Trong thời gian gần đây, các vụ án liên quan đến sản xuất, buôn bán hàng giả – đặc biệt là thực phẩm, mỹ phẩm, thuốc chữa bệnh – đang có chiều hướng gia tăng với thủ đoạn tinh vi và quy mô ngày càng lớn. Nhiều đối tượng đã lợi dụng mạng xã hội để quảng cáo sản phẩm sai sự thật, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe người tiêu dùng và trật tự quản lý kinh tế.
Chỉ tính từ đầu năm 2025 đến nay, Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về tham nhũng, kinh tế, buôn lậu (C03 – Bộ Công an) phối hợp với các địa phương đã phát hiện và triệt phá nhiều vụ án lớn. Đáng chú ý có vụ việc liên quan đến các cá nhân hoạt động trên mạng xã hội như “Hằng Du Mục” và “Quang Linh Vlogs”, bị khởi tố theo Điều 193 và Điều 198 Bộ luật Hình sự về các tội danh sản xuất hàng giả là thực phẩm và lừa dối khách hàng.
Bên cạnh đó, hàng loạt đường dây sản xuất mỹ phẩm giả, sữa bột giả cũng bị triệt phá, cho thấy tính chất nghiêm trọng và quy mô phức tạp của tội phạm trong lĩnh vực này.
Vai trò then chốt của lực lượng công an nhân dân
Theo thống kê từ Ban Chỉ đạo 389 quốc gia, năm 2023, các lực lượng chức năng đã phát hiện và xử lý 146.678 vụ vi phạm, trong đó có 11.499 vụ mua bán, vận chuyển kinh doanh hàng cấm, hàng lậu; 129.713 vụ gian lận thương mại và thuế. Cục Quản lý và Phát triển thị trường trong nước cũng cho biết trong năm 2024, đã phát hiện 47.135 vụ vi phạm, trị giá hàng hóa lên tới 425 tỷ đồng (tăng 23% so với năm 2023). Các vụ vi phạm trong thương mại điện tử đã tăng 266%, chứng tỏ tình hình ngày càng phức tạp.
Mới đây, các lực lượng công an đã triệt phá nhiều đường dây sản xuất, buôn bán hàng giả quy mô lớn, như vụ sản xuất sữa giả tại Thanh Hóa hay vụ sản xuất, buôn bán thuốc chữa bệnh giả. Các chiến công này một lần nữa khẳng định vai trò quan trọng của lực lượng công an trong bảo vệ thị trường và quyền lợi người tiêu dùng.
Nỗ lực phá án và xử lý các đường dây tội phạm
Tháng 3/2025, Công an TP.HCM phối hợp với C03 đã triệt phá một đường dây sản xuất mỹ phẩm giả quy mô lớn, thu giữ hơn 500.000 sản phẩm thành phẩm và nguyên liệu. Đây là một trong những vụ án điển hình cho thấy sự quyết tâm của lực lượng công an trong việc xử lý nghiêm các hành vi sản xuất, buôn bán hàng giả.
Một ví dụ điển hình khác là vụ triệt phá đường dây sản xuất và buôn bán sữa bột giả vào tháng 4/2025, với số lượng cực lớn trên địa bàn Hà Nội và các tỉnh lân cận. Các đối tượng chủ mưu cầm đầu đường dây này đã bị bắt giam và đối mặt với các tội danh “Sản xuất, buôn bán hàng giả là thực phẩm” và “Vi phạm quy định về kế toán gây hậu quả nghiêm trọng.”
Những giải pháp tiếp theo để đấu tranh hiệu quả với tội phạm hàng giả
Mặc dù lực lượng công an đã có nhiều nỗ lực trong công tác điều tra và xử lý, để cuộc chiến chống hàng giả đạt hiệu quả cao hơn, cần có sự vào cuộc mạnh mẽ và đồng bộ từ nhiều phía.
1. Tăng cường phối hợp liên ngành
Một trong những hạn chế lớn hiện nay là sự thiếu liên kết chặt chẽ giữa các lực lượng chức năng như công an, quản lý thị trường, hải quan, thanh tra chuyên ngành và chính quyền địa phương. Do đó, xây dựng một cơ chế phối hợp liên ngành rõ ràng, có trách nhiệm cụ thể, có sự phân công – phân quyền hợp lý là điều kiện tiên quyết. Cần tổ chức giao ban định kỳ giữa các lực lượng để thống nhất nhận diện rủi ro, xác lập chuyên án chung, đồng thời xây dựng kênh phản ứng nhanh khi phát hiện vi phạm, đặc biệt trên môi trường số. T
ại các địa phương trọng điểm như Hà Nội, TP.HCM, Hải Phòng, Đà Nẵng, cần có các tổ công tác chuyên trách liên ngành, gồm đại diện công an, quản lý thị trường, thuế, và chính quyền địa phương, nhằm xử lý nhanh các vụ việc nổi cộm và đột xuất.
2. Hiện đại hóa công tác điều tra
Trong bối cảnh hiện nay, khi các đối tượng phạm tội về hàng giả, hàng nhái ngày càng sử dụng những thủ đoạn tinh vi, có tổ chức, thậm chí móc nối xuyên biên giới và tận dụng tối đa các nền tảng công nghệ số để che giấu hành vi vi phạm, thì yêu cầu hiện đại hóa và nâng cao năng lực điều tra, xử lý của lực lượng Công an trở nên cấp thiết hơn bao giờ hết.
Một trong những hướng đi quan trọng là tăng cường đầu tư về cơ sở vật chất, phương tiện kỹ thuật, công cụ hỗ trợ và ứng dụng công nghệ cao phục vụ cho công tác điều tra, đặc biệt là đối với lực lượng Cảnh sát Kinh tế và Cảnh sát phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao (Cục A05 – Bộ Công an) – những đơn vị trực tiếp tham gia điều tra, bóc gỡ các đường dây tội phạm kinh tế có yếu tố công nghệ và xuyên quốc gia.
3. Tăng cường truyền thông và nâng cao nhận thức cộng đồng
Việc truyền thông về các vụ án lớn giúp người dân nhận thức rõ về hậu quả của việc tiêu thụ hàng giả. Điều này không chỉ giúp người tiêu dùng bảo vệ quyền lợi của mình mà còn góp phần vào công tác phòng ngừa chung của xã hội.
Việc xử lý nghiêm minh các hành vi sản xuất, buôn bán hàng giả không chỉ là yêu cầu về pháp luật hình sự, mà còn là biện pháp cần thiết để bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng và giữ gìn trật tự quản lý kinh tế.