Câu hỏi 1: Cho em hỏi là em đang sống và làm việc tại Hàn, đợt tháng 12 em có về làm căn cước công dân nhưng không làm được (lý do vì e sống ở hàn không về Việt Nam sinh sống nên CA họ không cấp làm cho, em vẫn còn quốc tịch Việt Nam)… Sang năm em về tính mua đất do mình đứng tên nên không có CCCD mình sử dụng hộ chiếu để đứng tên giấy tờ chủ quyền đất được không ạ.
Cảm ơn bạn đã gửi câu hỏi, chúng tôi xin trả lời như sau :
Thứ nhất, đối với vấn đề CCCD cho người Việt Nam định cư ở nước ngoài.
Căn cứ Điều 19 Luật căn cước công dân 2020 quy định về người được cấp thẻ Căn cước công dân (CCCD) và số thẻ CCCD như sau:
“ Điều 19. Người được cấp thẻ Căn cước công dân và số thẻ Căn cước công dân
- Công dân Việt Nam từ đủ 14 tuổi được cấp thẻ Căn cước công dân.
- Số thẻ Căn cước công dân là số định danh cá nhân”.
Căn cứ theo quy định này, thì công dân Việt Nam bao gồm cả người Việt Nam định cư ở nước ngoài vẫn còn quốc tịch Việt Nam đều có thể được cấp CCCD gắn chíp nếu đủ từ 14 tuổi trở lên và có mã định danh cá nhân. Người Việt Nam sinh sống, làm việc, cư trú lâu năm ở nước ngoài nhưng đảm bảo vẫn giữ quốc tịch Việt Nam, từ đủ 14 tuổi trở lên đều đủ điều kiện để cấp căn cước công dân gắn chíp. Trường hợp của bạn, do vẫn còn quốc tịch Việt Nam nên bạn hoàn toàn có thể được cấp căn cước công dân.
Thủ tục cấp CCCD được quy định tại Điều 22 Luật Căn cước công dân như sau:
Bước 1 : Điền tờ khai theo mẫu quy định
Trong trường hợp bạn chưa có thông tin trong cơ sở dữ liệu Quốc gia về dân dân cư thì xuất trình các giấy tờ hợp pháp về những thông tin cần ghi trong tờ khai theo mẫu quy định.
Bước 2 : Nộp hồ sơ cho cơ quan có thẩm quyền (quy định tại điều 26 Luật căn cước công dân 2020) gồm:
- Cơ quan quản lý căn cước công dân của Bộ Công an;
- Cơ quan quản lý căn cước công dân của Công an tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương;
- Cơ quan quản lý căn cước công dân của Công an huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh và đơn vị hành chính tương đương;
- Cơ quan quản lý căn cước công dân có thẩm quyền tổ chức làm thủ tục cấp thẻ Căn cước công dân tại xã, phường, thị trấn, cơ quan, đơn vị hoặc tại chỗ ở của công dân trong trường hợp cần thiết.
Bước 3 : Nhận thẻ CCCD
Trường hợp hồ sơ hợp lệ thì bạn sẽ được cơ quan có thẩm quyền cấp CCCD theo đúng thời hạn quy định tại Điều 25 Luật căn cước công dân 2020 như sau:
– Tại thành phố, thị xã không quá 07 ngày làm việc đối với trường hợp cấp mới và đổi; không quá 15 ngày làm việc đối với trường hợp cấp lại;
– Tại các huyện miền núi vùng cao, biên giới, hải đảo không quá 20 ngày làm việc đối với tất cả các trường hợp;
– Tại các khu vực còn lại không quá 15 ngày làm việc đối với tất cả các trường hợp;
– Theo lộ trình cải cách thủ tục hành chính, Bộ trưởng Bộ Công an quy định rút ngắn thời hạn cấp, đổi, cấp lại thẻ Căn cước công dân.
Về việc công an trả lời do bạn sinh sống ở Hàn Quốc nên không làm thủ tục cấp CCCD cho bạn là trái quy định. Do đó, bạn có quyền khiếu nại về hành vi không làm thủ tục cấp CCCD.
Thứ hai, đối với vấn đề sử dụng hộ chiếu để đứng tên trên GCNQSDĐ
Căn cứ theo Điều 9 Thông tư 24/2014/TT-BTNMT, hồ sơ nộp khi thực hiện thủ tục đăng ký biến động đất đai, tài sản gắn liền với đất (bao gồm cả thủ tục sang tên GCNQSDĐ như trường hợp của bạn) bao gồm:
- GCNQSDĐ (bản chính);
- Hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất (bản chính);
- Đơn đăng ký biến động đất đai (bản chính);
- Tờ khai thuế thu nhập cá nhân (bản chính);
- Tờ khai lệ phí trước bạ (bản chính);
- Tờ khai thuế phi nông nghiệp (bản chính);
- Giấy tờ tùy thân.
Trong đó, giấy tờ tùy thân bao gồm CCCD, CMND, Hộ chiếu, Giấy khai sinh, Sổ hộ khẩu…
Bên cạnh đó, Điều 5 Thông tư 23/2014/TT-BTNMT, sửa đổi bổ sung bởi Thông tư 33/2017/TT-BTNMT cũng quy định về việc ghi thông tin trên GCNQSDĐ đối với người Việt Nam định cư ở nước ngoài được sở hữu nhà ở theo quy định như sau: “Người Việt Nam định cư ở nước ngoài được sở hữu nhà ở tại Việt Nam, cá nhân nước ngoài được sở hữu nhà ở theo quy định thì ghi “Ông” (hoặc “Bà”), sau đó ghi họ tên, năm sinh, quốc tịch, giấy tờ nhân thân ghi “Hộ chiếu số:…, nơi cấp:…, năm cấp:…”; địa chỉ đăng ký thường trú của người đó ở Việt Nam (nếu có)”.
Do đó, căn cứ theo các quy định trên thì bạn có thể sử dụng hộ chiếu để làm thủ tục sang tên.
Câu hỏi 2: Bố mẹ tôi có 2 người con là tôi và anh trai. Năm 2017, bố mẹ tôi chết không để lại di chúc, ông bà có một căn nhà trên diện tích đất 400m2 tại phường K, quận B, thành phố H. Hiện nay, anh trai tôi đang quản lý, sử dụng nhà đất cha mẹ để lại và cho rằng căn nhà này do bố mẹ tôi để lại cho anh tôi. Tôi không đồng ý, muốn khởi kiện yêu cầu Tòa án chia di sản thừa kế của cha mẹ tôi. Vậy luật sư cho tôi hỏi, tôi nên nộp đơn khởi kiện tại Tòa án nào và trình tự thủ tục khởi kiện ra sao? Tôi hiện đang sinh sống tại quận A thành phố H, còn anh trai tôi có hộ khẩu thường trú tại huyện M, tỉnh N nhưng đang đăng ký tạm trú tại phường K, quận B, thành phố H.
Trả lời :
Đối với trường hợp của bạn, đây là tranh chấp về quyền thừa kế tài sản giữa bạn và anh trai bạn. Để giải quyết tranh chấp này, bạn cần nộp đơn khởi kiện đến Tòa án có thẩm quyền giải quyết. Cụ thể, thẩm quyền của Tòa án được xác định như sau:
Thứ nhất, về thẩm quyền theo vụ việc: Căn cứ vào khoản 5 điều 26 Bộ luật tố tụng dân sự 2015, Tòa án sẽ có thẩm quyền giải quyết trường hợp của bạn.
Thứ hai, về thẩm quyền theo cấp, Tòa án cấp huyện sẽ có thẩm quyền giải quyết theo quy định tại điểm a khoản 1 Điều 35 Bộ luật tố tụng dân sự 2015. Theo đó, Tòa án nhân dân cấp huyện có thẩm quyền giải quyết theo thủ tục sơ thẩm những tranh chấp sau đây:
“a) Tranh chấp về dân sự, hôn nhân và gia đình quy định tại Điều 26 và Điều 28 của Bộ luật này, trừ tranh chấp quy định tại khoản 7 Điều 26 của Bộ luật này;
…”
Thứ ba, thẩm quyền theo lãnh thổ sẽ được xác định căn cứ theo quy định tại khoản 1 Điều 39 Bộ luật tố tụng dân sự năm 2015. Theo đó, Tòa án có thẩm quyền là Tòa án nơi bị đơn cư trú, làm việc hoặc các đương sự có quyền tự thỏa thuận với nhau bằng văn bản yêu cầu Tòa án nơi cư trú, làm việc của nguyên đơn. Tuy nhiên, trong trường hợp của bạn đối tượng tranh chấp là bất động sản nên thẩm quyền giải quyết thuộc về Tòa án nơi có bất động sản (Tòa án quận B, thành phố H) căn cứ quy định tại điểm c Khoản 1 Điều 39 Bộ luật tố tụng dân sự 2015: “Đối tượng tranh chấp là bất động sản thì chỉ Tòa án nơi có bất động sản có thẩm quyền giải quyết.”
Đối với trình tự, thủ tục khởi kiện thực hiện như sau:
Bước 1: Chuẩn bị hồ sơ khởi kiện: đơn khởi kiện, tài liệu chứng cứ kèm theo
- Đơn khởi kiện được quy định tại Điều 189 Bộ luật tố tụng dân sự 2015 bao gồm các nội dung sau:
+ Ngày, tháng, năm làm đơn khởi kiện;
+ Tên Tòa án nhận đơn khởi kiện;
+ Tên, nơi cư trú, làm việc của người khởi kiện;
Trường hợp các bên thỏa thuận địa chỉ để Tòa án liên hệ thì ghi rõ địa chỉ đó;
+ Tên, nơi cư trú, làm việc của người bị kiện.
+ Tên, nơi cư trú, làm việc của người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan
+ Quyền, lợi ích hợp pháp của người khởi kiện bị xâm phạm; những vấn đề cụ thể yêu cầu Tòa án giải quyết đối với người bị kiện, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan;
+ Họ, tên, địa chỉ của người làm chứng (nếu có);
- Danh mục tài liệu, chứng cứ chứng minh quyền, lợi ích hợp pháp của người khởi kiện bị xâm phạm kèm theo đơn khởi kiện.
Trường hợp vì lý do khách quan mà người khởi kiện không thể nộp đầy đủ tài liệu, chứng cứ kèm theo đơn khởi kiện thì họ phải nộp tài liệu, chứng cứ hiện có để chứng minh quyền, lợi ích hợp pháp của người khởi kiện bị xâm phạm. Người khởi kiện bổ sung hoặc giao nộp bổ sung tài liệu, chứng cứ khác theo yêu cầu của Tòa án trong quá trình giải quyết vụ án.
- Bản sao có chứng thực GCNQSDĐ
Bước 2: Gửi đơn khởi kiện đến Tòa án
Căn cứ Điều 190 Bộ luật Tố tụng dân sự 2015, bạn có thể gửi đơn khởi kiện kèm theo tài liệu, chứng cứ mà mình hiện có đến Tòa án có thẩm quyền bằng một trong các phương thức sau đây:
+ Nộp trực tiếp tại Tòa án;
+ Gửi đến Tòa án theo đường dịch vụ bưu chính;
+ Gửi trực tuyến bằng hình thức điện tử qua Cổng thông tin điện tử của Tòa án (nếu có).
Câu hỏi 3 : Cháu tôi là Nguyễn Văn S bị TAND huyện Y xử phạt hai năm tù về tội cố ý gây thương tích. Tại phiên tòa, vị đại diện Viện Kiểm sát đề nghị với Hội đồng xử án xử phạt cháu tôi từ 2 – 3 năm tù nhưng cho hưởng án treo. Trong phần tranh luận trước Tòa, vị luật sư bào chữa của S cũng đã nêu lên hoàn cảnh (cháu mồ côi cả cha lẫn mẹ), nguyên nhân phạm tội của cháu và nêu các tình tiết giảm nhẹ cũng như đề nghị Tòa án xử phạt án treo. Cuối cùng, Tòa án vẫn xét xử 2 năm tù giam (cháu tôi lúc phạm tội chỉ mới 16 năm 2 tháng tuổi, lúc xét xử vừa đúng 16 tuổi rưỡi). Tôi là người giám hộ của S, muốn kháng cáo lên Tòa án cấp trên xét xử lại nhẹ hơn. Luật sư cho tôi hỏi, tôi có quyền kháng cáo bản án Tòa án huyện Y nêu trên không? Trình tự, thủ tục kháng cáo như thế nào?
Trả lời:
Thứ nhất, về vấn đề quyền kháng cáo.
Theo Khoản 1 Điều 331 Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 quy định: “bị cáo, bị hại, người đại diện của họ có quyền kháng cáo bản án hoặc quyết định sơ thẩm.”
Trong trường hợp của bạn, theo như thông tin bạn cung cấp, bạn là người giám hộ của cháu S (16 tuổi). Căn cứ theo quy định tại Thông tư liên tịch số 06/2018/TTLT-VKSNDTC-TANDTC-BCA-BTP-BLĐTBXH về thủ tục tố tụng đối với người dưới 18 tuổi, ngoài cha mẹ đẻ, cha mẹ nuôi, người do tòa án chỉ định thì người giám hộ có thể là người đại diện của người tham gia tố tụng dưới 18 tuổi (bị can, bị cáo, bị hại, người làm chứng). Bên cạnh đó, tại Điều 136 Bộ luật dân sự 2015 cũng quy định người đại diện theo pháp luật của cá nhân bao gồm người giám hộ đối với người được giám hộ. Như vậy, căn cứ vào những quy định trên, bạn có quyền kháng cáo bản án sơ thẩm chưa có hiệu lực pháp luật bởi bạn là người đại diện của S.
Tuy nhiên, bạn cũng cần chú ý về thời hạn kháng cáo quy định tại Điều 333 Bộ luật tố tụng hình sự 2015. Cụ thể, thời hạn kháng cáo với bản án sơ thẩm là 15 ngày kể từ ngày tuyên án. Đối với bị cáo, đương sự vắng mặt tại phiên tòa thì thời hạn kháng cáo tính từ ngày họ nhận được bản án hoặc ngày bản án được niêm yết theo quy định của pháp luật.
Do đó, bạn cần làm đơn kháng cáo gửi đến cơ quan có thẩm quyền trong vòng 15 ngày kể từ ngày tuyên án. Thời điểm bắt đầu thời hạn kháng cáo tính từ ngày tiếp theo của ngày tuyên án và thời điểm kết thúc thời hạn kháng cáo là 24h của ngày cuối cùng của thời hạn. Trường hợp ngày cuối cùng là thứ bảy, chủ nhật hoặc ngày nghỉ lễ thì ngày cuối cùng tính vào ngày làm việc đầu tiên tiếp theo ngày đó. Đối với trường hợp vắng mặt tại phiên tòa thì thời hạn 15 ngày tính từ ngày bạn nhận được bản án hoặc ngày bản án được niêm yết theo quy định.
Trong thời hạn trên mà bạn không làm đơn kháng cáo thì bạn sẽ bị mất quyền kháng cáo. Tuy nhiên, bạn có thể kháng cáo quá hạn nếu chứng minh được có lý do bất khả kháng hoặc do trở ngại khách quan mà bạn không thể thực hiện việc kháng cáo của mình trong thời hạn pháp luật quy định.
Thứ hai, về trình tự, thủ tục kháng cáo.
Bước 1: Nộp đơn kháng cáo đến Tòa án đã xét xử sơ thẩm. Đơn kháng cáo có các nội dung chính: Ngày, tháng, năm làm đơn kháng cáo; Họ tên, địa chỉ của người kháng cáo; Lý do và yêu cầu của người kháng cáo và Chữ ký hoặc điểm chỉ của người kháng cáo. Kèm với đơn kháng cáo, bạn phải nộp chứng cứ, tài liệu, đồ vật bổ sung (nếu có) để chứng minh tính có căn cứ của kháng cáo
Trong trường hợp kháng cáo quá hạn, người kháng cáo còn phải nộp bản tường trình về lý do kháng kháng cáo quá hạn tài liệu, chứng cứ kèm theo (nếu có).
Bước 2: Tiếp nhận, xử lý kháng cáo
Tòa án cấp sơ thẩm vào sổ tiếp nhận và kiểm tra tính hợp lệ của đơn kháng cáo. Trường hợp đơn kháng cáo hợp lệ thì Tòa án cấp sơ thẩm thông báo về việc kháng cáo cho bạn.
Trường hợp đơn kháng cáo hợp lệ nhưng nội dung kháng cáo chưa rõ thì Tòa án sẽ thông báo để bạn làm rõ nội dung đơn kháng cáo.
Thông tin liên hệ:
Văn phòng luật sư Đồng Đội: P2708, Tòa nhà VP3 Bán đảo Linh Đàm, Hoàng Liệt, Hoàng Mai, Hà Nội
Điện thoại: 0936.026.559 – Email: tranxuantien1964@gmail.com
Website: https://dongdoilaw.vn
Facebook: https://www.facebook.com/dongdoilaw
Youtube: https://www.youtube.com/c/VănphòngluậtsưĐồngĐội
Tiktok: https://www.tiktok.com/@vpls_dongdoi
Người viết: Minh Hạnh – Ngô Hiếu – Kim Ngân – Phương Hoa