Tai nạn là vấn đề không thể tránh khỏi trong cuộc sống hàng ngày, nhất là tai nạn giao thông khi số lượng phương tiện tham gia giao thông ngày càng tăng cao. Khi xảy ra tai nạn, ngoài những vấn đề pháp lý và bồi thường thiệt hại giữa các bên, việc cứu giúp người khi bị tai nạn cũng là một việc vô cùng quan trọng cần phải để tâm.
Hiện nay, một số bộ phận người dân khi nhìn thấy tai nạn thường tránh xa, tâm lý không phải chuyện của mình, tránh phiền phức để mặc người bị nạn không cứu giúp hay gọi người cứu giúp. Ví dụ như vụ việc tai nạn giao thông tại quận Long Biên, khi mà vụ tai nạn xảy ra được 45 phút thì mới có xe cấp cứu tới hiện trường. Trong 45 phút đó, có bao nhiêu xe taxi, xe hơi đi qua đoạn đường có sự việc? Bao nhiêu người vây quanh hiện trường? Tại sao lại bỏ mặc người bị nạn ở giữa đường như vậy mà không mảy may quan tâm? Người nhìn thấy, thậm chí là người có mặt tại hiện trường mà không cứu giúp người bị nạn liệu có cảm thấy cắn dứt lương tâm. Phải chăng con người ta càng trở nên thờ ơ, vô cảm với nhau? Thực chất đây không chỉ là sự vô cảm, dưới góc độ pháp lý đây là hành vi vi phạm pháp luật. Tùy vào tính chất, mức độ mà người vi phạm có thể bị xử phạt hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự.
Theo quy định tại Khoản 2 Khoản 3 Điều 38 Luật giao thông đường bộ năm 2008, những người có mặt tại nơi xảy ra tai nạn ngoài trách nhiệm bảo vệ hiện trường; báo tin ngay cho cơ quan công an, y tế hoặc Ủy ban nhân dân nơi gần nhất; bảo vệ tài sản của người bị nạn; cung cấp thông tin xác thực về vụ tai nạn theo yêu cầu của cơ quan có thẩm quyền thì còn có trách nhiệm phải giúp đỡ, cứu chữa kịp thời người bị nạn. Đối với người điều khiển phương tiện khác khi đi qua nơi xảy ra vụ tai nạn có trách nhiệm chở người bị nạn đi cấp cứu. Bên cạnh đó, hành vi cố ý không cứu giúp người bị nạn khi có điều kiện là hành vi bị nghiêm cấm theo Khoản 16 Điều 8 Luật giao thông đường bộ năm 2008. Mức xử phạt đối với hành vi không giúp đỡ người bị tai nạn khi có yêu cầu đối với cá nhân là từ 500.000 đồng đến 1.000.000 đồng; đối với tổ chức từ 1.000.000 – 2.000.000 đồng (theo quy định tại điểm a khoản 7 Điều 11 Nghị định 100/2019/NĐ-CP).
Trường hợp có hậu quả chết người xảy ra, người không cứu giúp có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về Tội không cứu giúp người đang ở trong tình trạng nguy hiểm đến tính mạng. Căn cứ Điều 132 Bộ luật hình sự Việt Nam năm 2015 sửa đổi, bổ sung năm 2017 người nào thấy người khác đang ở trong tình trạng nguy hiểm đến tính mạng, tuy có điều kiện mà không cứu giúp dẫn đến hậu quả người đó chết, thì tùy trường hợp có thể bị phạt cảnh cáo, phạt cải tạo không giam giữ đến 2 năm hoặc phạt tù từ 3 tháng đến 7 năm. Ngoài ra, người phạm tội còn có thể bị cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 1 năm đến 5 năm.
Qua đó, có thể thấy, bên cạnh những tấm lòng vị tha, thương người như thể thương thân, sẵn lòng cứu giúp người bị nạn, vẫn còn tồn tại những trường hợp thờ ơ, vô cảm khi nhìn thấy người bị nạn, hay đôi khi chỉ là sợ trách nhiệm, ngại bị liên lụy nên mọi người đã bỏ mặc sự cầu cứu giúp đỡ. Thậm chí, có kẻ lợi dụng cơ hội để hôi của, ăn cắp, lấy tài sản của người gặp nạn. Hành động đó không chỉ dẫn đến tình trạng vô cảm và tha hoá đạo đức trong xã hội mà còn được xem là hành vi vi phạm pháp luật, cần phải sửa chữa, khắc phục kịp thời.
Thông tin liên hệ:
Văn phòng luật sư Đồng Đội: P2708, Tòa nhà VP3 Bán đảo Linh Đàm, Hoàng Liệt, Hoàng Mai, Hà Nội
Điện thoại: 0936.026.559 – Email: tranxuantien1964@gmail.com
Website: https://dongdoilaw.vn
Facebook: https://www.facebook.com/dongdoilaw
Youtube: https://www.youtube.com/c/VănphòngluậtsưĐồngĐội
Tiktok: https://www.tiktok.com/@vpls_dongdoi
Người viết: Hứa Kim Ngân
SĐT: 0375966329
Tham vấn bởi: Luật sư Trần Xuân Tiền – Luật sư Thái Phương Quế