Trong phiên tòa xét xử hình sự, mọi người phải tôn trọng Hội đồng xét xử, giữ gìn trật tự và tuân theo sự điều hành của chủ tọa phiên tòa theo quy định tại Điều 256 Bộ luật hình sự 2015, sửa đổi 2017. Vì vậy, nếu Luật sư muốn ghi âm bài trình bày của mình thì cần xin phép và được Chủ tọa phiên tòa đồng ý.
Bên cạnh đó, trong trường hợp cá nhân khi tham gia phiên tòa không tuân theo sự điều hành của Chủ tọa phiên tòa về hoạt động ghi âm lời nói trong phiên tòa xét xử vụ án hình sự có thể bị phạt tiền từ 7.000.000 đồng đến 15.000.000 đồng căn cứ tại điểm c khoản 4 Điều 23 Pháp lệnh 02/2022/UBTVQH15. Hơn nữa, cá nhân vi phạm có thể bị áp dụng hình phạt bổ sung tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính và thực hiện biện pháp khắc phục buộc thu hồi, nộp lại tư liệu, tài liệu, hình ảnh hoặc buộc nộp lại số lợi bất hợp pháp có được do thực hiện hành vi tại điểm c khoản 4 Điều 23 Pháp lệnh nêu trên.
Việc ghi âm được quy định khắt khe như vậy nhằm bảo quyền quyền con người, quyền riêng tư của người tham gia tố tụng, nhất là đối với những vụ án hình sự có tính chất phức tạp, nhạy cảm, có đối tượng dưới 16 tuổi… Hơn thế nữa, nếu người ghi âm với mục đích bất hợp pháp như trục lợi, cắt ghép nội dung phát tán lên mạng với mục đích chống đối chính quyền,… có thể để lại những hậu quả nghiêm trọng không những đối với các đối tượng tham gia tố tụng mà còn ảnh hưởng đến Cơ quan xét xử và Nhà nước.
Trao đổi về vấn đề này, Luật sư Trần Xuân Tiền, Trưởng văn phòng Luật sư Đồng Đội, Đoàn luật sư TP. Hà Nội cho biết, người Luật sư phải am hiểu pháp luật, tôn trọng pháp luật và nội quy phiên tòa. Vấn đề Luật sư ghi âm bài trình bày của mình tại phiên tòa có nhiều luồng ý kiến, trong đó có ý kiến cho rằng lời nói của Luật sư là quyền riêng tư và không ảnh hưởng đến quyền và lợi ích của người khác nên nhiều người cho rằng Luật sư được phép ghi âm tại phiên tòa.
Tuy nhiên, phần ghi âm phần trình bày chỉ là quan điểm, ý kiến riêng của Luật sư mang tính chất cá nhân, chưa được kiểm chứng nên nếu đăng lên mạng, truyền đạt đến cộng đồng thì sẽ vi phạm trách nhiệm tuyên truyền, phổ biến pháp luật đến cộng đồng của một Luật sư. Hơn thế nữa, ý kiến của Luật sư chưa chắc đã đúng sự thật và được Hội đồng xét xử công nhận, Hội đồng xét xử hoàn toàn có thể bác bỏ ý kiến của Luật sư tại phiên tòa. Theo đó, khi tham gia phiên tòa, quyết định cao nhất là của Hội đồng xét xử nên mọi người khi tham gia phải tôn trọng quyết định của Hội đồng xét xử.
Vậy nên mọi người khi tham gia phiên tòa có trách nhiệm tôn trọng quyết định của Hội đồng xét xử và người Luật sư phải thận trọng trong quá trình tham gia tố tụng, nhất là tố tụng hình sự.
Thêm vào đó, pháp luật cũng đưa ra lời cảnh báo đối với mọi người khi ghi âm tại phiên tòa mà không có sự đồng ý của Chủ tọa phiên tòa theo Pháp lệnh 02/2022/UBTVQH15. Vậy nên, khi có vi phạm xảy ra thì người vi phạm sẽ bị lập biên bản, thu hồi thiết bị,… đây là vi phạm quả tang. Tuy nhiên, trong trường hợp, sau khi kết thúc phiên tòa một khoảng thời gian thì đối tượng này mới xử dụng bản ghi âm này thì sẽ xử lý như thế nào, thời hiệu thời hạn trong việc xử lý ra sao thì chưa có quy định cụ thể. Vì vậy, pháp luật nên xem xét, bổ sung các quy định pháp luật để có thể bao quát các trường hợp trên thực tiễn và có những quy định cụ thể, rõ ràng để mọi người không nhầm lẫn.
Luật sư Tiền cũng đưa ra quan điểm, khi Luật sư muốn ghi âm lời trình bày của mình với mục đích làm tài liệu giảng dạy, lưu hành nội bộ không phát tán nên xin phép và có sự đồng ý của Chủ tọa phiên tòa hoặc làm đơn gửi thư ký phiên tòa trước khi phiên tòa diễn ra để bảo đảm được quyền riêng tư và quyền con người trong vụ án hình sự. Điều này không chỉ thể hiện sự chuyên nghiệp của một Luật sư trong quá trình tham gia tố tụng mà còn thể hiện thái độ tôn trọng pháp luật, tôn trọng những người tham gia tố tụng, thể hiện sự thận trọng của một Luật sư khi tham gia phiên tòa, nhất là đối với phiên tòa hình sự.
Thông tin liên hệ:
Văn phòng luật sư Đồng Đội: P2708, Tòa nhà VP3 Bán đảo Linh Đàm, Hoàng Liệt, Hoàng Mai, Hà Nội
Điện thoại: 0936.026.559 – Email: tranxuantien1964@gmail.com
Website: https://dongdoilaw.vn
Facebook: https://www.facebook.com/dongdoilaw
Youtube: https://www.youtube.com/c/VănphòngluậtsưĐồngĐội
Tiktok: https://www.tiktok.com/@vpls_dongd