Câu hỏi này không chỉ các bạn sinh viên mới ra trường muốn theo đuổi nghề Luật sư mà ngay cả những Luật sư đang hành nghề cũng chưa thể giải thích rõ ràng được.
Theo thống kê, ở Mỹ cứ khoảng 200 dân thì có một luật sư (200/1), Nhật Bản: 400/1, Singapore: 1.000/1; Thái Lan: 1.526/1, Việt Nam 16.500/1. Như vậy, có thể thấy, số lượng luật sư ở các nước phát triển như Mỹ, Nhật,…là rất lớn và rất được coi trọng. Người dân cần đến Luật sư từ việc nhỏ nhất như vi phạm giao thông, khai thuế, cho đến ly hôn, thừa kế, các loại giao dịch theo hợp đồng…. Tuy nhiên, để trở thành Luật sư ở các quốc gia này là rất khó, điều kiện rất khắt khe và cạnh tranh rất gay gắt.
Ở Việt Nam, nghề Luật sư được đánh giá là một nghề cao quý và luôn được xã hội coi trọng. Họ được biết đến là người dân vận khéo, người có đầu óc kinh doanh, biết hài hòa lợi ích, đem lại sự hài lòng cho khách hàng và giá trị cho xã hội thông qua bảo vệ công lý. Đây chính là những “giá trị cốt lõi” làm nên sự cao quý của nghề Luật sư. Bản chất nguồn gốc của nghề luật sư là việc hỗ trợ, cứu giúp người yếu thế không màng lợi ích. Tuy nhiên, do nhu cầu trợ giúp pháp lý lớn, nên luật sư hiện nay đã trở thành một nghề khá thú vị – một nghề cung cấp dịch vụ pháp lý, mang lại cả giá trị vật chất và giá trị tinh thần. Bởi vậy, Luật sư cũng là mơ ước của khá nhiều người.
Vậy làm gì để sớm trở thành luật sư và có thể hoàn toàn tự chủ về công việc và tài chính? Bài viết dưới đây sẽ giải thích cũng như đưa ra định hướng về vấn đề này như sau:
- Luật sư tự chủ về công việc và tài chính là gì?
Có thể hiểu, Luật sư tự chủ về công việc và tài chính là người sống toàn tâm toàn lực với nghề, không lấy mác luật sư để quảng bá hình ảnh cá nhân. Họ tự tìm kiếm khách hàng, tìm kiếm công việc và thu nhập bằng chính nghề nghiệp của mình – nghề cung cấp dịch vụ pháp lý, với công việc chính là giải quyết các vấn đề pháp lý và bảo vệ quyền lợi cho khách hàng. Đồng thời họ cũng tự học, tự rèn luyện và tự cạnh tranh bởi hiện nay cả nước có tới hơn 16.000 luật sư, 4.000 tổ chức hành nghề luật sư (theo Liên đoàn Luật sư Việt Nam), sự cạnh tranh là rất lớn. Do đó, luật sư phải không ngừng rèn luyện, nâng cao kiến thức chuyên môn và kỹ năng làm việc chuyên nghiệp để tự chủ về công việc và tài chính.
- Yếu tố để trở thành luật sư tự chủ về công việc và tài chính
Thứ nhất, phải có đam mê và điều kiện về kinh tế
Để trở thành luật sư không hề dễ, bạn phải trải qua nhiều khó khăn, trở ngại và chông gai cản bước. Nhưng nếu bạn đam mê với nghề, đích đến trên con đường trở thành luật sư sẽ không còn quá xa vời và hoàn toàn có thể với đến. Theo đuổi nghề luật sư chính là dành trọn tâm huyết và dấn thân hết sức mình vào sự nghiệp đấu tranh cho lẽ phải và công bằng.
“Tâm” và “Nhẫn” là hai từ gói gọn thể hiện sự đam mê đối với nghề Luật sư. “Chữ tâm kia mới bằng ba chữ tài”, “Tâm” ở đây là tận tụy, tâm huyết và cống hiến hết mình trong việc tháo gỡ và xử lý đến cùng mọi vấn đề mà khách hàng yêu cầu. “Nhẫn” là bình tâm nhẫn nại, không vì khó mà ngại, không vì khổ mà chùn bước. Chính vì vậy, ngay từ khi theo học tại các cơ sở đào tạo chuyên ngành luật, bạn phải xác định rõ liệu bạn có đủ tình yêu với ngành luật nói chung và với nghề luật sư nói riêng để xây dựng cho mình một mục tiêu và phát triển đam mê đúng hướng.
Dẫu vậy, chỉ đam mê, yêu nghề thôi thì chưa đủ, bạn còn cần phải có điều kiện kinh tế ổn định thì mới theo học được nghề luật sư. Bởi chỉ tính riêng chi phí để trở thành luật sư, một cử nhân luật khi ra trường phải dành dụm ít nhất khoảng 200 triệu. Trên thực tế, nhiều người khao khát được trở thành luật sư nhưng họ phải từ bỏ ước mơ bởi vì rào cản về tài chính.
Dân luật thường hay rỉ tai nhau câu nói “Nghề luật sư là một nghề tư sản”. Quả đúng như vậy, đa số Luật sư thường ở độ tuổi ngoài 30, nhiều trường hợp tâm huyết với nghề nhưng vì không có điều kiện theo đuổi nên chấp nhận lựa chọn giải pháp ổn định kinh tế trước, sau đó mới tiếp tục theo đuổi đam mê. Không phải tự nhiên mà hàng nghìn sinh viên Luật tốt nghiệp hàng năm nhưng rất ít trong số đó có thể theo đuổi chuyên ngành đến cùng. Chính vì vậy, phải có tài chính vững chắc mới có thể theo đuổi và hành nghề lâu dài được.
Như vậy, để có thể trở thành Luật sư, bạn không chỉ cần phải có tiền, mà thực tế bạn cần rất nhiều tiền. Đặc biệt nghề luật sư cũng không phù hợp cho những người muốn kiếm tiền nhanh. Thực tế, có không ít trường hợp, luật sư vì lợi ích vật chất mà không giữ được đạo đức nghề nghiệp, có các hành vi trái đạo đức, trái pháp luật, và hậu quả là rơi vào vòng lao lý như vụ chạy án ở Thủ Đức mới đây. Đây là những “con sâu làm rầu nồi canh”, những “u nhọt”, “tế bào ung thư” đầu độc niềm tin và lẽ phải đối với ngành luật nói chung và nghề luật sư nói riêng, ảnh hưởng đến hình ảnh, danh dự, uy tín của bản thân luật sư và cả nghề luật sư.
Thứ hai, tự học hỏi, phát triển bản thân và rèn luyện các kỹ năng hành nghề Luật sư.
Để trở thành luật sư, bạn phải trải qua ít nhất 06 năm bao gồm: 04 năm học đại học đào tạo luật, 12 tháng tham gia khóa đào tạo hành nghề luật sư tại Học viện Tư pháp, 12 tháng tập sự hành nghề luật sư và cuối cùng là trải qua kì thi cấp quốc gia do Bộ Tư pháp tổ chức để được cấp chứng chỉ hành nghề luật sư. Có thể thấy, so với những ngành khác được đào tạo trong nước thì rõ ràng nghề Luật sư có thời gian đào tạo lâu hơn, thể hiện rõ tính chất phức tạp của công việc.
Ngoài việc học đúng quy chuẩn thuần lý thuyết tại các cơ sở đào tạo, thì việc tự học sẽ giúp bạn nắm vững kiến thức pháp luật, tăng cường khả năng tư duy pháp lý, rèn luyện nhân cách, hình thành thái độ nghề nghiệp đúng đắn, và đặc biệt hình thành thói quen học, học nữa, học mãi.
Kiến thức pháp luật giỏi chỉ là điều kiện cần, còn điều kiện đủ để hành nghề Luật sư là kinh nghiệm trường đời! “Kinh nghiệm trường đời của Luật sư gồm các lĩnh vực: pháp luật, tư tưởng, văn hoá, đạo đức, tác phong,… quân sự , chính trị, nghệ thuật, có am hiểu sâu các chuyên đề, có nhân tâm,…và nhiều kĩ năng khác như kỹ năng giao tiếp, kỹ năng phân tích sâu sắc, kỹ năng đàm phán có sức thuyết phục….và đặc biệt là kỹ năng truyền tải được ý nghĩa của việc hành nghề cao quý “Hành nghề Luật sư là chở đạo”.
Thứ ba, phải tìm được một nơi tốt để học việc, một thầy hướng dẫn tâm huyết
Có một thực tế diễn ra hiện nay là nhiều bạn sinh viên không tìm hiểu kỹ nơi mình thực tập trước khi bắt đầu thực tập, học việc. Bởi vậy, trong cả quá trình thực tập, học việc, họ không được học thêm kiến thức, kinh nghiệm mà chỉ được giao làm những công việc vặt. Một số nhanh chóng thoát ly và lựa chọn một nơi học việc khác, một số khác thì cố gắng ở lại với kỳ vọng sẽ được dạy việc nhưng cuối cùng chẳng học hỏi được thêm kiến thức mà còn tốn rất nhiều thời gian cho những việc đầu tư không đáng.
Vì vậy, các bạn sinh viên phải tìm hiểu kỹ về nơi thực tập, học việc trước khi bắt đầu bằng cách tận dụng các mối quan hệ như tham khảo ý kiến của thầy cô, những anh chị đi trước,… để tìm được những nơi đào tạo, dạy việc uy tín. Không những thế sinh viên cũng cần phải xem cách họ làm việc thông qua mạng xã hội, các trang Web riêng và đánh giá liệu cách làm việc của họ có phù hợp với nguyện vọng, mục tiêu mà bản thân đặt ra khi đi thực tập, học việc không.
Bên cạnh đó, việc tìm người dạy việc cũng rất quan trọng. Một thực tế đang diễn ra hiện nay, có một số trường hợp các bạn sinh viên tìm được “thầy” giỏi, nhưng “thầy” lại không muốn dạy việc. Vốn dĩ không phải vì họ khó khăn hay ác cảm gì với sinh viên. Nhưng để có được như ngày hôm nay, họ cũng phải trải qua rất nhiều khó khăn, gian khổ. Có những người đã không ngại từ bỏ công việc ổn định mà họ gắn bó nhiều năm, thậm chí đã cống hiến quá nửa đời người chỉ để bước tiếp đam mê với nghề luật sư. Tuy nhiên, bằng sự quyết tâm và lòng nhiệt huyết với nghề, họ đã biến khó khăn hiện tại trở thành bàn đạp để thực hiện ước mơ trở thành luật sư. Họ không ngừng nâng cao kiến thức, gặp khó khăn vẫn không chịu khuất phục. Chính vì vậy, người “thầy” phải nhận thấy người muốn mình chỉ dạy có năng lực, sự nhiệt huyết, tận tâm, thể hiện lòng yêu nghề mãnh liệt thì họ mới tin tưởng trao lại những kiến thức mà họ đã tích lũy. “Không có con đường nào trải đầy hoa hồng, phải có chông gai, có vấp ngã thì mình mới trưởng thành lên được”. Do đó, sinh viên phải cố gắng và thể hiện bản thân để “thầy” thấy được họ là một người nhiệt huyết, chăm chỉ, không ngại gian khổ, khó khăn. “Phải biến mình thành một ngọn lửa, ta mới có thể làm bừng lên ánh sáng của thành công”.
Thứ tư, phải biết quảng bá hình ảnh cá nhân
Phải học cách xây dựng hình ảnh cá nhân, tiến hành marketing bản thân để đưa mình – luật sư đến với mọi người. Trong xã hội hiện đại và ngày càng phát triển, nhiều Luật sư vẫn giữ cho mình quan điểm chỉ nên tập trung vào vấn đề chuyên môn mà không quan tâm đến hoạt động marketing để thu hút khách hàng. Họ dựa vào khách hàng cũ để tìm việc, nhờ khách hàng cũ giới thiệu những người có nhu cầu sử dụng dịch vụ pháp lý. Suy nghĩ này cực kỳ sai lầm và có thể khiến những luật sư này bị bỏ lại phía sau.
Luật sư Trần Xuân Tiền – Trưởng văn phòng Luật sư Đồng Đội đã có những chia sẻ về vai trò quan trọng của marketing: “Luật sư là một ngành dịch vụ và cũng như tất cả những ngành dịch vụ đặc thù, nghề luật sư phải tuân theo quy luật cung cầu.” Theo Luật sư Tiền, một luật sư có chuyên môn tốt, kinh nghiệm dày dặn đến đâu đi chăng nữa mà không thể tiếp cận được với khách hàng thì không thể xem là thành công với nghề được. Điều cốt lõi rút ra là phải có sự tiếp cận và giúp đỡ khách hàng. Bởi lẽ đó, Luật sư cần xây dựng thương hiệu, phát triển kênh tiếp thị, các trang Web và đặc biệt là các nền tảng mạng xã hội như Facebook, Youtube, Tik Tok… để giới thiệu bản thân, đưa thông tin đến với mọi người để họ có thể nhận biết được những Luật sư giỏi với thâm niên trong nghề cao và tìm đến Luật sư khi có nhu cầu.
Luật sư và nghề Luật sư là một phần tất yếu của môi trường pháp lý dân chủ và văn minh, của xã hội hiện đại ngày nay. Nhu cầu sử dụng dịch vụ pháp lý ngày càng tăng cao, tạo ra nhiều cơ hội, điều kiện cho Luật sư và nghề Luật sư phát triển, đồng thời giúp Luật sư khẳng định vị thế của mình trong đời sống xã hội. Tuy nhiên, cơ hội thường luôn đi đôi với thách thức. Dưới những tác động khắc nghiệt của nền kinh tế thị trường cùng với sự biến động không ngừng của hệ thống pháp luật, để phát triển và trở thành một Luật sư hoàn toàn tự chủ về công việc và tài chính, mỗi người phải trải qua quá trình học hỏi nghiêm túc, nâng cao nghiệp vụ; rèn luyện đạo đức và uy tín nghề nghiệp; đồng thời phải củng cố uy tín bản thân và lòng tin của nhân dân đối với Luật sư và nghề Luật sư.
Thông tin liên hệ:
Văn phòng luật sư Đồng Đội: P2708, Tòa nhà VP3 Bán đảo Linh Đàm, Hoàng Liệt, Hoàng Mai, Hà Nội.
Điện thoại: 0936.026.559 – Email: tranxuantien1964@gmail.com
Website: https://dongdoilaw.vn
Facebook: https://www.facebook.com/dongdoilaw
Youtube: https://www.youtube.com/c/VănphòngluậtsưĐồngĐội
Tiktok: https://www.tiktok.com/@vpls_dongdoi
Tác giả: Nguyễn Thị Như Thùy
SĐT: 0367658315
Gmail: Thuyhlu1308@gmail.com
Dưới sự hướng dẫn : Luật sư Trần Xuân Tiền
(Trưởng văn phòng Luật sư Đồng Đội)