Hôn nhân là nền tảng để xây dựng gia đình, tế bào cơ bản nhất của xã hội. Một cuộc hôn nhân hạnh phúc, lành mạnh sẽ góp phần thúc đẩy sự phát triển của xã hội, góp phần tạo ra sự ổn định trong cộng đồng và trật tự xã hội. Trong bối cảnh xã hội hiện đại, để bảo vệ hôn nhân cần có những biện pháp hiệu quả. Vì thế, “Hợp đồng hôn nhân” ra đời với vai trò thể hiện ý chí của các bên và là căn cứ cho các bên thực hiện những điều đã giao kết với nhau về các vấn đề pháp lý như phân định tài sản chung, tài sản riêng, các khoản nợ của mỗi người; phân định tài sản trước hôn nhân và tài sản hình thành trong hôn nhân; quyền nuôi con và phương án phân chia tài sản sau ly hôn;…. Ở nhiều quốc gia, hợp đồng hôn nhân là một khái niệm khá phổ biến. Tuy nhiên, ở Việt Nam hợp đồng hôn nhân vẫn còn nhiều giới hạn.
Quy định pháp luật về hợp đồng và hôn nhân
Điều 385 Bộ luật dân sự 2015 định nghĩa hợp đồng là sự thoả thuận giữa các bên về việc xác lập, thay đổi hoặc chấm dứt quyền, nghĩa vụ dân sự.
Còn hôn nhân, theo quy định tại khoản 1 Điều 3 Luật hôn nhân và gia đình 2014 là quan hệ của vợ và chồng sau khi kết hôn.
Hợp đồng hôn nhân có thể được hiểu là văn bản thỏa thuận giữa hai bên vợ chồng về các vấn đề liên quan đời sống hôn nhân bao gồm: kết hôn; ly hôn; quyền nghĩa vụ giữa vợ và chồng, cha mẹ và con, giữa các thành viên khác trong gia đình; cấp dưỡng,… Trên thế giới, đặc biệt ở một số nước phương Tây, hợp đồng hôn nhân có giá trị pháp lý rõ ràng và được công nhận rộng rãi. Tuy nhiên, ở Việt Nam Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014 không trực tiếp công nhận khái niệm “hợp đồng hôn nhân.” mà chỉ quy định về thỏa thuận về chế độ tài sản trước, trong và sau thời kỳ hôn nhân.
Thỏa thuận của vợ chồng theo quy định pháp luật
Pháp luật Việt Nam chưa quy định cụ thể về hợp đồng hôn nhân mà chỉ quy định về thỏa thuận xác lập chế độ tài sản của vợ chồng như sau:
“Điều 47. Thỏa thuận xác lập chế độ tài sản của vợ chồng
Trong trường hợp hai bên kết hôn lựa chọn chế độ tài sản theo thỏa thuận thì thỏa thuận này phải được lập trước khi kết hôn, bằng hình thức văn bản có công chứng hoặc chứng thực. Chế độ tài sản của vợ chồng theo thỏa thuận được xác lập kể từ ngày đăng ký kết hôn.”
Thông qua quy định trên, có thể hiểu việc thỏa thuận xác lập chế độ tài sản của vợ chồng trước khi đăng ký kết hôn cũng có thể được xem như một trong những hình thức của hợp đồng hôn nhân. Mặc dù pháp luật Việt Nam không trực tiếp sử dụng cụm từ “hợp đồng hôn nhân”, văn bản thỏa thuận xác lập chế độ tài sản trước hôn nhân thực chất có bản chất giống với bản chất của một hợp đồng dân sự. Cụ thể, để một thỏa thuận về chế độ tài sản trước hôn nhân có hiệu lực pháp lý, cần đáp ứng các điều kiện như: các bên tham gia phải đủ điều kiện làm chủ thể hợp đồng, tự nguyện thỏa thuận, nội dung và mục đích không vi phạm điều cấm của pháp luật, không trái đạo đức xã hội, và không xâm phạm quyền, lợi ích hợp pháp của người khác. Đồng thời, thỏa thuận này phải được lập thành văn bản và có công chứng hoặc chứng thực theo quy định pháp luật.
Hiện nay, pháp luật Việt Nam về vấn đề hợp đồng hôn nhân mới chỉ quy định về thỏa thuận tài sản của vợ chồng trước khi kết hôn. Tuy nhiên, các quy định pháp luật liên quan đến loại hợp đồng này còn chưa hoàn thiện, một số quy định còn mâu thuẫn, chồng chéo, thiếu tính khả thi và khó áp dụng trên thực tế.
Trường hợp nào hợp đồng hôn nhân trái quy định của pháp luật?
Ngoài vấn đề tài sản, hợp đồng hôn nhân còn có thể chứa nội dung về mục đích kết hôn. Điều 5 Luật Hôn nhân và gia đình 2014 có quy định về các hành vi bị cấm trong quan hệ hôn nhân, trong đó có quy định về việc “Kết hôn giả tạo, ly hôn giả tạo”. Theo đó kết hôn giả tạo là việc lợi dụng kết hôn để thực hiện các hành vi khác như “xuất cảnh, nhập cảnh, cư trú, nhập quốc tịch Việt Nam, quốc tịch nước ngoài,…” hưởng chế độ ưu đãi của Nhà nước hoặc để đạt được mục đích khác mà không nhằm mục đích xây dựng gia đình.
Theo đó, hành vi kết hôn không nhằm mục đích xây dựng gia đình mà lợi dụng quan hệ hôn nhân để đạt được các mục đích khác đều bị coi là trái pháp luật và không được Nhà nước công nhận. Do đó, việc giao kết hợp đồng hôn nhân với mục đích lợi dụng quan hệ hôn nhân cũng bị nghiêm cấm.
Một trong những trường hợp kết hôn giả phổ biến là việc ký hợp đồng hôn nhân để được nhập cư ở nước ngoài. Chẳng hạn như trường hợp của chị Trần Thị B: trong thời gian lao động ở nước ngoài chị có quen biết anh A (là người có quốc tịch Hàn Quốc). Chị và anh A đã thỏa thuận, chị trả tiền cho anh A để anh A sang Việt Nam làm thủ tục đăng ký kết hôn với chị, sau đó anh A làm thủ tục bảo lãnh cho chị sang định cư ở Hàn Quốc. Ngay sau khi được cấp giấy chứng nhận kết hôn, anh A về Hàn Quốc thay đổi địa chỉ chỗ ở, không làm thủ tục bảo lãnh và cắt đứt mọi liên lạc với chị.
Trường hợp này, giữa chị B và anh A có xác lập một hợp đồng hôn nhân. Tuy nhiên hợp đồng này trái quy định của pháp luật: hôn nhân giữa chị B và anh A không nhằm mục đích xây dựng gia đình, và thực tế, cả hai không sống chung hay duy trì quan hệ vợ chồng. Chị B kết hôn với anh A chỉ với mục đích định cư tại Hàn Quốc.
Việc kết hôn giả tạo không chỉ không được pháp luật công nhận mà thậm chí nếu mục đích của việc kết hôn này không nhằm để xây dựng gia đình, vì mục đích trục lợi thì có thể bị phạt hành chính. Nếu người nào lợi dụng việc kết hôn để xuất cảnh, nhập cảnh; nhập quốc tịch Việt Nam, quốc tịch nước ngoài; hưởng chế độ ưu đãi của Nhà nước hoặc thực hiện các mục đích trục lợi khác thì có thể bị phạt tiền từ 10 triệu đồng đến 20 triệu đồng theo quy định tại Điều 28 Nghị định 110/2013/NĐ-CP.
Góc nhìn xã hội về hôn nhân, gia đình
Dưới những tác động của công nghệ hóa đặc biệt là đối với thế hệ trẻ. Việc hội nhập, tham khảo các phát triển mới trên thế giới để vận dụng vào thực tiễn của quốc gia là hoàn toàn đáng công nhận. Tuy nhiên, Việt Nam với những đặc trưng của nền giáo dục nho giáo, chúng ta vẫn lưu giữ được những nét “thuần phong mỹ tục” của dân tộc. Theo đó hôn nhân không chỉ là hình thức để xác lập mối quan hệ vợ chồng mà đi kèm theo đó còn là trách nhiệm, tình yêu thương, nghĩa vụ đối với gia đình,…
Hôn nhân, gia đình bên cạnh việc gắn kết hai cá thể riêng biệt đây còn là tiền đề cho sự phát triển của thế hệ sau, ngoài ra còn là yếu tố hạt nhân để góp phần xây dựng cho sự phát triển của cộng đồng xã hội và an ninh của mỗi quốc gia.
Thách thức của hợp đồng hôn nhân :
Hợp đồng hôn nhân, mặc dù mang lại nhiều lợi ích trong việc bảo vệ quyền lợi của các bên, vẫn đứng trước nhiều thách thức trong quá trình thực hiện và áp dụng. Những thách thức này không chỉ ảnh hưởng đến tính hiệu quả của hợp đồng mà còn làm giảm sự tin tưởng của các cặp đôi vào công cụ pháp lý này.
Thứ nhất, một trong những thách thức lớn nhất là sự thiếu nhận thức và kiến thức pháp lý của nhiều cặp đôi về khái niệm và ý nghĩa của hợp đồng hôn nhân. Nhiều người chưa thực sự hiểu rõ rằng hợp đồng này không chỉ là một văn bản pháp lý đơn thuần, mà còn là phương tiện bảo vệ quyền lợi cho cả hai bên trong mối quan hệ hôn nhân. Thiếu hiểu biết này có thể dẫn đến việc họ không xem trọng hoặc không lập hợp đồng, khiến cho quyền lợi của họ có thể bị xâm phạm trong tương lai.
Thứ hai, khung pháp lý cho hợp đồng hôn nhân tại Việt Nam hiện vẫn chưa hoàn thiện. Điều này gây khó khăn trong việc thực thi hợp đồng và giải quyết tranh chấp nếu phát sinh. Sự thiếu rõ ràng và đầy đủ trong quy định pháp luật có thể làm cho các cặp đôi không thể yên tâm khi ký kết hợp đồng. Họ có thể lo lắng rằng, trong trường hợp xảy ra tranh chấp, hợp đồng sẽ không được công nhận hoặc không thể thực thi đúng theo các điều khoản đã thỏa thuận.
Thứ ba, tâm lý ngại ngùng cũng là một yếu tố cản trở việc áp dụng hợp đồng hôn nhân. Nhiều người vẫn coi việc lập hợp đồng hôn nhân là một dấu hiệu cho thấy thiếu tin tưởng trong mối quan hệ. Họ lo ngại rằng việc này có thể ảnh hưởng tiêu cực đến tình cảm và sự gắn bó giữa hai bên. Tâm lý này không chỉ làm giảm tính hiệu quả của hợp đồng mà còn tạo ra những rào cản vô hình trong mối quan hệ.
Cuối cùng, ngay cả khi hợp đồng được lập ra, việc thực thi các điều khoản trong hợp đồng có thể gặp khó khăn do thiếu cơ chế giám sát và thực thi từ pháp luật. Các bên có thể không thực hiện đúng nghĩa vụ của mình, dẫn đến tranh chấp và hiểu lầm. Hơn nữa, cuộc sống hôn nhân có thể thay đổi theo thời gian, khiến những điều khoản đã thỏa thuận không còn phù hợp với thực tế. Việc cập nhật và điều chỉnh hợp đồng cũng không dễ dàng, đòi hỏi sự đồng thuận và thỏa mãn từ cả hai bên.
Ngoài ra, các tập quán văn hóa và truyền thống cũng ảnh hưởng đến việc tiếp nhận hợp đồng hôn nhân trong xã hội. Nhiều nền văn hóa vẫn chưa chấp nhận rộng rãi việc lập hợp đồng hôn nhân, coi đó là điều trái ngược với truyền thống. Điều này có thể gây khó khăn cho việc phổ biến và áp dụng hợp đồng hôn nhân trong thực tế.
Tóm lại, để hợp đồng hôn nhân phát huy hiệu quả và trở thành một công cụ hữu ích trong việc bảo vệ quyền lợi của các bên, cần giải quyết những thách thức nêu trên. Cần có sự phối hợp giữa các cơ quan nhà nước, tổ chức xã hội và cá nhân để nâng cao nhận thức, hoàn thiện khung pháp lý, và tạo điều kiện thuận lợi cho việc áp dụng hợp đồng hôn nhân trong xã hội hiện đại. Việc này không chỉ giúp bảo vệ quyền lợi cá nhân mà còn góp phần xây dựng một xã hội văn minh, nơi mà mỗi cá nhân đều có quyền được bảo vệ và tôn trọng trong mối quan hệ gia đình. Tại Văn phòng Luật sư Đồng Đội, chúng tôi đóng vai trò quan trọng trong việc hỗ trợ hợp đồng hôn nhân. Chúng tôi cung cấp dịch vụ tư vấn để nâng cao nhận thức về quyền lợi và nghĩa vụ của các cặp đôi. Ngoài ra, văn phòng cũng giúp soạn thảo hợp đồng hôn nhân một cách hợp pháp và đầy đủ. Trong trường hợp tranh chấp, chúng tôi có thể đại diện cho khách hàng để bảo vệ quyền lợi. Sự hỗ trợ này góp phần tạo ra một môi trường hôn nhân an toàn và công bằng.
Như vậy, nếu hợp đồng hôn nhân thỏa thuận về chế độ tài sản của vợ chồng thì hoàn toàn được pháp luật Việt Nam công nhận nếu đáp ứng đủ điều kiện theo quy định. Nhưng nếu không vì mục đích xây dựng gia đình mà chỉ nhằm kết hôn giả tạo thì sẽ vi phạm các quy định của pháp luật. Việc này góp phần hạn chế được tình trạng lợi dụng hôn nhân để thực hiện các hành vi trái pháp luật nhằm che dấu động cơ và mục đích phía sau; đồng thời đảm bảo nền móng vững chắc của gia đình đối với xã hội.
Hà Vy – Thực tập sinh Văn phòng luật sư Đồng Đội
Thông tin liên hệ:
Văn phòng luật sư Đồng Đội: P2708, Tòa nhà VP3 Bán đảo Linh Đàm, Hoàng Liệt, Hoàng Mai, Hà Nội
Điện thoại: 0936.026.559 – Email: tranxuantien1964@gmail.com
Website: https://dongdoilaw.vn
Facebook: https://www.facebook.com/dongdoilaw
Youtube: https://www.youtube.com/c/VănphòngluậtsưĐồngĐội
Tiktok: https://www.tiktok.com/@vpls_dongdoi