“Án hành chính gian nan nhưng không ít vinh quang”
Hơn 10 năm qua, tôi đã tham gia giải quyết án ở nhiều phiên tòa, ở nhiều cấp độ khác nhau. Mỗi vụ án đều mang lại cho tôi thêm nhiều kinh nghiệm quí, có thêm bản lĩnh để đối mặt với các cá nhân, tổ chức bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho những khách hàng của mình tránh xung đột mẫu thuẫn xấu cho xã hội
Nhớ có lần, sau một phiên xét xử đầy căng thẳng tại Tòa cấp cao, khi tôi đang chuẩn bị ra về thì có một người đàn ông đứng tuổi chạy lại phía tôi và nói: “Luật sư ơi! Luật sư giúp mẹ tôi với!” Nhận thấy sự tha thiết của anh, tôi đồng ý cho số điện thoại để liên lạc, trao đổi vấn đề. Không ngờ, ngay sau đó, gần trưa, gia đình anh đã tìm đến văn phòng, nhờ luật sư tham gia bảo vệ quyền lợi cho mẹ anh tại phiên tòa cấp cao sắp tới.
Qua trao đổi thông tin sơ bộ, chúng tôi tiến hành ký hợp đồng luật sư, cam kết hỗ trợ khách hàng trong suốt quá trình tham gia tố tụng với mức chi phí thấp tuỳ tâm gia đình đề xuất lấy phí mang tính tượng trưng giúp đỡ. Khách hàng của tôi lần này khá đặc biệt, đó là một cụ già gần 90 tuổi. Tuổi cao, bị tai biến phải ngồi xe lăn nhưng cụ lại khá khó tính, mạnh mẽ, và rất cương quyết trong việc chỉ đạo cho con cháu liên hệ luật sư, trao đổi các vấn đề pháp luật đất đai.
Để hiểu hơn về khách hàng, để nắm rõ hơn thông tin vụ việc, tôi cùng luật sư cộng sự của mình đến tận nhà riêng của bà để trực tiếp nghe bà chia sẻ. Được nhìn tận mắt, nghe tận tai những bức xúc, trăn trở của bà cụ gần 20 năm miệt mài đi tìm công lý, tôi rất xúc động và càng có thêm quyết tâm để đòi lại công bằng cho bà, quyết lấy lại niềm tin vào pháp luật cho những người dân nghèo khó.
Dưới đây là diễn biến vụ việc và sự tham gia, hỗ trợ của luật sư Văn phòng luật sư Đồng Đội cho khách hàng:
Năm 1982, do hoàn cảnh khó khăn, bố đẻ đã cắt cho bà Trần Thị S 36 m2 đất ở. Sau đó, vì nhà đông con, diện tích sinh hoạt chật chội, ông lại tiếp tục cắt thêm cho bà S 77 m2 liền với 36 m2 cho trước đó và chạy dài về phía sau. Tổng cộng diện tích đất của bà S được xác định là 113 m2.
Năm 2004, bà S được UBND phường cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (GCNQSDĐ) với diện tích 113 m2. Tuy nhiên, UBND phường đã không giao GCNQSDĐ đó cho gia đình bà.
Ngày 03/01/2011, bà S đã làm đơn yêu cầu UBND phường trả GCNQSDĐ cho mình nhưng không được trả và được ông Phó chủ tịch UBND phường xác nhận vào đơn của là “thửa đất vướng quy hoạch nên tạm chưa giao cho gia đình”.
Ngày 11/01/2016 (sau 12 năm UBND phường giữ GCNQSDĐ) thì Quyết định về việc thu hồi GCNQSDĐ của hộ gia đình bà S được ban hành với lý do: Đất nằm trong phạm vi quy hoạch chợ – phường LHP. Nhưng tận 30 tháng sau, tức là vào ngày 20/7/2018, bà S mới nhận được quyết định này.
Để đòi lại quyền lợi cho bản thân, bà S đã khởi kiện Chủ tịch UBND thành phố PL, đề nghị TAND tỉnh HN tuyên hủy Quyết định thu hồi GCNQSDĐ được ban hành bởi UBND thành phố PL, yêu cầu cơ quan này trả lại GCNQSD mang tên bà.
Việc cấp GCNQSDĐ là đúng và phù hợp với quy định hiện hành
Qua trao đổi với khách hàng, qua việc nghiên cứu, hồ sơ, tài liệu, Luật sư nhận thấy GCNQSDĐ được cấp vào năm 2004 là đúng và phù hợp với quy định hiện hành. Cụ thể, từ năm 1982, diện tích đất của bà S đã nằm trong quy hoạch chợ, nhưng 22 năm sau (năm 2004), thời điểm cấp GCNQSDĐ cho bà S diện tích đất này vẫn chưa được thu hồi để triển khai dự án dẫn đến tiến độ thực hiện dự án đã không còn đủ, không còn đáp ứng quy định pháp luật. Thêm vào đó, căn cứ theo khoản 1 Điều 48 NĐ 181/2004/NĐ-CP, dù đất đang nằm trong quy hoạch mà chưa có quyết định thu hồi thì vẫn được cấp GCNQSDĐ. Đây chính là nguyên tắc mà Nhà nước đặt ra để đảm bảo quyền cho người dân có đất đã sử dụng ổn định, lâu dài. Quyền của người sử dụng đất khi đất trong quy hoạch nhưng chưa triển khai thu hồi cũng được quy định cụ thể tại khoản 2 Điều 29 Luật Đất đai 2003.
Đối với việc UBND thành phố PL cho rằng bà S chỉ sử dụng hợp pháp 36 m2 đất còn 77 m2 đất là lấn chiếm đất chợ thuộc quản lý của UBND xã nên yêu cầu gia đình bà phải nộp số tiền gần 17 triệu đồng là hoàn toàn không có cơ sở. Bởi, tại bản di chúc đề ngày 20/8/1984, cụ G (bố đẻ bà S) đã cho bà 77 m2 đất để bà ổn định cuộc sống. Diện tích này là hoàn toàn trùng khớp với diện tích bà đang sử dụng mà không hề có hành vi lấn chiếm thêm diện tích khu vực khác.
UBND phường đã sai sót khi căn cứ vào bản đồ địa chính năm 1995 để xác định diện tích 77 m2 là đất do bà S lấn chiếm bởi bà đã ở trên thửa đất này từ 1984. Hơn nữa, UBND phường chỉ công nhận 36 m2 đất mà bà S sử dụng từ 1982 mà không công nhận 77 m2 đất có cùng nguồn gốc từ cụ G (sử dụng sau đó 2 năm) là vô lí.
Căn cứ theo điểm c khoản 1 Điều 50 Luật Đất đai 2003, hộ gia đình, cá nhân đang sử dụng đất ổn định có giấy tờ hợp pháp về thừa kế đối với diện tích đất này thì được cấp GCNQSDĐ và không phải nộp tiền sử dụng đất. Đồng thời, theo khoản 6 Điều 12 NĐ 198/2004/NĐ-CP về thu tiền sử dụng đất thì hộ bà S thuộc trường hợp được miễn nộp tiền sử dụng đất. Như vậy bà S không có nghĩa vụ, không có trách nhiệm phải nộp số tiền 16.940.000 đồng mà UBND thành phố PL yêu cầu.
Thêm vào đó, nội dung mà đại diện của UBND thành phố PL thừa nhận tại biên bản phiên tòa sơ thẩm đã cho thấy cơ quan này không có cơ sở, không có niềm tin trong việc xác định 77 m2 đất của bà S là đất do UBND xã quản lý.
UBND thành phố PL giữ GCNQSDĐ trái quy định pháp luật
UBND thành phố PL giữ GCNQSDĐ của bà S với lý do đất của bà nằm trong quy hoạch và bà không thực hiện nghĩa vụ tài chính. Tuy nhiên, với những phân tích ở trên và căn cứ theo các quy định tại Điều 5, Điều 6 Luật Đất đai 2003, Điều 13 Luật Đất đai 2013, thấy rằng không có bất cứ quy định nào cho phép UBND thành phố PL có quyền giữ GCNQSDĐ của người dân. Hành vi này đã cản trở, hạn chế các quyền cơ bản của người sử dụng đất quy định tại Điều 105, Điều 106 Luật Đất đai 2003, Điều 166, Điều 167 Luật Đất đai 2013.
Hành vi của UBND thành phố PL là hành vi trái luật, vi phạm quy định tại khoản 8 Điều 12 Luật Đất đai năm 2013 về “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn để làm trái quy định về quản lý đất đai.”
Mặt khác, trong quá trình giải quyết vụ án, UBND thành phố nhận thấy việc ban hành Quyết định thu hồi GCNQSDĐ có sai sót nên ngày 20/8/2019 đã ban hành Quyết định mới có nội dung hủy bỏ Quyết định này, cho nên GCNQSDĐ đó vẫn còn tồn tại và có hiệu lực, UBND thành phố cần phải trả lại cho bà S.
Tại phiên tòa sơ thẩm, bà S cùng người đại diện theo ủy quyền, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đều nhất trí nội dung của Quyết định được ban hành bởi UBND thành phố PL về việc hủy bỏ Quyết định thu hồi GCNQSDĐ và yêu cầu HĐXX buộc UBND thành phố trả GCNQSDĐ cho gia đình bà theo quy định pháp luật.
Tòa sơ thẩm xét xử thiếu khách quan, mắc sai lầm nghiêm trọng trong quá trình giải quyết vụ án
Tuy nhiên, vì những vi phạm, thiếu sót nghiêm trọng trong quá trình tiến hành tố tụng của TA cấp sơ thẩm tỉnh HN, dẫn đến quyền và lợi ích hợp pháp của bà S không được nhanh chóng giải quyết. Cụ thể:
– GCNQSDĐ, hồ sơ liên quan đến việc cấp GCN, hồ sơ địa chính, bản đồ địa chính,… là những tài liệu rất quan trọng để chứng minh nguồn gốc thửa đất, nghĩa vụ tài chính của bà S và trách nhiệm của UBND thành phố PL trong việc giao trả GCNQSDĐ cho bà S. Tuy nhiên, Tòa án cấp sơ thẩm đã mắc sai lầm nghiêm trọng khi không thu thập đầy đủ hồ sơ, tài liệu liên quan đến vụ án nhưng lại đem vụ án ra xét xử dẫn đến có những nhận định, đánh giá không chính xác, thiếu khách quan, xâm phạm quyền và lợi ích hợp pháp của bà S và gia đình.
– Tòa án sơ thẩm đã không có căn cứ, không trích dẫn quy định pháp luật được áp dụng khi nhận định: (1) hành vi giữ giấy chứng nhận của UBND thành phố là PL là đúng; (2) Việc UBND thành phố PL cấp GCNQSDĐ cho bà S vào năm 2004 là trái quy định khi đất đang nằm trong quy hoạch, bà S không nộp tiền sử dụng đất. Việc giải quyết không có căn cứ của Tòa án cấp sơ thẩm khiến đương sự, những người theo dõi vụ án thấy rằng Tòa xét xử không công bằng, không tôn trọng sự thật khách quan của vụ án, có dấu hiệu bao che cho sai phạm của UBND thành phố PL.
Không đồng ý với quyết định của Tòa án sơ thẩm, Văn phòng luật sư Đồng Đội đã hỗ trợ bà S kháng cáo toàn bộ bản án sơ thẩm, đề nghị sửa án sơ thẩm: chấp nhận yêu cầu khởi kiện của bà S, buộc UBND thành phố PL trả lại GCNQSDĐ cho bà S.
Công lý đã được thực thi
Trong quá trình chuẩn bị xét xử phúc thẩm, chúng tôi đã gửi nhiều kiến nghị đến Tòa án để những người tiến hành tố tụng nghiên cứu, xem xét vụ án một cách kỹ lưỡng, công tâm, đúng pháp luật. Mặc dù tình hình dịch bệnh Covid – 19 vẫn diễn biến phức tạp nhưng TAND cấp cao tại Hà Nội đã sớm đưa vụ án ra xét xử phúc thẩm vào ngày 07/7/2021, góp phần giải tỏa những lo lắng cho bà S bấy lâu nay.
Tôi cùng Luật sư Thái Phương Quế đã tham gia tố tụng tại phiên tòa phúc thẩm với tư cách là người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho bà S.
Vào đầu thủ tục khai mạc phiên toà, lo lắng cho tình hình sức khỏe của bà cụ, Luật sư đã đề nghị Hội đồng xét xử ưu tiên cho bà ngồi trình bày và đã được Hội đồng xét xử chấp nhận. Nếu như ở phiên tòa cấp sơ thẩm, thân chủ của tôi bị gây khó dễ, bị cắt, ngắt, cấm nói lên những tâm tư, nguyện vọng của bản thân thì trong phiên phúc thẩm, khi nghe Luật sư đề nghị, Hội đồng xét xử đã công tâm, thấu hiểu để cho bà S được bày tỏ quan điểm trước Tòa. Đồng thời, đây cũng là cơ hội để Luật sư có thêm một lần được lắng nghe lại các tình tiết của vụ án, hiểu hơn về khách hàng, đặc biệt là có thể phát hiện và bổ sung thêm những lập luận mới để bảo vệ cho thân chủ của mình.
Với những nỗ lực đấu tranh bền bỉ của luật sư cùng niềm tin của khách hàng, công lý đã được thực thi khi phiên tòa phúc thẩm ngày 07/7/2021, TAND cấp cao thành phố HN đã chấp nhận toàn bộ kháng cáo, ra quyết định buộc UBND thành phố PL trả lại GCNQSDĐ cho bà S.
Với những đánh giá, nhìn nhận vô cùng khách quan, cùng sự cảm thông trước ý chí, tinh thần kiên trì đi tìm công lý của một bà cụ đã 86 tuổi gần 20 năm trời lặn lội ngược xuôi để đấu tranh đòi lại quyền lợi chính đáng của bản thân, HĐXX, KSV phiên tòa phúc thẩm đã chỉ ra những sai phạm của UBND thành phố PL, kịp thời giải quyết vụ án để đem lại công lý cho người dân nghèo “thấp cổ bé họng”.
Nhìn gương mặt khắc khổ của bà cụ ánh lên niềm vui, những người có mặt tại phiên tòa đều không khỏi xúc động. Dù cho cơ quan công quyền có vô cảm, thiếu trách nhiệm, liên tục cản trở, gây khó dễ, vắng mặt, không hợp tác trong suốt các cấp xét xử khiến cho quá trình giải quyết vụ án kéo dài nhưng cuối cùng, chính niềm tin vào pháp luật, vào luật sư của người dân đã mang đến thắng lợi.
Đâu đó trên khắp dải đất chữ S này vẫn còn nhiều những cụ ông, cụ bà tuổi cao, sức khỏe yếu đang ngày đêm đấu tranh, đòi lại quyền lợi hợp pháp của mình đã bị xâm phạm bởi các cá nhân, cơ quan nhà nước làm việc trái chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng, trái đạo đức, tác phong của một người cán bộ.
Nếu các cá nhân, cơ quan này không nhanh chóng tự kiểm điểm, rút kinh nghiệm, không chịu thay đổi bản thân, thay đổi văn hóa làm việc, không có sự tôn trọng, không lắng nghe người dân thì sẽ còn thêm nhiều nữa những vi phạm được đưa ra xét xử.
Thêm một vụ án hành chính được khép lại với sự thắng lợi, công lý thuộc về người dân nghèo, tôi lại có thể ghi thêm những gạch đầu dòng cho cuốn sách hành nghề luật sư của mình. Và, đặc biệt là càng có thêm niềm tin, sức mạnh và quyết tâm để đồng hành cùng người dân trong những vụ án hành chính sắp tới.
Tháng 7/2021