Câu hỏi 1. Em và chồng kết hôn năm 2020, đến nay chưa có con. Năm 2021, Chồng em do tai nạn lao động nên hiện tại không còn khả năng lao động, và ảnh hưởng đến thần kinh, không làm chủ được bản thân. Nay em muốn ly hôn thì có được không? Và thủ tục thế nào ạ?
Trả lời:
Thứ nhất, về vấn đề ly hôn
Pháp luật không cấm ly hôn với người bị ảnh hưởng đến thần kinh và không làm chủ được bản thân nên trong trường hợp này bạn có thể ly hôn với chồng bạn. Tuy nhiên, trước tiên bạn cần phải làm đơn yêu cầu Tòa án tuyên bố chồng bạn là người mất hành vi dân sự. Tại Khoản 1 Điều 22 Bộ luật dân sự năm 2015 quy định: “Khi một người do bị bệnh tâm thần hoặc mắc bệnh khác mà không thể nhận thức, làm chủ được hành vi thì theo yêu cầu của người có quyền, lợi ích liên quan hoặc của cơ quan, tổ chức hữu quan, Tòa án ra quyết định tuyên bố người này là người mất năng lực hành vi dân sự trên cơ sở kết luận giám định pháp y tâm thần…”.
Theo đó, Tòa án sẽ ra quyết định tuyên bố chồng bạn là người mất năng lực hành vi dân sự căn cứ vào kết luận giám định pháp lý của cơ quan chuyên môn và các chứng cứ liên quan chứng minh chồng bạn bị bệnh tâm thần hoặc mắc các bệnh khác mà không thể nhận thức, làm chủ được hành vi.
Trong trường hợp chồng bạn bị ảnh hưởng đến thần kinh, không làm chủ được hành vi nhưng chưa đến mức mất năng lực hành vi dân sự thì bạn có thể làm đơn yêu cầu Tòa án ra quyết định tuyên bố chồng bạn là người có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi theo Điều 23 Bộ luật dân sự năm 2015.
Sau đó, bạn có thể tiến hành thủ tục đơn phương ly hôn với chồng bạn theo quy định của pháp luật tố tụng dân sự.
Thứ hai, về vấn đề thủ tục ly hôn
Bước 1: Làm thủ tục yêu cầu Tòa án tuyên bố một người mất năng lực hành vi dân sự/có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi. Quyền yêu cầu tuyên bố một người mất năng lực hành vi dân sự, hoặc có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi được quy định tại Điều 376 Bộ luật tố tụng dân sự năm 2015. Theo đó, chị có quyền nộp đơn yêu cầu Tòa án tuyên bố chồng chị là người bị mất năng lực hành vi dân sự/ có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi, và tiến hành theo thủ tục sau:
*) Hồ sơ yêu cầu Tòa án tuyên một người mất năng lực hành vi dân sự, hồ sơ gồm có:
- Đơn yêu cầu theo mẫu số 01 Nghị quyết 04/2018/NQ-HĐTP; (Thay thế mẫu số 92 Nghị quyết 01/2017/NQ-HĐTP).
- Kết luận giám định pháp y tâm thần của cơ quan có chuyên môn và các chứng cứ chứng minh chồng bạn bị bệnh tâm thần hoặc các bệnh khác mà không thể nhận thức, làm chủ được hành vi/hoặc bị bệnh nhưng chưa đến mức bị mất năng lực hành vi dân sự.
- Tài liệu chứng cứ chứng minh bạn là người có quyền yêu cầu
- CMND, hộ khẩu của bạn và chồng bạn.
Sau khi Tòa án thụ lý đơn yêu cầu sẽ ra quyết định mở phiên họp xem xét có thể chấp nhận hoặc không chấp nhận đơn yêu cầu tuyên bố một người mất năng lực hành vi dân sự/có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi. Trong trường hợp chấp nhận đơn yêu cầu thì chồng bạn sẽ được Tòa án tuyên mất năng lực hành vi dân sự/ có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi và sẽ chỉ định người giám hộ cho chồng bạn
Bước 2: Bạn nộp hồ sơ đơn phương ly hôn đến Tòa án có thẩm quyền giải quyết. Cụ thể, theo quy định tại Điều 28, Điều 35 và Điều 39 Bộ luật tố tụng dân sự 2015, Tòa án cấp huyện nơi cư trú của bị đơn sẽ có thẩm quyền giải quyết đơn phương ly hôn, trường hợp có yếu tố nước ngoài thì thẩm quyền thuộc Tòa án cấp tỉnh.
Hồ sơ đơn phương ly hôn đối với người bị mất năng lực hành vi dân sự gồm có:
– Đơn xin ly hôn đơn phương (theo mẫu số 23-DS ban hành tại Nghị quyết 01/2017/NQ-HĐTP);
– Giấy chứng nhận đăng ký kết hôn (bản chính);
– CMND và hộ khẩu (bản sao có chứng thực);
– Quyết định tuyên bố mất năng lực hành vi dân sự;
– Giấy khai sinh các con (bản sao có chứng thực);
– Các tài liệu chứng minh tài sản chung như: Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, đăng ký xe, sổ tiết kiệm,… (nếu có)
Bước 3: Nộp tiền tạm ứng án phí sơ thẩm.
Trong trường hợp Tòa thụ lý đơn khởi kiện yêu cầu giải quyết ly hôn của bạn, thì trong thời hạn 07 ngày, kể từ ngày nhận được thông báo nộp tiền tạm ứng án phí của Tòa án, bạn phải nộp tiền tạm ứng án phí sơ thẩm cho Chi cục thi hành án và nộp biên lai tiền tạm ứng án phí cho Tòa
Bước 4: Tham gia phiên họp kiểm tra việc giao nộp, tiếp cận, công khai chứng cứ và phiên họp hòa giải tại Tòa án.
Trong phiên họp này, các bên được tiếp cận tài liệu chứng cứ và tiến hành hòa giải về vấn đề ly hôn, tài sản chung và con chung (nếu có yêu cầu trong đơn ly hôn), án phí.
Nếu các bên hòa giải thành (thỏa thuận được tất cả nội dung hỏa giải), Thẩm phán lập biên bản hòa giải thành, sau thời hạn 7 ngày nếu không ai thay đổi ý kiến thì Thẩm phán ra Quyết định công nhận sự thỏa thuận của đương sự.
Trường hợp các bên không hòa giải được thì Thẩm phán ra quyết định đưa vụ án ra xét xử.
Tuy nhiên, đối với trường hợp chồng bạn bị mất năng lực hành vi dân sự thì không tiến hành hòa giải mà chỉ tiến hành phiên họp kiểm tra việc giao nộp, tiếp cận, công khai chứng cứ vì đây là trường hợp không tiến hành hòa giải được theo quy định tại khoản 3 Điều 207 Bộ luật tố tụng dân sự 2015.
Bước 5: Tham gia phiên tòa sơ thẩm
Bước 6: Thi hành án hoặc kháng cáo bản án lên cấp phúc thẩm
Câu hỏi 2: Chào luật sư, tôi và chồng tôi ly hôn vào năm 2021. Tại thời điểm ly hôn, con được giao cho chồng nuôi dưỡng do thời điểm đó, tôi chưa có đủ điều kiện nuôi con. Trong đơn ly hôn nộp tòa án, tôi có ghi rõ phần tài sản chung được chia khi ly hôn của tôi là để cho nuôi dưỡng cho con. Nhưng bây giờ chồng cũ của tôi không chăm lo cho bé mà chỉ lo cho nhân tình. Mỗi lần tôi qua thăm con, đều thấy anh, chị ruột của chồng đánh con. Bây giờ tôi đã đón con về nuôi. Vậy luật sư cho tôi hỏi, tôi có đòi lại được số tiền mà tôi đã ghi trong đơn để cho con và yêu cầu chồng cũ cấp dưỡng hàng tháng để nuôi con không (Con gái tôi gần 4 tuổi)? Và thủ tục như thế nào ạ?
Trả lời:
Đối với trường hợp của bạn, do bạn không nói rõ, tại thời điểm Tòa án giải quyết yêu cầu ly hôn, yêu cầu về chia tài sản chung có được Tòa án giải quyết không, hay do các bạn tự thỏa thuận. Trong trường hợp Tòa án đã chia tài sản chung của vợ chồng và tôn trọng sự thỏa thuận của các bạn là để cho con chung thì con bạn sẽ được hưởng phần tài sản này và đó sẽ là tài sản riêng của con. Tuy nhiên, theo quy định tại Điều 76 Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014, tài sản riêng của con dưới 15 tuổi do cha mẹ hoặc người giám hộ quản lý và cha mẹ có quyền định đoạt tài sản riêng của con vì lợi ích của con (trong trường hợp con dưới 9 tuổi phải xem xét nguyện vọng của con). Như vậy, nếu cha của bé là người quản lý tài sản của bé thì bạn có quyền đòi lại tài sản này để phục vụ cho mục đích nuôi dưỡng con.
Nếu như vấn đề tài sản chung hai bên tự thỏa thuận và không yêu cầu Tòa án giải quyết thì bạn có thể khởi kiện ra Tòa yêu cầu Tòa án giải quyết.
Bên cạnh đó, về vấn đề cấp dưỡng cho con chung, theo quy định tại Khoản 2 Điều 82 Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014: “Cha, mẹ không trực tiếp nuôi con có nghĩa vụ cấp dưỡng cho con.” Theo đó, nếu bạn muốn chồng cũ thực hiện nghĩa vụ cấp dưỡng cho bé thì bạn phải là người trực tiếp nuôi con. Theo như thông tin bạn cung cấp, ban đầu chồng cũ của bạn là người trực tiếp nuôi con, sau đó, bạn đã đón con về. Trong trường hợp này nếu Tòa chưa ra quyết định công nhận sự thỏa thuận của cha mẹ về thay đổi người trực tiếp nuôi con hoặc bản án về việc thay đổi người trực tiếp nuôi con thì bạn không thể yêu cầu cha của đứa bé cấp dưỡng.
Do đó, trong trường hợp này, trước hết, bạn cần phải yêu cầu Tòa án giải quyết việc thay đổi người trực tiếp nuôi con theo quy định tại Điều 84 Luật hôn nhân gia đình 2014.
Theo đó, căn cứ để giải quyết việc thay đổi người trực tiếp nuôi con sau khi ly hôn là một trong các căn cứ sau:
– Cha, mẹ có thỏa thuận về việc thay đổi người trực tiếp nuôi con phù hợp với lợi ích của con;
– Người trực tiếp nuôi con không còn đủ điều kiện trực tiếp trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con.
Bên cạnh đó, bạn phải chứng minh được cha của bé không còn đủ điều kiện trực tiếp trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con, không đảm bảo quyền lợi cho con về mọi mặt (không quan tâm, chăm sóc, nuôi dưỡng con; để người nhà của mình đánh con mà không can ngăn…). Ngoài ra, chứng minh rằng bạn là người có thể đáp ứng được yêu cầu cho con phát triển tối đa về mọi mặt như:
- Điều kiện về vật chất: Điều kiện về sinh hoạt, ăn, ở, học tập,… chứng minh dựa trên thu nhập, tài sản và chỗ ở của bạn.
- Điều kiện về tinh thần: Thời gian dành để chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con, nhân cách đạo đức, trình độ học vấn,…
Về vấn đề thủ tục thay đổi người trực tiếp nuôi con sau khi ly hôn
Bước 1: Bạn nộp hồ sơ thay đổi người trực tiếp nuôi con tại TAND có thẩm quyền. Cụ thể, theo quy định tại Điều 28, Điều 35 và Điều 39 Bộ luật tố tụng dân sự 2015, Tòa án cấp huyện nơi cư trú của bị đơn sẽ có thẩm quyền giải quyết đơn phương ly hôn, trường hợp có yếu tố nước ngoài thì thẩm quyền thuộc Tòa án cấp tỉnh.
Hồ sơ thay đổi người trực tiếp nuôi con gồm có:
- Đơn yêu cầu thay đổi người trực tiếp nuôi con sau khi ly hôn;
- Bản án ly hôn;
- CMND, Sổ hộ khẩu (bản sao có chứng thực);
- Giấy khai sinh của con (bản sao có chứng thực);
- Các tài liệu, chứng cứ kèm theo chứng minh cho yêu cầu thay đổi người trực tiếp nuôi con.
Bước 2: Nộp tiền tạm ứng án phí sơ thẩm.
Trong trường hợp Tòa thụ lý đơn khởi kiện yêu cầu giải quyết ly hôn của bạn, thì trong thời hạn 07 ngày, kể từ ngày nhận được thông báo nộp tiền tạm ứng án phí của Tòa án, bạn phải nộp tiền tạm ứng án phí sơ thẩm cho Chi cục thi hành án và nộp biên lai tiền tạm ứng án phí cho Tòa
Bước 3: Tham gia phiên họp kiểm tra việc giao nộp, tiếp cận, công khai chứng cứ hòa giải tại Tòa án.
Trong phiên họp này, các bên được tiếp cận tài liệu chứng cứ và tiến hành hòa giải về vấn đề ly hôn, tài sản chung và con chung (nếu có yêu cầu trong đơn ly hôn), án phí.
Nếu các bên hòa giải thành (thỏa thuận được tất cả nội dung hỏa giải), Thẩm phán lập biên bản hòa giải thành, sau thời hạn 7 ngày nếu không ai thay đổi ý kiến thì Thẩm phán ra Quyết định công nhận sự thỏa thuận của đương sự.
Trường hợp các bên không hòa giải được thì Thẩm phán ra quyết định đưa vụ án ra xét xử.
Bước 4: Tham gia phiên tòa sơ thẩm
Bước 5: Thi hành án hoặc kháng cáo bản án lên cấp phúc thẩm
Sau khi Tòa án quyết định bạn là người trực tiếp nuôi con thì bạn có quyền yêu cầu người cha thực hiện nghĩa vụ cấp dưỡng cho con chung. Mức cấp dưỡng do các bên thỏa thuận căn cứ vào thu nhập, khả năng thực tế của người có nghĩa vụ cấp dưỡng và nhu cầu thiết yếu của người được cấp dưỡng, trong trường hợp không thỏa thuận được thì sẽ yêu cầu Tòa án giải quyết (Điều 116 Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014).
Thông tin liên hệ:
Văn phòng luật sư Đồng Đội: P2708, Tòa nhà VP3 Bán đảo Linh Đàm, Hoàng Liệt, Hoàng Mai, Hà Nội
Điện thoại: 0936.026.559 – Email: tranxuantien1964@gmail.com
Website: https://dongdoilaw.vn
Facebook: https://www.facebook.com/dongdoilaw
Youtube: https://www.youtube.com/c/VănphòngluậtsưĐồngĐội
Tiktok: https://www.tiktok.com/@vpls_dongdoi
Người viết: Trần Thị Minh Hạnh; Hứa Kim Ngân – Thực tập sinh pháp lý tại Văn phòng Luật sư Đồng Đội