Bản án là văn bản ghi nhận phán quyết của Tòa án sau khi xét xử. Đây là văn bản quan trọng xác định trách nhiệm pháp lý của các chủ thể được nêu trong bản án, theo đó các bên phải thực hiện nghĩa vụ của mình theo nội dung bản án đã có hiệu lực pháp luật. Trên thực tế, trong quá trình tổ chức thực thi bản án (thi hành án) vẫn còn gặp khó khăn, vướng mắc do bản án đã tuyên chưa rõ, chưa đầy đủ. Việc giải thích, sửa chữa bản án là cần thiết nhằm đảm bảo việc thực thi bản án được thuận lợi, đồng thời đảm bảo quyền, lợi ích hợp pháp của các chủ thể.
Để xác định bản án có hiệu lực pháp luật khi nào thì cần căn cứ vào lĩnh vực xét xử, cấp xét xử. Đối với bản án dân sự sơ thẩm có hiệu lực pháp luật kể từ ngày hết thời hạn kháng cáo, kháng nghị. Đối với bản án dân sự phúc thẩm có hiệu lực ngay khi tuyên án. Khi bản án, quyết định của tòa án có hiệu lực pháp luật mà phát hiện sai sót, hoặc chưa rõ thì có thể yêu cầu Tòa án giải thích, sửa chữa.
Căn cứ tại Điều 486 BLTTDS 2015 quy định Thẩm phán đã ra quyết định hoặc Thẩm phán là chủ tọa phiên tòa có trách nhiệm giải thích, sửa chữa những điểm chưa rõ trong bản án, quyết định của Tòa án. Trong trường hợp Thẩm phán đã giải quyết vụ việc không còn là Thẩm phán của Tòa án nữa thì Chánh án Tòa án đó có trách nhiệm giải thích, sửa chữa bản án, quyết định. Trong quá trình thi hành án dân sự, khi có đơn yêu cầu của đương sự hoặc cơ quan thi hành án dân sự trong thời hạn 15 ngày, vụ việc phức tạp 30 ngày thì Tòa án đã tuyên bản án, quyết định phải có trách nhiệm giải thích bản án, quyết định dựa trên biên bản phiên tòa, biên bản phiên họp, biên bản nghị án.
Tuy nhiên trên thực tế, khi có quyết định, bản án của tòa án có thẩm quyền, là căn cứ để cơ quan thi hành án thực thi công vụ nhưng quyết định thi hành án lại thực thi trái so với bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật, dẫn đến sai phạm nghiêm trọng của chấp hành viên trong việc xác minh điều kiện, thực hiện thi hành án, gây ảnh hưởng trực tiếp đến quyền, lợi ích hợp pháp của bên phải thi hành án.
Trường hợp điển hình trên thực tế cho thấy việc thi hành án bất chấp, không yêu cầu tòa án có thẩm quyền sửa chữa, giải thích bản án trước khi thi hành, hoặc hiểu sai nội dung văn bản giải thích của tòa án, dẫn đến sai phạm trong quá trình thi hành án, xảy ra tại Công ty cổ phần LCG 15 (Địa chỉ: số 44, Ba Đình, BS, TH) là bên phải thi hành án theo Quyết định công nhận sự thỏa thuận giữa các đương sự số 04/1019/QĐST-KDTM của TAND BS ngày 11/04/2019; Quyết định thi hành án số 19/QĐ-CCTHADS ngày 10/10/2019 của Chi cục thi hành án dân sự BS; Quyết định cưỡng chế thi hành án số 15/QĐ-CCTHADS ngày 20/7/2022 của Chấp hành viên CCTHADS BS; Thông báo về việc cưỡng chế thi hành án số 295/TB-THA ngày 14/10/2022, và Thông báo số 08/TB-CCTHADS của CCTHADS BS ngày 05/01/2024 về việc cưỡng chế chuyển giao tài sản cho người mua được tài sản bán đấu giá.
Theo đó, Quyết định công nhận sự thỏa thuận của các đương sự số 04/2019/QĐST-KDTM của TAND BS thì công ty LCG 15 phải trả cho BIDV BS tổng số tiền cả gốc, lãi, phí phạt và thực hiện nghĩa vụ bảo lãnh là 28.737.225.115 đồng theo phương thức xử lý tài sản đã thế chấp để thu hồi nợ.
Quyết định thi hành án số 19/QĐ-CCTHADS ngày 10/10/2019 của CCTHADS BS không thi hành đúng theo Quyết định công nhận sự thỏa thuận của các đương sự số 04/2019/QĐST-KDTM ngày 11/4/2019 và Biên bản hòa giải thành ngày 03/4/2019 của TAND BS. Quyết định số 04/2019/QĐST-KDTM đã nêu rõ LCG 15 phải thi hành án đối với các tài sản thế chấp theo Hợp đồng tín dụng với BIDV BS nhưng Quyết định thi hành án số 19/QĐ-CCTHADS lạị quyết định các tài sản phải thi hành án mà không thi hành án trong phạm vi tài sản thế chấp theo Quyết định số 04/2019/QĐST-KDTM. Đây là sai phạm nghiêm trọng của chấp hành viên HAT và Chi cục THADS BS không thi hành án đối với các tài sản thế chấp theo quyết định có hiệu lực pháp luật của TAND BS.
Điều này cho thấy, CHV và CCTHADS BS vi phạm nghiêm trọng về trình tự thủ tục khi kê biên, đấu giá tài sản không phải là tài sản thế chấp. Cụ thể tại Hợp đồng thế chấp số 01/03/HĐ ngày 23/7/2003 và các Văn bản ngày 30/9/2012, 24/3/2015 sửa đổi, bổ sung một số nội dung của Hợp đồng thế thế chấp số 01/03/HĐ ngày 23/07/2003 thì tài sản đảm bảo gồm: Nhà 3 tầng: 1.050m2; Xưởng sửa chữa: 1.010m2; Tài sản do bên bảo đảm giữ: Đơn xin thuê đất, Hợp đồng thuê đất, Quyết định cho thuê đất của UBND tỉnh TH. Tuy nhiên, tại Biên bản về việc kê biên tài sản ngày 27/10/2022, tài sản kê biên gồm tài sản đã thế chấp là: Nhà 3 tầng: diện tích 1.992m2 (diện tích kê biên không đúng với diện tích tài sàn đã thế chấp theo Hợp đồng thế chấp); Nhà xưởng sửa chữa: 412m2 (hiện là nhà kho của Công ty, nhà xưởng thế chấp đã bị dỡ bỏ vì nằm trong dự án Khu dân cư phía Bắc Công ty cơ giới và xây lắp số 15) và các tài sản không phải là tài sản thế chấp: Nhà bảo vệ: 9,3m2; Nhà bếp: 107m2 ; Sân, cổng sắt và tường rào bao quanh: 1.500m2. Tại Biên bản kê biên, xử lý tài sản ngày 27/10/2022 và Công văn số 552/CV-THA ngày 08/11/2023 đều có nội dung nêu rõ các tài sản này không phải là tài sản thế chấp.
Đồng thời, Tại Thông báo số 39/TB-TANCC-KDTM của TAND Cấp cao trả lời Văn bản số 551/CCTHADS ngày 20/9/2021 của CCTHA BS đề nghị xem xét theo thủ tục giám đốc thẩm đối với Quyết định công nhận sự thoả thuận của các đương sự số 04/2019/QĐST-KDTM ngày 11/4/2019 của Toà án nhân dân BS có nội dung “… phạm vi bảo lãnh nghĩa vụ trả nợ được các bên thoả thuận tại các Hợp đồng thế chấp, việc thế chấp được thực hiện theo đúng quy định của pháp luật, ngày 23/12/2021 Ngân hàng TMCP đầu tư và phát triển có Công văn số 17064/BIDV-PC đề nghị tiếp tục thi hành án tài sản thế chấp là Trụ sở làm việc và xưởng sửa chữa theo hiện trạng…”
Ngoài tài sản đã thế chấp là nhà 3 tầng và xưởng sửa chữa, CCTHADS BS kê biên cả những tài sản không phải là tài sản thế chấp, những tài sản không thuộc nghĩa vụ mà người phải thi hành án phải thực hiện, vi phạm nội dung thỏa thuận giữa các đương sự, vi phạm khoản 8 Điều 21 Luật THADS năm 2008, sửa đổi bổ sung năm 2014: “8. Cố ý thi hành trái nội dung bản án, quyết định; trì hoãn hoặc kéo dài thời gian giải quyết việc thi hành án được giao không có căn cứ pháp luật”.
Hơn nữa, tài sản thế chấp chỉ thuộc một phần của thửa đất, trong trường hợp kê biên và định giá đúng đối với các tài sản phải thi hành án thì cơ quan nhà nước có thẩm quyền chỉ thu hồi tài sản gắn liền với phần đất tương ứng để bàn giao cho người trúng đấu giá, trừ trường hợp tài sản thế chấp không đủ để thực hiện thi hành án thì mới kê biên tài sản không thế chấp để đảm bảo nghĩa vụ phải thi hành án.
Ngoài ra, Bên phía BIDV BS (bên được thi hành án) cũng cho rằng việc kê biên, bán đấu giá tài sản không phải tài sản thế chấp là không đúng trình tự, thủ tục xử lý tài sản bảo đảm, chỉ khi bán đấu giá tài sản bảo đảm không đủ để thực hiện nghĩa vụ trả nợ mới được kê biên, bán đấu giá các tài sản khác.
Mặc dù nhận thức và nắm bắt rõ về quy trình, thủ tục tổ chức thi hành án CCTHADS BS, và chấp hành viên chưa yêu cầu tòa án giải thích quyết định, bản án, nhưng đã vội vàng tiến hành kê biên, bán đấu giá tài sản khác của Công ty cũng với tài sản thế chấp cho thấy có dấu hiệu cố ý làm trái quy định của pháp luật, quyết định của Tòa án, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến lợi ích hợp pháp của doanh nghiệp.
Văn phòng luật sư Đồng Đội đã tham gia vào vụ việc, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho LGC15, nên khi tiếp nhận vụ việc đã phát hiện ngay sai phạm nghiêm trọng của CCTHADS, Chấp hành viên HAT trong quá trình xác minh điều kiện thi hành án, kê biên, bán đấu giá tài sản thi hành án. Mặc dù Văn phòng luật sư Đồng Đội đã có rất nhiều văn bản kiến nghị, ý kiến lên các cơ quan về việc phát hiện sai phạm trong quá trình xác minh kê biên tài sản thi hành án và tạm dừng việc cưỡng chế bán đấu giá tài sản của doanh nghiệp nhưng Chi cục THADS BS và Chấp hành viên vẫn tiến hành việc kê biên và cưỡng chế bán đấu giá tài sản. Điều này làm thất thoát, gây thiệt hại cho người phải thi hành án là Công ty LCG 15. Bởi, LCG 15 là công ty cổ phần trong đó Tổng công ty LCG (là doanh nghiệp có vốn Nhà nước chiếm 40,71% do SCIC quản lý) là cổ đông sáng lập sở hữu 64,65% vốn thì việc làm thất thoát vốn, thiệt hại tài sản của Nhà nước là rất nghiêm trọng.
Như vậy việc yêu cầu Tòa án, giải thích, sửa chữa bản án trước khi tiến hành tổ chức Thi hành án là một trong những nội dung quan trọng giúp Cơ quan thi hành án, chấp hành viên thực hiện đúng quy định của pháp luật, và đảm bảo quyền, lợi ích hợp pháp của các chủ thể. Việc không yêu cầu tòa án giải thích bản án, hoặc cố tình thực hiện sai bản án thì tùy tính chất, mức độ mà có thể bị xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật. Do vậy, việc yêu cầu Tòa án giải thích bản án trước khi tiến hành tổ chức thi hành án là cần thiết.
Dưới đây là link một số bài viết về việc cơ quan, người có thẩm quyền thi hành án dân sự cố tình thực hiện sai bản án, đã bị khởi tố:
2/ https://dongdoilaw.vn/vi-sao-chap-hanh-vien-chi-cuc-thads-tp-yen-bai-bi-khoi-to-bat-tam-giam/
Người viết: Lê Thanh Bình – VPLS Đồng Đội
SĐT: 0354492343; Email: lethanhbinhdhv@gmail.com
___
Thông tin liên hệ:
Văn phòng luật sư Đồng Đội: P2708, Tòa nhà VP3 Bán đảo Linh Đàm, Hoàng Liệt, Hoàng Mai, Hà Nội
Điện thoại: 0936.026.559 – Email: tranxuantien1964@gmail.com
Website: https://dongdoilaw.vn
Facebook: https://www.facebook.com/dongdoilaw
Youtube: https://www.youtube.com/c/VănphòngluậtsưĐồngĐội