Trong thời gian gần đây, hành vi quay lén, chụp lén người khác đang trở thành một vấn đề nổi cộm được xôn xao bàn tán, gây nhức nhối trong dư luận bởi mức độ nghiêm trọng của hậu quả mà hành vi này có thể gây ra cho cá nhân bị quay lén. Không ít các vụ việc quay lén đã được phát hiện và xử lý, tiêu biểu là việc người mẫu Châu Bùi bị quay lén bởi một camera ẩn được giấu trong phòng thay đồ của một studio, hay vụ việc một nữ sinh bị quay lén suốt 3 năm trời do chủ nhà trọ lắp đặt máy quay giấu kín trong ổ điện ở nhà tắm, mà kết quả là chủ nhà trọ chỉ bị xử phạt hành chính với số tiền 12,5 triệu đồng, gây bức xúc trên mạng xã hội.
Hành vi quay lén, chụp lén cá nhân có thể xuất phát từ sự tò mò, tuy nhiên, đã không ít những trường hợp nguyên do thực hiện hành vi này đến từ những ham muốn của người thực hiện quay lén nhằm thỏa mãn bản thân, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống riêng tư của cá nhân bị quay lén, làm xâm phạm uy tín, danh dự và nhân phẩm của nạn nhân. Thế nhưng, khi bị phát hiện đã sử dụng các thiết bị để quay lén thì nhiều người lại một mực phủ nhận rằng bản thân không thực hiện hành vi này. Tồi tệ hơn, có những cá nhân thừa nhận đã thực hiện hành vi quay lén nhưng lại cho rằng bản thân không làm gì sai, bởi nơi đặt camera chính là nhà của họ, thuộc quyền sở hữu của họ, do đó họ có quyền được làm bất kỳ điều gì mình muốn.
Thực trạng đòi hỏi cần phải có những biện pháp nghiêm khắc để bảo vệ quyền riêng tư của mỗi cá nhân và ngăn chặn những hành vi tương tự tái diễn trong tương lai, không để những hành vi vô văn hoá, vô đạo đức ảnh hưởng đến danh dự, nhân phẩm, thậm chí là làm hỏng cả sự nghiệp, tài sản của những người chân chính.
Vậy trước hết, cần phải khẳng định rằng, hành vi quay lén, chụp lén người khác là hành vi vi phạm pháp luật, bởi đây là hành vi sử dụng một hoặc nhiều phương tiện camera, điện thoại, máy quay… có công dụng ghi hình để quay một người khác khi chưa được sự cho phép của người bị quay. Việc quay lén, chụp lén người khác là hành vi xâm phạm quyền đối với hình ảnh và quyền về đời sống riêng tư, bí mật cá nhân, bí mật gia đình của người bị quay lén theo quy định của Bộ luật Dân sự 2015, đồng thời, tùy vào tính chất, mức độ mà hành vi này cũng có thể vi phạm hành chính, thậm chí là bị xử lý hình sự.
Theo quy định pháp luật hiện nay, tuỳ theo tính chất, mức độ của hành vi mà người có hành vi quay lén người khác có thể bị xử phạt hành chính hoặc bị xử lý hình sự. Người có hành vi quay lén người khác có thể bị xử phạt hành chính theo điểm e khoản 3 Điều 102 Nghị định 15/2020/NĐ-CP về hành vi vi phạm quy định về lưu trữ, cho thuê, truyền đưa, cung cấp, truy nhập, thu thập, xử lý, trao đổi và sử dụng thông tin, cụ thể là vi phạm về việc “Thu thập, xử lý và sử dụng thông tin của tổ chức, cá nhân khác mà không được sự đồng ý hoặc sai mục đích theo quy định của pháp luật” và có thể bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng.
Như vậy, rõ ràng có thể thấy mức xử phạt hành chính còn quá nhẹ so với hậu quả do hành vi vi phạm gây ra cho nạn nhân. Điều đó có thể dẫn đến tâm lý coi thường pháp luật của người vi phạm, họ có thể sẽ cho rằng, dù có bị phát hiện và xử lý thì cũng chỉ bị xử phạt nhẹ, không lo ngại mà vẫn cố ý thực hiện hành vi xâm phạm đối với nạn nhân.
Không chỉ vậy, người quay lén còn có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội Làm nhục người khác theo Điều 155 Bộ luật Hình sự 2015 hoặc tội Truyền bá văn hóa phẩm đồi trụy theo quy định tại Điều 326 Bộ luật Hình sự 2015.
Đối với hành vi quay lén người khác và sử dụng hình ảnh để làm nhục, xúc phạm nghiêm trọng nhân phẩm, danh dự của người bị quay lén thì có thể bị truy cứu về Tội làm nhục người khác theo Điều 155 Bộ luật Hình sự 2015. Theo đó, người nào xúc phạm nghiêm trọng nhân phẩm, danh dự của người khác thì tối thiểu sẽ bị phạt cảnh cáo, phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng hoặc phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm căn cứ khoản 1 Điều 155. Đối với những hành vi có tính chất, mức độ nghiêm trọng hơn, cá nhân có thể bị xử lý trách nhiệm hình sự với các mức phạt tù từ 3 tháng đến 2 năm hoặc có thể phải chịu mức cao nhất là 2 đến 5 năm tù khi phạm tội thuộc một trong các trường hợp như gây rối loạn tâm thần và hành vi của nạn nhân mà tỷ lệ tổn thương cơ thể 61% trở lên hoặc làm nạn nhân tự sát. Ngoài ra, người phạm tội còn có thể bị cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm.
Ngoài ra, nếu có hành vi quay lén người khác và sử dụng hình ảnh đó để lưu hành, vận chuyển, mua bán, tàng trữ nhằm phổ biến nội dung khiêu dâm, đồi trụy hoặc hành vi khác truyền bá vật phẩm đồi trụy thì có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự tội Truyền bá văn hóa phẩm đồi trụy theo Điều 326 Bộ luật Hình sự 2015 với khung hình phạt tối thiểu là phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm. Trường hợp xét thấy hành vi có tính chất, mức độ nguy hiểm nghiêm trọng hơn, cần thiết phải áp dụng hình phạt nặng để răn đe thì cá nhân vi phạm có thể bị truy cứu trách nhiệm với mức cao nhất từ 7 đến 15 năm tù.
Phạm Hà Thu – 0827122116- phamhathu08102003@gmail.com
TTS tại Văn phòng Luật sư Đồng Đội
Thông tin liên hệ:
Văn phòng luật sư Đồng Đội: P2708, Tòa nhà VP3 Bán đảo Linh Đàm, Hoàng Liệt, Hoàng Mai, Hà Nội
Điện thoại: 0936.026.559 – Email: tranxuantien1964@gmail.com
Website: https://dongdoilaw.vn
Facebook: https://www.facebook.com/dongdoilaw
Youtube: https://www.youtube.com/c/VănphòngluậtsưĐồngĐội
Tiktok: https://www.tiktok.com/@vpls_dongdoi