Hiện nay, không ít các Luật sư, nhất là các Luật sư trẻ cũng gặp không ít khó khăn trong việc tiếp cận khách hàng tiềm năng, nhiều Luật sư không có khách hàng dẫn đến chán nản, không có đủ thu nhập, thậm chí muốn bỏ nghề, do đó Luật sư Trần Xuân Tiền – Trưởng VPLS Đồng Đội đã có những chia sẻ tâm huyết xung quanh chủ để này.
https://www.youtube.com/watch?v=epfRWBTNGbw
- Xây dựng hình ảnh cá nhân:
Luật sư biết khéo léo thể hiện mình, giới thiệu cho mọi người biết mình là một luật sư có tâm, có tầm, có thâm niên, có hiểu biết, khác biệt, có chiều sâu. Tìm kiếm khách hàng thông qua giao tiếp, nói chuyện hàng ngày với đồng nghiệp, bạn bè, người quen. Giữ hình ảnh cá nhân luôn luôn chỉnh chu, sạch sẽ, gọn gàng, ngăn nắp. Xây dựng phong thái tự tin, kiên định, bản lĩnh, làm cho khách hàng chỉ cần nhìn qua hình ảnh cũng có thể đánh giá được đây là luật sư thật sự, có phong thái, có tài, có đam mê, khát vọng. Hình ảnh luật sư từ ăn mặc, đi đứng, giao tiếp phải chuẩn mực, đàng hoàng. Luôn mẫu mực trong con mắt gia đình, bạn bè, hàng xóm.
Kiên trì một con đường trở thành Luật sư, không dễ chán nản, không nhảy nhiều việc khác nhau cuối cùng lại đánh mất định hướng của mình, không “chân trong, chân ngoài”, “đứng núi này, trông núi nọ”. Xác định công việc của luật sư không hề dễ nhưng không phải không có cách, phải kiên trì, sáng tạo. Dựa vào núi thì núi lở, dựa vào bạn thì bạn bỏ đi, phải dựa vào chính mình. Xác định tư tưởng, kiên trì với định hướng, mục tiêu là việc quan trọng nhất trên con đường xây dựng hình ảnh cá nhân của Luật sư.
Dám dấn thân, khẳng định mình trong những việc khó. Mỗi vụ án Luật sư tham gia giải quyết như một “trận chiến” trên mặt trận công lý do đó Luật sư phải có bản lĩnh nghề nghiệp, không nản, không dễ dàng từ bỏ để tạo niềm tin cho khách hàng. Luật sư không ngại va chạm, không e dè trước cái sai của những người có địa vị, có chức, có quyền trong xã hội mà từ chối vụ việc của khách hàng, bỏ mặc khách hàng.
- Đạo đức nghề nghiệp của Luật sư
Mối quan hệ giữa luật sư và khách nhiều khi không tránh khỏi những bất đồng, hiểu nhầm về giải quyết công việt, phí dịch vụ. Do vậy, luật sư phải biết ứng xử có văn hóa, giải quyết mâu thuẫn đó ổn thỏa, thậm chí có thể hoàn lại hợp đồng cho khách hàng trong những trường hợp không cần thiết.
Ứng xử một cách có hiểu biết, thông cảm hoàn cảnh khách hàng khó khăn, yếu thế trong xã hội. Nhiều khách hàng yếu kém về nhận thức, ứng xử, yếu thế vì vậy luật sư phải có thái độ nhân văn, cảm thông, đứng ở vị trí “bảo vệ khách hàng yếu thế” chứ “không phải thắng khách hàng”. Thông qua hành động đẹp, nhân văn đó của luật sư thì đạo đức, hình ảnh của luật sẽ được chính khách hàng lan tỏa và sẽ có nhiều khách hàng khác tìm đến luật sư nhờ giúp đỡ.
- Trong mối quan hệ với khách hàng và các mối quan hệ cá nhân:
Hướng đến phục vụ khách hàng. Không phụ thuộc vào giá trị hợp đồng lớn hay nhỏ mà phải phục vụ khách hàng như nhau, tận tâm. Kí hợp đồng với khách hàng là nhận trách nhiệm với hàng khách, đón việc, chủ động thông tin cho khách hàng về quá trình giải quyết vụ việc. Khách hàng chính là người đánh giá dịch vụ của luật sư nên phải để khách hàng hài lòng từ lúc bắt đầu, trong quá trình làm việc, kết quả, hậu mãi.
Luật sư nhận phí dịch vụ của khách hàng tùy thuộc vào từng hoàn cảnh, có khuyến mại, giảm phí chi khách hàng khó khăn, giữ danh dự của luật sư. Khách hàng là người thân, Luật sư phải tìm hiểu rõ ngọn nguồn dẫn đến vụ việc của khách hàng, đau nỗi đau của khách hàng, lo nỗi lo chung, không có ngoại lệ, hướng đến hình ảnh “Luật sư của nhân dân”, chất phác, bình dị mà gần gũi đến lạ thường. Luật sư phải gần dân, thấu hiểu hoàn cảnh, nỗi lo, nỗi bức xúc của từng khách hàng, nhất là những trường hợp khách hàng có hoàn cảnh khó khăn, già yếu, thương binh, bệnh binh…..
Đồng thời, người thân, bạn bè là những người thân quen tiếp xúc thường xuyên, hàng ngày với Luật sư, hiểu rõ tính cách, đạo đức và năng lực của Luật sư. Những công việc mà Luật sư thường xuyên phải giải quyết thường là mâu thuẫn, tranh chấp trong những mối quan hệ gia đình, làng xóm, xã hội hàng ngày do đó nguồn khách hàng do bạn bè, người thân giới thiệu rất đa dạng từ hình sự, dân sự, hành chính, thu hồi nợ, thi hành án….
- Mối quan hệ với các cơ quan truyền hình, báo chí, tố tụng:
Luật sư nhiệt tình với công việc báo chí, tăng cường hợp tác, nhận trả lời phòng vấn báo chí, truyền hình, viết tin bài. Các cơ quan báo chí, truyền hình là nơi thường xuyên phản ánh, đưa các tin bài nóng về tệ nạn xã hội, vi phạm pháp luật, những khiếu kiện, bức xúc, những mâu thuân, tranh chấp của người dân… do vậy cơ quan báo chí, truyền hình là cầu nối giới thiệu khách hàng tìm đến Luật sư, người có trình độ chuyên môn, hiểu biết pháp luật để giải quyết khiếu kiện, tranh chấp giúp người dân.
Một nguồn khách hàng khá lớn nữa là thông qua mối quan hệ với các cơ quan tố tụng. Trong nhiều trường hợp khách hàng có thể được các cơ quan tố tụng giới thiệu đến những Luật sư, tổ chức hành nghề luật uy tín để được tư vấn, hướng dẫn, giải đáp, đại diện, bào chữa… theo đúng quy định của pháp luật.
- Hợp tác, trao đổi với đồng nghiệp ở các hội nhóm trên mạng xã hội
Hiện nay cần chú trọng và nhận thức tầm quan trọng của việc hợp tác giữa các luật sư, hãng luật trong công việc thông qua mạng xã hội. Các Luật sư ở các địa phương khác nhau thì có thể chia sẻ công việc, hợp tác với nhau từ xa. Ví dụ như luật sư tại Hà Nội có vụ án cần giải quyết có thể hợp tác với luật sư tại Đà Nẵng để làm thủ tục, tiến hành các bước giải quyết vụ án. Các luật sư có thể thành lập các hội, nhóm trên Facebook, Zalo, Website… để đăng tải thông tin, trao đổi và hợp tác với nhau khi có việc ở xa cần trợ giúp của các luật đồng nghiệp.
Luật sư phải đánh giá được vai trò tích cực của mạng xã hội sử dụng trong công việc của Luật sư. Hiểu được tác động to lớn, sức phản biện của cộng đồng mạng xã hội. Kiên trì, thường xuyên chia sẻ các bài viết có giá trị, những bài viết chất lượng được đăng tải, chia sẻ sẽ càng thu hút được nhiều khách hàng tiềm năng theo dõi. Tuy nhiên phải hiểu rõ mạng xã hội chỉ là công cụ, phương tiện cho Luật sư, việc quan trọng vẫn là phẩm chất, năng lực, hình ảnh của Luật sư.
Bài toán tìm kiếm khách hàng là bài toán khó nhưng không phải không có lời giải, do đó mỗi Luật sư phải biết xây dựng hình ảnh, nâng cao năng lực chuyên môn, uy tín nghề nghiệp, tận dụng các mối quan hệ cá nhân, tận dụng sự phát triển của mạng xã hội để kịp thời bắt kịp và xây dựng hình ảnh, thương hiệu riêng, từ đó khách hàng sẽ tìm kiếm và tiếp cận với Luật sư ngày càng nhiều hơn.
Hoàng Lan
ĐT, Zalo: 0972640117
Email: hglan2210@gmail.com