Trong thời đại công nghệ phát triển mạnh mẽ, bên cạnh những tác động tích cực cho nhân loại thì tội phạm trên không gian mạng cũng ngày càng tăng. Ở Việt Nam, lừa đảo qua mạng đang trở thành một vấn nạn đáng lo ngại, ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống của nhiều người. Các đối tượng lừa đảo không ngừng lợi dụng sự phổ biến của Internet, mạng xã hội và các ứng dụng trực tuyến để thực hiện những chiêu trò tinh vi, khiến nhiều người dùng thiếu cảnh giác dễ dàng rơi vào bẫy. Từ các thủ đoạn lừa đảo tài chính, giả mạo thông tin cá nhân đến chiếm đoạt tài sản, hình thức và phương thức lừa đảo qua mạng ngày càng trở nên đa dạng và phức tạp. Chính vì vậy, việc nâng cao nhận thức và tìm ra các giải pháp để bảo vệ người dùng khỏi nguy cơ lừa đảo qua mạng đang trở thành một yêu cầu cấp thiết.
Thực trạng lừa đảo qua mạng
Theo thống kê của Cục An toàn thông tin (Bộ TT&TT) cho thấy, trong năm 2023, hệ thống cảnh báo an toàn thông tin đã tiếp nhận gần 17.400 phản ánh về các trường hợp lừa đảo trực tuyến hướng đến người dùng Internet Việt Nam. Cũng trong khoảng thời gian này, theo số liệu của Bộ Công an, cơ quan công an đã khởi tố 1.500 vụ án vì tội lừa đảo trên không gian mạng, tổng số tiền người dân đã bị lừa đảo là 8.000 – 10.000 tỷ đồng. Tuy chỉ chiếm tỷ lệ khoảng 4% trong cơ cấu tội phạm hình sự, nhưng loại tội phạm lừa đảo này gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng, số tiền bị chiếm đoạt lên tới hàng ngàn tỉ đồng; có vụ số nạn nhân lên đến hàng chục ngàn người, hoặc một người bị chiếm đoạt hàng chục tỷ đồng chỉ trong thời gian ngắn. Các đối tượng lừa đảo lợi dụng sự phát triển nhanh chóng của công nghệ và thói quen sử dụng Internet rộng rãi của người dân để triển khai nhiều hình thức lừa đảo khác nhau khiến người người dùng khó phân biệt. Sau đây là một số hình thức lừa đảo qua mạng phổ biến bao gồm:
Giả mạo danh tính và lừa đảo tài chính: Các đối tượng thường giả danh nhân viên ngân hàng, cơ quan chức năng hoặc các công ty lớn để yêu cầu người dùng cung cấp thông tin cá nhân, mã OTP hoặc chuyển tiền vào tài khoản “an toàn”. Các vụ lừa đảo này gây thiệt hại tài chính nghiêm trọng, đặc biệt khi nạn nhân bị mất toàn bộ tiền trong tài khoản.
Chuyển nhầm tiền vào tài khoản ngân hàng: Các đối tượng cố ý “chuyển nhầm” một khoản tiền đến tài khoản ngân hàng, tiếp đó yêu cầu người dùng trả lại số tiền kia như một khoản vay cùng với khoản lãi cắt cổ, nếu không trả các đối tượng khủng bố trên điện thoại, đe dọa tố cáo, gây rối quấy nhiễu… để buộc trả tiền gốc, lãi cao cho chúng.
Lừa đảo qua mạng xã hội: Trên các nền tảng mạng xã hội như Facebook, Zalo, Instagram, những kẻ lừa đảo tạo tài khoản giả mạo người thân, bạn bè của nạn nhân để mượn tiền hoặc yêu cầu trợ giúp khẩn cấp. Bên cạnh đó, các chương trình trúng thưởng giả mạo, khuyến mãi “khủng” cũng được sử dụng để đánh lừa người dùng nhấp vào các đường link độc hại, từ đó chiếm đoạt tài khoản hoặc thông tin cá nhân.
Lừa đảo thương mại điện tử: Với sự phát triển của mua sắm trực tuyến, hình thức lừa đảo qua các sàn thương mại điện tử, nhóm bán hàng online cũng trở nên phổ biến. Nhiều người mua phải hàng giả, hàng kém chất lượng hoặc mất tiền mà không nhận được hàng do đối tượng bán hàng ảo lừa gạt.
Đầu tư tài chính và tiền ảo lừa đảo: Các kênh đầu tư tài chính không rõ nguồn gốc như tiền ảo, sàn giao dịch ngoại hối (Forex), đa cấp online cũng xuất hiện tràn lan. Kẻ lừa đảo đưa ra lời hứa hẹn lợi nhuận cao và rủ rê người dân tham gia, nhưng thực chất là mô hình lừa đảo đa cấp hoặc “Ponzi”, dẫn đến hàng loạt người bị mất trắng tài sản.
Mã độc và phần mềm gián điệp: Các đối tượng lừa đảo thường cài mã độc vào các trang web giả mạo hoặc đường link lạ để chiếm đoạt thông tin cá nhân và tài sản của người dùng khi họ nhấp vào. Phần mềm gián điệp cũng được cài vào thiết bị để theo dõi thông tin cá nhân, tài khoản ngân hàng.
Hỗ trợ lấy lại tiền đã bị lừa: Đối tượng lập tài khoản ảo, không có thông tin rõ ràng về công ty, địa chỉ hoặc các thông tin liên hệ. Đối tượng lừa đảo chạy quảng cáo các bài đăng với nội dung “hỗ trợ lấy lại tiền”, “cam kết lấy lại được tiền bị lừa”, bên dưới là những bình luận cảm ơn đã lấy lại tiền bằng những tài khoản ảo khác. Sau khi được người dùng liên hệ, chúng sẽ nhiệt tình tư vấn, đồng thời liên tục hứa hẹn, cam kết lấy lại 100% số tiền đã mất. Tiếp đó, yêu cầu nạn nhân cung cấp thông tin cá nhân, tài khoản ngân hàng, số tiền đã bị lừa đảo và chuyển khoản thành công “tiền phí dịch vụ”. Tuy nhiên, ngay lập tức nhân viên thông báo tài khoản ngân hàng bị lỗi và không cho rút tiền về. Khi nạn nhân thắc mắc thì đối tượng sẽ chặn toàn bộ liên lạc.
Thực trạng này không chỉ gây thiệt hại về tài sản cho nạn nhân mà còn gây ảnh hưởng xấu đến an ninh xã hội và môi trường mạng. Để ngăn chặn và giảm thiểu lừa đảo qua mạng, việc nâng cao nhận thức và cẩn trọng trong giao dịch trực tuyến là vô cùng cần thiết, đồng thời đòi hỏi sự vào cuộc quyết liệt từ phía cơ quan chức năng trong việc ngăn chặn và xử lý các hành vi vi phạm.
Giải pháp khi bị lừa tiền trên mạng
Nếu chẳng may rơi vào tình huống bị lừa tiền qua mạng, để giảm thiểu thiệt hại và bảo vệ quyền lợi của bản thân bạn có thể áp dụng các giải pháp sau:
- Báo cáo ngay với cơ quan chức năng
Liên hệ công an địa phương: Trình báo sự việc và cung cấp các thông tin liên quan như tin nhắn, cuộc gọi, hóa đơn chuyển tiền. Hoặc tới trung tâm Giám sát An toàn Không gian mạng Quốc gia (NCSC): Đây là cơ quan chuyên nhận phản ánh về các vụ việc lừa đảo trên mạng. Bạn có thể báo cáo qua website hoặc đường dây nóng.
- Liên hệ với ngân hàng
Nếu bạn phát hiện mình đang trong quá trình giao dịch với kẻ lừa đảo, hãy ngừng ngay lập tức mọi hoạt động chuyển tiền hoặc chia sẻ thông tin cá nhân.
Nếu đã chuyển khoản, hãy ngay lập tức liên hệ với ngân hàng để yêu cầu hỗ trợ truy vết giao dịch và phong tỏa tài khoản nhận tiền nếu còn có thể. Ngân hàng có thể hỗ trợ điều tra giao dịch hoặc đưa ra hướng xử lý phù hợp
- Lưu giữ bằng chứng
Lưu lại tất cả các thông tin liên quan như tên người liên lạc, tin nhắn, email, số tài khoản, hình ảnh, hóa đơn chuyển tiền,…. Đây sẽ là những bằng chứng quan trọng để hỗ trợ cơ quan chức năng điều tra và truy tìm thủ phạm
- Bảo vệ thông tin cá nhân
Thay đổi ngay lập tức mật khẩu tài khoản ngân hàng, email, và các tài khoản mạng xã hội để tránh bị xâm phạm thêm. Nếu đã chia sẻ thông tin cá nhân (như số điện thoại, địa chỉ email), hãy cảnh giác với các cuộc gọi hoặc tin nhắn lạ, và xem xét các biện pháp bảo mật bổ sung để tránh bị lợi dụng thông tin thêm lần nữa.
- Cảnh báo cho cộng đồng
Chia sẻ câu chuyện của mình trên các nền tảng mạng xã hội hoặc các nhóm cộng đồng để cảnh báo người khác không rơi vào bẫy tương tự.
Biện pháp phòng ngừa lừa đảo trực tuyến
Để tránh trở thành nạn nhân của những tội phạm mạng, bạn nên:
- Cảnh giác với những lời mời gọi quá hấp dẫn: Nhiều đối tượng lừa đảo thường sử dụng các chiêu trò hứa hẹn lợi nhuận “khủng”, “rủi ro bằng không” để thu hút người dùng tham gia vào các dự án đầu tư, tiền ảo hoặc chương trình đa cấp trá hình. Những lời hứa hẹn phi thực tế này đánh vào lòng tham và sự thiếu hiểu biết của người dùng, dẫn đến nhiều trường hợp mất tiền oan. Vì vậy, những hứa hẹn lợi nhuận cao thường là dấu hiệu của lừa đảo. Chúng ta cần cẩn thận trước khi đầu tư vào bất kỳ hình thức nào, hãy luôn thẩm định kỹ lưỡng về doanh nghiệp và sản phẩm, chỉ tham gia vào các kênh đầu tư uy tín, được cấp phép bởi cơ quan chức năng.
- Xác thực thông tin trước khi giao dịch: Luôn kiểm tra kỹ lưỡng thông tin người nhận và chỉ thực hiện giao dịch tài chính qua các ứng dụng, trang web chính thức của ngân hàng hoặc các sàn thương mại điện tử uy tín. Đối với các giao dịch lớn, nên liên hệ trực tiếp với người nhận hoặc ngân hàng để xác nhận thông tin trước khi chuyển tiền.
- Bảo mật thông tin cá nhân và tài khoản: Không chia sẻ thông tin cá nhân như số CMND/CCCD, số điện thoại, địa chỉ email, thông tin tài khoản ngân hàng trên các trang web hoặc ứng dụng không đáng tin cậy. Sử dụng mật khẩu mạnh cho các tài khoản cá nhân, thường xuyên thay đổi mật khẩu và bật xác thực hai lớp (2FA) để tăng cường bảo mật.
- Sử dụng phần mềm bảo mật: Cài đặt các ứng dụng bảo vệ để tránh bị hack hoặc đánh cắp thông tin như các phần mềm diệt virus và tường lửa để ngăn chặn các phần mềm độc hại hoặc mã độc từ các trang web không an toàn. Thường xuyên cập nhật hệ điều hành, ứng dụng và trình duyệt để đảm bảo các lỗ hổng bảo mật được vá kịp thời.
- Cẩn trọng với các liên kết lạ và email không rõ nguồn gốc: Tránh nhấp vào các đường link từ email, tin nhắn hoặc trang web không rõ nguồn gốc, vì chúng có thể chứa mã độc hoặc là bẫy lừa đảo để lấy cắp thông tin. Chỉ truy cập và cung cấp thông tin trên các trang web có độ tin cậy cao, địa chỉ bắt đầu bằng “https” và có chứng chỉ bảo mật.
- Thường xuyên cập nhật kiến thức về an ninh mạng: Liên tục cập nhật thông tin về các hình thức lừa đảo mới từ các nguồn tin cậy, đặc biệt là từ cơ quan chức năng và các chuyên gia an ninh mạng. Tham gia các buổi hội thảo hoặc chương trình tuyên truyền về bảo mật thông tin và an toàn mạng để trang bị thêm kiến thức phòng tránh.
Lừa đảo trên mạng là vấn đề nhức nhối và ngày càng phức tạp trong xã hội hiện đại. Tuy nhiên, nếu nắm vững các biện pháp ứng phó và phòng ngừa, chúng ta có thể giảm thiểu rủi ro và bảo vệ tài sản của mình. Quan trọng nhất là giữ bình tĩnh, hành động nhanh chóng và luôn cảnh giác trước mọi giao dịch trực tuyến.
Nguyễn Thị Huyền – Thực tập sinh Văn phòng luật sư Đồng Đội
Liên hệ: huyenvpp203@gmail.com or 0396914604
Thông tin liên hệ:
Văn phòng luật sư Đồng Đội: P2708, Tòa nhà VP3 Bán đảo Linh Đàm, Hoàng Liệt, Hoàng Mai, Hà Nội
Điện thoại: 0936.026.559 – Email: tranxuantien1964@gmail.com
Website: https://dongdoilaw.vn
Facebook: https://www.facebook.com/dongdoilaw
Youtube: https://www.youtube.com/c/VănphòngluậtsưĐồngĐội
Tiktok: https://www.tiktok.com/@vpls_dongdoi