Trong thời đại hội nhập hóa, ngoại ngữ không chỉ là công cụ đắc lực trong giao tiếp mà còn là yếu tố chiến lược để mở rộng quan hệ cá nhân và nghề nghiệp. Đối với lĩnh vực pháp lý, ngoại ngữ ngày càng chiếm một vai trò quan trọng, mang đến lợi thế đáng kể khi hành nghề. Mặc dù nghề luật không yêu cầu phải thông thạo ngoại ngữ nước ngoài để hành nghề, tuy nhiên trên thực tế, ngoại ngữ gần như là “tấm vé” để tiến xa hơn đối với những người làm việc trong ngành luật.
Ảnh minh họa
- Mở rộng phạm vi hành nghề
Thực tế, trong nhiều vụ tranh chấp quốc tế, phía Việt Nam thường rơi vào thế bất lợi do thiếu vắng luật sư trong nước tham gia tư vấn và bảo vệ quyền lợi. Điều này đồng nghĩa với việc luật sư trong nước đang vô tình bỏ ngỏ một thị trường tiềm năng, tạo cơ hội cho các luật sư nước ngoài chiếm lĩnh những vụ tranh chấp quốc tế “béo bở” liên quan đến cơ quan, tổ chức và công dân Việt Nam. Quan trọng hơn, đội ngũ luật sư Việt Nam đang bị hạn chế trong chính lĩnh vực của mình, đó là trực tiếp bảo vệ lợi ích của Nhà nước và công dân trước những thách thức pháp lý mang tầm quốc tế.
Theo Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội, tính hết năm 2023, có khoảng 136.800 người nước ngoài làm việc tại Việt Nam. Con số này có sự tăng trưởng rõ rệt so với cùng kỳ năm 2019 là 117.800 người. Như vậy, số lượng người nước ngoài sinh sống và làm việc tại Việt Nam ngày càng nhiều, kéo theo nhu cầu tư vấn pháp lý tăng cao. Để bắt kịp xu thế hội nhập quốc tế và đảm bảo đáp ứng yêu cầu của thị trường lao động, việc giỏi ngoại ngữ không chỉ còn là lợi thế của mỗi cá nhân mà còn là mục tiêu đào tạo của nhiều trường đại học đào tạo luật.
Trong những năm gần đây, Đảng và Nhà nước ta rất quan tâm đến việc đổi mới hoạt động của luật sư. Một trong những nhiệm vụ được nêu ra trong Nghị quyết số 27-NQ/TW ngày 09/11/2022 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng Khóa XIII là cung cấp các dịch vụ pháp lý có chất lượng, được đáp ứng bằng một đội ngũ luật sư có phẩm chất và năng lực, có khả năng sử dụng ngoại ngữ pháp lý tốt. Hiện nay, xu hướng tranh chấp quốc tế tại Việt Nam ngày càng đa dạng và phức tạp, không chỉ dừng lại ở các tranh chấp thương mại giữa doanh nghiệp mà còn mở rộng ra những vụ việc liên quan trực tiếp đến các cơ quan hành chính và Nhà nước Việt Nam. Với thực tiễn ấy, đào tạo đội ngũ luật sư giàu chuyên môn và thông thạo tiếng Anh pháp lý sẽ trở thành mục tiêu trọng điểm trong tương lai, phù hợp với nhu cầu của thời đại.
Nhìn vào thực tế, việc giỏi và thông thạo ngoại ngữ, đặc biệt là tiếng Anh pháp lý, trở thành một lợi thế rất lớn đối với những người hành nghề luật. Luật sư có thể tư vấn pháp lý cho khách hàng nước ngoài, hỗ trợ họ trong các vấn đề về đầu tư, kinh doanh, trợ giúp pháp lý trong các bản hợp đồng hoặc tham gia các vụ tranh chấp mang tính quốc tế. Những kinh nghiệm quý báu ấy sẽ giúp người làm nghề luật tiến xa trong sự nghiệp, mở rộng phạm vi hành nghề một cách rõ rệt. Ngoài ra, nếu luật sư có mục tiêu là hành nghề luật tại nước ngoài để tìm kiếm cơ hội việc làm tốt hơn thì việc thông thạo ngoại ngữ chính là bước đệm bắt buộc phải có.
Luật sư thông thạo ngoại ngữ dễ dàng tư vấn cho khách hàng nước ngoài mà không gặp nhiều rào cản ngôn ngữ, giải thích được các quy định pháp luật Việt Nam cho khách hàng nước ngoài, từ đó tạo dựng niềm tin và hình ảnh chuyên nghiệp với bạn bè quốc tế. Bên cạnh đó, các vấn đề mà khách hàng nước ngoài gặp phải thường liên quan đến thị thực, giấy phép lao động, đầu tư và thành lập doanh nghiệp, điều ấy đòi hỏi kỹ năng ngoại ngữ vững vàng của người làm nghề luật để hiểu và áp dụng không chỉ pháp luật trong nước, mà còn cả luật pháp quốc tế.
- Truy cập nguồn tài liệu pháp lý đa dạng
Nếu đang làm việc trong lĩnh vực liên quan đến luật quốc tế, bao gồm đầu tư, thương mại, trọng tài quốc tế,… thì việc hiểu và sử dụng các văn bản pháp lý nước ngoài là bắt buộc để đảm bảo tính công bằng, chính xác và đúng quy trình khi thực hiện tư vấn pháp lý. Bởi vì nhiều văn bản pháp luật, án lệ, học thuyết pháp lý quốc tế được soạn thảo bằng tiếng Anh nên để hiểu và áp dụng các quy định này, luật sư cần có khả năng đọc hiểu và sử dụng tiếng anh pháp lý chuyên ngành.
Ngay cả khi không hoạt động trong các lĩnh vực luật quốc tế, người hành nghề luật vẫn nên có một sự hiểu biết nhất định về ngoại ngữ để có thể tiếp cận với các tài liệu pháp lý nước ngoài. Phần lớn các văn bản pháp luật quan trọng đều có ngôn ngữ gốc viết bằng tiếng anh, ví dụ như Công ước quốc tế (CISG), Hiệp định thương mại tự do (FTA), Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP),…Ngoài ra, rất nhiều án lệ kinh điển của quốc tế được ghi lại và tóm tắt bằng tiếng anh; các bộ luật, đạo luật, nghị định của những quốc gia khác nhau có nguồn ngôn ngữ chính thống là tiếng anh. Việc thông thạo ngoại ngữ giúp người hành nghề luật đọc và phân tích các tài liệu pháp lý bằng tiếng anh, mở rộng phạm vi tư duy và diễn giải luật, nâng cao kiến thức chuyên môn.
Với khả năng ngoại ngữ tốt, luật sư còn có lợi thế trong việc tham gia vào các sự kiện giao lưu, diễn đàn hội thảo quốc tế, các buổi tham vấn với chuyên gia người nước ngoài. Ngoại ngữ ở đây đóng vai trò quan trọng trong việc giao tiếp với chuyên gia, trao đổi kinh nghiệm với luật sư nước ngoài và các chuyên gia pháp lý quốc tế; ngoài ra giúp luật sư cập nhật các hiệp định quốc tế mới, đặc biệt là những cam kết có ảnh hưởng tới lĩnh vực luật học mà luật sư đang theo đuổi.
Ảnh minh họa
- Hỗ trợ trong hoạt động tranh tụng và tư vấn pháp lý quốc tế
Năng lực ngoại ngữ là yếu tố được đánh giá cao khi tuyển dụng hoặc thăng tiến trong các công ty luật, tập đoàn đa quốc gia. Bởi tính chất đặc thù của công việc chuyên viên tư vấn pháp lý cho các công ty, tập đoàn, luật sư cần thành thạo ngoại ngữ để đại diện hoặc làm việc trong các vụ kiện, trọng tài quốc tế. Thậm chí, đối với nhiều công ty lớn, việc thông thạo ít nhất một ngoại ngữ, đặc biệt là tiếng Anh, trở thành yêu cầu tối thiểu đối với ứng viên hành nghề luật.
Các vụ tranh chấp xuyên biên giới quốc gia yêu cầu luật sư phải có kỹ năng đọc hiểu, phân tích các tài liệu pháp lý nước ngoài. Hơn nữa, luật sư cần phải tham gia các vụ tranh tụng hoàn toàn bằng ngôn ngữ tiếng anh, soạn thảo các văn bản luật bằng ngoại ngữ quốc tế và trao đổi pháp lý với các khách hàng là người nước ngoài. Mặc dù phiên dịch viên có thể hỗ trợ phần nào rào cản ngôn ngữ, tuy nhiên việc trình bày luận cứ, phân tích hợp đồng hoặc tham gia đàm phán bằng ngoại ngữ sẽ giúp tăng đáng kể uy tín của người luật sư và nâng cao hiệu suất công việc.
Kết luận
Ngoại ngữ pháp lý không chỉ là một lợi thế mà còn gần như là yêu cầu thiết yếu với luật sư trong thời đại hội nhập. Nhu cầu sử dụng ngoại ngữ để hành nghề luật đang tăng lên rõ rệt trong khoảng thời gian gần đây, hứa hẹn trở thành xu hướng phát triển của nghề luật trong tương lai. Với toàn bộ ưu thế kể trên, việc học ngoại ngữ, đặc biệt là tiếng Anh pháp lý, sẽ mang lại lợi thế đáng kể cho người hành nghề luật, đem đến nhiều cơ hội việc làm và phát triển bản thân.
Nguyễn Huyền – Thực tập sinh Văn phòng luật sư Đồng Đội
Thông tin liên hệ:
Văn phòng luật sư Đồng Đội: P2708, Tòa nhà VP3 Bán đảo Linh Đàm, Hoàng Liệt, Hoàng Mai, Hà Nội
Điện thoại: 0936.026.559 – Email: tranxuantien1964@gmail.com
Website: https://dongdoilaw.vn
Facebook: https://www.facebook.com/dongdoilaw
Youtube: https://www.youtube.com/c/VănphòngluậtsưĐồngĐội
Tiktok: https://www.tiktok.com/@vpls_dongdoi