Trong vụ án thì việc xét xử đúng người đúng tội luôn là điều được quan tâm và đặt lên hàng đầu. Để đảm bảo được điều đó; việc cơ quan tiến hành tố tụng, người tiến hành tố tụng làm việc một cách vô tư; khách quan; đúng pháp luật là điều vô cùng quan trọng, đặc biệt là với Điều tra viên – người tiến hành tố tụng từ những giai đoạn đầu tiên trong hoạt động tư pháp.
Theo quy định tại Điều 367 Bộ luật Hình sự 2015 (sửa đổi, bổ sung 2017), các tội xâm phạm hoạt động tư pháp là những hành vi xâm phạm sự đúng đắn của hoạt động tố tụng và thi hành án. Do đó, xâm phạm hoạt động tư pháp không chỉ xâm phạm đến tính đúng đắn, uy tín, chất lượng, hiệu quả của hoạt động tư pháp, mà còn xâm phạm đến quyền lợi, uy tín của cơ quan, tổ chức, cá nhân.
Vì vậy, việc điều tra viên trong quá trình điều tra thực hiện không đúng các công việc của mình sẽ ảnh hưởng rất lớn đến cả quá trình tố tụng. Chính vì thế, trong quá trình tố tụng, luật sư cần phải nhanh nhạy trong việc phát hiện ra những sai phạm của điều tra viên (nếu có) để đảm bảo việc giải quyết vụ án được khách quan, tuân thủ đúng quy định của pháp luật.
Theo đó, khi Luật sư tham gia vào giai đoạn điều tra của vụ án mà có căn cứ cho rằng Điều tra viên có hành vi xâm phạm đến hoạt động tư pháp cần có biện pháp ngăn chặn kịp thời, điều này không chỉ góp phần hỗ trợ quá trình giải quyết vụ án được vô tư, khách quan, đúng quy định mà còn bảo vệ được quyền và lợi ích hợp pháp của thân chủ mình.
Một trong những biện pháp nhanh chóng đầu tiên để ngăn chặn hành vi vi phạm của điều tra viên mà luật sư cần thực hiện chính là đề nghị từ chối hoặc thay đổi điều tra viên theo quy định tại Điều 49, Điều 50 Bộ luật tố tụng hình sự. Theo đó, người bào chữa có quyền đề nghị thay đổi người có thẩm quyền tiến hành tố tụng nếu có căn cứ rõ ràng để cho rằng điều tra viên không vô tư trong khi làm nhiệm vụ; đã tham gia với tư cách là người bào chữa, người làm chứng, người giám định, người định giá tài sản, người phiên dịch, người dịch thuật trong vụ án đó; đồng thời là bị hại, đương sự; là người đại diện, người thân thích của bị hại, đương sự hoặc của bị can, bị cáo.
Do đó, khi phát hiện và có căn cứ cho rằng Điều tra viên vi phạm hoạt động tư pháp, trước hết luật sư có thể soạn đơn kiến nghị thay đổi Điều tra viên gửi đến cho Thủ trưởng hoặc Phó Thủ trưởng Cơ quan điều tra để được tiếp nhận và giải quyết. Trong trường hợp Điều tra viên bị thay đổi là Thủ trưởng Cơ quan điều tra thì cần kiến nghị đến Cơ quan điều tra cấp trên và sau khi tiếp nhận kiến nghị thì vụ án do Cơ quan điều tra cấp trên trực tiếp tiến hành theo khoản 2 Điều 51 Bộ luật Tố tụng Hình sự năm 2015.
Thêm vào đó, Luật sư có thể khiếu nại, tố cáo đến cơ quan có thẩm quyền để cơ quan chức năng kịp thời tham gia và ngăn chặn hành vi xâm phạm đến hoạt động tư pháp nhằm đảm bảo quá trình tố tụng hình sự được khách quan, công bằng.
Bên cạnh đó, hành vi xâm phạm hoạt động tư pháp là một hành vi vi phạm pháp luật nghiêm trọng, nếu có đủ căn cứ cấu thành Các Tội xâm phạm hoạt động tư pháp theo quy định tại Chương XXIV Bộ luật hình sự 2015, sửa đổi 2017 thì điều tra viên vi phạm có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự với khung hình phạt cao nhất có thể lên đến 20 năm tù hoặc tù chung thân tùy vào từng tính chất, mức độ và hành vi phạm tội cụ thể.
Tuy nhiên, để khẳng định điều tra viên trong quá trình điều tra có hành vi xâm phạm hoạt động tư pháp hay không thì phải có sự xác minh, kết luận của cơ quan chức năng. Cụ thể, khi có dấu hiệu vi phạm xâm phạm đến hoạt động tư pháp, cơ quan điều tra của Viện kiểm sát nhân dân tối cao sẽ vào cuộc xác minh, điều tra. Nếu trong trường hợp có dấu hiệu của hành vi xâm phạm hoạt động tư pháp thì Cơ quan điều tra Viện Kiểm sát nhân dân tối cao sẽ ra quyết định khởi tố, điều tra vụ án xâm phạm hoạt động tư pháp.
Có thể thấy, việc kịp thời ngăn chặn các hành vi làm mất sự đúng đắn của hoạt động tư pháp, bảo đảm quyền và lợi ích chính đáng của cá nhân trong xã hội là vô cùng quan trọng. Bởi chủ thể của tội này là những người có chức vụ, hiểu biết pháp luật, nắm trong tay quyền lực pháp luật, tiến hành hoạt động tư pháp để xử lý những người vi phạm nhưng lại trở thành tội phạm, điều này sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến trật tự xã hội, sự khách quan vô tư của pháp luật Nhà nước, giảm sự tin tưởng của người dân đối với cơ quan nhà nước, thậm chí dẫn đến án oan sai.
Vì vậy, Luật sư với tư cách là người bào chữa, người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của cá nhân tổ chức, công lý, công bằng xã hội khi phát hiện ra những sai phạm của điều tra viên trong quá trình điều tra cần thực hiện các biện pháp cần thiết, kịp thời để ngăn chặn hành vi vi phạm, góp phần giảm thiểu những tiêu cực, tham nhũng trong hoạt động tư pháp cũng như đảm bảo được quá trình tố tụng vô tư, khách quan, công bằng./.
Người Viết: Lê Thị Lan Anh và Nguyễn Hương Ly – VPLS Đồng Đội
___
Thông tin liên hệ:
Văn phòng luật sư Đồng Đội: P2708, Tòa nhà VP3 Bán đảo Linh Đàm, Hoàng Liệt, Hoàng Mai, Hà Nội
Điện thoại: 0936.026.559 – Email: tranxuantien1964@gmail.com
Website: https://dongdoilaw.vn
Facebook: https://www.facebook.com/dongdoilaw
Youtube: https://www.youtube.com/c/VănphòngluậtsưĐồngĐội
Tiktok: https://www.tiktok.com/@vpls_dongdoi