Mới đây, lãnh đạo cục CSGT có đề xuất cơ chế trả tiền cho người dân, mua lại các hình ảnh, video clip vi phạm giao thông để xử phạt nguội.
Theo đó, người dân có thể gửi video clip tự quay hay trên camera hành trình trên xe mình tới Cục CSGT. Nếu xử phạt được người vi phạm, người ghi hình sẽ được trả một phần trong số tiền đó. Trên thực tế nhiều quốc gia phát triển như Hàn Quốc hay Hoa Kỳ đều áp dụng hình thức này và đã đạt được nhiều kết quả khả thi. Tuy nhiên việc áp dụng đề xuất này tại Việt Nam thực sự có hiệu quả hay không? Nó sẽ phát sinh vấn đề gì? Và hệ lụy của nó như thế nào?
Trao đổi về vấn đề này, Luật sư Trần Xuân Tiền – Trưởng văn phòng Luật sư Đồng Đội cho rằng. Trên cơ sở các quy định về vấn đề phạt nguội từ hệ thống camera giám sát, hay camera hành trình, tôi nhận thấy nhược điểm của hệ thống này chỉ tập chung chủ yếu ở các khu vực trọng điểm nội đô, các tuyến đường quốc lộ. Còn các video clip vi phạm của người dân sẽ được quay tại bất kỳ nơi nào, bất cứ lúc nào. Do đó, thông qua cơ chế mua video clip từ người dân, cơ quan chức năng sẽ có thêm thông tin về những vi phạm giao thông đường bộ, đặc biệt là các hành vi vi phạm nghiêm trọng có thể dẫn đến những vụ tai nạn giao thông, việc xử lý vi phạm sẽ triệt để hơn, có căn cứ và đặc biệt nâng cao ý thức của người tham gia giao thông, do việc bị phạt nguội là khó tránh khỏi.
Tuy nhiên, vấn đề ý thức của người dân phải là tự giác, xử phạt chỉ là một giải pháp và nó chỉ là ngọn chứ không phải gốc. Gốc là ý thức tự giác của người tham gia giao thông và đặc biệt là những người thực thi pháp luật – CSGT phải hết sức gương mẫu, nghiêm túc xử lý các hành vi vi phạm. Vì trên thực tế Việt Nam cũng đã áp dụng hình thức phạt nguội các hành vi vi phạm trật tự an toàn giao thông qua hệ thống camera giám sát. Tuy nhiên, số người đến chấp hành xử phạt cũng chỉ ở mức 50% qua các năm theo thống kê của Cục CSGT.
Đồng thời việc xử phạt những hành vi vi phạm của cơ quan, người có thẩm quyền còn phải đảm bảo thời hiệu xử phạt vi phạm hành chính theo quy định của pháp luật là 01 năm. Vậy việc mua thêm những clip từ người dân liệu có xử lý hết được không trong khi có quá nhiều clip vi phạm được gửi đến bên cạnh những vụ việc vi phạm được hệ thống camera giám sát ghi lại chưa được xử lý kịp thời?
Luật sư cho biết thêm trong bóng đá có công nghệ VAR (Video Assistant Referee) với nhiều góc quay khác nhau giúp cho trọng tài bóng đá nắm bắt được tình hình trận đấu và đưa ra những quyết định chính xác nhất trong những lần tranh cãi để đảm bảo quyết định đưa ra đều chính xác và công bằng nhất. Do đó, đối với các clip mà người dân cung cấp nếu quay từ một góc liệu rằng đã phản ánh đúng thực tế hành vi vi phạm? Và nếu như cùng một hành vi vi phạm có nhiều người quay video thì sẽ mua của ai; số tiền trả cho người dân để mua clip là bao nhiêu? Mức giá của clip sẽ được tính phụ thuộc vào độ dài clip, chất lượng video hay nội dung vụ việc? Nguồn kinh phí chi trả cho người dân sẽ được lấy từ đâu?
CSGT thu clip thì đấy là công vụ, nhưng đối với người dân thì đấy là quyền riêng tư vì người quay clip thực hiện bằng hành vi lén lút. Và nếu cảnh sát giao thông kiểm soát thông tin thu được từ video clip vi phạm không tốt sẽ gây ảnh hưởng tiêu cực đến đời sống riêng tư của người vi phạm. Bên cạnh đó, còn có những người xem việc quay clip người vi phạm là một nghề để kiếm tiền. Do đó, họ sẽ dùng các thủ đoạn khác nhau như cắt ghép chỉnh sửa tạo dựng các video clip vi phạm giao thông rồi gửi cho CSGT làm đội ngũ cơ quan có thẩm quyền mất nhiều thời gian để xác minh tính xác thực của video. Thậm chí, còn dẫn đến một hệ lụy xấu là người quay clip thay vì cung cấp video vi phạm cho CSGT thì họ lại bán lại clip này cho người vi phạm nhằm thu lợi bất chính. Việc này không những vi phạm pháp luật mà còn không đạt được mục đích ban đầu của đề xuất được đặt ra.
Theo Luật sư, người dân có quyền cung cấp dữ liệu thu được từ phương tiện, thiết bị kỹ thuật có thể được cung cấp cho cơ quan, đơn vị, người có thẩm quyền xử phạt bằng nhiều hình thức như: cung cấp trực tiếp hoặc qua thư điện tử, qua dịch vụ bưu chính hoặc thông qua kết nối, chia sẻ dữ liệu theo quy định tại Điều 16 Nghị định 135/2021/NĐ – CP . Và nếu như cơ quan chức năng từ chối mua clip vi phạm, thì vấn đề khiếu kiện hành chính sẽ xảy ra rất nhiều. Đặc biệt theo quy định tại Khoản 3 Điều 60 Luật TTHC năm 2015: “Trường hợp người bị kiện là cơ quan, tổ chức hoặc người đứng đầu cơ quan, tổ chức thì người bị kiện chỉ được ủy quyền cho cấp phó của mình đại diện.” Do đó, khi phát sinh một lượng lớn các vụ kiện hành chính về quyết định XPVPHC của cơ quan công an thì thủ trưởng hoặc phó thủ trưởng cơ quan CSĐT công an các cấp phải phối hợp với Tòa án để giải quyết vụ việc. Điều này ảnh hưởng tiêu cực tới thời gian và công việc chuyên môn của cơ quan công an cũng như uy tín của lãnh đạo các cấp.
Bên cạnh đó, Luật sư nhận thấy có sự không đồng bộ giữa pháp luật hành chính và pháp luật hình sự. Nếu như đặt ra vấn đề trả tiền để mua clip vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông. Vậy nếu clip đấy có vi phạm hình sự thì có được trả tiền hay không? Vấn đề này cần thiết phải có sự trao đổi lấy ý kiến từ các bên để đảm bảo hiệu quả mà không xung đột.
Do đó, theo Luật sư việc xử phạt vi phạm hành chính về giao thông là không khả thi, chưa cần thiết và có thể phát sinh nhiều hệ lụy tiêu cực cho xã hội. Bộ công an cần phải xem xét và cân nhắc kĩ các hệ lụy xã hội phát sinh cũng như vấn đề chi phí chi trả cho người dân trước khi tiến hành thực hiện đề xuất này trên thực tế. Như tiến hành thí điểm tại một số địa phương nhất định, hoặc thay vì mua clip thì Cục CSGT nên khuyến khích, khen thưởng nếu tin báo kịp thời ngăn chặn tai nạn nghiêm trọng. Và nên có kênh riêng để người dân phản ánh trên các nền tảng mạng, nhanh chóng xử lý vi phạm và cũng xử lý đối với tin báo lừa gạt mua vui.
Thông tin liên hệ:
Văn phòng luật sư Đồng Đội: P2708, Tòa nhà VP3 Bán đảo Linh Đàm, Hoàng Liệt, Hoàng Mai, Hà Nội.
Điện thoại: 0936.026.559 – Email: tranxuantien1964@gmail.com
Website: https://dongdoilaw.vn
Facebook: https://www.facebook.com/dongdoilaw
Youtube: https://www.youtube.com/c/VănphòngluậtsưĐồngĐội
Tiktok: https://www.tiktok.com/@vpls_dongdoi