Trao đổi với phóng viên về vụ tranh chấp trong sử dụng tên gọi cuộc thi giữa Công ty A và Công ty B, Luật sư Trần Xuân Tiền, Trưởng văn phòng Luật sư Đồng Đội, Đoàn Luật sư Thành phố Hà Nội chia sẻ, việc có sự trùng khớp về phần dịch nghĩa trong tên gọi của cuộc thi là “C” do hai công ty trên tổ chức là một vụ việc hy hữu, đang được bàn luận và thu hút được sự quan tâm của dư luận.
Việc phần dịch Tiếng việt tên hai cuộc thi do hai công ty tổ chức có phần trùng nhau, đều là “ C” và khiến cho cả hai bên đều cho rằng đối phương đang xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ của mình. Tuy nhiên, vụ việc này cần phải được phân tích, bóc tách rõ để có cơ sở xác định quyền và nghĩa vụ của các tổ chức này đến đâu và liệu có hành vi vi phạm quyền sở hữu trí tuệ hay không?
Theo như tài liệu do Công ty B và Công ty A đưa ra, Cục Bản quyền Tác giả thực hiện việc cấp Giấy chứng nhận đăng ký quyền tác giả cho hai công ty có nội dung tương tự nhau: đối tượng được bảo hộ đều là kịch bản chương trình cuộc thi, loại hình được bảo hộ là tác phẩm viết.
Nội dung mà Cục Bản quyền chấp thuận đăng ký quyền tác giả cho cả hai bên là Quyền tác giả đối với tác phẩm “Kịch bản chương trình cuộc thi”. Cục Bản quyền đã thẩm định các nội dung trong kịch bản như điều lệ, quy cách tổ chức và thể lệ trao thưởng của cuộc thi… để cấp Giấy chứng nhận đăng ký quyền tác giả. Và thực tế, kịch bản chương trình của hai cuộc thi là khác nhau, không có sự sao chép. Tên kịch bản tuy cũng có trùng giữa hai cuộc thi (phần “C ”) nhưng tên gọi không phải là căn cứ để Cục Bản quyền Tác giả cấp Giấy chứng nhận đăng ký quyền tác giả cho hai công ty. Theo quy định tại Điều 13, 14, 15 của Luật sở hữu trí tuệ, điều kiện để bảo hộ quyền tác giả bao gồm điều kiện về tác giả (tổ chức, cá nhân phải trực tiếp sáng tạo ra tác phẩm) và điều kiện về loại hình tác phẩm (tác phẩm phải thuộc một trong các loại hình mà luật quy định được bảo hộ quyền tác giả). Do vậy, việc cấp Giấy chứng nhận đăng ký quyền tác giả cho hai công ty của Cục Bản quyền Tác giả là đúng quy định của pháp luật do đã đáp ứng điều kiện bảo hộ quyền tác giả.
Luật sư trao đổi thêm, việc hai công ty được cấp giấy chứng nhận quyền tác giả đối với Kịch bản chương trình là một biện pháp để hai đơn vị này bảo vệ tác phẩm của mình trước các cá nhân, tổ chức khác có hành vi sử dụng trái phép tác phẩm (sử dụng tác phẩm không xin phép, trả thù lao; sao chép tác phẩm; công bố tác phẩm khi không có sự đồng ý của chủ sở hữu…) và nếu phát sinh tranh chấp thì họ có thể chứng minh được quyền sở hữu của mình thông qua Giấy chứng nhận đăng ký quyền tác giả, từ đó có quyền yêu cầu bên xâm phạm quyền tác giả bồi thường thiệt hại.
Tuy nhiên, đối với logo “C ”, Công ty B đã nộp đơn đăng ký nhãn hiệu, và được Cục Sở hữu trí tuệ chấp nhận đơn hợp lệ nhưng chưa được cấp giấy chứng nhận nên chưa phát sinh quyền sở hữu công nghiệp đối với nhãn hiệu “C ”. Bởi theo quy định của Luật sở hữu trí tuệ, trình tự để được cấp giấy chứng nhận đối với nhãn hiệu phải trải qua 05 bước bao gồm: Tiếp nhận đơn, thẩm định hình thức đơn, công bố đơn, thẩm định nội dung đơn, ra quyết định cấp hoặc từ chối cấp văn bằng bảo hộ.
Còn về phía Công ty A đã được cấp giấy chứng nhận quyền tác giả đối với logo của chứa tên gọi “C” và trên thực tế công ty D nắm bản quyền cuộc thi quốc tế trên đã được cấp quyền cho công ty A sử dụng nhãn hiệu của công ty D. Do vậy, nếu có bất kỳ cá nhân, đơn vị nào sử dụng nhãn hiệu “ C” ( đã được phiên âm ra Tiếng Việt) trên tại Việt Nam mà không được sự cho phép của Công ty A thì đều là hành vi xâm phạm và họ có quyền ngăn cấm người khác sử dụng đối tượng sở hữu công nghiệp căn cứ theo quy định tại Điều 125 Luật sở hữu trí tuệ và phải có trách nhiệm bồi thường nếu họ có yêu cầu.
Đối với nhưng thắc mắc về tên cuộc thi, có thể thấy, so sánh giữa hai tên tiếng Việt của hai cuộc thi do Công ty B và Công ty A tổ chức, yếu tố tương tự đến mức gây nhầm lẫn là “C ” khiến cho mọi người không có khả năng phân biệt theo Điều 72 Luật Sở hữu trí tuệ.
Một nhãn hiệu được xem là có dấu hiệu phân biệt phải dựa trên các yếu tố: Cấu trúc; phát âm; phiên âm; dịch nghĩa; ý nghĩa; bố cục tổng thể; sản phẩm/dịch vụ tương tự/liên quan . Có thể thấy nhãn hiệu được được nhận chuyển quyền sử dụng của công ty A hoàn toàn có khả năng gây nhầm lẫn với nhãn hiệu của công ty B khi dịch nghĩa sang tiếng Việt đều được hiểu là “C ”
Công ty A đã đăng ký logo dưới dạng Quyền tác giả, hơn thế nữa, còn được cấp li-xăng nhãn hiệu từ Ban tổ chức Cuộc thi “D” mang tầm quốc tế, còn công ty B mới chỉ dừng lại ở giai đoạn nộp đơn đăng ký xin cấp văn bằng bảo hộ nhãn hiệu. Chính vì thế, công ty A hoàn toàn có quyền gửi công văn đến để cảnh báo và yêu cầu Công ty B loại bỏ/thay đổi các yếu tố tương tự đến mức gây nhầm lẫn trên nhãn hiệu của mình.
Bên cạnh đó, công ty A còn có thể đến Cục Sở hữu trí tuệ để gửi đơn trình bày ý kiến của mình kèm theo các tài liệu hoặc trích dẫn nguồn thông tin để chứng minh rằng nhãn hiệu của Công ty B tương tự đến mức gây nhầm lẫn với nhãn hiệu của Công ty A . Cục Sở hữu trí tuệ sẽ xem xét để quyết định cấp hay không cấp văn bằng bảo hộ cho Công ty B theo Điều 112 Luật Sở hữu trí tuệ.
Mặt khác, việc đánh giá hai đối tượng có thể tương tự đến mức gây nhầm lẫn hay không, phụ thuộc vào nhiều yếu tố khác như: cách trình bày, màu sắc, tỷ lệ, phương pháp cách điệu dòng chữ,… của đối tượng, do đó chưa thể để đánh giá được hai đối tượng này có khả năng gây nhầm lẫn hay không nếu chỉ căn cứ vào yếu tố “C”.
Luật sư cũng nhận định, tên gọi “C ” không nói lên tất cả những gì mà cuộc thi muốn hướng đến. Điều thu hút sự quan tâm của mọi người là căn cứ vào nội dung, chất lượng cuộc thi cũng như ý nghĩa mà nó mang lại. Do vậy, luật sư cho rằng, phương án giải quyết tốt nhất và nhanh nhất vấn đề tranh chấp là hai bên cần thương lượng, nhượng bộ lẫn nhau để tiết kiệm thời gian, công sức Biết rằng bên nào cũng có những lập luận để bảo vệ cho quan điểm của mình nhưng nếu hai bên tranh chấp về vấn đề tên gọi này càng lâu thì chỉ khiến cho hai bên mất thời gian trong khi vẫn không giải quyết được tận cùng của vấn đề, thậm chí ảnh hưởng đến danh tiếng uy tín của hai công ty.
Thông tin liên hệ:
Văn phòng luật sư Đồng Đội: P2708, Tòa nhà VP3 Bán đảo Linh Đàm, Hoàng Liệt, Hoàng Mai, Hà Nội
Điện thoại: 0936.026.559 – Email: tranxuantien1964@gmail.com
Website: https://dongdoilaw.vn
Facebook: https://www.facebook.com/dongdoilaw
Youtube: https://www.youtube.com/c/VănphòngluậtsưĐồngĐội