Giám định tư pháp là một trong những nội dung quan trọng trong việc ghi nhận kết quả để xem xét xác định nguồn chứng cứ giải quyết các vụ án, vụ việc trong quá trình tố tụng. Pháp luật về tố tụng Việt Nam đã được thai nghén từ trước năm 1945 thông qua các văn bản quốc triều hình luật,…thời phong kiến và manh nha từ những năm 1945 thông qua các sắc lệnh. Mặc dù được ban hành lẻ tẻ, tản mạn nhưng đây được xem là những quy định có tính định hướng đặt nền móng cho việc xây dựng hệ thống pháp luật tố tụng xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam sau này.
Đến năm 2004, Bộ luật tố tụng dân sự năm 2004 được ban hành đã đánh dấu bước phát triển của hệ thống pháp luật tổ tụng dân sự Việt Nam, khắc phục được tình trạng tản mạn, mâu thuẫn, khiếm khuyết của các quy định tố tụng dân sự trước đây, đồng thời hoạt động giám định cũng được đưa vào nội dung của BLTTDS 2004, BLTTDS 2015 sau này.
Cho đến năm 2012 Luật giám định tư pháp mới được ban hành, tuy là “sinh sau, đẻ muộn” so với những quy định về hoạt động giám định tư pháp trong BLTTDS nhưng Luật giám định Tư pháp và nghị định số 85/2013/NĐ-CP quy định chi tiết và biện pháp thi hành Luật Giám định tư pháp là văn bản pháp lý có vai trò, ý nghĩa quan trọng trong việc giám định các đối tượng được trưng cầu, yêu cầu giám định để làm cơ sở xem xét nguồn chứng cứ quan trọng. Cùng với sự phát triển của thế giới, và quá trình toàn cầu hóa, hội nhập hóa, đứng trước sự thay đổi của xã hội, và sự phức tạp của đối tượng giám định, Luật tư pháp 2012 đã được sửa đổi bởi Luật số 56/2020/QH-14 sửa đổi một số điều của luật giám định tư pháp, theo đó, nghị định số 85/2013/NĐ-CP cũng được sửa đổi, bổ sung bởi Nghị định số 157/2020/NĐ-CP ngày 31 tháng 12 năm 2020.
Hỏi: Kết luận giám định là gì? Hiện nay, pháp luật quy định về việc giám định tư pháp như thế nào?
Đáp: Nói về giám định tư pháp và kết luận giám định đã được Luật hóa tại các văn bản quy phạm pháp luật: Bộ luật Tố tụng Hình sự 2015 sửa đổi, bổ sung 2017; Bộ luật Tố tụng dân sự 2015; Luật tố tụng hành chính 2012; Luật giám định tư pháp 2012, sửa đổi 2020; Nghị định số 85/2013/NĐ-CP ngày 29 tháng 7 năm 2013 của Chính phủ quy định chi tiết và biện pháp thi hành Luật Giám định tư pháp; và Nghị định số 157/2020/NĐ-CP ngày 31 tháng 12 năm 2020 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 85/2013/NĐ-CP ngày 29 tháng 7 năm 2013 của Chính phủ quy định chi tiết và biện pháp thi hành Luật Giám định tư pháp;
Để biết được kết luận giám định là gì, thì cần hiểu cặn kẽ về khái niệm giám định tư pháp, theo nội dung giải thích định nghĩa tại khoản 1 Điều 1 Luật giám định tư pháp sửa đổi 2020 thì giám định tư pháp được hiểu là: “Việc người giám định tư pháp sử dụng kiến thức, phương tiện, phương pháp khoa học, kỹ thuật, nghiệp vụ để kết luận về chuyên môn những vấn đề có liên quan đến hoạt động khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử và thi hành án hình sự, giải quyết vụ việc dân sự, vụ án hành chính theo trưng cầu của cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng hoặc theo yêu cầu của người yêu cầu giám định”
Từ khái niệm về giám định từ pháp, ta có thể thấy rằng, kết luận giám định là bản đánh giá, nhấn xét dựa trên quá trình vận dụng, sử dụng kiến thức, phương tiện, phương pháp khoa học kỹ thuật, nghiệp vụ để kết luận về đối tượng giám định theo nội dung trưng cầu giám định, yêu cầu giám định.
Hỏi: Vậy kết luận giám định có vai trò và ý nghĩa trong quá trình giải quyết vụ án dân sự?
Đáp: Kết luận giám định hiện nay được xem là nguồn chứng cứ quan trọng trong quá trình giải quyết các vụ án dân sự được quy định khoản 5 Điều 94 BLTTDS 2015 khi tiến hành giám định theo đúng trình tự pháp luật quy định. Kết luận giám định đảm bảo theo đúng quy định của pháp luật không những là nguồn chứng cứ quan trọng trong quá trình các cơ quan tiến hành tố tụng, người tiến hành tố tụng trong việc áp dụng các quy định của pháp luật một cách khách quan để giải quyết vụ án, mà còn thúc đẩy quá trình giải quyết vụ án nhanh chóng kíp thời nhằm đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của người yêu cầu giám định và các đương sự trong vụ án.
Hỏi: Với vai trò quan trọng của kết luận giám định trong việc xem xét là nguồn chứng cứ trong quá trình giải quyết vụ án, hiện nay pháp luật quy định như thế nào về thẩm quyền và trình tự thủ tục giám định tư pháp?
Đáp: Như đã nói ở trên, kết luận giám định có thể được coi là nguồn chứng cứ trong quan trọng trong quá trình giải quyết vụ án, nên việc giám định được diễn ra chặt chẽ, theo các quy định của pháp luật, cụ thể:
[1] Về các điều kiện giám định tư pháp:
Người giám định: phải là giám định viên phải đáp ứng điều kiện về sức khỏe, phẩm chất đạo đức tốt; Có trình độ đại học trở lên và đã qua thực tế hoạt động chuyên môn ở lĩnh vực được đào tạo từ đủ 05 năm trở lên. Trường hợp người được đề nghị bổ nhiệm giám định viên pháp y, pháp y tâm thần, kỹ thuật hình sự đã trực tiếp giúp việc trong hoạt động giám định ở tổ chức giám định pháp y, pháp y tâm thần, kỹ thuật hình sự thì thời gian hoạt động thực tế chuyên môn từ đủ 03 năm trở lên; Đối với người được đề nghị bổ nhiệm giám định viên tư pháp trong lĩnh vực pháp y, pháp y tâm thần và kỹ thuật hình sự phải có chứng chỉ đã qua đào tạo hoặc bồi dưỡng nghiệp vụ giám định.
Theo quy định của Luật giám định tư pháp 2012 sửa đổi 2020 tổ chức giám định được phân thành 03 loại: Tổ chức giám định tư pháp công lập; Tổ chức giám định tư pháp ngoài công lập; tổ chức giám định tư pháp theo vụ việc:
– Tổ chức giám định tư pháp công lập được cơ quan nhà nước có thẩm quyền thành lập trong lĩnh vực pháp y, pháp y tâm thần và kỹ thuật hình sự.
– Văn phòng giám định tư pháp là tổ chức giám định tư pháp ngoài công lập, được thành lập trong lĩnh vực tài chính, ngân hàng, xây dựng, cổ vật, di vật, bản quyền tác giả.
– Tổ chức giám định tư pháp theo vụ việc là cơ quan có đủ tiêu chuẩn theo quy định của Luật giám định tư pháp được trưng cầu, yêu cầu giám định.
Tổ chức giám định tư pháp theo vụ việc phải đáp ứng các điều kiện sau đây: Có tư cách pháp nhân; Có hoạt động chuyên môn phù hợp với nội dung được trưng cầu, yêu cầu giám định; Có điều kiện về cán bộ chuyên môn, cơ sở vật chất bảo đảm cho việc thực hiện giám định tư pháp.
Việc lựa chọn Tổ chức giám định công lập, ngoài công lập, tổ chức giám định theo vụ viêc phụ thuộc vào tính chất, mức độ, vụ việc và đối tượng cần giám định phù hợp với chức năng, nhiệm vụ và quyền hạn của cơ quan, tổ chức đó khi có trưng cầu, yêu cầu giám định.
[2] Người yêu cầu giám định tư pháp
Theo Khoản 1 Điều 1 Luật giám định tư pháp sửa đổi 2020, Người yêu cầu giám định là người có quyền tự mình yêu cầu giám định sau khi đã đề nghị cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng trưng cầu giám định mà không được chấp nhận. Người có quyền tự mình yêu cầu giám định bao gồm đương sự trong vụ việc dân sự, vụ án hành chính, nguyên đơn dân sự, bị đơn dân sự, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan trong vụ án hình sự hoặc người đại diện hợp pháp của họ, trừ trường hợp việc yêu cầu giám định liên quan đến việc xác định trách nhiệm hình sự của bị can, bị cáo.
Theo quy định của Khoản 4 Điều 102 BLTTDS 2015, trong các trường hợp cần thiết Tòa án có thể tự mình ra quyết định trưng cầu giám định bổ sung trong trường hợp nội dung kết luận giám định chưa rõ, chưa đầy đủ hoặc khi phát sinh vấn đề mới liên quan đến tình tiết của vụ việc đã được kết luận giám định trước đó, hoặc tại khoản 5 Điều 102 BLTTDS 2015 trong trường hợp đặc biệt Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao có thể ban hành quyết định yêu cầu giám định lại trong trường hợp có căn cứ cho rằng kết luận giám định lần đầu không chính xác, có vi phạm pháp luật.
[4] Hồ sơ, trình tự, thủ tục giám định
Hồ sơ, trình tự thủ tục giám định tư pháp phải được lập theo mẫu thống nhất, được Bộ Trưởng, thủ trưởng cơ quan ngang bộ quy định chi tiết theo lĩnh vực quản lý.
Thành phần hồ sơ giám định tư pháp cơ bản:
- Quyết định trưng cầu, văn bản yêu cầu giám định và tài liệu kèm theo (nếu có);
- Biên bản giao, nhận hồ sơ, đối tượng trưng cầu, yêu cầu giám định;
- Văn bản ghi nhận quá trình thực hiện giám định;
- Bản ảnh giám định (nếu có);
- Kết luận giám định trước đó hoặc kết quả xét nghiệm, thực nghiệm giám định do người khác thực hiện (nếu có);
- Tài liệu khác có liên quan đến việc giám định (nếu có);
- Kết luận giám định tư pháp.
Thông thường, giám định tư pháp sẽ trải qua các bước cơ bản sau:
- B1: Tiếp nhận trưng cầu, yêu cầu giám định
- B2: Chuẩn bị thực hiện giám định
- B3: Thực hiện giám định
- B4: Kết luận giám định
- B5: Bàn giao kết luận giám định
- B6: Lập hồ sơ, lưu giữ hồ sơ giám định
[5] Kết luận giám định
Như đã đề cập ở trên, kết luận giám định là bản đánh giá, nhấn xét dựa trên quá trình vận dụng, sử dụng kiến thức, phương tiện, phương pháp khoa học kỹ thuật, nghiệp vụ để kết luận về đối tượng giám định theo nội dung trưng cầu giám định, yêu cầu giám định. Kết luận giám định chỉ được xem là nguồn chứng cứ khi việc giám định được tiến hành theo đúng thủ tục do pháp luật quy định. (khoản 6 Điều 95 BLTTDS 2015).
Hỏi: Trong quá trình giải quyết vụ án dân sự, nhận thấy không đồng tình với kết luận giám định của cơ quan giám định thì cần phải làm gì?
Đáp:
[1] Theo yêu cầu của đương sự hoặc khi xét thấy cần thiết, Tòa án ra quyết định trưng cầu giám định bổ sung trong trường hợp nội dung kết luận giám định chưa rõ, chưa đầy đủ hoặc khi phát sinh vấn đề mới liên quan đến tình tiết của vụ việc đã được kết luận giám định trước đó. (Khoản 4 Điều 102 BLTTDS 2015).
[2] Trong trường hợp người yêu cầu giám định không đồng ý với với kết luận giám định thì có thể yêu cầu cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng trưng cầu giám định lại; yêu cầu giám định bổ sung theo quy định tại khoản 1 Điều 29 của Luật này. (điểm b khoản 12 Điều 1 Luật giám định tư pháp 2012 sửa đổi năm 2020).
Việc giám định lại được thực hiện trong trường hợp có căn cứ cho rằng kết luận giám định lần đầu không chính xác, có vi phạm pháp luật hoặc trong trường hợp đặc biệt theo quyết định của Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao theo quy định của Luật giám định tư pháp. (khoản 5 Điều 102 BLTTDS 2015);
Như vậy, người yêu cầu giám định có thể yêu cầu tòa án trưng cầu giám định bổ sung nếu nội dung kết luận giám định chưa rõ, chưa đầy đủ hoặc khi phát sinh vấn đề mới liên quan đến tình tiết của vụ việc đã được kết luận giám định trước đó; hoặc trưng cầu giám định lại đến cơ quan tiến hành tố tụng, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng khi người yêu cầu giám định cho rằng mình không đồng ý với với kết luận giám định trước đó.
Người viết: Lê Thanh Bình – Thực tập sinh tại VPLS Đồng Đội
Thông tin liên hệ:
Văn phòng luật sư Đồng Đội: P2708, Tòa nhà VP3 Bán đảo Linh Đàm, Hoàng Liệt, Hoàng Mai, Hà Nội
Điện thoại: 0936.026.559 – Email: tranxuantien1964@gmail.com
Website: https://dongdoilaw.vn
Facebook: https://www.facebook.com/dongdoilaw
Youtube: https://www.youtube.com/c/VănphòngluậtsưĐồngĐội
Tiktok: https://www.tiktok.com/@vpls_dongdoi