Thời gian vừa qua, các nguồn quỹ được hình thành xuất phát từ sự huy động, đóng góp của người dân đã góp phần thực hiện tốt các chính sách của nhà nước trong việc phát triển kinh tế – xã hội, đầu tư phát triển hạ tầng nông nghiệp và xây dựng được diện mạo mới cho nông thôn. Bên cạnh những mặt tích cực đã được ghi nhận, thì việc huy động đóng góp trong dân vẫn còn nhiều bất cập, hạn chế, cũng như việc ban hành và thu quá nhiều loại phí dẫn đến nhiều lo lắng, băn khoăn cho nhân dân
Hiện nay, việc quản lý các quỹ, bao gồm cả quỹ xã hội và quỹ từ thiện được thực hiện theo quy định tại Nghị định số 93/2019/NĐ-CP “Về tổ chức, hoạt động của quỹ xã hội, quỹ từ thiện”. Nghị định này giải thích các khái niệm về quỹ như sau:
– “Quỹ” được hiểu “Là tổ chức phi chính phủ do cá nhân, tổ chức tự nguyện góp một phần tài sản nhất định để thành lập hoặc thành lập thông qua di chúc, hiến, tặng tài sản thành lập quỹ, có mục đích tổ chức, hoạt động theo quy định tại Điều 3 Nghị định này, được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp giấy phép thành lập và công nhận điều lệ” (khoản 1 Điều 4);
– “Quỹ xã hội” là quỹ được tổ chức, hoạt động với mục đích hỗ trợ và khuyến khích phát triển văn hóa, giáo dục, y tế, thể dục, thể thao, khoa học và phát triển nông nghiệp, nông thôn, không vì mục tiêu lợi nhuận.
– “Quỹ từ thiện” là quỹ được tổ chức, hoạt động với mục đích hỗ trợ khắc phục sự cố do thiên tai, hỏa hoạn, dịch bệnh, tai nạn và các đối tượng khác thuộc diện khó khăn, yếu thế cần sự trợ giúp của xã hội, không vì mục tiêu lợi nhuận.
Thực trạng xảy ra tại nhiều địa phương, vùng nông thôn là việc người dân thường hay được vận đóng góp xây dựng nhiều loại quỹ như: quỹ an ninh, quỹ phòng chống thiên tai, quỹ khuyến học, quỹ xây dựng nông thôn mới, quỹ giao thông nông thôn, quỹ xây dựng trạm y tế, quỹ xây dựng làng văn hóa,…. Nhiều khoản đóng góp chưa lấy ý kiến dân, từ “trên trời rơi xuống” xuất hiện, một số khoản đóng góp quá cao, không phù hợp thu nhập của người dân, hay một số khoản huy động mang tính chất từ thiện nhưng lại quy định mang tính bắt buộc và nhiều bất cập khác nữa.
Trong số các loại quỹ này, hiện chỉ có duy nhất quỹ phòng, chống thiên tai là bắt buộc tại các địa phương và được Chính phủ quy định cụ thể về đối tượng đóng góp, được miễn, giảm, tạm hoãn và mức đóng góp tại Nghị định số 94/2014/NĐ-CP ngày 17/10/2014 “Quy định về thành lập và quản lý quỹ phòng, chống thiên tai”. Cụ thể, theo khoản 2 điều 5 của Nghị định quy định các đối tượng đóng góp như sau:
Công dân Việt Nam từ đủ 18 tuổi đến hết tuổi lao động theo quy định của pháp luật về lao động đóng góp như sau:
– Cán bộ, công chức, viên chức trong các cơ quan, tổ chức, lực lượng vũ trang hưởng lương, cán bộ quản lý trong các doanh nghiệp nhà nước đóng 1 ngày lương/người/năm theo mức lương cơ bản sau khi trừ các khoản thuế, bảo hiểm phải nộp;
– Người lao động trong các doanh nghiệp đóng 1 ngày lương/người/năm theo mức lương tối thiểu vùng;
– Người lao động khác, trừ các đối tượng đã được quy định tại Điểm a, Điểm b Khoản này, đóng 15.000 đồng/người/năm.
Khoản 1 điều 6 Nghị định nêu rõ các trường hợp được miễn đóng góp như: Thương binh, bệnh binh và những người được hưởng chính sách như thương binh; Cha đẻ, mẹ đẻ, vợ hoặc chồng của liệt sỹ; Quân nhân làm nghĩa vụ trong lực lượng vũ trang, hạ sĩ quan, chiến sĩ phục vụ có thời hạn trong Công an nhân dân đang hưởng phụ cấp sinh hoạt phí; Sinh viên, học sinh đang theo học tập trung dài hạn tại các trường Đại học, Cao đẳng, Trung học, Dạy nghề; Người khuyết tật hoặc bị suy giảm khả năng lao động từ 21% trở lên; người mắc bệnh hiểm nghèo có chứng nhận của bệnh viện từ cấp huyện trở lên và các trường hợp khác.
Các trường hợp được xem xét giảm, tạm hoãn đóng góp là các tổ chức kinh tế hạch toán độc lập được miễn, giảm thuế thu nhập doanh nghiệp, theo khoản 2 điều 6 Nghị định này.
Các quỹ còn lại chủ yếu được hình thành dựa vào quy định thực tế tại địa phương, có phạm vi điều chỉnh đặc thù nên mang tính vận động ủng hộ, đóng góp tự nguyện. Do quy mô các loại quỹ không lớn, tồn tại quá nhiều loại quỹ dẫn đến trùng lặp về đối tượng đóng góp và đối tượng được hỗ trợ; đồng thời tại nông thôn phần lớn người dân không có điều kiện, nhiều gia đình thuộc diện chính sách xã hội nên kết quả vận động đóng góp quỹ không đạt hiệu quả, không đạt được mục đích đưa ra khi thành lập quỹ.
Ngoài ra, mục tiêu của các quỹ là dựa trên tinh thần tự nguyện, không bắt buộc, đồng thời việc vận động phải dựa trên điều kiện thực tế và hợp lý với thu nhập của cá nhân, hộ gia đình. Tuy nhiên, có nhiều địa phương lại ấn định mức đóng góp đối với từng người, từng hộ gia đình, hoặc gắn việc vận động đóng góp với thi đua, dẫn đến sự chênh lệch về quỹ giữa các địa phương, gây tâm lý không thoải mái, không công bằng cho người dân.
Đặc biệt là cần công khai, minh bạch trong việc huy động, quản lý và sử dụng đóng góp của dân, cụ thể là cần nêu rõ số tiền ủng hộ là tự nguyện, mục đích đóng góp là gì, lấy ý kiến đồng ý đóng góp trong nhân dân, sau khi kết thúc vận động thu được tổng số tiền là bao nhiêu và dùng vào đúng mục đích đã để ra. Có như vậy mới tạo được niềm tin của dân đối với chính quyền, tạo sự thống nhất, đoàn kết trong nhân dân. Đồng thời cũng tránh các trường hợp bị nhân dân phản ánh, kiến nghị, tố cáo người vận động đóng góp có hành vi lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản do không có sự thỏa thuận rõ ràng về số tiền đã đóng góp.
Để làm được điều đó, các địa phương phải tích cực tuyên truyền, phổ biến để người dân hiểu rõ chính sách và quy định của pháp luật về các khoản đóng góp, đồng thời theo dõi, giám sát tình hình vận động của cán bộ khu phố, tổ dân phố, tránh việc các tổ dân phố đi thu quá nhiều khoản đóng góp hay tự áp đặt mức thu cho các hộ gia đình. Hành vi đó là hành vi trái pháp luật, bởi không một cơ quan nào được tự đặt ra các khoản huy động đóng góp nằm ngoài quy định trong các văn bản pháp luật đã ban hành.
Lương Lệ Mai
SĐT: 0362616926
Email: mmaivk22@gmail.com