Trong những năm gần đây ở nước ta tình trạng vay nặng lãi với lãi suất quá cao dẫn đến vỡ nợ, không trả được nợ hoặc tình trạng siết nợ diễn ra gây ảnh hưởng không nhỏ tới đời sống của người dân nói riêng và trật tự, an toàn xã hội nói chung. Với điều kiện và thủ tục vay dễ dàng, nên rất nhiều người có nhu cầu vay tiền gấp đã tìm đến các tổ chức cho vay nặng lãi mà không nghĩ đến hậu quả nghiêm trọng có thể xảy ra. Bởi lãi suất của hình thức vay nặng lãi không được tính giống với ngân hàng. Mà lãi suất sẽ được tính theo ngày, người đi vay sẽ phải thanh toán số tiền lớn hơn gấp nhiều lần so với tiền gốc đã vay. Vậy cách tính lãi suất trong trường hợp cho vay nặng lãi như thế nào? Bài viết dưới đây sẽ làm rõ vấn đề này.
1.Cho vay nặng lãi là gì?
Cho vay nặng lãi là cụm từ phổ biến để chỉ những trường hợp cho vay với lãi suất cao, còn theo Bộ luật Hình sự và Nghị quyết 01/2021/NQ-HĐTP gọi là “cho vay lãi nặng”.
Theo khoản 1 Điều 2 Nghị quyết 01/2021/NQ-HĐTP, cho vay lãi nặng là trường hợp bên cho vay cho bên vay vay tiền với mức lãi suất gấp 05 lần trở lên mức lãi suất cao nhất quy định tại khoản 1 Điều 468 của Bộ luật Dân sự.
Cụ thể thì mức lãi suất cao nhất tại BLDS là 20%/năm của khoản tiền vay, trừ trường hợp có quy định khác.
Do đó, nếu bên cho vay cho vay với lãi suất từ 100%/năm trở lên của khoản tiền vay thì được xác định là cho vay nặng lãi.
Ngoài ra, nếu cho vay bằng tài sản khác (không phải là tiền) thì khi giải quyết phải quy đổi giá trị tài sản đó thành tiền tại thời điểm chuyển giao tài sản vay.
2.Cách tính lãi suất cho vay nặng lãi thế nào?
Lãi suất của việc cho vay nặng lãi rất cao. Thậm chí nếu như không may trả chậm một vài hôm, người đi vay sẽ phải trả thêm lãi suất cộng dồn theo ngày lên đến 1000%. Từ đó sẽ dẫn tới việc trả nợ gấp nhiều lần so với nợ gốc.
Hiện nay, không có chính xác một công thức tính lãi suất vay nặng lãi, tất cả các cách tính của xã hội đen đều tự phát, phụ thuộc vào thỏa thuận của các bên.
Tuy nhiên, trên thực tế, hiểu một cách đơn giản thì cách tính lãi suất cho vay nặng lãi là dựa vào số tiền đã vay, lãi suất sẽ được tính theo ngày trên dư nợ 1.000.000 VND. Cụ thể, công thức tính lãi vay nặng lãi sẽ là:
SỐ TIỀN LÃI 1 NGÀY = SỐ TIỀN VAY x LÃI SUẤT/1.000.000
Ví dụ: Khoản vay nặng lãi với hạn mức là 10 triệu đồng và tính lãi 5,000 đồng trên 1 triệu đồng.
Do đó, tổng số tiền lãi 1 ngày phải trả sẽ là 5,000đ/1 triệu x 10 = 50,000đ/ngày.
Chúng ta có thể dễ dàng nhận thấy mức lãi suất này cao hơn rất nhiều so với quy định lãi suất cho vay của nhà nước là không quá 1,66%/tháng và 20%/năm. Bởi theo quy định của pháp luật, giả sử bạn cũng vay 10 triệu đồng, với lãi suất là 20%/năm thì số tiền lãi 1 ngày phải trả sẽ là khoảng 5.500 đồng/ngày.
3.Cho vay nặng lãi bị xử phạt thế nào?
Cho vay nặng lãi là hành vi phạm luật, tùy theo từng mức độ mà người cho vay nặng lãi có thể bị xử phạt hành chính hoặc thậm chí có thể bị xử lý hình sự.
Cụ thể, hành vi không đăng ký ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện về an ninh trật tự mà cho vay tiền có cầm cố tài sản hoặc không cầm cố tài sản nhưng lãi suất cho vay vượt quá tỷ lệ lãi suất theo quy định của Bộ luật Dân sự đã vi phạm quy định về quản lý ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện về an ninh, trật tự căn cứ theo quy định tại Điểm đ Khoản 4 Điều 12 Nghị định 144/2021/NĐ-CP. Theo đó, người có hành vi vi phạm có thể bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng. Ngoài ra, người này còn phải buộc nộp lại số lợi bất hợp pháp có được.
Bên cạnh đó, nghiêm trọng hơn là hành vi cho vay nặng lãi có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự nếu thuộc trường hợp quy định tại Điều 201 Bộ luật Hình sự 2015, sửa đổi bổ sung 2017 như sau:
“Điều 201. Tội cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự
- Người nào trong giao dịch dân sự mà cho vay với lãi suất gấp 05 lần trở lên của mức lãi suất cao nhất quy định trong Bộ luật Dân sự, thu lợi bất chính từ 30.000.000 đồng đến dưới 100.000.000 đồng hoặc đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm, thì bị phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 200.000.000 đồng hoặc phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm.
- Phạm tội mà thu lợi bất chính 100.000.000 đồng trở lên, thì bị phạt tiền từ 200.000.000 đồng đến 1.000.000.000 đồng hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm.
- Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm.”
Theo quy định này thì người nào cho vay với lãi suất từ 100%/năm trở lên, thu lợi bất chính từ 30.000.000 đồng trở lên có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội Cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự và phải đối diện với hình phạt thấp nhất là phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 200.000.000 đồng hoặc phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm, cao nhất là phạt tù từ 6 tháng đến 03 năm.
Như vậy, có thể thấy, các tổ chức cho vay nặng lãi thường áp dụng mức lãi suất cao của khoản tiền vay và cách tính lãi suất theo ngày trên dư nợ 1 triệu đồng khiến cho người vay phải gánh chịu khoản tiền lãi ngất ngưởng, không có khả năng chi trả đúng hạn, và dẫn đến là vợ nỡ, thậm chí là tan cửa nát nhà vì vay nặng lãi. Do đó, khi có nhu cầu vay tiền, người dân nên tìm hiểu kĩ càng các tổ chức cho vay, nếu họ đưa ra mức lãi suất cao thì không nên ký hợp đồng vay với bên này. Bên cạnh đó, để không bị lừa giao kết hợp đồng cho vay nặng lãi, đảm bảo khả năng thanh toán nợ đúng hạn thì tốt nhất là người dân nên tìm đến các ngân hàng, tổ chức cho vay có uy tín.
Thông tin liên hệ:
Văn phòng luật sư Đồng Đội: P2708, Tòa nhà VP3 Bán đảo Linh Đàm, Hoàng Liệt, Hoàng Mai, Hà Nội.
Điện thoại: 0936.026.559 – Email: tranxuantien1964@gmail.com
Website: https://dongdoilaw.vn
Facebook: https://www.facebook.com/dongdoilaw
Youtube: https://www.youtube.com/c/VănphòngluậtsưĐồngĐội
Tiktok: https://www.tiktok.com/@vpls_dongdoi
Người viết: Ngọc Hiếu – Lan Anh