Câu hỏi 1: Thưa Luật sư: Tôi đang làm cho một công ty lớn, điều này khiến tôi phải đi công tác rất nhiều nơi và đồng nghĩa với việc tôi thường xuyên thuê nhà nghỉ để ở lại qua đêm ở các nơi mà tôi đến. Tuy nhiên hầu hết các nhà nghỉ đều giữ căn cước công dân của khách. Vậy trường hợp này nhà nghỉ, khách sạn giữ căn cước của tôi có đúng pháp luật hay không?
Luật sư Trần Xuân Tiền, Trưởng Văn phòng luật sư Đồng Đội, Đoàn luật sư Thành phố Hà Nội trả lời câu hỏi của bạn như sau:
Hầu hết các cơ sở kinh doanh dịch vụ lưu trú hiện nay đều có tình trạng tạm giữ căn cước công dân hay chứng minh thư nhân dân của khách hàng vì sợ khách “bùng” tiền. Tuy nhiên, căn cứ quy định tại Khoản 9 Điều 7 Luật Căn cước công dân 2014, hành vi Thu hồi, tạm giữ thẻ căn cước công dân trái quy định của pháp luật là hành vi bị cấm. Theo đó, ngoài các trường hợp thu hồi, tạm giữ thẻ căn cước công dân theo quy định pháp luật như cơ quan thi hành lệnh tạm giữ, tạm giam; cơ quan thi hành án phạt tù, thi hành quyết định đưa vào trường giáo dưỡng, cơ sở giáo dục bắt buộc, cơ sở cai nghiện bắt buộc thì các hành vi thu hồi, tạm giữ thẻ căn cước công dân khác là trái pháp luật. Như vậy, việc các cơ sở kinh doanh dịch vụ lưu trú giữ căn cước công dân của khách là hành vi vi phạm pháp luật.
Bên cạnh đó, Khoản 2 Điều 44 Nghị định 96/2016/NĐ-CP cũng quy định: các cơ sở kinh doanh dịch vụ lưu trú có nghĩa vụ kiểm tra giấy tờ tùy thân của khách lưu trú, gồm một trong các loại giấy tờ sau: Chứng minh nhân dân/Căn cước công dân; Hộ chiếu; Thẻ thường trú hoặc Thẻ tạm trú (đối với người nước ngoài); Các loại giấy tờ có dán ảnh do cơ quan quản lý Nhà nước Việt Nam cấp (như Giấy phép lái xe…). Theo quy định này, khách thuê phòng phải có trách nhiệm cung cấp, xuất trình giấy tờ tùy thân để được kiểm tra. Và sau khi kiểm tra thông tin thì lễ tân, nhân viên nhà nghỉ, khách sạn phải trả lại giấy tờ tùy thân cho khách mà không có thẩm quyền giữ lại giấy tờ tùy thân của khách lưu trú.
Tuy nhiên, trên thực tế, dù biết hay không biết về quy định này thì các cơ sở kinh doanh dịch vụ lưu trú vẫn giữ giấy tờ tùy thân của khách lưu trú, để bảo đảm khách lưu trú thanh toán sau khi sử dụng dịch vụ. Hành vi này đã đi ngược lại với mục đích của việc kiểm tra giấy tờ tùy thân của khách, cụ thể là nhằm đảm bảo an ninh trật tự, phòng chống tệ nạn xã hội.
Do đó, với hành vi thu giữ căn cước công dân, chứng minh nhân dân của khách lưu trú, thì chủ khách sạn, nhà nghỉ có thể bị xử phạt vi phạm hành chính theo quy định tại điểm a khoản 2 Điều 10 Nghị định 144/2021/NĐ-CP. Cụ thể, người có hành vi chiếm đoạt, sử dụng giấy chứng minh nhân dân, thẻ căn cước công dân hoặc giấy xác nhận số chứng minh nhân dân của người khác có thể bị phạt tiền từ 1 – 2 triệu đồng. Ngoài ra, người có hành vi vi phạm trên còn phải buộc nộp lại giấy chứng minh nhân dân, chứng minh nhân dân, căn cước công dân, hoặc giấy xác nhận chứng minh nhân dân của người bị thu giữ.
Câu hỏi 2:Thưa Luật sư, nhà tôi có kinh doanh một vài nhà nghỉ, để đảm bảo khách trả tiền phòng thì tôi phải giữ chứng minh thư, căn cước công dân nhưng theo thông tin mới đây tôi được biết thì việc giữ CMND, CCCD là trái pháp luật. Vậy trong trường hợp này tôi phải làm gì để bảo vệ quyền lợi cho mình thưa Luật sư?
Vâng, đối với trường hợp của bạn là chủ cơ sở kinh doanh dịch vụ lưu trú, để tránh bị xử phạt vi phạm hành chính khi giữ chứng minh thư, căn cước công dân của khách lưu trú thì bạn có thể lựa chọn một trong các biện pháp sau để đảm bảo khách lưu trú thanh toán tiền phòng cho mình:
Thứ nhất, bạn có thể yêu cầu khách lưu trú nói rõ thời gian lưu trú và thanh toán trước tiền thuê phòng cho mình sau khi hoàn thành xong thủ tục đăng ký phòng tại quầy lễ tân. Khách chỉ cần phải làm thủ tục trả phòng khi đến lịch rời đi.
Thứ hai, trong trường hợp khách ở dài ngày nhưng chưa xác định được ngày rời đi thì chủ cơ sở kinh doanh dịch vụ lưu trú có thể yêu cầu khách đặt cọc trước một khoản tiền ít nhất bằng thời gian ước tính ở. Ví dụ, khách dự kiến lưu trú tại khách sạn khoảng 1 tuần, thì chủ khách sạn yêu cầu khách đặt cọc tiền thuê tương ứng với thời gian dự kiến. Hết thời gian này, nếu khách vẫn có nhu cầu ở lại và xác định chính xác ngày lưu trú thì thanh toán tiền thuê phòng trong thời gian sau hoặc tiếp tục đặt cọc khi không xác định được ngày rời đi. Ngược lại, trường hợp, khách rời đi khi chưa hết hạn đặt cọc thì chủ cơ sở phải hoàn lại số tiền đã đặt cọc cho khách sau khi trừ đi chi phí lưu trú. Việc đặt cọc phải được ghi vào sổ của khách sạn kèm chữ ký của khách hàng và người chịu trách nhiệm của ca làm việc tại nơi mà khách lưu trú.
Thông tin liên hệ:
Văn phòng luật sư Đồng Đội: P2708, Tòa nhà VP3 Bán đảo Linh Đàm, Hoàng Liệt, Hoàng Mai, Hà Nội.
Điện thoại: 0936.026.559 – Email: tranxuantien1964@gmail.com
Website: https://dongdoilaw.vn
Facebook: https://www.facebook.com/dongdoilaw
Youtube: https://www.youtube.com/c/VănphòngluậtsưĐồngĐội
Tiktok: https://www.tiktok.com/@vpls_dongdoi