Trong bối cảnh xã hội ngày càng phát triển, mâu thuẫn và tranh chấp trong cộng đồng là điều khó tránh khỏi. Hòa giải cơ sở đã trở thành một giải pháp hiệu quả, giúp giải quyết các vấn đề phát sinh một cách hòa bình và hợp lý. Không chỉ góp phần ổn định trật tự xã hội, hòa giải còn tạo ra môi trường giao tiếp tích cực giữa các cá nhân và tổ chức. Bài viết này sẽ cung cấp cái nhìn tổng quan về hòa giải cơ sở, những lợi ích mà nó mang lại.
1. Khái niệm và phạm vi hòa giải ở cơ sở
a. Khái niệm
Theo Khoản 1 Điều 2 Luật Hòa giải cơ sở năm 2013 có quy định “Hòa giải ở cơ sở là việc hòa giải viên hướng dẫn, giúp đỡ các bên đạt được thỏa thuận, tự nguyện giải quyết với nhau các mâu thuẫn, tranh chấp, vi phạm pháp luật theo quy định của Luật này.”
Cơ sở là thôn, làng, ấp, bản, buôn, phum, sóc, tổ dân phố, khu phố, khối phố và cộng đồng dân cư khác (sau đây gọi chung là thôn, tổ dân phố).
b. Phạm vi hòa giải ở cơ sở
Căn cứ theo Điều 3 Luật Hòa giải cơ sở năm 2013, việc hòa giải ở cơ sở được tiến hành đối với các mâu thuẫn, tranh chấp, vi phạm pháp luật:
+ Mâu thuẫn giữa các bên (do khác nhau về quan niệm sống, lối sống, tính tình không hợp hoặc mâu thuẫn trong việc sử dụng lối đi qua nhà, lối đi chung, sử dụng điện, nước sinh hoạt, công trình phụ, giờ giấc sinh hoạt, gây mất vệ sinh chung hoặc các lý do khác);
+ Tranh chấp phát sinh từ quan hệ dân sự như tranh chấp về quyền sở hữu, nghĩa vụ dân sự, hợp đồng dân sự, thừa kế, quyền sử dụng đất;
+ Tranh chấp phát sinh từ quan hệ hôn nhân và gia đình như tranh chấp phát sinh từ quan hệ giữa vợ, chồng; quan hệ giữa cha mẹ và con; quan hệ giữa ông bà nội, ông bà ngoại và cháu, giữa anh, chị, em và giữa các thành viên khác trong gia đình; cấp dưỡng; xác định cha, mẹ, con; nuôi con nuôi; ly hôn;
+ Vi phạm pháp luật mà theo quy định của pháp luật những việc vi phạm đó chưa đến mức bị truy cứu trách nhiệm hình sự, xử lý vi phạm hành chính;
+ Vi phạm pháp luật hình sự trong các trường hợp sau đây:
Không bị khởi tố vụ án theo quy định tại Điều 107 của Bộ luật tố tụng hình sự và không bị cơ quan nhà nước có thẩm quyền xử lý vi phạm hành chính theo quy định của pháp luật;
Pháp luật quy định chỉ khởi tố vụ án theo yêu cầu của người bị hại, nhưng người bị hại không yêu cầu khởi tố theo quy định tại khoản 1 Điều 105 của Bộ luật tố tụng hình sự và không bị cơ quan nhà nước có thẩm quyền xử lý vi phạm hành chính theo quy định của pháp luật;
Vụ án đã được khởi tố, nhưng sau đó có quyết định của cơ quan tiến hành tố tụng về đình chỉ điều tra theo quy định tại Khoản 2 Điều 164 của Bộ luật tố tụng hình sự hoặc đình chỉ vụ án theo quy định tại Khoản 1 Điều 169 của Bộ luật tố tụng hình sự và không bị cơ quan nhà nước có thẩm quyền xử lý vi phạm hành chính theo quy định của pháp luật;
+ Vi phạm pháp luật bị áp dụng biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn theo quy định tại Nghị định số 111/2013/NĐ-CP ngày 30 tháng 9 năm 2013 của Chính phủ quy định chế độ áp dụng biện pháp xử lý hành chính giáo dục tại xã, phường, thị trấn hoặc có đủ điều kiện để áp dụng biện pháp thay thế xử lý vi phạm hành chính theo quy định tại Chương II Phần thứ năm của Luật xử lý vi phạm hành chính;
+ Những vụ, việc khác mà pháp luật không cấm.
Không hòa giải trong các trường hợp sau đây:
+ Mâu thuẫn, tranh chấp xâm phạm lợi ích của Nhà nước, lợi ích công cộng;
+ Vi phạm pháp luật về hôn nhân và gia đình, giao dịch dân sự mà theo quy định của pháp luật tố tụng dân sự không được hòa giải;
+ Vi phạm pháp luật mà theo quy định phải bị truy cứu trách nhiệm hình sự hoặc bị xử lý vi phạm hành chính;
+ Mâu thuẫn, tranh chấp khác không được hòa giải ở cơ sở theo quy định pháp luật.
2. Có bắt buộc phải hòa giải tại cơ sở hay không?
Hòa giải tại cơ sở không phải là một quy định bắt buộc trong tất cả các trường hợp, nhưng nó được khuyến khích như một phương thức giải quyết tranh chấp đầu tiên. Theo quy định pháp luật ở nhiều quốc gia, hòa giải cơ sở thường là bước đầu tiên trong quy trình giải quyết mâu thuẫn, nhằm tạo cơ hội cho các bên tìm kiếm giải pháp hòa bình trước khi đưa vụ việc lên cấp cao hơn, như tòa án.
Hòa giải mang lại nhiều lợi ích, bao gồm tiết kiệm thời gian và chi phí, đồng thời giúp duy trì mối quan hệ giữa các bên. Tuy nhiên, trong một số trường hợp, nếu hòa giải không đạt được kết quả hoặc một trong các bên không muốn tham gia, các bên có quyền chọn lựa phương thức giải quyết khác, như khởi kiện.
3. Lợi ích của việc hòa giải tại cơ sở
Thứ nhất, hòa giải ở cơ sở góp phần giải quyết kịp thời mâu thuẫn, xích mích, các tranh chấp trong gia đình, cộng đồng dân cư, từ đó khôi phục, duy trì, củng cố tình đoàn kết trong nội bộ nhân dân, phòng ngừa, hạn chế vi phạm pháp luật, tội phạm, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội, góp phần giảm bớt khiếu nại, tố cáo, khiếu kiện của nhân dân, tiết kiệm thời gian, chi phí, công sức của nhân dân cũng như của Nhà nước.
Thứ hai, hòa giải ở cơ sở góp phần phát huy quyền làm chủ của nhân dân trong quản lý xã hội. Đặc trưng cơ bản của hòa giải là bảo đảm quyền tự định đoạt của các bên trong giải quyết tranh chấp, mâu thuẫn.
(Hình ảnh mang tính chất minh họa)
Thứ ba, hòa giải ở cơ sở góp phần nâng cao nhận thức, ý thức chấp hành pháp luật của nhân dân. Trong quá trình hòa giải, bên cạnh việc vận dụng các công cụ khác (văn hóa, đạo đức, thuần phong, mỹ tục, đạo lý, truyền thống …), các hòa giải viên còn vận dụng các quy định pháp luật để giải thích, hướng dẫn, thuyết phục các bên, giúp họ hiểu được quyền và nghĩa vụ của mình theo quy định của pháp luật để họ tự lựa chọn, tự dàn xếp ổn thỏa với nhau mâu thuẫn, tranh chấp.
Thứ tư, hòa giải ở cơ sở góp phần duy trì và phát huy đạo lý truyền thống, thuần phong mỹ tục của dân tộc. Hòa giải viên khi tiến hành hòa giải không chỉ dựa trên các quy định của pháp luật mà còn dựa vào những chuẩn mực đạo đức, văn hóa ứng xử, phong tục, tập quán tốt đẹp để tác động tới tâm tư, tình cảm của các bên, khơi dậy trong họ những suy nghĩ, tình cảm tích cực, qua đó làm cho các giá trị văn hóa truyền thống được bảo tồn và phát huy.
4. Trách nhiệm của cá nhân, tổ chức trong hoạt động hòa giải ở cơ sở
Căn cứ theo nghị định 15/2014/NĐ-CP Quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Hòa giải ở cơ sở
Thực hiện hòa giải giữa các bên ở thôn, tổ dân phố khác nhau:
+ Trong trường hợp các bên ở thôn, tổ dân phố khác nhau, thì tổ trưởng tổ hòa giải hoặc hòa giải viên được phân công hòa giải ở các thôn, tổ dân phố đó phối hợp, trao đổi thông tin, bàn về biện pháp tiến hành hòa giải và thông báo với Trưởng ban công tác Mặt trận tại nơi đó cùng phối hợp giải quyết.
+ Các hòa giải viên cùng tiến hành hòa giải và thông báo kịp thời với tổ trưởng tổ hòa giải về kết quả hòa giải.
+ Trách nhiệm của cá nhân, tổ chức trong việc theo dõi, đôn đốc thực hiện thỏa thuận hòa giải thành
Hòa giải viên, tổ trưởng tổ hòa giải có trách nhiệm thực hiện Điều 26 của Luật hòa giải ở cơ sở. Trong trường hợp tổ trưởng tổ hòa giải báo cáo có vấn đề phát sinh khi thực hiện thỏa thuận hòa giải thành, thì Trưởng ban công tác Mặt trận chủ trì, phối hợp với trưởng thôn, tổ trưởng tổ dân phố, gia đình, dòng họ, người có uy tín vận động, thuyết phục, có biện pháp giải quyết kịp thời vấn đề phát sinh đó.
+ Giải quyết trường hợp hòa giải không thành
+ Trường hợp các bên không đạt được thỏa thuận và cả hai bên yêu cầu tiếp tục hòa giải, thì hòa giải viên tiếp tục tiến hành hòa giải.
+ Trường hợp các bên không đạt được thỏa thuận và một bên yêu cầu tiếp tục hòa giải, nhưng có căn cứ cho rằng việc tiếp tục hòa giải không thể đạt kết quả thì hòa giải viên quyết định kết thúc hòa giải theo quy định tại Khoản 3 Điều 23 của Luật hòa giải ở cơ sở và hướng dẫn các bên đề nghị cơ quan nhà nước có thẩm quyền giải quyết theo quy định của pháp luật.
+ Trường hợp các bên yêu cầu lập văn bản hòa giải không thành, thì hòa giải viên lập văn bản, ghi rõ thông tin cơ bản về các bên; nội dung chủ yếu của vụ, việc; yêu cầu của các bên; lý do hòa giải không thành; chữ ký của hòa giải viên.
Gần đây, Văn phòng luật sư Đồng Đội có tiếp nhận tư vấn vụ việc Tranh chấp đất đai do Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cấp chồng lấn, đã hòa giải tại cơ sở không thành 02 lần. Năm 2007, Ông H và bà S được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, khi làm thủ tục cấp giấy các hộ giáp ranh đều ký xác nhận. Sau đó ông M hộ giáp ranh mất, thì vợ ông M là bà T đã bán cho ông Đ mảnh đất của ông M và bà T. Khi tiến hành thủ tục cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho ông Đ, UBND phường NT không lấy ý kiến các hộ giáp ranh, dẫn đến việc UBND thành phố NB cấp giấy chứng nhận đầu tiên cho ông Đ có diện tích chồng lấn lên phần diện tích đã cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho gia đình ông H. Sau khi biết được sự việc trên ông H nhiều lần gửi đơn lên phường NT, phòng quản lý đô thị thành phố NB, phản ánh sự việc. UBND phường NT cũng đã tổ chức 2 lần hòa giải nhưng không thành. Sau 2 lần hòa giải không thành và đã tốn rất nhiều thời gian để hòa giải tại cơ sở, ông H nghi ngờ tính minh bạch của vấn đề và sự thiếu trách nhiệm của UBND phường NT trong việc giải quyết vấn đề tranh chấp. Do đó ông H đã tìm đến Văn phòng luật sư Đồng Đội nhờ tư vấn để giải quyết vấn đề tranh chấp hiệu quả nhất. Luật sư sau khi tiếp nhận vụ việc đã chủ động đề nghị UBND phường NT hòa giải lần 3. Tại buổi hòa giải lần 3, Luật sư đã đưa ra quan điểm, lập luận chính xác và thấu tình đạt lý, hai bên đã có được tiếng nói chung, đi đến thống nhất thỏa thuận về mức đền bù thiệt hại và đề nghị điều chỉnh lại mốc giới thực tế.
KẾT LUẬN
Qua sự việc trên, chúng ta có thể thấy vai trò của luật sư trong hòa giải tại cơ sở là vô cùng quan trọng và cần thiết. Họ không chỉ là người bảo vệ quyền lợi hợp pháp của các bên mà còn là cầu nối giúp tạo ra một không gian hòa giải hiệu quả và công bằng. Với chuyên môn pháp lý vững vàng, luật sư có khả năng tư vấn cho khách hàng về quyền và nghĩa vụ của họ, đồng thời hỗ trợ trong việc soạn thảo các thỏa thuận hòa giải, đảm bảo tính hợp pháp và khả thi của những giải pháp đưa ra.
Ngoài ra, sự hiện diện của luật sư còn góp phần tăng cường tính minh bạch và uy tín của quá trình hòa giải, tạo niềm tin cho các bên tham gia. Qua đó, luật sư không chỉ giúp giải quyết tranh chấp một cách nhanh chóng, tiết kiệm chi phí, mà còn góp phần xây dựng mối quan hệ tốt đẹp hơn trong cộng đồng. Tóm lại, luật sư đóng một vai trò thiết yếu trong hòa giải tại cơ sở, vừa là người hỗ trợ, vừa là người điều phối, giúp đảm bảo rằng các bên đều đạt được một kết quả công bằng và bền vững.
Thùy Dương – Thực tập sinh Văn phòng luật sư Đồng Đội
Thông tin liên hệ:
Văn phòng luật sư Đồng Đội: P2708, Tòa nhà VP3 Bán đảo Linh Đàm, Hoàng Liệt, Hoàng Mai, Hà Nội
Điện thoại: 0936.026.559 – Email: tranxuantien1964@gmail.com
Website: https://dongdoilaw.vn
Facebook: https://www.facebook.com/dongdoilaw
Youtube: https://www.youtube.com/c/VănphòngluậtsưĐồngĐội
Tiktok: https://www.tiktok.com/@vpls_dongdoi