Nhiều năm trở lại đây, các vụ tai nạn giao thông ngày càng có chiều hướng gia tăng và trở thành nguyên nhân chính dẫn đến thương tích, tử vong đối với trẻ em, mà những vụ tai nạn đó phần nhiều xuất phát từ sự bất cẩn, thiếu sự quan tâm trong công tác quản lý, chăm sóc trẻ em và ý thức chấp hành pháp luật về an toàn giao thông của một số bậc phụ huynh và người thân của trẻ chưa cao.
Những sự bất cẩn này đôi khi chỉ xuất phát từ những thiếu sót rất nhỏ, những thói quen thường ngày của người lớn nhưng lại có thể đặt trẻ vào những tình huống hết sức nguy hiểm. Ví dụ như, khi tham gia giao thông, điều đầu tiên cần chấp hành là việc đội mũ bảo hiểm. Đây là vấn đề không mới nhưng nhiều năm qua vẫn luôn là mối quan tâm, lo lắng của nhiều người. Đi trên đường có thể dễ dàng nhận thấy, có không ít phụ huynh bất cẩn, thiếu ý thức phòng tránh tai nạn giao thông cho trẻ như để trẻ nhỏ đứng, ngồi trước xe máy; không đội mũ bảo hiểm cho trẻ; chở người quá quy định; vừa điều khiển xe vừa nghe điện thoại; phóng nhanh, vượt ẩu, lạng lách hay do uống rượu bia say không kiểm soát được tốc độ…
Bên cạnh đó, trẻ em cũng là đối tượng luôn hiếu động, nghịch ngợm và ý thức của trẻ về an toàn giao thông chưa cao nên dễ xảy ra những vụ tai nạn giao thông đáng tiếc. Ví dụ như: đi bộ dưới lòng đường, băng qua đường bất ngờ, không quan sát, đùa nghịch, đu bám theo xe, hoặc lên xuống xe không quan sát trước sau nên dễ bị va quẹt…
Một nguyên khác dẫn đến nguy cơ gây thương tích, tử vong cho trẻ khi tai nạn giao thông xảy ra cũng xuất phát từ việc người thân trực tiếp đưa trẻ đến trường hay các cơ sở trông giữ trẻ thường là ông bà hoặc anh chị, với tâm lý đi quãng đường ngắn, không có cảnh sát giao thông nên xảy ra tình trạng không tuân thủ pháp luật và không thực hiện các biện pháp đảm bảo an toàn cho trẻ em. Đồng thời, người lớn vẫn đang cho con tham gia giao thông với tâm lý trang bị đồ bảo hộ để tránh bị phạt chứ chưa nghĩ đến việc đảm bảo an toàn, vì vậy nên nguy cơ gây thương tích, tử vong của trẻ khi tai nạn giao thông luôn rình rập bất cứ lúc nào.
Để giảm thiểu, hướng tới giải quyết tận gốc vấn đề nói trên, cần tuyên truyền, nâng cao ý thức chấp hành pháp luật của phụ huynh, người thân của trẻ nhỏ và của chính các em. Trong đó, bản thân ông bà, bố mẹ, anh chị và người thân của trẻ nhỏ cần ưu tiên đảm bảo an toàn tối đa cho trẻ bằng việc thực hiện các biện pháp bảo hộ cần thiết khi cho trẻ tham gia giao thông, từ đó nâng lên thành một thói quen và ý thức tự giác chấp hành luật giao thông.
Mặt khác, cần tăng cường công tác giáo dục, dạy cho trẻ những quy định tối thiểu nhất về an toàn giao thông. Bản thân các bậc phụ huynh cũng cần chủ động thực hiện các biện pháp an toàn từ phía mình, như dắt trẻ sang đường, tham gia giao thông ở tốc độ vừa phải (khoảng 30-35km) trong đô thị, và luôn phải chủ động đề phòng các trường hợp rủi ro xảy ra khi trẻ em vô tình có các hành động gây mất an toàn. Đặc biệt, mỗi phụ huynh phải là những tấm gương tự giác chấp hành nghiêm các quy định về đảm bảo an toàn giao thông để trẻ em ghi nhớ và noi theo. Đây là cách giáo dục và bảo vệ an toàn cho trẻ một cách chủ động và hiệu quả nhất.
Hiện nay, bảo vệ trẻ em trước mối nguy về tai nạn giao thông đã trở thành trách nhiệm chung của toàn xã hội. Không chỉ lực lượng chức năng, sự vào cuộc đồng bộ của hệ thống giáo dục và gia đình, mà hơn hết, sự gương mẫu, trách nhiệm của người lớn khi tham gia giao thông sẽ là tiền đề tạo lập môi trường an toàn cho trẻ, giảm thiểu tối đa những nỗi đau do tai nạn giao thông mang lại.
Hơn nữa, khi có tai nạn giao thông xảy ra, do người gây tai nạn là người thân của nạn nhân nên thường giải quyết vụ việc ở góc độ tình cảm mà không xử lý hình sự. Tuy nhiên, khi tai nạn giao thông xảy ra do hành vi vi phạm quy định về an toàn giao thông đường bộ, về nguyên tắc, người gây ra tai nạn đều bị xử lý theo đúng quy định của pháp luật. Trường hợp làm chết người hay gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 01 người mà tỷ lệ tổn thương cơ thể 61% trở lên, người vi phạm có thể bị xem xét truy cứu trách nhiệm hình sự về tội vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ (Điều 260 BLHS 2015, sửa đổi bổ sung 2017) với các hình phạt như: phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 01 năm đến 05 năm.
Theo quy định trên, có thể thấy, hành vi vi phạm quy định về an toàn giao thông dẫn đến tai nạn là hành vi có tính chất, mức độ rất nghiêm trọng nên việc xử lý hình sự không phụ thuộc vào việc người gây ra tai nạn là người thân của nạn nhân hay không. Vì vậy, trước tình trạng tỉ lệ tử vong do tai nạn giao thông tăng cao đến mức báo động, mỗi người cần nâng cao ý thức chấp hành pháp luật để bảo vệ chính bản thân mình, người thân và tất cả những người khác khi tham gia giao thông. Đồng thời, nên chăng cần quyết liệt hơn trong việc xem xét xử lý trách nhiệm hình sự đối với việc người thân của trẻ gây ra tai nạn để cảnh báo, nâng cao hơn nữa trách nhiệm của mỗi cá nhân khi tham gia giao thông, để ai cũng hiểu rằng, nếu đã gây thiệt hại khi xảy ra tai nạn giao thông thì phải chịu trách nhiệm, mà không có bất kỳ ngoại lệ nào.
Thông tin liên hệ:
Văn phòng luật sư Đồng Đội: P2708, Tòa nhà VP3 Bán đảo Linh Đàm, Hoàng Liệt, Hoàng Mai, Hà Nội
Điện thoại: 0936.026.559 – Email: tranxuantien1964@gmail.com
Website: https://dongdoilaw.vn
Facebook: https://www.facebook.com/dongdoilaw
Youtube: https://www.youtube.com/c/VănphòngluậtsưĐồngĐội
Tiktok: https://www.tiktok.com/@vpls_dongdoi
Người viết: Lệ Mai – CVPL
SĐT: 0396018496 – Email: mmaivk22@gmail.com