Về nguyên tắc, phiên toà sơ thẩm phải được tiến hành liên tục từ khi bắt đầu cho đến khi kết thúc phiên toà. Tuy nhiên, trong quá trình xét xử, Hội đồng xét xử có quyền quyết định tạm ngừng phiên tòa để đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của các bên. Vấn đề này sẽ được Văn phòng Luật sư Đồng Đội giải đáp cụ thể dưới đây.
-
Tạm ngừng phiên tòa là gì?
Hiện nay, pháp luật Tố tụng dân sự không có quy định cụ thể về khái niệm tạm ngừng phiên tòa mà chỉ đưa ra các căn cứ để Hội đồng xét xử quyết định tạm ngừng phiên tòa. Tuy nhiên, có thể hiểu đơn giản, tạm ngừng phiên tòa là việc phiên tòa không tiếp tục các hoạt động tố tụng trong một thời hạn nhất định khi có các căn cứ do pháp luật tố tụng dân sự quy định.
Tuy nhiên, khác với việc hoãn phiên tòa, khi tiếp tục tiến hành phiên tòa sau thời gian tạm ngừng thì Hội đồng xét xử không phải xét xử vụ án lại từ đầu mà xét xử tiếp theo phần đã tạm ngừng trước đó.
-
Căn cứ tạm ngừng phiên tòa
Tại Khoản 1 Điều 259 Bộ luật Tố tụng dân sự quy định, trong quá trình xét xử, Hội đồng xét xử có quyền quyết định tạm ngừng phiên tòa khi có một trong các căn cứ sau đây:
- Do tình trạng sức khỏe hoặc do sự kiện bất khả kháng, trở ngại khách quan khác mà người tiến hành tố tụng không thể tiếp tục tiến hành phiên tòa, trừ trường hợp thay thế được người tiến hành tố tụng;
- Do tình trạng sức khỏe hoặc do sự kiện bất khả kháng, trở ngại khách quan khác mà người tham gia tố tụng không thể tiếp tục tham gia phiên tòa, trừ trường hợp người tham gia tố tụng có yêu cầu xét xử vắng mặt;
- Cần phải xác minh, thu thập bổ sung tài liệu, chứng cứ mà nếu không thực hiện thì không thể giải quyết được vụ án và không thể thực hiện được ngay tại phiên tòa;
- Chờ kết quả giám định bổ sung, giám định lại;
- Các đương sự thống nhất đề nghị Tòa án tạm ngừng phiên tòa để họ tự hòa giải;
- Cần phải báo cáo Chánh án Tòa án để đề nghị sửa đổi, bổ sung hoặc bãi bỏ văn bản quy phạm pháp luật theo quy định tại Điều 221 của Bộ luật này.
-
Thời gian tạm ngừng phiên tòa
Thời hạn tạm ngừng phiên tòa là không quá 01 tháng, kể từ ngày Hội đồng xét xử quyết định tạm ngừng phiên tòa. Hết thời hạn này, nếu lý do để ngừng phiên tòa không còn thì Hội đồng xét xử tiếp tục tiến hành phiên tòa; nếu lý do để ngừng phiên tòa chưa được khắc phục thì Hội đồng xét xử ra quyết định tạm đình chỉ giải quyết vụ án dân sự.
Hội đồng xét xử phải thông báo bằng văn bản cho những người tham gia tố tụng và Viện kiểm sát cùng cấp về thời gian tiếp tục phiên tòa (khoản 2 Điều 259 BLTTDS 2015). Việc tạm ngừng phiên tòa phúc thẩm cũng được thực hiện theo quy định trên (Điều 304 BLTTDS 2015). Khi không còn lý do tạm ngừng phiên tòa, vụ án tiếp tục được xét xử và việc xét xử này là sự tiếp nối quá trình tố tụng của phiên tòa đã mở trước khi tạm ngừng.
-
Hậu quả pháp lý của việc tạm ngừng phiên tòa
Kể từ khi Hội đồng xét xử ra quyết định tạm ngừng phiên tòa, vụ án đang được xét xử sẽ không tiếp tục xét xử trong một thời gian nhất định. Trong thời gian này, Tòa án sẽ giải quyết căn cứ tạm ngừng phiên tòa.
Khi không còn lý do tạm ngừng phiên tòa, vụ án tiếp tục được xét xử và việc xét xử này là sự tiếp nối quá trình tố tụng của phiên tòa đã mở trước khi tạm ngừng, không phải xét xử lại từ đầu. Nếu lý do để tạm ngừng phiên tòa chưa được khắc phục thì Hội đồng xét xử sẽ ra quyết định tạm đình chỉ giải quyết vụ án dân sự. Quy định này nhằm đảm bảo việc xét xử nhanh chóng, tránh kéo dài thời gian giải quyết vụ án.
-
Thẩm quyền quyết định tạm ngừng phiên tòa
Quyết định thay đổi người tiến hành tố tụng, người giám định, người phiên dịch, chuyển vụ án, tạm đình chỉ hoặc đình chỉ giải quyết vụ án, hoãn phiên tòa, quyết định công nhận sự thỏa thuận của các đương sự, tạm ngừng phiên tòa phải được Hội đồng xét xử thảo luận, thông qua tại phòng nghị án và lập thành văn bản.
-
Tạm ngừng phiên tòa được thực hiện bao nhiêu lần
Pháp luật hiện hành không có quy định về trường hợp này. Thực tế vụ án trên, Hội đồng xét xử đã giải quyết theo hướng tạm ngừng phiên tòa nhiều lần với cùng một lý do.
Khoản 2 Điều 259 BLTTDS 2015 quy định: “Hết thời hạn này, nếu lý do để ngừng phiên tòa không còn thì Hội đồng xét xử tiếp tục tiến hành phiên tòa; nếu lý do để ngừng phiên tòa chưa được khắc phục thì Hội đồng xét xử ra quyết định tạm đình chỉ giải quyết vụ án dân sự…”. Theo quy quy định trên thì có thể hiểu việc tạm ngừng phiên tòa được thực hiện một lần. Tuy nhiên, tạm ngừng một lần thực hiện với một lý do hay nhiều lý do?
Hiện nay, pháp luật không có quy định cụ thể về vấn đề này nhưng sẽ phù hợp hơn nếu một lần này được áp dụng với từng lý do, từng chủ thể để hạn chế trường hợp các bên lạm dụng điều này nhằm gây khó khăn hoặc trì hoãn việc giải quyết vụ án
Thông tin liên hệ:
Văn phòng luật sư Đồng Đội: P2708, Tòa nhà VP3 Bán đảo Linh Đàm, Hoàng Liệt, Hoàng Mai, Hà Nội.
Điện thoại: 0936.026.559 – Email: tranxuantien1964@gmail.com
Website: https://dongdoilaw.vn
Facebook: https://www.facebook.com/dongdoilaw
Youtube: https://www.youtube.com/c/VănphòngluậtsưĐồngĐội
Tiktok: https://www.tiktok.com/@vpls_dongdoi
Người viết: Như Thùy – Lan Anh (TTS)
Gmail: Thuyhlu1308@gmail.com
SĐT: 0367658315