Lời của ban biên tập:
Những người thầy khi giúp đỡ học trò của mình thường không mong chờ sự trả ơn hay đáp lễ. Với họ, niềm vui lớn nhất là thấy học trò trưởng thành, thành công trên con đường đã chọn. Nhưng thật ấm áp và xúc động khi vào ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11, những tình cảm chân thành được gửi gắm qua những lời chúc, lời nhắn, hay bài viết ý nghĩa. Đó chính là món quà tinh thần quý giá, tiếp thêm động lực và niềm tự hào cho người thầy trong sự nghiệp trồng người.\
Ngày Nhà giáo Việt Nam không chỉ là dịp để học trò bày tỏ lòng biết ơn, mà còn là dịp để người thầy nhìn lại những đóng góp của mình, để thấy rằng những cố gắng, tận tâm của họ đã gieo mầm và lan tỏa những giá trị tốt đẹp. Sự tri ân của học trò, dù là một lời cảm ơn giản dị hay một bài viết sâu sắc như của Luật sư Nhàn, chính là minh chứng cho mối quan hệ thầy – trò thiêng liêng, bền chặt, vượt qua mọi khoảng cách thời gian và không gian.
Một bài viết đặc biệt được viết nhân ngày ý nghĩa này là của Luật sư Nhàn – Giám đốc Công ty Luật TNHH Alana Nhàn Nguyễn. Với những lời tri ân sâu sắc, bài viết không chỉ thể hiện sự kính trọng đối với người thầy mà còn là lời nhắc nhở về giá trị bền vững của mối quan hệ thầy – trò. Qua bài viết, cả thầy và trò đều cảm nhận được niềm vui và sự gắn kết, như một sự khẳng định rằng những giá trị được trao đi không bao giờ là vô nghĩa.
Dưới đây là bài viết của Luật sư Nhàn:
Hôm nay, ngày nhà giáo 20-11, tôi muốn gửi lời cảm ơn đến tất cả những người thầy cô của tôi, và đặc biệt gửi lời cảm ơn chân thành, lời tri ân sâu sắc đến người thầy lớn nhất, đặc biệt nhất trong cuộc đời tôi – Người thầy không phấn, không bục giảng nhưng lại là người truyền cảm hứng, người dẫn lối soi đường cho tôi đi trên con đường hành nghề Luật sư – đó là Luật sư Trần Xuân Tiền.
Tôi năm nay 40 tuổi, tốt nghiệp Trường đại học Luật Hà Nội năm 2010 và hoàn thành chương trình đào tạo nghiệp vụ Luật sư năm 2012 của Học viện tư pháp. May mắn là khi ra trường, tôi có ngay được công việc tại một Công ty Luật đúng với chuyên ngành và mong muốn của mình, cứ thế công việc và cuộc sống của tôi cứ thuận lợi và suôn sẻ trôi đi. Năm 2017, sau 7 năm hành nghề miệt mài, tôi quyết định xin thôi việc và tự mở công ty riêng, chuyên về tư vấn luật.
Tôi vốn là người dễ bằng lòng với cuộc sống, với tôi, chỉ cần có căn nhà, có chiếc xe để đi lại, gia đình hòa thuận, con cái ngoan ngoãn khỏe mạnh là đủ, không đòi hỏi, không tham tiếc bất kỳ điều gì, có lẽ vì vậy mà mọi thứ diễn ra trong cuộc đời tôi thật đơn giản và thuận lợi, không có gì là thử thách hay cam go (tất nhiên là chỉ tính từ khi tôi học xong đại học và trừ đi quãng thời thơ ấu cơ cực và những gì tôi đã phấn đấu trước đó để bước chân vào trường ĐH Luật Hà Nội).
Chính vì tư tưởng đó nên ngay từ khi học đại học, tôi đã mong muốn trở thành người làm nghề tư vấn luật, tránh xa việc tố tụng tại chốn công đường. Tôi ngại va chạm, ngại đối đầu, tôi sợ chạm đến hết những góc khuất, những mảng tối tăm nhất của xã hội hay phải chứng kiến những bi kịch, và tôi cũng không muốn bước chân vào những cuộc chiến cam go thử thách. Tôi sợ công việc đó sẽ phá vỡ cuộc sống bình yên và an toàn của mình. Tôi từng thầm nghĩ, tôi đủ đầy rồi, sao phải dấn thân, tham vọng hay ôm đồm thêm nữa. Và quan trọng nhất, tôi luôn ấn tượng xấu về những gì trong tố tụng, đó là chạy án, là tiêu cực, là những mưu mô toan tính, là sự lật mặt hay “cạn tàu ráo máng” khi cần.
Nhưng nếu ai làm nghề luật sư sẽ hiểu, nếu không tham gia tranh tụng thì giống như đang hát giở một bài hát thì bị giật mất micro, không đi đến tận cùng của cảm xúc. Tôi cũng vậy, luôn có một điều gì đó trăn trở, thiếu hụt, muốn tiến lên nữa, muốn dấn thân, muốn thử sức, muốn đạt được nhưng lại bị níu kéo bởi cảm giác muốn được bình yên trong vùng an toàn. Một sự giằng co không hề nhỏ trong suy nghĩ của tôi trong suốt nhiều năm.
Thật ra, không phải làm nghề tư vấn luật thì không gay cấn, không khó khăn, không có tiêu cực. Làm luật sư tư vấn thì sẽ va chạm với nhiều lĩnh vực luật, nhiều loại thủ tục hành chính cho nên khá vất vả để nghiên cứu quy định liên tục; tôi cũng phải đồng hành với khách hàng trong những cuộc đấu tranh chống lại bất công, hạch sách của các cá nhân, tổ chức giải quyết thủ tục hành chính; cũng phải đại diện đàm phán, giải quyết những tranh chấp bất đồng, đặc biệt là các tranh chấp khiếu nại giữa khách hàng của tôi là chủ đầu tư các dự án với những người mua bất động sản. Cũng trải qua những cuộc cân não để giải quyết tranh chấp tiền tố tụng, những đêm mất ngủ thức thâu đêm để soạn hợp đồng, làm hồ sơ, tìm giải pháp … nhưng theo tôi vẫn chưa là gì so với Luật sư tranh tụng, công việc của tôi dù gay cấn đến đâu vẫn chỉ dừng lại ở đàm phán, hòa giải, tuyệt nhiên tôi không dấn thân đến giai đoạn tố tụng.
Nhưng nếu cứ suôn sẻ mãi thì có lẽ tôi cũng không đủ động lực để bước khỏi vùng an toàn. Đại dịch Covid 19 bùng phát, một loạt khách hàng thường xuyên của tôi rơi vào khó khăn nên họ chấm dứt hợp đồng, các thủ tục hành chính được số hóa, dịch vụ công trở nên dễ dàng hơn và phần lớn thực hiện qua mạng internet, điều đó khiến doanh thu sụt giảm nghiêm trọng, khó cạnh tranh với nhiều doanh nghiệp làm ăn kiểu ăn xổi ở thì, các đơn vị không phải là tổ chức hành nghề luật sư nhưng nhận làm thủ tục hành chính với giá siêu rẻ. Trong khi đó, tôi với sự cầu toàn và hướng đến sự chỉn chu thì khó mà cạnh tranh về giá, lại gồng gánh chi phí văn phòng và nhân viên, cho nên tôi phải đối mặt với khó khăn thách thức lớn nhất kể từ khi hành nghề.
Tôi lang thang tìm hiểu để chuyển hướng, để cơ cấu lại công việc thì tình cờ biết đến lớp Zoom của thầy Tiền, với tâm thế tham gia chả mất gì chứ chẳng mấy hi vọng. Nhưng trái với những kỳ vọng của tôi, tôi nhận được giá trị quý báu một cách bất ngờ ngoài mong đợi, khiến tôi có một cú bẻ lái quan trọng trong sự nghiệp của mình.
Những buổi chia sẻ trên lớp Zoom vào những buổi tối cuối tuần đã mở ra cho tôi một cách nhìn khác, một cảm xúc rất khác về Luật sư tranh tụng. Thầy gửi cho tôi những file ghi âm bài bào chữa của thầy, tôi nghe đi nghe lại, chép ra để học, từng câu từng chữ đều thấm đẫm tình người, thấu tình đạt lý, tôi nghĩ ai nghe cũng phải chạm đến lòng trắc ẩn của mình.
Thầy gửi cho tôi rất nhiều tài liệu quan trọng về tố tụng, những bản án, những bản luận cứ bào chữa trong vụ án hình sự hay bản bảo vệ trong vụ án dân sự, hành chính. Những tài liệu này phải đổi biết bao mồ hôi, công sức mới có, nhiều khi muốn mua bằng tiền mà còn không ai bán cho, vậy mà thầy gửi cho tôi và các học viên khác một cách miễn phí, vô tư, cho đi mà không cần nhận lại. Tôi tin rằng, bất kỳ học viên nào muốn nghiêm túc và hành nghề bằng cái tâm thì khi gặp Thầy đều có cảm nghĩ về Thầy giống như tôi.
Qua những buổi học, những clip, những tài liệu mà thầy chia sẻ, tôi nhận ra, nếu đã là người có tâm, thì không kể mình làm gì, lĩnh vực nào, cứ đưa cái tâm vào trong đó thì sẽ có kết quả tốt đẹp. Tranh tụng không phải là những cuộc đối đầu hay “cuộc chiến khô máu” như trong hình dung của nhiều người mà đó là nơi thể hiện trí tuệ, lấy nhân tâm để thu phục lòng người, góp phần bảo vệ công bằng và lẽ phải.
Thầy đã kinh qua nhiều vị trí trong cơ quan nhà nước, là một Đảng viên, từng có thời gian công tác trong quân đội, đã từng là Thủ trưởng cơ quan thi hành án … có lẽ vì thế mà Thầy luôn có chiến thuật, chiến lược, lồng ghép áp dụng được cả yếu tố chính trị vào trong từng vụ án nhằm đạt kết quả tốt cho thân chủ, đó thực sự là những kinh nghiệm hết sức quý báu mà tôi học được từ Thầy.
Thầy chia sẻ rất chân thật, Thầy dám nói những gì mà với người khác là bí mật, bí quyết, họ chỉ giữ cho riêng họ, không bao giờ tiết lộ. Thầy truyền động lực, truyền cảm hứng để tôi thấy yêu mến và muốn bước chân vào lĩnh vực tranh tụng. Và rồi tôi mạnh dạn nhận các vụ án, ban đầu từ những vụ đơn giản rồi dần dần nhận những vụ phức tạp hơn, chỗ nào khó thì tôi tham khảo từ Thầy và các luật sư của Văn phòng Luật sư Đồng Đội của Thầy. Đến nay, sau gần 4 năm, tôi đã va chạm đủ các loại vụ án, từ hôn nhân gia đình, dân sự, đất đai, hình sự … tôi đã vững vàng, tự tin bước đi trên con đường hành nghề Luật sư của mình, dũng cảm tiến về phía trước, không còn è dè bất cứ điều gì và với tâm thế cứ đi thì sẽ đến.
Nhìn vào Thầy, một người đã ngoài 60 đã có đủ đầy mọi thứ, gia đình, sự nghiệp, nhà cửa, xe cộ, và còn có cả lương hưu, nhưng Thầy vẫn miệt mài cống hiến cho nghề Luật sư, vẫn không ngừng truyền cảm hứng và nhiệt huyết cho thế hệ trẻ; lớp Zoom của Văn phòng Luật sư Đồng Đội mà Thầy là diễn giả vẫn đều đặn diễn ra mang lại giá trị lớn cho cộng đồng, giúp cho tôi và rất nhiều bạn trẻ thêm yêu nghề, say nghề, kiên trì, dũng cảm vượt qua sự khắc nghiệt, chông gai vốn có của nghề Luật sư.
Với tất cả những giá trị mà tôi nhận được từ Thầy, tôi chỉ muốn nói: Cảm ơn, cảm ơn, cảm ơn Thầy – Luật sư Trần Xuân Tiền, được gặp Thầy là may mắn lớn trong sự nghiệp của tôi, chúc cho Thầy luôn khỏe mạnh và thuận lợi, thành công hơn nữa trong cuộc sống và sự nghiệp !
Hà Nội, ngày 20/11/2024
Luật sư Nguyễn Thị Nhàn – Đoàn Ls Thành phố Hà Nội.
Thông tin liên hệ:
Văn phòng luật sư Đồng Đội: P2708, Tòa nhà VP3 Bán đảo Linh Đàm, Hoàng Liệt, Hoàng Mai, Hà Nội
Điện thoại: 0936.026.559 – Email: tranxuantien1964@gmail.com
Website: https://dongdoilaw.vn
Facebook: https://www.facebook.com/dongdoilaw
Youtube: https://www.youtube.com/c/VănphòngluậtsưĐồngĐội
Tiktok: https://www.tiktok.com/@vpls_dongdoi