GÓC: HỎI – ĐÁP PHÁP LUẬT
(V/v: Làm thế nào để bảo vệ Doanh nghiệp trong trường hợp chấm dứt hợp đồng lao động)
HỎI:
Thưa luật sư, hiện tại tôi có trang trại thu mua – chế biến nông sản tại Đà Lạt và có dự định thành lập Doanh nghiệp chuyên về xuất nhập khẩu các mặt hàng nông sản từ Việt Nam sang các nước Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan.
Xin luật sư tư vấn, đối với các Hợp đồng lao động của nhân công thì Doanh nghiệp có thể chấm dứt hợp đồng lao động trong những trường hợp nào ?
ĐÁP:
Lời đầu tiên, Văn phòng Luật sư Đồng Đội xin gửi lời chào trân trọng, cảm ơn sự quan tâm, tin tưởng của quý khách tới dịch vụ tư vấn pháp luật của Văn phòng chúng tôi.
Để hạn chế tối đa những bất lợi khi sa thải người lao động, doanh nghiệp buộc phải “chấm dứt hợp đồng lao động đúng pháp luật”. Theo đó, Văn phòng luật sư Đồng Đội xin tư vấn cho quý khách hàng một số trường hợp mà Doanh nghiệp có thể chấm dứt hợp đồng lao động hợp pháp như sau:
Thứ nhất, đương nhiên chấm dứt hợp đồng lao động
Theo quy định tại Điều 34 Bộ luật Lao động năm 2019, trong một số trường hợp sau, doanh nghiệp “được đương nhiên chấm dứt hợp đồng” với người lao động mà không cần thực hiện bất cứ thủ tục nào. Cụ thể đó là:
– Hết hạn hợp đồng lao động đã ký.
– Đã hoàn thành công việc theo hợp đồng lao động đã giao kết.
– Người lao động bị kết án phạt tù nhưng không được hưởng án treo hoặc không được trả tự do, tử hình hoặc bị cấm làm công việc ghi trong hợp đồng lao động theo bản án, quyết định của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật.
– Người lao động nước ngoài bị trục xuất.
– Người lao động chết; bị Tòa án tuyên bố mất năng lực hành vi dân sự, mất tích hoặc đã chết.
– Giấy phép lao động hết hiệu lực.
Thứ hai, thỏa thuận chấm dứt hợp đồng lao động
Hợp đồng lao động là sự thỏa thuận giữa người lao động và doanh nghiệp. Do đó, pháp luật cũng tôn trọng ý chí của các bên trong việc chấm dứt hợp đồng lao động.
Bởi vậy, khoản 3 Điều 34 Bộ luật Lao động năm 2019 đã ghi nhận trường hợp chấm dứt hợp đồng lao động theo sự thỏa thuận của các bên. Đây được coi là ôn hòa nhất khi mà cả 2 bên đều đồng ý với việc chấm dứt hợp đồng lao động.
Nhờ đó mà doanh nghiệp vừa có thể chấm dứt hợp đồng theo mong muốn và người lao động cũng vui vẻ chấp nhận ra đi.
Thứ ba, đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động hợp pháp
Ngoài các cách trên, doanh nghiệp cũng có thể chọn cách đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động với người lao động.
*Cũng cần lưu ý rằng, Doanh nghiệp “chỉ được” đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động thuộc khoản 1 Điều 36 Bộ luật lao động 2019.
Theo đó, đối với các hợp đồng đáp ứng một trong các yêu cầu sau thì Doanh nghiệp đương nhiên có quyền chấm dứt Hợp đồng lao động:
1 – Người lao động thường xuyên không hoàn thành công việc theo hợp đồng.
2 – Người lao động bị ốm đau, tai nạn đã điều trị trong thời gian nhất định mà khả năng lao động chưa thể hồi phục.
3 – Do thiên tai, hỏa hoạn, dịch bệnh nguy hiểm, địch họa hoặc di dời, thu hẹp sản xuất, kinh doanh theo yêu cầu của cơ quan nhà nước mà đã tìm mọi biện pháp khắc phục nhưng vẫn bắt buộc phải giảm chỗ làm việc.
4 – Người lao động không có mặt tại nơi làm việc sau 15 ngày kể từ ngày hết thời hạn tạm hoãn hợp đồng lao động.
5 – Người lao động đủ tuổi nghỉ hưu, trừ có thỏa thuận khác.
6 – Người lao động tự ý bỏ việc không có lý do chính đáng từ 05 ngày làm việc liên tục.
7 – Người lao động cung cấp không trung thực thông tin khi giao kết hợp đồng làm ảnh hưởng đến việc tuyển dụng.
Trên đây là toàn bộ ý kiến của chúng tôi liên quan đến vấn đề mà quý khách yêu cầu tư vấn. Trong trường hợp cần làm rõ thêm bất kỳ nội dung nào, quý khách vui lòng liên hệ với chúng tôi. Mọi thắc mắc hỏi đáp pháp luật xin vui lòng gửi về:
Thông tin liên hệ:
- Văn phòng luật sư Đồng Đội: P2708, Tòa nhà VP3 Bán đảo Linh Đàm, Hoàng Liệt, Hoàng Mai, Hà Nội
- Điện thoại: 0936.026.559 – Email: tranxuantien1964@gmail.com
- Facebook: https://www.facebook.com/dongdoilaw
- Website: https://dongdoilaw.vn
Người viết – CTV pháp lý: Nguyễn Thị Bích Ngọc
Email: ngocbichlaw.la@gmail.com