Theo thời gian, những người từng chăm sóc chúng ta, nuôi dưỡng chúng ta, hy sinh vì chúng ta và dành cho chúng ta những tình yêu thương ấy rồi cũng già đi. Bước chân của họ chậm lại, sức khỏe ngày một suy yếu, đôi mắt dần mờ, mái tóc bạc thêm từng ngày.
“Có bao giờ bạn nhìn thấy hình ảnh một cụ già ngồi lặng lẽ bên cửa sổ, ánh mắt đăm chiêu chờ đợi một cuộc điện thoại từ con cái? Có bao giờ bạn tự hỏi: Nếu một ngày cha mẹ già yếu, ai sẽ chăm sóc họ?”
Ảnh minh họa (nguồn internet)
Chăm sóc ông bà, cha mẹ về già không chỉ là trách nhiệm mà còn là cách thể hiện lòng hiếu thảo, biết ơn và tình yêu thương. Khi cha mẹ yếu đi, trách nhiệm ấy thuộc về những đứa con. Nhưng tiếc thay, trong nhịp sống hối hả này, trách nhiệm ấy đôi khi bị lãng quên, bị gạt sang một bên bởi cuộc sống bận rộn và những toan tính cá nhân. Thực tế đáng buồn là nhiều người già không chỉ ra đi vì bệnh tật mà còn vì cô đơn, vì họ sợ làm phiền con cái, sợ trở thành gánh nặng.
Trước đây việc sống chung và chăm sóc cha mẹ về già là một điều hiển nhiên. Nhưng theo xu hướng sống tự lập, nhiều gia đình lựa chọn chuyển ra ở riêng, dẫn đến khoảng cách giữa cha mẹ và con cái ngày càng lớn, cả không gian lẫn tình cảm. Ở nhiều nước phát triển, việc gửi cha mẹ vào viện dưỡng lão được xem như một giải pháp phổ biến thì ở Việt Nam, điều nay vẫn bị xã hội nhìn nhận với nhiều e ngại, nhưng liệu có thể thay đổi cách tiếp cận để đảm bảo cha mẹ được chăm sóc tốt nhất?
Bên cạnh đó, luật Việt Nam quy định rõ con cái có nghĩa vụ phụng dưỡng cha mẹ. Tuy nhiên, trên thực tế, rất ít trường hợp bị xử lý khi con cái bỏ mặc cha mẹ già yếu. Trong khi đó, một số quốc gia như Trung Quốc, Nhật Bản, Đức đã có những quy định chặt chẽ, yêu cầu con cái phải đóng góp tài chính hoặc chịu trách nhiệm trực tiếp trong việc chăm sóc cha mẹ già của mình. Liệu Việt Nam có nên siết chặt hơn các quy định này để đảm bảo quyền lợi cho người già?
Ảnh minh họa (nguồn internet)
Ngày nay, việc chăm sóc ông bà, cha mẹ về già không chỉ là chủ đề thảo luận trên mạng xã hội hay bản tin thời sự mà đã len lỏi trong từng gia đình, từng ngôi nhà. Internet có thể cung cấp hàng trăm lời khuyên, nhưng nó không thay thế được sự chăm sóc và quan tâm mà cha mẹ cần trong những năm tháng cuối đời.
Khi nói đến việc phụng dưỡng cha mẹ, có nhiều phản ứng khác nhau. Ai cũng có lý do cho sự bận rộn của mình. Con trai, con gái đều tất bật với công việc, cho rằng mình quá bận rộn để đảm nhận trách nhiệm. Con dâu, con rể thì lại càng bận. Và rồi những người cha, người mẹ từng vất vả lo toàn cho con mình lại phải đối diện với tuổi già trong nỗi cô đơn về cảm xúc, nỗi đau về thể chất. Nhưng liệu sự “bận rộn” ấy có thực sự là cái cớ hợp lý?
Trớ trêu thay, khi nhắc đến chuyện thừa kế, mọi người lại dành nhiều thời gian để bàn bạc, tính toán sao cho “công bằng”, để tránh thiệt thòi cho bản thân. Câu hỏi về cách phân chia tài sản và đảm bảo công bằng hợp pháp luôn được thảo luận cẩn thận, cân nhắc giữa những người con đó. Làm luật sư cũng chứng kiến không ít câu chuyện gia đình tranh cãi kịch liệt về quyền thừa kế nhưng lại thờ ơ với nhu cầu tình cảm và sự chăm sóc của người già. Tài sản có thể chia đều, nhưng tình cảm cha mẹ không thể chia theo phần. Khi nhắc đến thừa kế, ai cũng muốn được công bằng, nhưng liệu có ai thực sự công bằng trong trách nhiệm phụng dưỡng cha mẹ.
Đây là thực tế mà nhiều người không nghĩ đến cho đến khi nó trở thành trải nghiệm cá nhân của chính mình. Người xưa có câu “SÓNG TRƯỚC ĐỔ ĐÂU THÌ SÓNG SAU ĐỔ ẤY”. Nếu phận làm con cũng bỏ bê trách nhiệm của mình, làm sao có thể mong đợi con cái mình chăm sóc trong tương lai? Không cần phải báo hiếu theo cách xa vời, chỉ cần hoàn thành bổn phận của người con. Một cuộc gọi hỏi thăm mỗi ngày, một lần ghé thăm cuối tuần, hay một bữa cơm quây quần. Chỉ bấy nhiêu cũng đủ để sưởi ấm trái tim cha mẹ, để họ cảm thấy được yêu thương rằng đây không phải là gánh nặng mà là đặc quyền.
Ảnh minh họa (nguồn internet)
Một ngày nào đó, chúng ta cũng sẽ già đi. Khi ấy, chúng ta mong chờ điều gì từ con cháu? Câu trả lời nằm trong chính cách chúng ta đối xử với cha mẹ mình hôm nay.
Luật sư Trần Xuân Tiền từng chia sẻ “Các cụ có câu ‘một già, một trẻ bằng nhau’. Người già đôi khi cũng khó chiều, khó chăm, nhưng việc chăm nom cũng là một thử thách rèn luyện lòng hiếu thảo của con cái. Việc chăm người già không chỉ là vấn đề chăm ăn, mà còn là chăm tư tưởng, tình cảm và sự hài lòng. Những người già ngủ ít, ăn ít, muốn yên tĩnh, có những mong muốn riêng. Vì vậy, những người con hiếu thảo cần nhớ câu: ‘Còn mẹ thì đừng để mẹ khóc, mẹ buồn’. Phải làm sao để cha mẹ có trạng thái vui vẻ, tinh thần tốt thì giấc ngủ mới êm, suy nghĩ thông suốt thì ăn mới ngon, ngủ mới yên. Hạnh phúc của cha mẹ không đến từ vật chất dồi dào, mà đến từ những cử chỉ quan tâm chân thành. Những gia đình nhiều thế hệ, những mâm cơm quây quần chính là câu trả lời cho giá trị của tình thân.
Chia sẻ của Luật sư Trần Xuân Tiền
Cha mẹ là tấm gương của con cái. Trong những gia đình nhiều thế hệ, gia đình truyền thống chăm sóc nhau được trong những mâm cơm quây quần chính là câu trả lời cho giá trị tình thân. Chúng ta không nên để tình trạng đô thị hóa cuốn đi, bỏ lại cha mẹ già ở quê. Nhìn vào Nhật Bản, nơi có nhiều viện dưỡng lão, hay Trung Quốc, nơi con cái đi nước nọ nước kia, nhiều bậc cha mẹ cảm thấy cô độc. Rồi là cha mẹ đẻ con ra thích con tài giỏi giàu có đi xa hay con ở gần bố mẹ hơn,… Câu chuyện này không của riêng ai, mà tất cả chúng ta đều sẽ bị ảnh hưởng và cần suy nghĩ. Những người không có cơ hội chăm sóc bố mẹ già thì hối tiếc và hy vọng rằng thế hệ sau sẽ tiếp nối truyền thống, trở thành những đứa con hiếu thảo, có ích cho xã hội và cộng đồng”.
Giang An – Thực tập sinh Văn phòng luật sư Đồng Đội
Thông tin liên hệ:
Văn phòng luật sư Đồng Đội: P2708, Tòa nhà VP3 Bán đảo Linh Đàm, Hoàng Liệt, Hoàng Mai, Hà Nội
Điện thoại: 0936.026.559 – Email: tranxuantien1964@gmail.com
Website: https://dongdoilaw.vn
Facebook: https://www.facebook.com/dongdoilaw
Youtube: https://www.youtube.com/c/VănphòngluậtsưĐồngĐội
Tiktok: https://www.tiktok.com/@vpls_dongdoi