Biện pháp ngăn chặn là biện pháp tố tụng quan trọng nhằm mục đích kịp thời ngăn chặn tội phạm hoặc khi có căn cứ người bị buộc tội gây khó khăn cho việc điều tra, truy tố, xét xử hoặc sẽ tiếp tục phạm tội… thì cơ quan, người có thẩm quyền có thể áp dụng một trong các biện pháp: giữ người trong trường hợp khẩn cấp, bắt, tạm giữ, tạm giam, bảo lĩnh, đặt tiền để bảo đảm, cấm đi khỏi nơi cư trú, tạm hoãn xuất cảnh.
Theo Bộ luật tố tụng hình sự năm 2015, sửa đổi bổ sung 2017 quy định: bảo lĩnh, đặt tiền để bảo đảm là hai biện pháp ngăn chặn dùng để thay thế cho biện pháp tạm giam và không quy định biện pháp ngăn chặn nào thay thế cho tạm giữ. Do vậy, các cơ quan tiến hành tố tụng không thể thay đổi biện pháp tạm giữ bằng các biện pháp: bảo lĩnh, đặt tiền để bảo đảm.
Tuy nhiên, trong giới hạn bài viết này, chúng tôi chỉ tập trung đề cập tới biện pháp đặt tiền để bảo đảm.
1.Khái niệm biện pháp đặt tiền bảo đảm
Theo quy định tại khoản 1 Điều 122 Bộ luật tố tụng hình sự hiện hành, đặt tiền để bảo đảm là biện pháp ngăn chặn thay thế tạm giam. Căn cứ tính chất, mức độ nguy hiểm cho xã hội của hành vi, nhân thân và tình trạng tài sản của bị can, bị cáo, Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát, Tòa án có thể quyết định cho họ hoặc người thân thích của họ đặt tiền để bảo đảm.
2. Đối tượng áp dụng biện pháp đặt tiền bảo đảm
Căn cứ quy định tại khoản 1 Điều 122 Bộ luật tố tụng hình sự, Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát, Tòa án có thể quyết định cho bị can, bị cáo hoặc người thân thích của họ đặt tiền để bảo đảm. Theo đó, bị can, bị cáo là người áp dụng biện pháp này,
3. Điều kiện áp dụng biện pháp đặt tiền bảo đảm
- Căn cứ tính chất, mức độ nguy hiểm cho xã hội của hành vi, nhân thân và tình trạng tài sản của bị can, bị cáo, Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát, Tòa án có thể quyết định cho họ hoặc người thân thích của họ đặt tiền để bảo đảm
- Bị can, bị cáo được đặt tiền phải làm giấy cam đoan thực hiện các nghĩa vụ theo Khoản 2 Điều 122 Bộ luật này
- Nếu bị can, bị cáo vi phạm những quy định thì sẽ bị tạm giam trở lại và số tiền đã đặt sẽ bị tịch thu nộp ngân sách nhà nước.
- Trường hợp người thân thích của bị can, bị cáo được cơ quan tố tụng chấp thuận cho đặt tiền bảo đảm thì phải làm giấy cam đoan không để bị can, bị cáo vi phạm các nghĩa vụ theo quy định, nếu vi phạm số tiền người thân thích đã đặt sẽ bị tịch thu nộp ngân sách nhà nước
4. Điều kiện về tiền đặt để bảo đảm
Theo quy định tại Điều 3 Thông tư liên tịch 06/2018/TTLT -BCA-BQP-BTC-VKSNDTC-TANDTC, tiền đặt để bảo đảm là Việt Nam đồng, thuộc sở hữu hợp pháp của bị can, bị cáo, người thân thích của bị can, bị cáo hoặc người đại diện của bị can, bị cáo là người dưới 18 tuổi, người có nhược điểm về tâm thần hoặc thể chất.
5. Mức tiền đặt tiền bảo đảm
Theo quy định tại khoản 1 Điều 4 Thông tư liên tịch 06/2018/TTLT -BCA-BQP-BTC-VKSNDTC-TANDTC, mức tiền cụ thể mà bị can, bị cáo phải đặt để bảo đảm, nhưng không dưới:
- 30 triệu đồng (Ba mươi triệu đồng) đối với tội phạm ít nghiêm trọng;
- 100 triệu đồng (Một trăm triệu đồng) đối với tội phạm nghiêm trọng;
- 200 triệu đồng (Hai trăm triệu đồng) đối với tội phạm rất nghiêm trọng;
- 300 triệu đồng (Ba trăm triệu đồng) đối với tội phạm đặc biệt nghiêm trọng.
Tuy nhiên có 02 trường hợp, Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát, Tòa án có thể quyết định mức tiền phải đặt để bảo đảm thấp hơn nhưng không dưới một phần hai (1/2) mức tương ứng mức phạt trên, cụ thể:
- Bị can, bị cáo là thương binh, bệnh binh, là người được tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân, Anh hùng lao động, Nhà giáo nhân dân, Thầy thuốc nhân dân hoặc được tặng Huân chương, Huy chương kháng chiến, các danh hiệu Dũng sĩ trong kháng chiến chống Mỹ cứu nước, là con đẻ, con nuôi hợp pháp của liệt sĩ, bà mẹ Việt Nam anh hùng, của gia đình được tặng bằng “Gia đình có công với nước”;
- Bị can, bị cáo là người dưới 18 tuổi, người có nhược điểm về tâm thần hoặc thể chất.
6. Nghĩa vụ của người được áp dụng biện pháp bảo đảm
Theo quy định tại khoản 2 Điều 122 Bộ luật tố tụng hình sự hiện hành, bị can, bị cáo phải thực hiện các nghĩa vụ sau đây:
- Có mặt theo giấy triệu tập, trừ trường hợp vì lý do bất khả kháng hoặc do trở ngại khách quan;
- Không bỏ trốn hoặc tiếp tục phạm tội;
- Không mua chuộc, cưỡng ép, xúi giục người khác khai báo gian dối, cung cấp tài liệu sai sự thật; không tiêu hủy, giả mạo chứng cứ, tài liệu, đồ vật của vụ án, tẩu tán tài sản liên quan đến vụ án; không đe dọa, khống chế, trả thù người làm chứng, bị hại, người tố giác tội phạm và người thân thích của những người này.
Trường hợp bị can, bị cáo vi phạm nghĩa vụ cam đoan quy định tại khoản này thì bị tạm giam và số tiền đã đặt bị tịch thu, nộp ngân sách nhà nước.
7. Thời hạn áp dụng biện pháp đặt tiền bảo đảm
- Thời hạn đặt tiền không quá thời hạn điều tra, truy tố hoặc xét xử
- Thời hạn đặt tiền đối với người bị kết án phạt tù không quá thời hạn
Trong trường hợp gia hạn điều tra, truy tố, xét xử, hoãn thi hành án phạt tù thì thời hạn đặt tiền để bảo đảm được tính theo thời gian gia hạn điều tra, truy tố, xét xử, hoãn thi hành án phạt tù.
8. Số tiền đặt cọc bảo đảm sẽ được xử lý như thế nào?
Số tiền dùng để đặt cọc bảo đảm, Viện kiểm sát, Tòa án có trách nhiệm trả lại cho bị can, bị cáo hoặc người thân của họ khi họ đã chấp hành đầy đủ các nghĩa vụ.
9. Khi nào biện pháp đặt tiền để bảo đảm được hủy bỏ
Căn cứ khoản 1 Điều 10 Thông tư liên tịch 06/2018/TTLT-BCA-BQP-BTC-VKSNDTC-TANDTC thì việc áp dụng biện pháp đặt tiền để bảo đảm bị hủy bỏ trong các trường hợp sau:
– Khi có quyết định đình chỉ điều tra, đình chỉ vụ án; đình chỉ điều tra đối với bị can, đình chỉ vụ án đối với bị can;
– Bị can, bị cáo bị bắt tạm giam về tội đã phạm trước khi áp dụng biện pháp đặt tiền để bảo đảm hoặc tiếp tục phạm tội;
– Bị can, bị cáo chết;
– Bị can, bị cáo đã chấp hành đầy đủ các nghĩa vụ đã cam đoan;
– Bị cáo được Tòa án tuyên không có tội, miễn trách nhiệm hình sự, miễn hình phạt, hình phạt không phải là hình phạt tù hoặc phạt tù nhưng cho hưởng án treo hoặc khi thời hạn phạt tù bằng hoặc ngắn hơn thời hạn đã tạm giam;
– Bị can, bị cáo vi phạm nghĩa vụ đã cam đoan quy định tại khoản 2 Điều 122 Bộ luật Tố tụng hình sự 2015.
Trên đây là các quy định về việc áp dụng biện pháp đặt tiền để bảo đảm. cho bị can đang bị áp dụng biện pháp tạm giam. Hy vọng các thông tin trên sẽ hưu ích với quý độc giả.
Người viết: Nguyễn Thị Như Thùy
SĐT: 0367658315; Email: Thuyhlu1308@gmail.com
Thông tin liên hệ:
Văn phòng luật sư Đồng Đội: P2708, Tòa nhà VP3 Bán đảo Linh Đàm, Hoàng Liệt, Hoàng Mai, Hà Nội
Điện thoại: 0936.026.559 – Email: tranxuantien1964@gmail.com
Website: https://dongdoilaw.vn
Facebook: https://www.facebook.com/dongdoilaw
Youtube: https://www.youtube.com/c/VănphòngluậtsưĐồngĐội