Thu hồi nợ là một trong những lĩnh vực pháp lý đòi hỏi kĩ năng hiểu biết pháp luật, cũng như nắm bắt tâm lý tốt, đến bây giờ khi mới bước chân vào học nghề gần 1 tháng, tôi mới thực sự chớm hiểu công việc đó khó khăn đến mức nào, đòi hỏi có kiến thức pháp luật tổng hợp, tư duy nhanh nhạy, phản xạ tốt, am hiểu thực tế, kinh nghiệm trường đời, nắm bắt tâm lý của chủ nợ, khách nợ…
Bài học đầu tiên, tôi sẽ không thể quên được đó là bài học về kĩ năng mềm, bài học về làm thế nào để xây dựng niềm tin đối với khách hàng, khi họ tìm đến dịch vụ pháp lý của văn phòng mình? Đó là bài học, cũng là câu chuyện vui tôi muốn chia sẻ sau đây.
Một ngày cuối tháng năm, Văn phòng chúng tôi đã tiếp nhận yêu cầu của khách hàng tại Mê Linh thông qua gọi điện, trao đổi Yahoo, email về việc yêu cầu đòi nợ, người mang nợ đang có nguy cơ vỡ nợ và việc đòi nợ trở nên khó khăn hơn rất nhiều.
Khi tìm đến văn phòng của chúng tôi, tôi tin rằng vị khách cho vay này đã tìm hiểu kĩ về văn phòng, nhận được vụ việc này với tâm lý của một sinh viên mới ra trường, đầy nhiệt huyết, năng động…tôi thực sự muốn được tham gia để cọ xát, học hỏi kiến thức thực tế. Tôi cứ nghĩ chú sẽ không đồng ý, vì tôi còn quá trẻ, vừa rời khỏi cái nôi của lý thuyết, sẽ không đủ khả năng để thuyết phục cũng như xây dựng niềm tin trong lòng khách hàng, nhưng ngược lại với suy nghĩ của tôi, khi tôi đề xuất, chú đã đồng ý để tôi đi với mục đích muốn cho tôi 1 cái nhìn thực tế từ chính công việc mình đang được học, đồng thời chú cũng căn dặn đây là giai đoạn mở đầu, khởi đầu cho cả quá trình, là giai đoạn hết sức quan trọng.
Vậy là tôi và một chuyên viên pháp lý của văn phòng được chú giao cho nhiệm vụ đi tiếp xúc khách hàng, tiếp nhận thông tin và kí hợp đồng. Theo đơn mời luật sư thì phí dịch vụ (tức là phí hỗ trợ đi lại, tiến hành hoạt động ban đầu như thu thập thông tin) là 3 triệu đồng phải giao cho văn phòng ở giai đoạn tiếp xúc này (một trong những điều khoản trong hợp đồng là chi phí 3 triệu không hoàn lại. với suy nghĩ họ cũng phải tìm hiểu được bề dày kinh nghiệm thu hồi nợ của văn phòng chúng tôi thì họ mới tìm đến, đồng thời qua trao đổi với trưởng phòng, có lẽ họ cũng đã đi đến thống nhất cho nên gặp mặt này, chẳng qua là hình thức và hoàn tất thủ tục, nghĩ vậy tôi lại càng tự tin chắc chắn mình sẽ hoàn thành tốt nhiệm vụ.
Mặc dù vậy tôi vẫn đi với biết bao nhiêu cảm xúc, hồi hộp có, lo lắng có vì đây là lần đầu tiên tôi được đi thực tế. Tôi không biết họ sẽ hỏi tôi những gì, và tôi sẽ làm việc với họ như thế nào? Và rồi tất cả những thắc mắc về lần gặp đầu tiên của tôi cũng được giải đáp ngay sau đó.
Tất cả mọi thứ không hề như tôi nghĩ, với gương mặt tôi và chị đi cùng còn khá trẻ, cử chỉ, hành động thật không mấy chuyên nghiệp. Mặc dù tôi đã tỏ ra hết sức điềm tĩnh, cứng rắn và đĩnh đạc nhưng cũng không đủ sức để xóa tan những nghi ngờ về khả năng của nhân viên trẻ. Khách hàng đặt ra những câu hỏi để về phương hướng giải quyết nợ để họ đảm bảo được quyền lợi của mình trước khi kí kết hợp đồng. Tôi bắt đầu mất bình tĩnh trước những câu hỏi có tính chất khai thác của khách hàng đối với Văn phòng chúng tôi (văn phòng của bạn đã thu hồi nợ được bao nhiêu vụ? phương thức thu hồi nợ của Văn phòng bạn là gì?…) với những câu hỏi này, những nhân viên mới vào nghề, chưa có kinh nghiệm sẽ không thể trả lời được, thay vào đó là một câu trả lời mà tôi cho đó là khôn ngoan nhất để thảo gỡ tình huống éo le này “Chúng tôi được Văn phòng cử đến để làm việc với phía bên chị để kí hợp đồng pháp lý, và đưa phiếu thu trên tinh thần thống nhất với văn phòng. Tất cả các vấn đề triển khai, thu hồi nợ như thế nào? Trường Văn phòng chúng tôi sẽ là người trực tiếp làm việc với bên chị” tôi cho rằng đó là khôn ngoan nhất để thuyết phục họ kí hợp đồng và mình hoàn thành nhiệm vụ được giao, nhưng tôi đã nhầm khi mang lối tư duy theo chiều thuận để đánh giá khách hàng một cách chủ quan. Kết thúc cuộc gặp mặt, là lời từ chối khéo khi họ nói có vài vấn đề cần trao đổi lại với trường phòng. Chắc không có ngòi bút nào miêu tả được khuôn mặt tôi khi đó, có cái gì đó thất vọng, bất ngờ khi những tình huống xảy ra ngoài dự đoán, lo lắng khi không hoàn thành nhiệm vụ được giao…tôi cầm điện thoại nhấn từng nút để gọi về cho chú , khi đi lạc quan bao nhiêu, thì khi gọi điện về tôi lại run bấy nhiêu với những cảm xúc hỗn độn tôi chỉ kịp nói với chú “Chú ơi! Họ chưa đồng ý đưa tiền chú ạ !”
Về văn phòng, điều làm tôi ngạc nhiên hơn khi dường như tất cả quá trình, diễn biến đã được chú dự đoán trước, gặp lại chú sau khi chú vừa có cuộc trao đổi ngắn với vị khách mà tôi vừa gặp, không biết bằng cách nào mà chỉ với một cuộc trao đổi ngắn với chú mà họ đã đi đến nhất trí thỏa thuận.
Chú cười trấn an tinh thần tôi và bắt đầu chia sẻ với tôi những khó khăn của việc thu hồi nợ, tôi đã thắc măc với chú “chú lường trước được tình huống xảy ra, sao chú vẫn giao cho cháu mà không sợ làm giảm sút uy tín trong lòng khách hàng” chú ân cần nói với tôi và chị đi cùng, vấn đề là chú muốn cho các cháu một cơ hội thực tiễn, một cái nhìn tổng quát, kinh nghiệm chỉ được rút ra từ thực tiễn xây dựng niềm tin có nhiều cách để xây dựng, vấn đề là các cháu thực sự cần một môi trường rèn luyện, cần một lối tư duy để đánh giá tổng hợp trước một vụ việc”.
Thu nợ là một lĩnh vực không hề đơn giản, không chỉ đòi hỏi kiến thức mà còn đòi hỏi kinh nghiệm. Chú là người đã có kinh nghiệm lâu năm trong thi hành án, hơn ai hết chú là người hiểu rõ cái khó của lĩnh vực này.
Đòi nợ khó khăn, nhạy cảm không có vụ việc nào giống vụ việc nào, để thành công thì người thu hồi nợ đóng vai trò như liều thuốc kháng sinh đủ mạnh để giải quyết triệt để, tận gốc việc nợ nần nhưng cũng phải là liều thuốc an thần tốt cho chủ nợ – những người đang có nguy cơ mất trắng tiền của tiền bạc công sức,niềm tin trong cả cuộc đời.
Người dân lấy được nợ như nhặt được tiền rơi nên họ rất trăn trở mong chờ kết quả vì vậy nhân viên thu nợ phải hiểu được tâm lý của khách nợ và chủ nợ để đánh giá được đối tượng và phản ánh kịp thời, nhanh chóng, chính xác vụ việc. Thu nợ thành công, đòi hỏi trong quá trình thu nợ, người thực hiện phải linh hoạt, thực sự có kiến thức sâu rộng phải kết hợp nhu cương, phải đưa ra những phương hướng khả thi, phải đăt mình vào hoàn cảnh của khách hàng, phải sẵn sàng dùng quả đấm thép đó là đưa vụ việc ra tòa án để yêu cầu trả nợ theo thủ tục thi hành án dân sự một khi không còn hòa giải thỏa thuận được đồng thời luôn đưa ra các đòn tâm lý sát đáng để con nợ “gục ngã” ngay từ lần gặp đầu tiên.
Với những nhân viên non, yếu và thiếu kinh nghiệm thật sự cần có những trải nghiệm và tôi đã có một trải nghiệm với nhiều bài học và thú vị từ đó. Một trải nghiệm mà đến giờ chú vẫn nói vui mà cũng như nhắc nhở câu nói của tôi lần đó “Chú ơi ! Họ chưa đưa tiền chú ạ” ^^
Tháng 5/2012
Phương Anh – Nhân viên thử việc VPLS Đồng Đội .
Email phuonganh.hlu89@gmail.com