Cuộc sống hôn nhân không phải lúc nào cũng màu hồng, bởi khi bước vào hôn nhân, không ai có thể tránh khỏi những lúc vợ chồng mâu thuẫn, cãi vã. Trong hoàn cảnh đó, mỗi người lại có cách giải quyết khác nhau, hoặc là ngồi lại cùng nhau chia sẻ đi đến hoà giải, hoặc dùng cách trả thù để hoá giải xung đột. Nhưng đỉnh điểm của tội ác là có nhiều người chọn cách hành hạ, tước đoạt đi tính mạng của con trẻ vì cơn giận, nỗi hận bạn đời của mình.
Vừa qua, dư luận xã hội không khỏi bàng hoàng, sửng sốt, đau xót trước thông tin một bé gái 5 tuổi bị cha ruột ném xuống sông do nghi ngờ vợ ngoại tình. Theo điều tra ban đầu, nghi phạm khai nhận hai vợ chồng xảy ra mâu thuẫn trước Tết Nguyên đán nên người vợ bỏ về nhà cha mẹ ruột (ở cùng thôn) và sau Tết đã vào TP. HCM làm công nhân may. Vào ngày 16/2, nghi ngờ vợ ngoại tình vì gọi điện thoại không nghe máy, nghi phạm đã đến nhà bố mẹ vợ để nói chuyện, sau đó bế bé gái từ nhà ông bà ném xuống sông.
Còn nhớ, cách đây không lâu, người mẹ tên N. ở Bến Tre, vì giận chồng đã bế con trai mới 3 tuổi về nhà mẹ đẻ. Trong lúc tắm cho con, N. dùng khăn tắm siết cổ con đến chết vì uất ức với chồng. Hay vụ việc ở Kiên Giang, do xảy ra cãi cự, vợ bỏ nhà đi, ông bố tên N. đã đang tâm giết chết con trai 3 tuổi, còn bản thân tự tử nhiều lần nhưng không thành… và còn rất nhiều vụ việc thương tâm nữa đã xảy đến với những đứa trẻ vô tội.
Trở lại vụ việc trên, hiện Công an tỉnh Q.N. đang tạm giữ người cha có hành vi nhẫn tâm với con gái mình, đồng thời củng cố hồ sơ để điều tra. Theo đó, để xác định trách nhiệm đối với người đàn ông này, phải chờ kết quả điều tra ban đầu của cơ quan Công an cũng như kết quả khám nghiệm hiện trường, khám nghiệm tử thi, lấy lời khai của nghi phạm… Tuy nhiên, với đầy đủ nhận thức, năng lực điều khiển hành vi của một người trưởng thành, nghi phạm phải biết hành vi của mình có thể tước đoạt tính mạng của con gái. Vì vậy, nghi phạm có thể bị khởi tố về tội “Giết người” quy định tại Điều 123 Bộ luật hình sự 2015, sửa đổi bổ sung 2017. Mức án cao nhất đối với tội danh này là tù chung thân hoặc tử hình, căn cứ vào tính chất, mức độ hành vi của người cha và các tình tiết tăng nặng, giảm nhẹ.
Có thông tin cho rằng, trước khi phạm tội, người đàn ông này đã sử dụng chất kích thích. Tuy nhiên, căn cứ vào Điều 13 Bộ luật hình sự, người phạm tội trong tình trạng mất nhận thức hoặc khả năng điều khiển hành vi của mình do dùng rượu, bia hoặc chất kích thích mạnh khác, thì vẫn phải chịu trách nhiệm hình sự. Cho nên, đây không phải là căn cứ miễn trừ trách nhiệm dành cho nghi phạm.
Điều quan tâm và mong muốn ngay lúc này của dư luận xã hội là vụ việc nhanh chóng được làm sáng tỏ, cơ quan chức năng kịp thời khởi tố vụ án, khởi tố bị can và tiến hành xét xử một cách công bằng, đúng người, đúng tội, thể hiện tính răn đe của pháp luật và góp phần đẩy lùi những hành vi máu lạnh, mất nhân tính đối với người thân xảy ra trong xã hội.
Tuy nhiên, mức án và hình phạt đối với người cha có nặng nề và kéo dài đến bao lâu đi chăng nữa, thì có lẽ nỗi đau mất đi đứa con của người mẹ, người cháu gái của ông bà và gia đình sẽ không bao giờ nguôi ngoai. Sự ngông cuồng, ngang tàng của người cha cũng không thể nào thoát khỏi sự trừng phạt của pháp luật, của dư luận và của chính lương tâm người đàn ông ấy.
Vụ việc trên gióng lên một hồi chuông báo động về xu hướng giải quyết mâu thuẫn bằng bạo lực trong xã hội ngày càng tăng cao và vấn đề ứng xử giữa vợ chồng, con cái trong cuộc sống hôn nhân. Thông thường, khi mâu thuẫn xảy ra, con người thường bị cái tôi ích kỷ cá nhân lấn át đến nỗi không còn tỉnh táo, giữ được bình tĩnh và hành xử thiếu kiểm soát. Lúc đó, họ không còn nghĩ cho gia đình, con cái mà chỉ nghĩ phải làm gì để mình là người chiến thắng trong cuộc cãi vã, hoặc nghĩ cách trả thù đối phương một cách đau đớn nhất. Thực tế cho thấy, ngoài kia còn biết bao đứa trẻ phải sống trong cảnh đọa đày, chảy nước mắt khi bố mẹ mâu thuẫn, cãi vã hàng ngày, chúng trở thành nơi hứng chịu những thù hằn từ bố mẹ, thậm chí có nhiều em nhỏ đã ra đi vĩnh viễn,…
Trẻ em vốn dĩ là những đối tượng yếu thế nhất, chưa có khả năng tự bảo vệ nên dễ dàng trở thành nạn nhân của những vụ bạo hành, đánh đập, xâm phạm trực tiếp đến sức khoẻ, tính mạng của chúng. Tình trạng này xảy ra ngày càng nhiều với mức độ ngày càng nghiêm trọng, trở thành một vấn nạn nhức nhối trong xã hội, mà trách nhiệm lớn nhất thuộc về các bậc làm cha làm mẹ. Như trong vụ việc này, bé gái mới chỉ 5 tuổi – độ tuổi đang cần được sự chăm sóc, yêu thương về cả vật chất và tinh thần từ cha mẹ, nhưng lại đang ở cùng ông bà ngoại vì mẹ bé đi làm ăn xa, bố lại quanh năm suốt tháng bám biển mưu sinh, thỉnh thoảng mới về thăm nhà. Vốn dĩ đã thiệt thòi hơn so với bạn bè cùng trang lứa, vậy mà chỉ vì trong lúc ghen tuông mù quáng, người cha đã bế con ra bến phà, thẳng tay quẳng con xuống sông, không một chút lấn cấn. Trong giây phút cuối cùng cuộc đời, chắc hẳn không ai hiểu được bé gái đã sợ hãi, hoảng loạn như thế nào khi bị bố bế đi trong trạng thái điên cuồng, đầy sát khí.
Có thể nói, một loạt những vụ việc thương tâm xảy ra trong thời gian gần đây có liên quan đến bạo hành trẻ em của cha dượng, mẹ kế hay của chính cha mẹ đứa trẻ đều là những hành động ngu xuẩn. Bởi luật nhân quả không chừa một ai, có vay thì phải có trả, chắc chắn rằng những người đã thực hiện tội ác thì tức thì sẽ phải nhận lấy hậu quả, đó không chỉ là bản án, hình phạt của pháp luật mà còn là sự lên án của xã hội và sự trừng phạt của lương tâm con người đến cuối cuộc đời.
Lí giải điều này trên phương diện của những người làm khoa học pháp lý, khi những người không có đủ kinh nghiệm, kỹ năng sống để đối diện với khó khăn, tìm lối thoát, giải pháp trong cuộc sống thì thường để cho bản thân đi đến tận cùng của bế tắc và dẫn đến bi kịch. Lấy ví dụ như, nếu những cặp vợ chồng đã có mâu thuẫn từ lâu, không thể tiếp tục chung sống thì nên quyết định ly hôn, hoặc nếu một bên không đủ điều kiện về tinh thần, vật chất để chăm sóc, giáo dục con thì hãy để người còn lại nhận trách nhiệm về mình,… chứ không nên cố gắng giành giật nuôi con hay làm những hành động gây đau đớn cho con trẻ để thoả mãn mục đích trả thù đối phương.
Qua đây, lại một lần nữa chúng ta phải nghiêm túc nhìn nhận lại tình cảm của mình, tầm quan trọng của hôn nhân và xác nhận lại với chính bản thân mình rằng, chúng ta đã đủ kiến thức và trách nhiệm để bước đến hôn nhân hay chưa. Hôn nhân là kết quả, là đích đến của tình yêu, nhưng không có nghĩa tình yêu có thể duy trì được cuộc sống hôn nhân bền vững và lâu dài. Đứng trước thực trạng hiện nay, có quá nhiều đôi nam nữ đến với nhau vì tình cảm nhất thời, rồi lại nhanh chóng ly hôn với lí do như “cơm bữa” là do chung sống không hợp, dẫn đến hàng loạt các vụ việc đau lòng bắt đầu từ bạo hành, bi kịch, mâu thuẫn gia đình. Rõ ràng, giang sơn khó đổi – bản tính khó dời, ai cũng đều có những ưu – nhược điểm trong tính cách, cho nên nếu như cả hai không cùng nhau nỗ lực mà lại viện lí do trên để chấm dứt hôn nhân là điều khó chấp nhận. Hơn nữa, xã hội vốn dĩ đã vô cùng phức tạp, cho nên cuộc đời hạnh phúc hay bất hạnh, vui vẻ hay đau buồn đều nằm ở sự lựa chọn của mỗi người. Mấu chốt của vấn đề chính là chúng ta tìm ra được lối thoát cho bản thân, đừng để bế tắc dẫn đến bi kịch.
Tình trạng trẻ em bị xâm phạm sức khoẻ, tính mạng trái pháp luật đến thời điểm này không còn dừng lại trong phạm vi của một gia đình, mà trở thành chuyện của cả xã hội, đòi hỏi cả cộng đồng phải chung tay ngăn chặn, đẩy lùi. Đã có nhiều quan điểm, ý kiến cho rằng, những người muốn kết hôn cần phải trải qua một lớp học về hôn nhân và gia đình, trong đó, phải học kiến thức làm cha, mẹ; học cách làm vợ, chồng và cách nuôi dạy con cái. Đồng thời, chứng chỉ tiền hôn nhân cũng là một điều kiện tiên quyết để tiến hành đăng ký kết hôn. Đây là vấn đề cần được quan tâm một cách nghiêm túc, từ cá nhân, gia đình, trường học và cả trong các chính sách, quy định, để làm sao mỗi người trẻ trước khi bước vào cuộc sống hôn nhân phải hiểu được trách nhiệm của mình với gia đình, đặc biệt là trách nhiệm với cuộc đời của những đứa trẻ chính mình tạo ra. Bởi nếu không phải từ chính bố mẹ, từ sự bền vững, bảo vệ ngay trong gia đình thì những bi kịch đau thương với con trẻ sẽ chưa thể dừng lại…
Thông tin liên hệ:
Văn phòng luật sư Đồng Đội: P2708, Tòa nhà VP3 Bán đảo Linh Đàm, Hoàng Liệt, Hoàng Mai, Hà Nội
Điện thoại: 0936.026.559 – Email: tranxuantien1964@gmail.com
Website: https://dongdoilaw.vn
Facebook: https://www.facebook.com/dongdoilaw
Youtube: https://www.youtube.com/c/VănphòngluậtsưĐồngĐội
Tiktok: https://www.tiktok.com/@vpls_dongdoi
Người viết: Lệ Mai – CVPL
SĐT: 0396018496 – Email: mmaivk22@gmail.com