Theo Hiến pháp 2013 đã quy định “Mọi người có quyền khiếu nại, tố cáo với cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền về những việc làm trái pháp luật của cơ quan, tổ chức, cá nhân.”, và quyền khiếu nại đã được quy định chi tiết trong Luật khiếu nại. Tuy nhiên, đối với quyền khiếu nại trong thi hành án dân sự, pháp luật đã có quy định cụ thể tại Luật thi hành án dân sự và các Thông tư hướng dẫn, đây là những cơ sở pháp lý quan trọng giúp cho người dân thuận tiện trong việc thực hiện quyền khiếu nại. Đồng thời, giúp cho các cơ quan nhà nước và những người có trách nhiệm có thể tiến hành xử lý các vụ việc thi hành án theo đúng trình tự, thủ tục, thẩm quyền mà pháp luật quy định.
Vậy, trong trường hợp không đồng ý với quyết định giải quyết khiếu nại của thủ trưởng cơ quan thi hành án cấp huyện thì người dân có được khởi kiện quyết định giải quyết khiếu nại?
Mời bạn đọc theo dõi bài viết dưới đây để giải đáp vấn đề trên!
- Quyết định giải quyết khiếu nại của thủ trưởng cơ quan thi hành án có phải đối tượng khởi kiện hành chính hay không?
Trên thực tế có ý kiến cho rằng, cơ quan thi hành án dân sự là cơ quan hành chính nhà nước nên quyết định giải quyết khiếu nại do cơ quan này ban hành có thể khởi kiện hành chính căn cứ theo Luật tố tụng hành chính hiện hành.
Tuy nhiên, theo quy định tại khoản 1 Điều 3 Luật tố tụng hành chính hiện hành thì “Quyết định hành chính là văn bản do cơ quan hành chính nhà nước, cơ quan, tổ chức được giao thực hiện quản lý hành chính nhà nước ban hành hoặc người có thẩm quyền trong cơ quan, tổ chức đó ban hành quyết định về vấn đề cụ thể trong hoạt động quản lý hành chính được áp dụng một lần đối với một hoặc một số đối tượng cụ thể.”
Theo quy định trên thì quyết định hành chính phải là quyết định về vấn đề cụ thể trong hoạt động quản lý hành chính được áp dụng một lần đối với một hoặc một số đối tượng cụ thể, nhưng quyết định giải quyết khiếu nại của Thủ trưởng cơ quan thi hành án là quyết định xử lý đơn khiếu nại của đương sự về quyết định, hành vi của Thủ trưởng cơ quan thi hành án dân sự, Chấp hành viên trái pháp luật, xâm phạm đến quyền lợi của đương sự nên không thể coi đây là quyết định hành chính.
Hơn nữa, nội dung của các quyết định hành chính luôn mang tính mệnh lệnh, áp đặt, bắt buộc các đối tượng bị quản lý phải phục tùng, chấp hành, còn quyết định giải quyết khiếu nại trong thi hành án dân sự chỉ mang tính giải thích những vướng mắc của đương sự trong quá trình thi hành án dân sự về các quyết định, hành vi của chấp hành viên và thủ trưởng cơ quan thi hành án.
Do đó, đây không phải là đối tượng khởi kiện của vụ án hành chính.
- Trong trường hợp không đồng ý với quyết định giải quyết khiếu nại của thủ trưởng cơ quan thi hành án cấp huyện thì nên làm gì?
Căn cứ tại khoản 1 Điều 3 Thông tư 13/2021/TT-BTP quy định thì “Khiếu nại về thi hành án dân sự là việc đương sự, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đến việc thi hành án dân sự đề nghị người có thẩm quyền xem xét lại quyết định, hành vi của Thủ trưởng cơ quan thi hành án dân sự, Chấp hành viên nếu có căn cứ cho rằng quyết định, hành vi đó là trái pháp luật, xâm phạm quyền, lợi ích hợp pháp của mình.”
Trong thực tiễn giải quyết khiếu nại và các quy định liên quan, khi người có thẩm quyền giải quyết khiếu nại lần đầu, sau khi ban hành quyết định giải quyết khiếu nại, đương sự không đồng ý có thể khiếu nại tiếp đến cơ quan cho thẩm quyền.
Theo đó, căn cứ tại Điều 151 và Điều 152 Luật thi hành án dân sự 2014, sửa đổi 2021 thì trong nội dung quyết định giải quyết khiếu nại lần đầu, người có thẩm quyền giải quyết khiếu nại cần “Hướng dẫn quyền khiếu nại lần hai của đương sự.”
Và trong trường hợp, người khiếu nại khiếu nại lần hai thì phải gửi đơn kèm theo bản sao quyết định giải quyết khiếu nại lần đầu và tài liệu liên quan cho người có thẩm quyền giải quyết khiếu nại lần hai. Bên cạnh đó, khi giải quyết khiếu nại lần hai, cơ quan có thẩm quyền phải đưa ra Kết luận về nội dung khiếu nại và việc giải quyết của người có thẩm quyền khiếu nại lần đầu; Giữ nguyên, sửa đổi, bổ sung, hủy bỏ hoặc yêu cầu sửa đổi, hủy bỏ một phần quyết định, hành vi khiếu nại hoặc buộc chấm dứt thực hiện quyết định, hành vi khiếu nại…
Do đó, khi không đồng ý với quyết định giải quyết khiếu nại của Thủ trưởng cơ quan thi hành án cấp huyện, người khiếu nại không thể khởi kiện ra tòa mà chỉ có thể tiếp tục gửi đơn khiếu nại kèm theo bản sao quyết định giải quyết khiếu nại lần đầu và tài liệu liên quan đến Thủ trưởng cơ quan thi hành án dân sự cấp tỉnh, theo quy định tại điểm b khoản 2 Điều 142 và Điều 151 Luật này.
Tóm lại, việc thi hành án dân sự là rất phức tạp, trong quá trình này Thủ trưởng cơ quan thi hành án dân sự, Chấp hành viên cần phải thực hiện rất nhiều trình tự thủ tục để thi hành dứt điểm bản án, quyết định của tòa án. Bất kỳ quyết định, hành vi nào của Thủ trưởng cơ quan thi hành án dân sự, Chấp hành viên cũng có thể bị người được thi hành án, người phải thi hành án và người có quyền, nghĩa vụ liên quan khiếu nại nếu thấy quyết định, hành vi này xâm phạm đến quyền và lợi ích hợp pháp của mình. Đối với những trường hợp có dấu hiệu vi phạm pháp luật trong quá trình thực hiện công vụ về thi hành án dân sự, thì đương sự có thể tố cáo/ tố giác tội phạm đến cơ quan có thẩm quyền giải quyết.
Trên đây là ý kiến của chúng tôi về vấn đề có thể khởi kiện quyết định giải quyết khiếu nại của thủ trưởng cơ quan thi hành án cấp huyện hay không.
Rất mong nhận được ý kiến đóng góp và trao đổi của mọi người về vấn đề này!
Bài viết: Lê Thị Lan Anh – VPLS Đồng Đội
Tham vấn bởi: Luật sư Trần Xuân Tiền (0936.026.559, tranxuantien1964@gmail.com)
______________
Thông tin liên hệ:
Văn phòng luật sư Đồng Đội: P2708, Tòa nhà VP3 Bán đảo Linh Đàm, Hoàng Liệt, Hoàng Mai, Hà Nội
Điện thoại: 0936.026.559 – Email: tranxuantien1964@gmail.com
Website: https://dongdoilaw.vn
Facebook: https://www.facebook.com/dongdoilaw
Youtube: https://www.youtube.com/c/VănphòngluậtsưĐồngĐội
Tiktok: https://www.tiktok.com/@vpls_dongdoi