Khiếu nại là một trong những quyền cơ bản của công dân, được pháp luật ghi nhận tại Điều 30 Hiến pháp 2013 và khoản 1 Điều 2 Luật khiếu nại năm 2011. Theo đó, “Khiếu nại là việc công dân, cơ quan, tổ chức hoặc cán bộ, công chức theo thủ tục do Luật khiếu nại quy định, đề nghị cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền xem xét lại quyết định hành chính, hành vi hành chính của cơ quan hành chính nhà nước, của người có thẩm quyền trong cơ quan hành chính nhà nước hoặc quyết định kỷ luật cán bộ, công chức khi có căn cứ cho rằng quyết định hoặc hành vi đó là trái pháp luật, xâm phạm quyền, lợi ích hợp pháp của mình”.
Thời hiệu khiếu nại là khoảng thời gian quy định về quyền khiếu nại một vụ việc có hiệu lực áp dụng kể khi vụ việc đó phát sinh. Theo quy định tại Điều 9 Luật khiếu nại 2011 thời hiệu khiếu nại là 90 ngày kể từ ngày nhận được quyết định hành chính hoặc biết được quyết định hành chính, hành vi hành chính. Trong khoảng thời gian này, người khiếu nại phải cân nhắc xem có nên thực hiện quyền khiếu nại hay không, nếu quá thời gian quy định thì sẽ không còn quyền khiếu nại, trừ trường hợp bất khả kháng hoặc trở ngại khách quan.
Thực tế có rất nhiều trường hợp khi đã hết thời hiệu khiếu nại thì người khiếu nại mới có đơn khiếu nại quyết định hành chính đến cơ quan, người có thẩm quyền. Đối với các trường hợp này khi quyết định hành chính, hành vi hành chính đã hết thời hiệu khiếu nại thì cơ quan có thẩm quyền sẽ không thụ lý đơn khiếu nại mà xếp vào lưu đơn theo quy định tại khoản 6 Điều 11 Luật Khiếu nại về các trường hợp không được thụ lý giải quyết trong đó có thời hiệu, thời hạn khiếu nại đã hết mà không có lý do chính đáng. Điều đó được phân tích qua 1 đơn khiếu nại cụ thể trên thực tế dưới đây qua thông báo về việc không thụ lý đơn khiếu nại thi hành án của chi cục thi hành án dân sự thị xã B, theo đó có 2 nội dung khiếu nại, nội dung thứ nhất là khiếu nại chi cục THADS B kê biên cả những tài sản của công ty LICOGI 15 không thế chấp ngân hàng, nội dung thứ 2 là khi các đương sự thỏa thuận về giá tài sản không có sự tham gia của các cơ quan chuyên môn. Sau khi xem xét đơn khiếu nại về thi hành án của công ty cổ phần Licogi 15, Chi cục Thi hành án dân sự thị xã B không thụ lý đơn khiếu nại này với lý do cả hai nội dung trên đã hết thời hiệu khiếu nại được quy định tại điểm c, điểm d Điều 140 Luật Thi hành án. Bởi vậy người khiếu nại cần hết sức lưu ý đến thời hạn khiếu nại để tránh tình trạng hết thời hiệu rồi mới làm đơn khiếu nại thì sẽ không được giải quyết.
Tuy nhiên, trường hợp cơ quan, người có thẩm quyền không thụ lý đơn khiếu nại nhưng vẫn sẽ ban hành văn bản hành chính trả lời cho người khiếu nại về các vấn đề nội dung trong đơn khiếu nại, như việc Chi cục Thi hành án dân sự Thị xã B không thụ lý đơn khiếu nại để giải quyết theo thủ tục giải quyết khiếu nại nhưng vẫn ra văn bản trả lời, giải thích các nội dung khiếu nại để Công ty cổ phần Licogi được biết.
Thực tiễn khi ban hành 1 quyết định hành chính sai hay có hành vi vi phạm bị khiếu nại nhưng hết thời hạn khiếu nại thì các cơ quan có thẩm quyền cần khéo léo, linh động để sữa chữa, khắc phục hậu quả, không câu nệ, cứng nhắc với thời hiệu khiếu nại, bởi khi khiếu nại quyết định hành chính, hành vi hành chính có dấu hiện vi phạm không chỉ bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người khiếu nại mà còn giúp cơ quan chức năng có thể phát hiện, xử lý kịp thời những sai phạm.
Trong trường hợp hết thời hiệu khiếu nại thì có thể sử dụng quyền tố cáo để tố cáo về hành vi vi phạm pháp luật trong việc thực hiện nhiệm vụ, công vụ của cơ quan, tổ chức, cán bộ, công chức, viên chức. Đối với thời hiệu tố cáo, pháp luật hiện nay vẫn chưa quy định. Theo đó, bất cứ khi nào người dân phát hiện có hành vi vi phạm pháp luật đều có quyền gửi đơn thư tới người có thẩm quyền để giải quyết theo Luật Tố cáo, vì thế nên so với khiếu nại bị giới hạn về thời hiệu thì tố cáo có thể thực hiện bất cứ khi nào nếu phát hiện hành vi vi phạm hay quyết định vi phạm. Thực tiễn cho thấy, có nhiều đơn thư tố cáo về hành vi vi phạm pháp luật của cơ quan, cán bộ, công chức đã xảy ra khá lâu nhưng cơ quan nhà nước vẫn phải thụ lý giải quyết. Về thời hạn giải quyết tố cáo theo quy định tại Điều 30 Luật Tố cáo năm 2018. Theo đó thời hạn giải quyết tố cáo là không quá 30 ngày kể từ ngày thụ lý tố cáo. Đối với vụ việc phức tạp thì có thể gia hạn giải quyết tố cáo một lần nhưng không quá 30 ngày. Đối với vụ việc đặc biệt phức tạp thì có thể gia hạn giải quyết tố cáo hai lần, mỗi lần không quá 30 ngày.
Thực tế không hiếm gặp các trường hợp thực hiện khiếu nại, tố cáo nhưng sau đó lại bị tố ngược lại về hành vi của mình, lạm dụng khiếu nại, tố cáo có thể bị xử lý tội vu khống. Việc khiếu nại tố cáo ảnh hưởng trực tiếp đến cơ quan cá nhân tổ chức vì thế cần phải hết sức thận trọng. Khiếu nại tố cáo phải đúng người, đúng tội, đúng pháp luật, trước khi khiếu nại, tố cáo cần phải tìm hiểu rõ các quy định pháp luật liên quan, luôn nâng cao ý thức thượng tôn pháp luật, tôn trọng quyền nhân thân, quyền và lợi ích của mọi cá nhân, tổ chức trong xã hội, hạn chế tình trạng khiếu nại, tố cáo sai sự thật. Đồng thời, phải cẩn trọng trong quá trình soạn thảo đơn tố cáo, tố giác tội phạm, nên tham vấn luật sư để tránh trường hợp tố cáo khi không đủ chứng cứ, tố cáo sai đối tượng, sai hành vi thì rất dễ từ người đi tố cáo lại trở thành người bị tố cáo.
Người viết: Thu Hương – VPLS Đồng Đội
___
Thông tin liên hệ:
Văn phòng luật sư Đồng Đội: P2708, Tòa nhà VP3 Bán đảo Linh Đàm, Hoàng Liệt, Hoàng Mai, Hà Nội
Điện thoại: 0936.026.559 – Email: tranxuantien1964@gmail.com
Website: https://dongdoilaw.vn
Facebook: https://www.facebook.com/dongdoilaw
Youtube: https://www.youtube.com/c/VănphòngluậtsưĐồngĐội
Tiktok: https://www.tiktok.com/@vpls_dongdoi