Trên thực tế thi hành án, có rất nhiều trường hợp người phải thi hành án đã cố tình thủ tiêu các khoản tiền “đen” của mình gửi tại các ngân hàng nhằm trốn tránh hoặc gây khó khăn cho việc thi hành án của cơ quan thi hành án dân sự. Điều này khiến cho cơ quan thi hành án gặp rất nhiều khó khăn, nhiều án tồn đọng kéo dài do không thể xác minh chính xác số tài sản của người phải thi hành án và người phải thi hành án cũng không đủ điều kiện thi hành do không có số tài sản bằng nghĩa vụ tài sản phải gánh vác trong bản án, quyết định của Tòa án. Điều này cho thấy sự cần thiết phải áp dụng biện pháp phong tỏa tài khoản đối với những tổ chức, cá nhân phải thi hành án có tài khoản trong các ngân hàng nhằm hạn chế tình trạng tẩu tán tài sản, trốn tránh trách nhiệm thi hành án của tổ chức, cá nhân đó, đảm bảo việc thi hành án dân sự của cơ quan nhà nước.
Tuy nhiên, phong tỏa tài khoản được hiểu là gì?
Biện pháp phong tỏa tài khoản áp dụng trong trường hợp người phải thi hành án phải thi hành khoản nghĩa vụ trả tiền và các thông tin về điều kiện thi hành án cho thấy người đó đang có tiền trong tài khoản tại ngân hàng hoặc tổ chức tín dụng, tài chính khác. Việc áp dụng biện pháp phong tỏa tài khoản nhằm ngăn chặn người phải thi hành án thực hiện việc rút toàn bộ tiền hay một khoản tiền trong tài khoản làm cho số tiền của họ còn lại trong tài khoản nhỏ hơn nghĩa vụ mà họ phải thi hành án. Theo đó, mọi giao dịch đầu ra tài khoản của chủ tài khoản sẽ không thực hiện được hoặc bị hạn chế thực hiện. Tuy nhiên, cần hiểu đúng về biện pháp này là không ngăn chặn đối với các dòng tiền chuyển vào tài khoản mà chỉ ngăn chặn đối với giao dịch đầu ra tương ứng với nghĩa vụ thi hành án của đương sự chứ không phải là ngăn chặn, cấm giao dịch đối với toàn bộ tiền trong tài khoản. Tóm lại, về mặt bản chất, phong tỏa tài khoản là biện pháp nhằm ngăn chặn việc người có nghĩa vụ thi hành án tẩu tán tài sản và đảm bảo việc thực hiện nghĩa vụ thi hành án nhanh chóng, hiệu quả.
Vậy, trình tự thực thi phong tỏa tài khoản được thực hiện như thế nào?
Theo quy định tại Điều 66, 67 Luật thi hành án dân sự 2008, sửa đổi bổ sung 2014 quy định về quy trình thực thi phong tỏa ngân hàng như sau:
Thứ nhất, Chấp hành viên có thể tự mình hoặc theo yêu cầu của đương sự áp dụng biện pháp phong tỏa tài khoản khi có căn cứ cho thấy người có nghĩa vụ thi hành án có tài khoản và đang có dấu hiệu tẩu tán, trốn tránh nghĩa vụ thi hành án. Như vậy, đây là quyền hoàn toàn chủ động của chấp hành viên trong việc phong toả tài khoản của người phải thi hành án và phải chịu trách nhiệm về quyết định của mình.
Thứ hai, sau khi ra quyết định phong tỏa tài khoản, Chấp hành viên phải giao quyết định phong toả tài khoản cho cơ quan, tổ chức đang quản lý tài khoản của người phải thi hành án. Các cơ quan, tổ chức quản lý tài sản của người phải thi hành án thường là ngân hàng, kho bạc hay một số tổ chức tín dụng khác bởi đây là những tổ chức có chức năng thực hiện các giao dịch qua tài khoản.
Thứ ba, sau khi nhận được quyết định phong tỏa tài khoản, cơ quan, tổ chức đang quản lý tài khoản phải thực hiện ngay quyết định của Chấp hành viên về phong toả tài khoản. Theo đó, các cơ quan, tổ chức này phải thực hiện “khóa” việc chuyển dòng tiền trong tài khoản ra ngoài.
Thứ tư, trong thời hạn 10 ngày kể từ ngày ra quyết định phong tỏa tài khoản, Chấp hành viên phải thực hiện biện pháp cưỡng chế khấu trừ tiền trong tài khoản của người phải thi hành án. Theo đó, Chấp hành viên sẽ ra quyết định khấu trừ tiền trong tài khoản của người phải thi hành án và chuyển giao quyết định này cho cơ quan, tổ chức quản lý tài sản của người phải thi hành án. Tiếp theo, các cơ quan, tổ chức này sẽ phải thực thi quyết định của Chấp hành viên bằng việc khấu trừ số tiền mà người phải thi hành án phải trả để chuyển vào tài khoản của cơ quan thi hành án hoặc cho người được thi hành án.
Có thể khẳng định rằng những quy định về biện pháp bảo đảm phong tỏa tài khoản được quy định trong Luật Thi hành án dân sự rất tiến bộ, phù hợp với thực tiễn công tác thi hành án dân sự. Theo đó, sẽ hạn chế được việc người phải thi hành án tẩu tán số tiền đang có trong tài khoản.
Tuy nhiên, thực tế, trong thời gian qua, đã xảy ra trường hợp các cơ quan, tổ chức quản lý tài sản của người phải thi hành án không hợp tác trong việc phong tỏa tài khoản. Điều này đã khiến các chấp hành viên và cơ quan thi hành án gặp khó trong trường hợp tổ chức tín dụng không hợp tác, lấy lý do người phải thi hành án bị phong thỏa tài khoản đang khiếu nại. Trong trường hợp này, nếu có chứng cứ cho thấy phía ngân hàng cố tình trì hoãn việc chuyển tiền để tạo điều kiện cho người phải thi hành án trốn tránh nghĩa vụ thi hành án thì cơ quan thi hành án có quyền ra quyết định xử phạt hành chính. Vì ngân hàng hay bất cứ cá nhân, tổ chức nào cũng là đối tượng có trách nhiệm thực hiện quyết định của cơ quan thi hành án. Thậm chí cơ quan thi hành án còn có quyền chuyển hồ sơ đề nghị cơ quan công an khởi tố người có trách nhiệm của phía ngân hàng về hành vi cản trở việc thi hành án theo Điều 381 BLHS 2015. Đây là chế tài rất hữu hiệu nhằm đảm bảo cho việc thực thi phong tỏa tài khoản được thực hiện có hiệu quả.
Đồng thời, trong quá trình phong tỏa tài khoản thì Chấp hành viên cũng gặp không ít khó khăn trong quá trình thu thập thông tin tài khoản. Theo Khoản 1 Điều 20, Nghị định 62/2015/NĐ-CP quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Thi hành án dân sự: “Quyết định phong tỏa tài khoản, tài sản ở nơi gửi giữ phải xác định rõ số tiền, tài sản bị phong tỏa”. Vì vậy, để xác định số tiền bị phong tỏa được chính xác, chấp hành viên cần phải tiến hành các hoạt động thu thập thông tin về tài khoản của người phải thi hành án tại ngân hàng, tổ chức tín dụng, kho bạc nhà nước. Thông tin về tài khoản của người phải thi hành án có rất nhiều nguồn khác nhau. Việc xác định người đó có tài khoản hay không có thể căn cứ vào một trong những yếu tố như: Lĩnh vực, ngành nghề hoạt động của người phải thi hành án, các hợp đồng của người phải thi hành án với các đối tác, đăng ký kinh doanh,… Thực tế, trong thời gian qua, đã xảy ra trường hợp chấp hành viên do thiếu thông tin hoặc thông tin không chính xác, đầy đủ, đã vội vàng ra quyết định phong tỏa tài khoản không đúng đối tượng, gây thiệt hại và phải bồi thường thiệt hại lên đến hàng tỷ đồng cho người bị phong tỏa nhầm tài khoản. Thiết nghĩ để đảm bảo hiệu quả của việc thực hiện biện pháp phong tỏa tài khoản nói riêng và trong nghiệp vụ thi hành án nói chung thì vấn đề nâng cao trình độ chuyên môn của Chấp hành viên đóng vai trò hàng đầu.
Hải Nam – Chuyên viên tư vấn pháp lý
SĐT: 01657169210 – Email: tranhainamby1@gmail.com