Gần đây, dư luận đang xôn xao về vụ việc một nam thanh niên 16 tuổi lái xe phân khối lớn gây tai nạn giao thông cho thai phụ. Đây là một tai nạn thương tâm, bởi cả người gây tai nạn và nạn nhân đều đã tử vong. Thông qua vụ việc, có thể thấy việc giao xe cho người chưa đủ điều kiện tham gia giao thông là việc vô cùng nguy hiểm và tiềm ẩn nhiều nguy cơ gây mất an toàn giao thông như vụ việc nêu trên.
Dưới đây là một số phân tích về vụ việc nêu trên dưới góc nhìn của Luật sư:
1. Xác định độ tuổi chịu trách nhiệm hình sự
Trong vụ tai nạn này, nam thanh niên gây tai nạn đã chết, do đó sẽ không xem xét trách nhiệm hình sự của em theo quy định tại khoản 7 Điều 157 Bộ luật tố tụng hình sự 2015, sửa đổi bổ sung 2021.
Tuy nhiên, trên thực tế, có rất nhiều vụ tai nạn xảy ra do lỗi của người chưa thành niên. Vậy trong các trường hợp đó, các em có phải chịu trách nhiệm hình sự hay không? Theo quy định tại Điều 12 Bộ luật hình sự 2015, sửa đổi 2017 quy định về tuổi chịu trách nhiệm hình sự như sau: người từ đủ 16 tuổi trở lên phải chịu trách nhiệm hình sự về mọi tội phạm, trừ những tội phạm mà Bộ luật này có quy định khác. Người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi phải chịu trách nhiệm hình sự về tội phạm rất nghiêm trọng, tội phạm đặc biệt nghiêm trọng quy định tại các tội danh cụ thể.
Theo đó, tội phạm rất nghiêm trọng là tội phạm có tính chất và mức độ nguy hiểm cho xã hội rất lớn mà mức cao nhất của khung hình phạt do Bộ luật này quy định đối với tội ấy là từ trên 07 năm tù đến 15 năm tù; tội phạm đặc biệt nghiêm trọng là tội phạm có tính chất và mức độ nguy hiểm cho xã hội đặc biệt lớn mà mức cao nhất của khung hình phạt do Bộ luật này quy định đối với tội ấy là từ trên 15 năm tù đến 20 năm tù, tù chung thân hoặc tử hình (điểm c, d khoản 1 Điều 9 Bộ luật hình sự 2015, sửa đổi 2017).
Vậy nên trong trường hợp người dưới 14 tuổi thực hiện hành vi nguy hiểm cho xã hội thì cũng không bị xem xét trách nhiệm hình sự nhưng vẫn thực hiện các trách nhiệm bồi thường thiệt hại dân sự…
Đối với người phạm tội từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi thì sẽ bị xem xét trách nhiệm hình sự về các tội rất nghiêm trọng và đặc biệt nghiêm trọng. Ví dụ, trong vụ việc nêu trên, nam thanh niên 16 tuổi gây tai nạn giao thông làm chết người có thể bị áp dụng khung hình phạt tại khoản 1 Điều 260 Bộ luật hình sự với mức hình phạt cao nhất là 05 năm, chiếu theo khung hình phạt cao nhất theo điểm a khoản 1 Điều 9 Bộ luật này là từ 07 năm đến 15 năm thì không thuộc vào trường hợp phạm tội rất nghiêm trọng nên sẽ không bị truy cứu trách nhiệm hình sự.
2. Trách nhiệm của cha mẹ nam thanh niên
Theo thông tin nhận được, chiếc xe do nam thanh niên điều khiển đã được đăng ký đứng tên cha của em. Do đó, trong vụ việc này, cơ quan chức năng cần xem xét trách nhiệm của cha mẹ trong việc giao xe cho người chưa thành niên điều khiển. Cụ thể như sau:
Trong trường hợp, nam thanh niên tự ý lấy xe, và cha mẹ không biết hoặc không thể biết việc em điều khiển xe mô tô thì họ sẽ không bị xử lý hành chính, không bị truy cứu trách nhiệm hình sự.
Ngược lại, nếu cha mẹ chủ động giao xe để nam thanh niên điều khiển thì tùy tính chất, mức độ của hành vi, người giao xe cho người chưa đủ tuổi có thể bị xử lý hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự. Tuy nhiên, trong vụ việc này, đã có hậu quả là “làm chết người”, do đó sẽ không xem xét xử phạt hành chính.
Vì vậy, nếu cha mẹ biết rõ con mình không có giấy phép lái xe, không đủ điều kiện điều khiển loại phương tiện xe phân khối lớn (chưa đủ tuổi) mà vẫn giao xe cho con, dẫn đến con gây tai nạn giao thông làm chết người thì có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về Tội Giao cho người không đủ điều kiện điều khiển phương tiện tham gia giao thông đường bộ theo quy định tại khoản 1 Điều 264 Bộ luật hình sự 2015, sửa đổi bổ sung 2017. Theo đó, mức hình phạt có thể áp dụng đối với họ là bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng hoặc phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm.
Bên cạnh đó, trách nhiệm bồi thường thiệt hại dân sự vẫn sẽ được đặt ra trong vụ việc này. Theo quy định tại khoản 2 Điều 586 Bộ luật dân sự 2015, người từ đủ 15 tuổi đến chưa đủ 18 tuổi gây thiệt hại thì phải bồi thường bằng tài sản của mình; nếu không đủ tài sản để bồi thường thì cha, mẹ phải bồi thường phần còn thiếu bằng tài sản của mình. Do đó, trong vụ việc trên, kể cả khi nam thanh niên đã chết thì nghĩa vụ bồi thường thiệt hại vẫn phát sinh đối với nạn nhân, gia đình nạn nhân. Trong trường hợp nam thanh niên có tài sản riêng thì bồi thường bằng chính tài sản của mình, nếu không đủ thì cha mẹ phải bồi thường phần còn thiếu bằng tài sản của cha mẹ. Trường hợp nếu người gây tai nạn không có tài sản riêng thì cha mẹ của người gây tai nạn sẽ phải thực hiện nghĩa vụ bồi thường thiệt hại toàn bộ cho nạn nhân hoặc gia đình nạn nhân.
3. Về tình tiết làm chết người là phụ nữ mang thai
Bên cạnh đó, có nhiều người thắc mắc rằng trong trường hợp nam thanh niên gây tai nạn khiến một người đang mang thai tử vong thì có bị coi là làm chết 02 người hay không? Luật sư cho biết, dưới góc độ pháp luật hình sự thì đối tượng tác động của tội phạm liên quan đến con người phải là con người đang sống. Thời điểm bắt đầu sự sống của con người dưới góc độ pháp lý hình sự là kể từ lúc họ được sinh ra và tồn tại độc lập với người mẹ. Pháp luật hình sự bảo vệ con người trong suốt thời gian sự sống bắt đầu và chưa kết thúc. Vậy nên, người mang thai không thể coi là hai người, mà tình tiết làm chết người là phụ nữ mang thai là tính tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự đối với người có hành vi vi phạm được quy định cụ thể tại Điểm i Khoản 1 Điều 52 Bộ luật hình sự năm 2015, sửa đổi 2017.
4. Khuyến cáo của luật sư
Thông qua vụ việc, luật sư khuyến cáo, trách nhiệm giáo dục con cái của các bậc làm cha làm mẹ là rất quan trọng. Bởi lẽ, phương tiện giao thông vận tải cơ giới là nguồn nguy hiểm cao độ, việc điều khiển các loại phương tiện này đều phải chấp hành đúng quy định của pháp luật về điều kiện lái xe tham gia giao thông. Trên thực tế, đây không phải là vụ việc hy hữu, nhiều bậc phụ huynh do quá nuông chiều con cái, đáp ứng mọi mong muốn của con, dẫn đến những hậu quả thương tâm đối với chính gia đình mình và cả xã hội. Vậy nên, cha mẹ cần có biện pháp giáo dục, quản lý con cái, tránh trường hợp vì thương con mà “tiếp tay” cho các em có những hành vi vi phạm pháp luật dù trực tiếp hay gián tiếp.
Ngoài ra, cơ quan chức năng cần phối hợp với nhà trường để triển khai mạnh hơn nữa các công tác tuyên truyền, giáo dục cho thanh thiếu niên, học sinh về pháp luật liên quan đến an toàn giao thông. Đồng thời tăng cường tuần tra, phát hiện và xử lý các hành vi vi phạm luật an toàn giao thông.
Cuối cùng, điều quan trọng nhất để đảm bảo an toàn của bản thân và những người tham gia giao thông khác chính là ý thức tôn trọng pháp luật, không chỉ đối với thanh thiếu niên mà cả với người đã thành niên. Bởi thực tế, theo tình hình tham gia giao thông hiện nay, còn rất nhiều trường hợp không tuân thủ những quy định về an toàn giao thông, phóng nhanh vượt ẩu, vượt đèn đỏ, không đội mũ bảo hiểm… Nguyên nhân một phần do không ý thức được sự nguy hiểm từ hành vi này, mặt khác họ cố tình không chấp hành quy định pháp luật vì chủ quan.
Vậy nên, mỗi người dân cần nâng cao nhận thức và trách nhiệm của bản thân khi tham gia giao thông để hạn chế tình trạng mất trật tự an toàn giao thông.
@vpls_dongdoi Chiều 2/7, P.N.C. (SN 2007, ở TP Buôn Ma Thuột, Đắk Lắk) điều khiển mô tô phân khối lớn lưu thông trên đại lộ Đông Tây theo hướng xã Hòa Thắng – TP Buôn Ma Thuột. Khi chạy xe tới đoạn qua phường Tự An, do không làm chủ được tốc độ, xe của C. va chạm với xe máy khác do chị N.T.H. (24 tuổi, ở phường Khánh Xuân, TP Buôn Ma Thuột) điều khiển lưu thông cùng chiều. Cú va chạm mạnh khiến chị H. đang mang thai tháng thứ 5 tử vong. C. được đưa vào bệnh viện cấp cứu trong tình trạng đa chấn thương. Tuy nhiên, do vết thương nặng, đến ngày 3/7, C. cũng đã không qua khỏi do đa chấn thương. Sau vụ tai nạn, nhiều độc giả thắc mắc liệu trách nhiệm dân sự và trách nhiệm hình sự sẽ được đặt ra thế nào trong vụ việc trên khi người gây tai nạn đã tử vong. Đáng chú ý, theo thông tin báo chí đăng tải, người gây tại nạn cũng chỉ mới 16 tuổi. Trả lời phóng viên, Luật sư Trần Xuân Tiền, Trưởng Văn phòng Luật sư Đồng Đội, Đoàn LS TP Hà Nội cho biết… #vplsdd #tngt #tainan #news #tintuc #tin #tiktoknews #daklak #buonmathuot #giaothong #giaothongvanminh
Thông tin liên hệ:
Văn phòng luật sư Đồng Đội: P2708, Tòa nhà VP3 Bán đảo Linh Đàm, Hoàng Liệt, Hoàng Mai, Hà Nội
Điện thoại: 0936.026.559 – Email: tranxuantien1964@gmail.com
Website: https://dongdoilaw.vn
Facebook: https://www.facebook.com/dongdoilaw
Youtube: https://www.youtube.com/c/VănphòngluậtsưĐồngĐội
Tiktok: https://www.tiktok.com/@vpls_dongdoi
Người viết: Lê Thị Lan Anh – Thực tập sinh pháp lý tại Văn phòng Luật sư Đồng Đội