Trong một xã hội phát triển, hiểu biết pháp luật không chỉ là quyền lợi mà còn là trách nhiệm của mỗi công dân. Dân trí pháp lý – tức mức độ hiểu biết và ý thức tuân thủ pháp luật của người dân – đóng vai trò then chốt trong việc xây dựng một nhà nước pháp quyền, công bằng và văn minh. Bằng chuyên môn và kinh nghiệm của mình, luật sư trở thành cầu nối giữa pháp luật với đời sống, góp phần tích cực vào việc nâng cao dân trí pháp lý, hướng tới một xã hội hiểu luật, sống và làm việc theo pháp luật.
KHI CÓ KIẾN THỨC PHÁP LUẬT, DÂN SẼ BIẾT BẢO VỆ MÌNH
Xã hội hiện đại, ai biết luật là có thêm lá chắn. Người dân càng hiểu luật thì càng bớt thiệt thòi, bớt bị bắt nạt, bớt rơi vào cảnh “ngậm bồ hòn làm ngọt”.
Có kiến thức pháp luật, dân sẽ biết hợp đồng nào có lợi, giấy tờ nào cần ký, cách nào để làm đơn khiếu nại, tố cáo, thời hiệu, thủ tục, thậm chí biết phân biệt cái đúng – cái sai, cái vi phạm – cái hợp lý.
Không tự làm được, thì dân biết tìm đến luật sư – người thay mặt nói lên tiếng nói pháp lý, đấu tranh bằng lý lẽ, bảo vệ bằng quy định của pháp luật chứ không phải bằng cảm tính.
Luật sư không phải chỉ dành cho người giàu hay khi ra tòa. Luật sư là người đồng hành khi dân mua nhà, mở quán, làm di chúc, tranh chấp đất đai, bị khởi kiện, hay đơn giản là cần được bảo vệ danh dự, nhân phẩm. Biết luật là tự bảo vệ mình. Nhờ luật sư là biết bảo vệ đúng cách, đúng luật.
Người dân mạnh mẽ nhất không phải là người to tiếng, mà là người biết dùng pháp luật làm tiếng nói cho mình.
DÂN TRÍ CAO – GÓP Ý CÓ TRÁCH NHIỆM, PHÊ PHÁN CÓ NHÂN VĂN
Dân trí cao không chỉ là biết luật, mà còn là biết dùng trí tuệ, hiểu biết để góp phần xây dựng xã hội.
Khi người dân có trình độ, họ không im lặng trước cái sai, cái chưa đúng. Nhưng cũng không hô hào, đả phá cực đoan, không chê bai vô trách nhiệm. Dân trí cao là biết góp ý với Đảng, với Nhà nước để hoàn thiện pháp luật, để quy định sát thực tế hơn, dễ hiểu, dễ thực hiện hơn.
Dân trí cao cũng biết giám sát cán bộ, biết nói lên tiếng nói khi có bất công, tiêu cực. Không phải để bôi nhọ, mà để cảnh báo và nhắc nhở. Không phải để làm xấu chế độ, mà để giữ gìn sự liêm chính của bộ máy. Khi thấy điều chưa ổn, người dân có thể viết bài, lên tiếng trên báo chí, mạng xã hội, nhưng với thái độ ôn hòa, tôn trọng sự thật, có tinh thần xây dựng – đó là dân có văn hóa.
Xã hội văn minh không phải là xã hội không có sai sót, mà là xã hội mà người dân biết phát hiện cái sai và góp ý đúng cách, để cùng nhau sửa, cùng nhau tiến bộ. Dân trí cao là thế: không a dua theo dư luận, không tung hô một chiều, không chê bai cảm tính, mà biết khen đúng, chê trúng, góp ý có tình – có lý.
Muốn xã hội trong sạch, không chỉ cần cán bộ liêm chính, mà còn cần người dân hiểu luật, sống có lý trí và trách nhiệm. Dân trí cao – là đối trọng lành mạnh với quyền lực, là điểm tựa vững vàng cho công lý.
DÂN TRÍ CAO LÀ TIỀN ĐỀ ĐỂ GÓP PHẦN CHỐNG TIÊU CỰC, THAM NHŨNG
Một xã hội muốn phát triển lành mạnh, bền vững thì không thể chấp nhận sự tồn tại dai dẳng của tiêu cực, tham nhũng. Nhưng để đẩy lùi được chúng, không thể chỉ trông chờ vào pháp luật hay các cơ quan phòng chống tham nhũng. Mỗi người dân cũng cần đóng vai trò là “người giám sát”, là “người phản biện” có hiểu biết và dũng khí.
Muốn vậy, dân trí phải được nâng cao.
Dân trí cao không chỉ là biết đọc, biết viết, mà là biết đúng sai, hiểu luật pháp, phân biệt cái thiện với cái ác. Dân trí cao khiến người dân không dễ bị lừa, không bị “mua chuộc” bằng vài món quà nhỏ, không im lặng khi thấy sai trái, bất công. Dân trí cao còn khiến người ta biết đặt câu hỏi, biết yêu cầu minh bạch, biết chọn người tử tế để trao quyền lực.
Thực tế cho thấy, ở đâu người dân hiểu biết và mạnh dạn lên tiếng, ở đó tiêu cực có xu hướng giảm. Ở đâu người dân thờ ơ, cam chịu hoặc mù mờ, ở đó cái xấu có đất sống.
Muốn nâng cao dân trí, không gì bằng giáo dục và truyền thông lành mạnh. Một xã hội văn minh cần truyền bá cái đúng, cổ vũ cái tốt và làm cho dân chúng thấy rõ hậu quả của sự thờ ơ, vô cảm trước tham nhũng, tiêu cực.
Chống tham nhũng là cuộc chiến trường kỳ. Mỗi người dân hiểu biết và sống có trách nhiệm chính là một chiến sĩ thầm lặng trong cuộc chiến ấy
LUẬT SƯ – NGƯỜI GÓP PHẦN NÂNG CAO DÂN TRÍ PHÁP LÝ
Trong một xã hội pháp quyền, người dân muốn sống đúng, sống mạnh mẽ và bảo vệ quyền lợi chính đáng thì phải hiểu luật. Nhưng không phải ai cũng có điều kiện học luật bài bản. Vì thế, luật sư không chỉ là người đại diện, bảo vệ quyền lợi trong các vụ việc cụ thể, mà còn là người truyền đạt kiến thức pháp luật một cách gần gũi, dễ hiểu, giúp dân nâng cao dân trí pháp lý.
Luật sư không chỉ làm việc ở tòa án. Luật sư còn là người giải thích, hướng dẫn, định hướng cách hành xử đúng pháp luật cho từng thân chủ, từng người dân – từ nông dân, công nhân đến doanh nghiệp. Từng vụ việc được giải quyết đúng, từng người dân hiểu ra quyền và nghĩa vụ của mình, chính là một bước góp phần nâng cao dân trí.
Nhiều luật sư âm thầm làm việc thiện, tư vấn miễn phí cho người yếu thế, viết bài phổ biến pháp luật, nói chuyện pháp luật ở địa phương, trường học, hội nông dân… Những việc đó không hào nhoáng, nhưng góp phần xây nền móng cho một xã hội thượng tôn pháp luật. Dân trí cao thì xã hội mới mạnh. Mà dân trí pháp lý không thể cao nếu thiếu bàn tay của người luật sư có tâm, có tầm, có lòng với dân.
Nghề luật sư không thể sống tách biệt với đời sống xã hội. Luật sư không chỉ bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho thân chủ, mà còn có một vai trò lớn hơn: gieo tri thức pháp luật, góp phần nâng cao dân trí, giữ gìn công lý và trật tự xã hội.
Một xã hội coi trọng luật pháp là một xã hội tôn trọng luật sư. Nhưng muốn được xã hội tôn trọng, luật sư phải đi trước một bước – bằng những đóng góp thiết thực, bằng đạo đức hành nghề, và bằng trái tim phụng sự.
Khi luật sư chia sẻ tri thức pháp luật cho người dân, tư vấn miễn phí cho người yếu thế, bảo vệ người vô tội, dấn thân vào các vụ việc có tính xã hội – thì người dân, các cơ quan, tổ chức, nhà nước… sẽ thấy được vai trò không thể thay thế của luật sư.
Muốn được xã hội nâng tầm, luật sư phải sống xứng đáng với vị trí mà pháp luật đã trao. Không phải bằng danh tiếng, bằng tiền bạc, mà bằng giá trị thật sự – những việc làm thầm lặng nhưng có ích, có tâm và có tầm.
Luật sư Trần Xuân Tiền từng chia sẻ:
“Muốn nâng vị thế nghề luật sư, đừng chỉ chờ luật thay đổi hay người ta nhìn nhận. Hãy hành động để dân biết, xã hội thấy, rồi sự ghi nhận sẽ đến tự nhiên như quả ngọt của cây có rễ vững, có hoa thơm.”
Và gần 20 năm nay, ông đã sống đúng như thế – âm thầm gùi chữ pháp luật về tận thôn xóm, đồng hành cùng dân nghèo, chia sẻ trên từng bài viết nhỏ, kiên trì vun bồi dân trí pháp lý từ chính những điều bình dị nhất.
Thông tin liên hệ:
– Văn phòng luật sư Đồng Đội (Đoàn luật sư TP. Hà Nôi): P2708, Tòa nhà VP3 Bán đảo Linh Đàm, Hoàng Liệt, Hoàng Mai, Hà Nội
– Điện thoại: 0936.026.559 – Email: tranxuantien1964@gmail.com
– Website: https://dongdoilaw.vn
– Facebook: https://www.facebook.com/dongdoilaw
– Youtube: https://www.youtube.com/c/VănphòngluậtsưĐồngĐội
– Tiktok: https://www.tiktok.com/@vpls_dongdoi