Trong hệ thống tư pháp, kháng cáo là một quyền quan trọng, giúp bảo vệ quyền lợi hợp pháp của các bên liên quan và đảm bảo tính công bằng, khách quan trong quá trình xét xử. Đặc biệt trong tố tụng hình sự, quyền kháng cáo đóng vai trò then chốt trong việc giám sát và kiểm tra lại các quyết định của tòa án cấp sơ thẩm.
1. Kháng cáo là gì?
Kháng cáo là quyền của đương sự và những chủ thể khác được pháp luật quy định trong trường hợp không đồng ý với phán quyết của tòa án cấp sơ thẩm thì sẽ có quyền nộp đơn kháng cáo trong thời gian 15 ngày kể từ ngày tòa án ra bản án.
Do đối tượng điều chỉnh và phạm vi điều chỉnh khác nhau nên chủ thể có quyền kháng cáo trong lĩnh vực dân sự và hình sự cũng khác nhau.
Kháng cáo trong vụ án hình sự là quyền của bị hại, bị cáo, đương sự khi không đồng ý với bản án, khi xét thấy bản án quyết định chưa đảm bảo đúng quyền lợi của họ.
Trong dân sự thì Luật Tố tụng dân sự có quy định về đương sự, người đại diện theo pháp luật của đương sự, cơ quan, tổ chức hoặc cá nhân trực tiếp khởi kiện thì sẽ có quyền kháng cáo bản án sơ thẩm.
2. Người có quyền kháng cáo và đối tượng của việc kháng cáo
Người có quyền kháng cáo là những người thuộc đối tượng được pháp luật quy định tại Điều 331 Bộ luật Tố tụng Hình sự 2015, cụ thể :
“Bị cáo, bị hại, người đại diện của họ có quyền kháng cáo bản án hoặc quyết định sơ thẩm.
Người bào chữa có quyền kháng cáo để bảo vệ lợi ích của người dưới 18 tuổi, người có nhược điểm về tâm thần hoặc thể chất mà mình bào chữa.
Nguyên đơn dân sự, bị đơn dân sự, người đại diện của họ có quyền kháng cáo phần bản án hoặc quyết định có liên quan đến việc bồi thường thiệt hại.
Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đến vụ án, người đại diện của họ có quyền kháng cáo phần bản án hoặc quyết định có liên quan đến quyền lợi, nghĩa vụ của họ.
Người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của bị hại, đương sự là người dưới 18 tuổi hoặc người có nhược điểm về tâm thần hoặc thể chất có quyền kháng cáo phần bản án hoặc quyết định có liên quan đến quyền lợi, nghĩa vụ của người mà mình bảo vệ.
Người được Tòa án tuyên không có tội có quyền kháng cáo về các căn cứ mà bản án sơ thẩm đã xác định là họ không có tội.”
Trong vụ án hình sự có sự tham gia của rất nhiều người khác nhau, sự tham gia của một số người này có thể giúp cơ quan tiến hành tố tụng giải quyết vụ án một cách chính xác, khách quan còn một số người khác lại tham gia vì quyền và lợi ích hoặc có nghĩa vụ liên quan tới vụ án. Để tránh những thiệt hại có thể có cho những người này khi tòa án cấp sơ thẩm ra bản án hoặc quyết định, pháp luật tố tụng hình sự quy định bị cáo, người bị hại, người bào chữa, nguyên đơn dân sự, bị đơn dân sự, người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan tới vụ án và những người đại diện hợp pháp của họ có quyền kháng cáo, cụ thể :
Bị cáo có quyền kháng cáo đối với toàn bộ nội dung bản án của cấp sơ thẩm hoặc một phần trong bàn án đó. Ví dụ, bị cáo có quyền kháng cáo kêu oan, kháng cáo đối với hình phạt hoặc mức bồi thường dân sự mà bị cáo cho là quá nặng. Ngoài ra, bị cáo cũng có quyền kháng cáo đối với quyết định đình chỉ hoặc tạm đình chỉ vụ án của tòa án và yêu cầu tòa án nêu rõ lí do ra các quyết định đó. Bị cáo tự mình thực hiện quyền kháng cáo hoặc trong trường hợp có lí do chính đáng không thể kháng cáo thì thời hạn kháng cáo được kéo dài.
Đối với bị cáo là người chưa thành niên hoặc người có nhược điểm về thể chất hoặc tâm thần, xuất phát từ nguyên tắc nhân đạo, pháp luật tố tụng hình sự cho phép người bào chữa được quyền chủ động kháng cáo. Người bị hại trong tố tụng hình sự là người đã bị tội phạm gây ra thiệt hại về thể chất, vật chất hoặc tinh thần. Để bảo vệ các quyền và lợi ích hợp pháp của họ có quyền kháng cáo bản án sơ thẩm.
Nếu trong quá trình tố tụng hình sự có sự tham gia của luật sư với tư cách là người bảo vệ quyên lợi của người bị hại, khi có sự ủy quyền thì luật sư cũng có quyền kháng cáo. Nguyên đơn dân sự, bị đơn dân sự, người đại diện của họ có quyền kháng cáo phần bản án hoặc quyết định cố liên quan đến việc bồi thường thiệt hại.
Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đến vụ án, người đại diện của họ có quyền kháng cáo phần bản án hoặc quyết định có liên quan đến quyền lợi, nghĩa vụ của họ.
3. Quyền và lợi ích của kháng cáo trong tố tụng hình sự
Thứ nhất, kháng cáo đảm bảo tính công bằng và đúng pháp luật
Kháng cáo không chỉ là một quyền mà còn là công cụ quan trọng để các bên trong vụ án yêu cầu tòa án cấp trên xem xét lại bản án, quyết định của tòa án sơ thẩm. Căn cứ theo Điều 331 Bộ luật Tố tụng Hình sự 2015, các bên có quyền kháng cáo nhằm phát hiện và sửa chữa những sai sót trong quá trình xét xử sơ thẩm, giúp đảm bảo quyền lợi của họ được bảo vệ một cách công bằng và chính xác. Quyền kháng cáo này tạo cơ hội cho các bên kiểm tra lại quá trình xét xử, từ đó đảm bảo tính minh bạch, đúng pháp luật và khách quan trong phán quyết của tòa án.
Thứ hai, kháng cáo giúp giảm nhẹ hình phạt
Đối với bị cáo, kháng cáo là một cơ hội quan trọng để họ yêu cầu tòa án cấp phúc thẩm giảm nhẹ hình phạt nếu cho rằng bản án sơ thẩm đã không phù hợp với các tình tiết giảm nhẹ hoặc tình trạng sức khỏe, hoàn cảnh cá nhân của họ. Theo quy định tại Điều 331 về quyền kháng cáo của bị cáo, bị hại, người đại diện của họ và các đương sự khác và Điều 357 về Thẩm quyền của Hội đồng xét xử cấp phúc thẩm của Bộ luật Tố tụng Hình sự 2015, tòa án cấp phúc thẩm sẽ xem xét toàn diện các tình tiết và chứng cứ mới được đưa ra trong kháng cáo. Điều này cho phép tòa án điều chỉnh hình phạt theo hướng có lợi cho bị cáo nếu phát hiện bản án sơ thẩm có những yếu tố chưa phù hợp hoặc không xem xét kỹ lưỡng các tình tiết giảm nhẹ.
Thứ ba, kháng cáo để tăng mức bồi thường thiệt hại
Đối với người bị hại trong các vụ án hình sự, kháng cáo cũng là một phương tiện quan trọng để yêu cầu tăng mức bồi thường thiệt hại nếu họ cảm thấy mức bồi thường trong bản án sơ thẩm không hợp lý. Theo Điều 331 – Điều 333 Bộ luật Tố tụng Hình sự 2015, người bị hại có quyền kháng cáo một phần bản án liên quan đến bồi thường dân sự, yêu cầu tòa án cấp phúc thẩm xem xét lại và điều chỉnh mức bồi thường.Người bị hại cần gửi đơn kháng cáo đến Tòa án đã xét xử sơ thẩm hoặc Tòa án cấp phúc thẩm, kèm theo các chứng cứ, tài liệu bổ sung ( nếu có) để chứng minh cho kháng cáo của mình là có căn cứ và hợp pháp. Thời hạn kháng cáo đối với bản án sơ thẩm là 15 ngày kể từu ngày tuyên án, hoặc tính từ ngày họ nhận được bản án hoặc ngày bản án được niêm yết nếu vắng mặt tại phiên tòa. Điều này giúp bảo đảm quyền lợi hợp pháp của người bị hại, nhất là khi các thiệt hại thực tế chưa được đánh giá đầy đủ trong phiên sơ thẩm.
Cuối cùng, kháng cáo còn giúp sửa sai sót trong xét xử sơ thẩm ( nếu có )
Một trong những lợi ích quan trọng khác của kháng cáo là giúp phát hiện và sửa chữa các sai sót trong quá trình xét xử sơ thẩm. Tòa án cấp phúc thẩm có thẩm quyền xem xét lại các sai sót về thủ tục, thu thập, đánh giá chứng cứ và áp dụng pháp luật, theo Điều 357 Bộ luật Tố tụng hình sự 2015. Hội đồng xét xử phúc thẩm có thể quyết định giữ nguyên, sửa đổi hoặc hủy bỏ bản án sơ thẩm để điều tra lại hoặc xét xử lại theo thủ tục sơ thẩm. Trong quá trình này, Tòa án không chỉ xem xét hồ sơ vụ án mà còn lắng nghe ý kiến từ các bên liên quan như Kiểm sát viên, người bào chữa, bị hại và nhân chứng, như quy định tại Điều 346 Bộ luật Tố tụng hình sự 2015. Điều này giúp phát hiện những sai sót có thể đã bị bỏ qua trong quá trình xét xử sơ thẩm, đồng thời đảm bảo rằng bản án được đưa ra là công bằng và hợp pháp. Theo Điều 15 Bộ luật Tố tụng hình sự 2015, trách nhiệm chứng minh tội phạm thuộc về cơ quan tố tụng, trong khi bị cáo không phải chứng minh mình vô tội, củng cố nguyên tắc “không ai bị coi là có tội cho đến khi được chứng minh.” Bên cạnh đó, các cơ quan và người có thẩm quyền phải thực hiện nghiêm túc các quy định pháp luật và chịu trách nhiệm về hành vi, quyết định của mình, theo Điều 17 Bộ luật Tố tụng hình sự 2015. Quá trình xét xử phúc thẩm, do đó, không chỉ là cơ hội để khắc phục sai sót mà còn là phần thiết yếu của hệ thống tư pháp, đảm bảo rằng quyền lợi của tất cả các bên được bảo vệ và công lý được thực thi một cách chính xác và công bằng.
4. Thủ tục kháng cáo
Căn cứ vào Điều 332 của Bộ luật Tố tụng Hình sự 2015 quy định như sau để thực hiện việc kháng cáo bản án hoặc quyết định sơ thẩm, người kháng cáo cần tuân thủ các nguyên tắc sau :
“1. Người kháng cáo phải gửi đơn kháng cáo đến Tòa án đã xét xử sơ thẩm hoặc Tòa án cấp phúc thẩm.
Trường hợp bị cáo đang bị tạm giam, Giám thị Trại tạm giam, Trưởng Nhà tạm giữ phải bảo đảm cho bị cáo thực hiện quyền kháng cáo, nhận đơn kháng cáo và chuyển cho Tòa án cấp sơ thẩm đã ra bản án, quyết định bị kháng cáo.
Người kháng cáo có thể trình bày trực tiếp với Tòa án đã xét xử sơ thẩm hoặc Tòa án cấp phúc thẩm về việc kháng cáo. Tòa án phải lập biên bản về việc kháng cáo theo quy định tại Điều 133 của Bộ luật này.
Tòa án cấp phúc thẩm đã lập biên bản về việc kháng cáo hoặc nhận được đơn kháng cáo thì phải gửi biên bản hoặc đơn kháng cáo cho Tòa án cấp sơ thẩm để thực hiện theo quy định chung.
Đơn kháng cáo có các nội dung chính:
a) Ngày, tháng, năm làm đơn kháng cáo;
b) Họ tên, địa chỉ của người kháng cáo;
c) Lý do và yêu cầu của người kháng cáo;
d) Chữ ký hoặc điểm chỉ của người kháng cáo. Kèm theo đơn kháng cáo hoặc cùng với việc trình bày trực tiếp là chứng cứ, tài liệu, đồ vật bổ sung (nếu có) để chứng minh tính có căn cứ của kháng cáo.”
Việc thực hiện kháng cáo bản án hoặc quyết định sơ thẩm là một quy trình pháp lý quan trọng trong hệ thống tố tụng hình sự. Các quy định cụ thể trong Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 đã xác định rõ ràng các bước mà người kháng cáo cần tuân theo, từ việc gửi đơn kháng cáo, trình bày lý do kháng cáo, đến việc cung cấp chứng cứ bổ sung. Đặc biệt, việc bảo đảm quyền kháng cáo cho các bị cáo đang bị tạm giam, cũng như quy trình xử lý đơn kháng cáo tại Tòa án cấp phúc thẩm, đều thể hiện tính minh bạch và công bằng của hệ thống pháp luật.
Như vậy, kháng cáo không chỉ là quyền của người dân mà còn là cơ chế bảo vệ quyền lợi hợp pháp, đảm bảo rằng công lý được thực thi một cách chính xác và công bằng trong mỗi vụ án hình sự.
5. Thời hạn kháng cáo
Căn cứ theo quy định của pháp luật Việt Nam, thời hạn kháng cáo được quy định cụ thể tại Điều 333 của Bộ luật Tố tụng hình sự 2015 như sau:
“Thời hạn kháng cáo đối với bản án sơ thẩm là 15 ngày kể từ ngày tuyên án. Đối với bị cáo, đương sự vắng mặt tại phiên tòa thì thời hạn kháng cáo tính từ ngày họ nhận được bản án hoặc ngày bản án được niêm yết theo quy định của pháp luật.
Thời hạn kháng cáo đối với quyết định sơ thẩm là 07 ngày kể từ ngày người có quyền kháng cáo nhận được quyết định.
Ngày kháng cáo được xác định như sau:
a) Trường hợp đơn kháng cáo gửi qua dịch vụ bưu chính thì ngày kháng cáo là ngày theo dấu bưu chính nơi gửi;
b) Trường hợp đơn kháng cáo gửi qua Giám thị Trại tạm giam, Trưởng Nhà tạm giữ thì ngày kháng cáo là ngày Giám thị Trại tạm giam, Trưởng Nhà tạm giữ nhận được đơn. Giám thị Trại tạm giam, Trưởng Nhà tạm giữ phải ghi rõ ngày nhận đơn và ký xác nhận vào đơn;
c) Trường hợp người kháng cáo nộp đơn kháng cáo tại Tòa án thì ngày kháng cáo là ngày Tòa án nhận đơn. Trường hợp người kháng cáo trình bày trực tiếp với Tòa án thì ngày kháng cáo là ngày Tòa án lập biên bản về việc kháng cáo.”
Như vậy, với quy định của pháp luậ Việt Nam, thời hạn kháng cáo đối với bản án sơ thẩm là 15 ngày kể từ ngày tuyên án. Trong trường hợp bị cáo hoặc đương sự vắng mặt tại phiên tòa, thời hạn này sẽ được tính từ ngày họ nhận được bản án hoặc từ ngày bản án được niêm yết theo quy định pháp luật. Đối với quyết định sơ thẩm, thời hạn kháng cáo là 07 ngày kể từ khi người có quyền kháng cáo nhận được quyết định. Ngày kháng cáo được xác định dựa trên hình thức nộp đơn kháng cáo: nếu đơn được gửi qua dịch vụ bưu chính, ngày kháng cáo là ngày theo dấu bưu chính nơi gửi; nếu đơn được gửi qua Giám thị Trại tạm giam hoặc Trưởng Nhà tạm giữ, ngày kháng cáo là ngày họ nhận được đơn và phải ghi rõ ngày nhận kèm chữ ký xác nhận. Trong trường hợp người kháng cáo nộp trực tiếp tại Tòa án, ngày kháng cáo là ngày Tòa án nhận đơn, hoặc nếu kháng cáo bằng cách trình bày trực tiếp, ngày kháng cáo sẽ là ngày Tòa án lập biên bản về việc kháng cáo.
6. Kháng cáo quá hạn
Căn cứ vào Điều 335 của Bộ luật Tố tụng Hình sự 2015, quy định về việc kháng cáo quá hạn như sau:
“Việc kháng cáo quá hạn được chấp nhận nếu có lý do bất khả kháng hoặc do trở ngại khách quan mà người kháng cáo không thể thực hiện được việc kháng cáo trong thời hạn do Bộ luật này quy định.
Trong thời hạn 03 ngày kể từ ngày nhận được đơn kháng cáo quá hạn, Tòa án cấp sơ thẩm phải gửi đơn kháng cáo, bản tường trình của người kháng cáo về lý do kháng cáo quá hạn và chứng cứ, tài liệu, đồ vật kèm theo (nếu có) cho Tòa án cấp phúc thẩm.
Trong thời hạn 10 ngày kể từ ngày nhận được đơn kháng cáo quá hạn và chứng cứ, tài liệu, đồ vật kèm theo (nếu có), Tòa án cấp phúc thẩm thành lập Hội đồng gồm ba Thẩm phán để xem xét kháng cáo quá hạn. Hội đồng xét kháng cáo quá hạn có quyền ra quyết định chấp nhận hoặc không chấp nhận kháng cáo quá hạn và phải ghi rõ lý do của việc chấp nhận hoặc không chấp nhận trong quyết định.
Phiên họp xét kháng cáo quá hạn phải có sự tham gia của Kiểm sát viên Viện kiểm sát cùng cấp. Trong thời hạn 03 ngày trước ngày xét đơn kháng cáo quá hạn, Tòa án cấp phúc thẩm gửi bản sao đơn kháng cáo quá hạn và chứng cứ, tài liệu kèm theo (nếu có) cho Viện kiểm sát cùng cấp. Kiểm sát viên phát biểu quan điểm của Viện kiểm sát về việc xét kháng cáo quá hạn.
Quyết định của Hội đồng xét kháng cáo quá hạn được gửi cho người kháng cáo quá hạn, Tòa án cấp sơ thẩm và Viện kiểm sát cùng cấp với Tòa án cấp phúc thẩm.
Trường hợp Tòa án cấp phúc thẩm chấp nhận kháng cáo quá hạn thì Tòa án cấp sơ thẩm phải tiến hành các thủ tục do Bộ luật này quy định và gửi hồ sơ vụ án cho Tòa án cấp phúc thẩm.”
Kháng cáo quá hạn trong hệ thống tố tụng hình sự, theo Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015, cho phép chấp nhận kháng cáo nếu có lý do bất khả kháng hoặc trở ngại khách quan. Sau khi Tòa án cấp sơ thẩm nhận đơn kháng cáo quá hạn, trong vòng 03 ngày, Tòa án phải chuyển đơn và bản tường trình lý do kháng cáo cho Tòa án cấp phúc thẩm. Tòa án cấp phúc thẩm sẽ thành lập Hội đồng gồm ba Thẩm phán trong thời hạn 10 ngày để xem xét kháng cáo. Hội đồng có quyền quyết định chấp nhận hoặc không chấp nhận kháng cáo và phải ghi rõ lý do. Quy trình này đảm bảo tính minh bạch và công bằng, với sự tham gia của Kiểm sát viên Viện kiểm sát. Nếu kháng cáo quá hạn được chấp nhận, Tòa án cấp sơ thẩm phải thực hiện các thủ tục tiếp theo. Quy định này không chỉ bảo vệ quyền kháng cáo của công dân mà còn nâng cao niềm tin vào tính công bằng của hệ thống tư pháp.
7. Kháng cáo không làm xấu đi quyền lợi của bị cáo
Trong quá trình tố tụng hình sự, việc đảm bảo rằng kháng cáo không làm xấu đi quyền lợi của bị cáo được quy định rõ ràng trong Bộ Luật Tố tụng hình sự năm 2015. Theo đó, Hội đồng xét xử phúc thẩm chỉ được sửa bản án sơ thẩm theo hướng không có lợi cho bị cáo nếu có kháng cáo hoặc kháng nghị từ các chủ thể có thẩm quyền ( Người bị hại, ..). Khoản 2 Điều 357 quy định rằng nếu Viện kiểm sát kháng nghị hoặc bị hại kháng cáo yêu cầu, Hội đồng xét xử phúc thẩm có thể tăng hình phạt, áp dụng điều, khoản về tội nặng hơn, tăng mức bồi thường thiệt hại, chuyển sang hình phạt khác nặng hơn hoặc không cho bị cáo hưởng án treo. Ngược lại, nếu không có kháng cáo hoặc kháng nghị, Hội đồng xét xư phúc thẩm không được sửa bản án theo hướng bất lợi cho bị cáo. Điều 342 cũng nêu rõ rằng người kháng cáo và Viện kiểm sát có quyền thay đổi, bổ sung kháng cáo hoặc kháng nghị nhưng không được làm xấu hơn tình trạng của bị cáo. Hơn nữa, nếu bị cáo rút kháng cáo và không có kháng nghị từ Viện kiểm sát, Hội đồng xét xử phúc thẩm phải đình chỉ xét xử phúc thẩm, như quy định tại Điều 348. Như vậy, để bảo vệ quyền lợi của bị cáo, Hội đồng xét xử phúc thẩm phải tuân thủ nghiêm ngặt các quy định liên quan đến kháng cáo và kháng nghị. Nếu trong quá trình gửi đơn kháng cáo, bị hại không có kháng cáo hoặc kháng nghị, Hội đồng xét xử phúc thẩm sẽ xem xét toàn bộ hồ sơ vụ án, bao gồm các tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự, và quyết định có thể thay đổi mức án hoặc hình thức phạt, trong đó có khả năng giảm án của bị cáo.
Ví dụ, Nguyễn Văn B và em của anh là Nguyễn Văn C ( trẻ vị thành niên ) bị Tòa án cấp sơ thẩm tuyên án 18 tháng tù treo về tội “Cố ý gây thương tích” sau khi có xô xát với Hoàng Văn T trong cuộc ẩu đá trộm chó. Trong quá trình xét xử, Tòa án đã xem xét một số tình tiết giảm nhẹ, như việc anh B thành khẩn khai báo, có thái độ hợp tác với cơ quan điều tra, bồi thường thiệt hại cho nạn nhân và chưa từng có tiền án tiền sự và anh C là trẻ vị thành niên. Sau khi nhận bản án, anh B cảm thấy hình phạt này là quá nặng và quyết định viết đơn kháng cáo lên Tòa án cấp phúc thẩm. Đồng thời, Tòa cũng nhận định hành vi “Trộm chó” của anh T là có dấu hiệu vi phạm pháp luật vì có chứng cứ ghi nhận anh T đã vi phạm. Trong đơn kháng cáo, anh B nhấn mạnh rằng mình đã hối hận về hành vi, thực hiện đầy đủ nghĩa vụ bồi thường cho nạn nhân và không có tiền án tiền sự và anh C là trẻ vị thành niên, tuy nhiên anh B trong quá trình kháng cáo anh B chỉ kháng cáo xin giảm nhẹ và không đề cập tới việc anh T có dấu hiệu vi phạm pháp luật. Tòa án cấp phúc thẩm đã xem xét đơn kháng cáo và hồ sơ vụ án, nhận thấy rằng mặc dù anh B đã gây thương tích cho người khác, nhưng những tình tiết giảm nhẹ, sự thành khẩn và hành động bồi thường thiệt hại của anh cho thấy anh B và anh C có khả năng cải tạo tốt. Cuối cùng, Tòa án cấp phúc thẩm quyết định giảm nhẹ hình phạt. Trường hợp của anh Nguyễn Văn B minh chứng rằng kháng cáo không chỉ mang lại sự công bằng mà còn tạo cơ hội cải tạo cho người phạm tội, khẳng định vai trò quan trọng của quyền kháng cáo trong hệ thống tư pháp.
8. Kết luận
Như vậy, kháng cáo là một quyền lợi quan trọng trong hệ thống tố tụng hình sự, cho phép các bên liên quan yêu cầu Tòa án cấp phúc thẩm xem xét lại bản án hoặc quyết định của Tòa án cấp sơ thẩm. Đối với các trường hợp án treo, kháng cáo có thể tạo cơ hội để giảm nhẹ hoặc điều chỉnh mức án, nếu có đủ căn cứ pháp lý và chứng cứ thuyết phục.
Theo nghị quyết 02/2018/NQ-HĐTP thì “Án treo là biện pháp miễn chấp hành hình phạt tù có điều kiện, được Tòa án áp dụng đối với người phạm tội bị phạt tù không quá 03 năm, căn cứ vào nhân thân của người phạm tội và các tình tiết giảm nhẹ, xét thấy không cần bắt họ phải chấp hành hình phạt tù”. Nếu có kháng cáo từ bị cáo hoặc người có quyền lợi liên quan, Tòa án cấp phúc thẩm sẽ xem xét toàn bộ hồ sơ vụ án, bao gồm các tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự, và quyết định có thể thay đổi mức án hoặc hình thức phạt, trong đó có khả năng giảm án treo.
Do đó, kháng cáo không chỉ mang lại cơ hội để sửa chữa những sai sót trong xét xử sơ thẩm mà còn góp phần bảo vệ quyền lợi của người bị xử án. Việc kháng cáo có thể dẫn đến giảm án tù, hưởng án treo hoặc thay đổi hình phạt thành cải tạo không giam giữ, từ đó thúc đẩy công lý và sự công bằng trong quá trình tố tụng hình sự.
Hà Tuyết – Thực tập sinh văn phòng luật sư Đồng Đội
Gmail: tuyethaaa@gmail.com