Cách mạng công nghiệp lần thứ tư (còn gọi là Công nghiệp 4.0) là cuộc cách mạng tập trung vào công nghệ kỹ thuật số, là sự hội tụ của nhiều công nghệ mới, như: dữ liệu lớn, điện toán đám mây, Internet vạn vật – IOT, blockchain – Chuỗi khối, Trí tuệ nhân tạo AI, mạng không dây 5G. Công nghệ mới cho phép con người xử lý khối lượng công việc lớn và đưa ra quyết định nhanh chóng, thông minh hơn. Công nghiệp 4.0 cung cấp cách tiếp cận liên kết và toàn diện hơn, giúp truy cập tốt hơn giữa các bộ phận, đối tác, nhà cung cấp, sản phẩm và con người. Công nghiệp 4.0 đã giúp con người tận dụng dữ liệu tức thời để tăng năng suất, cải thiện quy trình và thúc đẩy tăng trưởng, làm cho mọi mặt của đời sống xã hội thay đổi nhanh chóng và trong tương lai, công nghiệp 4.0 dự kiến sẽ còn phát triển mạnh mẽ hơn nữa.
Toàn bộ các lĩnh vực của đời sống, kinh tế, chính trị, xã hội đều chịu sự tác động mạnh mẽ của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4, thì đồng nghĩa, nghề Luật đang đứng trước những cô hội và thách thức lớn. Vậy thì Luật sư làm gì và làm thế nào để hành nghề trong cuộc cách mạng này?
1. Luật sư cần nhận thức rõ thách thức mà nghề luật đang phải đối mặt
– Hiện nay Việt Nam hiện có khoảng hơn 13.000 Luật sư đang hành nghề; khoảng 5.000 người đang tập sự trong nghề Luật sư và hơn 4.000 tổ chức hành nghề Luật sư, con số này đang liên tục tăng ngày càng nhanh. Điều này nói lên rằng, các Luật sư đối mặt với sự cạnh tranh không nhỏ, và sự đào thải gắt gao nếu không đáp ứng được với yêu cầu của nghề nghiệp. Một thực tế cho thấy rằng, các cử nhân Luật ra trường thì số người theo nghề luật sư rất ít. Thậm chí đã có chứng chỉ hành nghề luật sư nhưng trong số này thì những Luật sư thực thực hành nghề chiếm tỷ lệ thấp.
Cạnh tranh là điều tất yếu trong mọi ngành nghề, mọi lĩnh vực chưa không riêng gì nghề Luật sư. Nhưng với tâm thế của người hiểu biết pháp luật, người có vị trí cao trong xã hội, việc cạnh tranh trong nghề Luật sư phải là sự cạnh tranh lành mạnh, cạnh tranh bằng trí tuệ, bằng tài năng, bằng tâm huyết của người làm nghề, để sao cho đem lại được nhiều giá trị cho xã hội, góp phần bảo vệ công lý, công bằng và lẽ phải.
– Không chỉ cạnh tranh với đồng nghiệp, Luật sư đang phải cạnh tranh với trí tuệ nhân tạo. Viễn cảnh trí tuệ nhân tạo AI sẽ thay thế hoàn toàn Luật sư còn rất xa vời, nhưng sự phát triển của trí tuệ nhân tạo AI trong lĩnh vực cung cấp dịch vụ pháp lý cùng với những ưu điểm vượt trội (dữ liệu lớn, tốc độ tra cứu quy định pháp luật chuẩn xác, nhanh chóng, khả năng dự liệu rủi ro pháp lý toàn diện, chi phí pháp lý thấp và được công khai chi tiết…) đang tạo nên một áp lực cạnh tranh ngày càng lớn đối với những người hành nghề Luật sư truyền thống.
– Chỉ cần 1 cú click chuột là mọi vấn đề liên quan đến luật pháp được hiện thị đầy đủ và chi tiết. Đây được coi là “nguy cơ” cho nghề Luật sư. Với công nghệ thông tin phát triển mạnh mẽ, các vấn đề về pháp lý được chia sẻ rộng rãi trên Internet. Khách hàng có thể tìm hiểu mọi thông tin và kinh nghiệm giải quyết các tình huống pháp lý trên các trang
web, trên các trang mạng xã hội, các hội nhóm facebook, zalo … Vì vậy Luật sư, nhất là Luật sư tư vấn phải đảm bảo rằng mình là kênh tham vấn ưu việt nhất, chính xác nhất so với các công cụ còn lại thì mới có chỗ đứng, “canh tranh” với các công cụ tra cứu và tìm kiếm trên nền tảng internet và các ứng dụng công nghệ.
– Nhiều quan hệ pháp luật mới, nhiều hình thức giao dịch mới, và phát sinh nhiều dạng tranh chấp mới, đặt ra thách thức cho luật sự trong cách tư duy pháp lý, ứng dụng pháp luật vào giải quyết vấn đề khi bảo vệ khách hàng của mình. Luật sư phải không ngừng cập nhật thông tin để có thể tư vấn cho khách hàng và xử lý tình huống. Luật sư cần có chuyên môn sâu, có trình độ ngoại ngữ, có kinh nghiệm trong việc tư vấn pháp lý, giải quyết các vụ việc tranh chấp mang tính quốc tế.
2. Luật sư phải thích nghi và hành động ngay
– Nâng cao năng lực toàn diện nhưng cần chuyên môn hóa lĩnh vực hành nghề
Nghề Luật sư rất đặc thù, người hành nghề không chỉ phải giỏi về chuyên môn luật mà còn phải giỏi về tâm lý học, giỏi về kiến thức xã hội, giỏi thuyết trình, hùng biện, nhạy bén, tự tin và quyết đoán … Đứng trước sự nhanh nhạy và phát triển như vũ bão của công nghệ 4.0 thì việc luật sư phải nâng cao năng lực một cách toàn diện là yêu cầu bắt buộc, phát huy những phẩm chất chỉ có ở con người mà máy móc, hay trí tuệ nhân tạo không thể thay thể được, và chỉ có như vậy mới cạnh tranh được với trí tuệ nhân tạo.
Trí tuệ nhân tạo giúp tự động hoá, tin học hoá một số công việc buộc luật sư phải tập trung vào giá trị gia tăng của mình; làm thay đổi cấu trúc văn phòng luật; điều chỉnh lại thù lao vì hiện nay các công ty công nghệ pháp lý (Legaltech) công khai chi phí trên internet. Tin học hoá, tự động hoá và ứng dụng trí tuệ nhân tạo sẽ dẫn tới xu hướng chuyên môn hoá nghề luật sư. Trước đây, luật sư thường hành nghề trong nhiều lĩnh vực khác nhau thì nay với sự phát triển của các ứng dụng trí tuệ nhân tạo sẽ cho phép khách hàng có được câu trả lời cho các vấn đề pháp lý gần như ngay lập tức với một chi phí thấp hơn so với việc tham vấn Luật sư. Điều này buộc luật sư phải đầu tư vào một lĩnh vực chuyên môn sâu, để nhanh chóng giải quyết được tình huống pháp lý đặt ra và cũng là cách để nâng cao giá trị gia tăng của nghề nghiệp.
– Ứng dụng công nghệ và các kết quả của việc chuyển đổi số
Luật sư sử dụng công cụ tìm kiếm, số hóa giúp để nhanh chóng tìm kiếm, sàng lọc tài liệu. Trước hàng ngàn văn bản luật và án lệ nếu Luật sư không biết sử dụng công cụ tìm kiếm thì khó mà hoàn thành công việc
Việc việc công bố bản án, quyết định trên Cổng thông tin điện tử của Tòa án đã có tác động lớn tới giới Luật sư. Việc này không chỉ giúp cho Luật sư tìm kiếm, xem trực tiếp nội dung các bản án, quyết định đã công bố thuộc các lĩnh vực liên quan, các án lệ được áp dụng.
Không chỉ thông tin về bản án, quyết định của tòa án và các thông tin khác trên mọi lĩnh vực đều dễ dàng thu thập đã tạo thuận lợi to lớn cho hoạt động của Luật sư trong giải
quyết tranh chấp, bào chữa, thực hiện thủ tục hành chính, soạn thảo hợp đồng, tư vấn pháp luật …
Sự phát triển của hoạt động trực tuyến và những bước tiến mới được tạo ra trong cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đã làm thay đổi cách giao tiếp và xử lý nghiệp vụ từ trực tiếp sang tương tác, giao tiếp điện tử. Các tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân có nhiều phương thức tiện lợi hơn để liên hệ với Luật sư thay vì phải đến gặp trực tiếp như: email, mạng xã hội, trang web của tổ chức hành nghề Luật sư… Vì vậy, phạm vi giao tiếp với khách hàng của Luật sư không còn bị giới hạn bởi khoảng cách về địa lý, không gian. Trên thế giới và ở Việt Nam, đã xuất hiện nhiều phương thức giải quyết tranh chấp trực tuyến được thực hiện thông qua nền tảng số, internet… Như vậy, với công nghệ 4.0 hoạt động hành nghề Luật sư không còn bị cản trở bởi khái niệm khoảng cách, biên giới hay lãnh thổ.
– Ứng dụng trí tuệ nhân tạo
Trí tuệ nhân tạo vừa là thách thức nhưng cũng là cơ hội cho Luật sư, với những ai nhanh chóng thích nghi thì các công cụ sử dụng trí tuệ nhân tạo có thể giúp luật sư làm việc nhanh hơn gấp nhiều lần. Nhờ công cụ tìm kiếm, mà luật sư nhanh chóng tìm được văn bản phù hợp nhất, thay vì phải mất thời gian để tra cứu thì giờ chỉ tập trung để phân tích sâu tài liệu liên quan đến vụ việc.
Các công cụ tin học sử dụng trí tuệ nhân tạo sẽ tác động mạnh mẽ tới nghề luật. Việc tự động hoá, robot hoá các công việc lặp đi lặp lại sẽ giúp giảm nhân sự ở các văn phòng luật để dành thời gian cho việc thu thập và phân tích tài liệu, tập trung thời gian và trí tuệ cho những công việc có giá trị gia tăng cao.
– Đẩy mạnh marketing
Chưa bao giờ mà các công cụ marketing lại đa dạng và dễ tiếp cận như thời Công nghệ 4.0. Luật sư cần nhận thức rằng, nghề luật cũng phải thực hiện marketing để tiếp cận khách hàng, để quảng bá dịch vụ, quảng bá thương hiệu như tất cả các ngành nghề khác. Hiện nay có rất nhiều phương thức marketing mới, sử dụng công nghệ mới, kênh truyền thông quảng bá mới, nếu luật sư không tận dụng, không thích nghi, vẫn làm theo phương cách cũ thì khó tiếp cận được khách hàng mới.
– Xây dựng thương hiệu cá nhân
Trong thời đại công nghệ 4.0, chỉ với 1 chiếc điện thoại có kết nối internet là một cá nhân đã có thể giới thiệu mình đến với cả thế giới. Vậy thì tại sao luật sư không tận dụng điều này để nhiều người biết đến mình, từ đó mà khách hàng sẽ tìm đến để sử dụng dịch vụ.
Luật sư cũng có thể trở thành người của công chúng trên các trang mạng xã hội như facebook, tiktok … với hàng triệu lượt người theo dõi.
Nhưng với số lượng luật sư hàng năm mỗi đông, thì việc một luật sư giành được vị trí trong lòng khách hàng không đơn giản. Vì vậy, mỗi Luật sư cần đầu tư một cách nghiêm túc cho thương hiệu cá nhân của mình bằng cách không ngừng nâng cao năng lực bản thân, phẩm chất đạo đức, gây ấn tượng và tạo sự khác biệt. Cộng với việc ứng dụng công nghệ thì việc thương hiệu cá nhân luật sư được quảng bá rộng rãi không còn là việc khó.
Đến thời điểm này mà luật sư không sự dụng các trang mạng xã hội như facebok, zalo, tiktok để quảng bá thương hiệu cá nhân thì sẽ là một sự lạc hậu và thiếu sót.
3. Quản trị Tổ chức hành nghề luật sư trong thời đại 4.0
Nền kinh tế số thì vai trò của công nghệ là yếu tố then chốt trong định hướng phát triển. Đứng trước cuộc cách mạng công nghệ số không chỉ cá nhân mỗi Luật sư phải đổi mới, thích nghi, mà các tổ chức hành nghề luật sư cũng không ngừng phải đổi mới và ứng dụng công nghệ 4.0.
– Chuẩn hóa quy trình, biểu mẫu và số hóa trong quản trị
Hiện nay, ở hầu hết các lĩnh vực sản xuất, dịch vụ khác đều đã bắt nhịp với việc chuẩn hóa quy trình làm việc và số hóa doanh nghiệp thì hầu hết các TCHNLS vẫn còn hoạt động theo lối cũ, tự phát và manh mún, điều đó làm cho nghề luật nói chung trở nên lạc hậu và thiếu chuyên nghiệp. Vì vậy, chuẩn hóa quy trình và số hóa yêu cầu bức thiết đối với TCHNLS.
TCHNLS cần có một quy trình chuẩn từ việc tiếp cận khách hàng, báo giá, chăm sóc, tư vấn, ký hợp đồng và thực hiện dịch vụ … để tối ưu được mọi nguồn lực, tăng hiệu quả công việc, tạo ra được nhiều giá trị và lấy được niềm tin với khách hàng.
Song song với việc chuẩn hóa quy trình thì việc xây dựng hệ thống biểu mẫu văn bản áp dụng trong quản trị và xử lý công việc cũng là công việc hết sức quan trọng, góp phần không nhỏ vào tăng hiệu suất công việc, tạo nên sự thống nhất và chuyên nghiệp trong TCHNLS.
Cùng với việc chuẩn hóa quy trình, biểu mẫu thì việc số hóa trong trong quản trị TCHNLS trở thành công cụ không thể thiếu nếu muốn nâng cao hiệu quả công việc, và không bị lạc hậu. Công tác điều hành tổ chức, quản lý giấy tờ, biều mẫu, tài liệu, hồ sơ, … đều phải được định dạng kỹ thuật số và sử dụng công nghệ chuyển đổi số để quản lý, lưu trữ nhằm đảm bảo an toàn, bảo mật và được lưu trữ dài lâu, thuận lợi trong việc tra cứu và sử dụng.
– Đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ nhân sự, giao lưu kết nối giữa các TCHNLS
Nếu như các ngành nghề khác, doanh nghiệp rất chú trọng việc đào tạo bồi dưỡng đội ngũ nhân sự của họ, thì nhìn chung nghề luật sư có rất ít TCHNLS thực hiện việc này. Các luật sư muốn có kinh nghiệm, muốn hành nghề giỏi đã phải tự mày mò, từ học hỏi và đúc rút từ công việc chính mình thực hiện, mà hầu như ít được sự đào tạo một cách bài bản, có chủ trương của TCHNLS mà họ đang làm việc.
Thực tế cũng cho thấy rằng, ở Việt nam, trong khi các ngành nghề khác luôn có sự liên thông, liên kết giữa các doanh nghiệp để có thể giao lưu, học hỏi lẫn nhau, tổ chức các hội thảo để trao đổi kinh nghiệm thì nghề Luật sư lại không có việc này. Mãi đến vài năm gần đây thì mới bắt đầu xuất hiện một vài hội nhóm, một vài hình thức giao lưu, kết nối để trao đổi kinh nghiệm, nhưng vẫn là các nhóm nhỏ và mức độ chia sẻ kinh nghiệm rất hạn chế.
Mỗi luật sư thường mất ít nhất 5-10 năm, thậm chí dài hơn thế để hành nghề liên tục mới có thể tự tin với kinh nghiệm của mình, trong khi các lĩnh vực khác, kể cả bác sĩ thì họ mất ít thời gian hơn để vững tay nghề cũng như tiếp thu, học hỏi được những kinh nghiệm quý báu từ những người đi trước.
Chính vì những nguyên nhân trên đã làm cho nghề luật sư nói chung và cá nhân từng Luật sư nói riêng ở Việt Nam chậm phát triển, không chỉ chậm về chuyên môn, chậm về kỹ năng mà còn chậm trong công cuộc ứng dụng công nghệ vào giải quyết công việc.
TCHNLS muốn nâng cao năng lực cạnh tranh thì phải xây dựng được đội ngũ nhân sự ổn định và có năng lực, muốn như vậy thì công tác đào tạo, bồi dưỡng, chế đội đại ngộ phải được chú trọng. Bên cạnh đó, nếu đã chuẩn hóa quy trình, số hóa trong quản trị mà không đào tạo nhân sự để ứng dụng hiệu quả thì trở nên vô nghĩa.
Song song với đó cần có sự giao lưu, kết nối giữa các TCHNLS để chia sẻ kinh nghiệm, học hỏi lẫn nhau từ đó mới thúc đẩy nhanh được sự phát triển.
Xã hội phát triển đến mức nào, công nghệ phát triển đến đâu thì con người vẫn là trung tâm, không gì thay thế được vì vậy Luật sư cần tích cực rèn luyện, học hỏi, cọ xát, trao đổi chuyên môn, nghiệp vụ với các Luật sư khác; không ngừng nghiên cứu, nắm bắt xu thế mới công nghệ kỹ thuật. Nhạy bén với thay đổi của thời cuộc, cập nhật kịp thời thay đổi để bắt kịp chuẩn mực của việc hành nghề Luật sư với đẳng cấp cao hơn.
Người viết: Luật sư Nguyễn Thị Nhàn
Sđt: 0972798172
Email: nhannguyen0984@gmail.com
Thông tin liên hệ:
Văn phòng luật sư Đồng Đội: P2708, Tòa nhà VP3 Bán đảo Linh Đàm, Hoàng Liệt, Hoàng Mai, Hà Nội
Điện thoại: 0936.026.559 – Email: tranxuantien1964@gmail.com
Website: https://dongdoilaw.vn
Facebook: https://www.facebook.com/dongdoilaw
Youtube: https://www.youtube.com/c/VănphòngluậtsưĐồngĐội
Tiktok: https://www.tiktok.com/@vpls_dongdoI