hiểm và đập vào vai em V. Ngay khi đó, một số người dân quanh đó đã can ngăn kịp thời và đưa em V đi bệnh viện và giám định thương tổn là 1% . Vậy em K có bị truy cứu trách nhiệm hình sự hay không? Hãy xác định mũ bảo hiểm có phải là hung khí nguy hiểm hay không?
Đối với trường hợp trên, chúng tôi xin trả lời như sau:
Trước hết, để có thể giải đáp thắc mắc về em K có bị truy cứu trách nhiệm hình sự hay không thì chúng tôi sẽ phân tích mũ bảo hiểm trong trường hợp này có phải là hung khí nguy hiểm vì đây là một yếu tố then chốt để kết luận về hành vi em K có bị truy cứu trách nhiệm hình sự hay không.
-
Xác định mũ bảo hiểm có phải hung khí nguy hiểm
Hiện nay, chưa có một văn bản pháp luật nào quy định về hung khí nguy hiểm. Tuy nhiên, dựa vào mục 2 phần I của Nghị quyết số 02/2003/NQ-HĐTP của Hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân Tối cao ngày 17 tháng 4 năm 2003 Hướng dẫn áp dụng một số quy định của Bộ luật Hình sự quy định:
-
“Vũ khí” là một trong các loại vũ khí được quy định tại khoản 1 Điều 1 Quy chế quản lý vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ (ban hành kèm theo Nghị định số 47/CP ngày 12/8/1996 của Chính phủ).
-
“Phương tiện nguy hiểm” là công cụ, dụng cụ được chế tạo ra nhằm phục vụ cho cuộc sống của con người (trong sản xuất, trong sinh hoạt) hoặc vật mà người phạm tội chế tạo ra nhằm làm phương tiện thực hiện tội phạm hoặc vật có sẵn trong tự nhiên mà người phạm tội có được và nếu sử dụng công cụ, dụng cụ hoặc vật đó tấn công người khác thì sẽ gây nguy hiểm đến tính mạng hoặc sức khoẻ của người bị tấn công.
Như vậy, mũ bảo hiểm là vật được chế tạo nhằm phục vụ cho mục đích bảo vệ cho người tham gia giao thông, tuy nhiêm em K lại dùng mũ bảo hiểm để đánh em V gây thương tích. Chính vì vậy, trong trường hợp này mũ bảo hiểm được coi là hung khí nguy hiểm.
-
Xác định hành vi của em K có bị truy cứu trách nhiệm hình sự hay không?
Trong trường hợp này em K đã gây ra thương tích 1% đối với em V bằng mũ bảo hiểm – được xác định là hung khí nguy hiểm theo phân tích ở trên. Đối chiếu theo quy định tại khoản 1 Điều 134 BLHS 2015 sửa đổi, bổ sung năm 2017 thì trường hợp gây thương tích dưới 11% nhưng thuộc các trường hợp tại điểm a điều này trong đó có hành vi dùng hung khí nguy hiểm sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội Cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe người khác.
Hiện nay, em K đang học lớp 12 theo khoản 1 Điều 12 BLHS năm 2015 sửa đổi, bổ sung năm 2017, Người từ đủ 16 tuổi trở lên phải chịu trách nhiệm hình sự về mọi tội phạm, trừ những tội phạm mà Bộ luật này có quy định khác.
Như vậy, em K từ đủ 16 tuổi trở lên và hành vi cố ý gây thương tích của em thì em K sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự về Tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác theo quy định tại khoản 1 Điều 134 BLHS.
Thông tin liên hệ:
Văn phòng luật sư Đồng Đội: P2708, Tòa nhà VP3 Bán đảo Linh Đàm, Hoàng Liệt, Hoàng Mai, Hà Nội
Điện thoại: 0936.026.559 – Email: tranxuantien1964@gmail.com
Website: https://dongdoilaw.vn
Facebook: https://www.facebook.com/dongdoilaw
Youtube: https://www.youtube.com/c/VănphòngluậtsưĐồngĐội
Tiktok: https://www.tiktok.com/@vpls_dongdoi
Người viết: Nguyễn Hương Ly
Gmail: ly79455@gmail.com
Điện thoại: 0842 59 59 55