Cứ mỗi ngày trôi qua, tôi lại nhận được thêm nhiều cuộc điện thoại, tin nhắn, khách hàng nhờ tư vấn về vấn đề pháp lý của họ. Tôi thấy rằng bản thân mình đã thực sự trở thành một con người quan trọng khi có người nhờ vả mình, dù việc lớn hay nhỏ, bởi nếu không tin tưởng thì làm gì có chuyện liên lạc? Khách hàng nhiều hơn, đương nhiên lượng công việc và thu nhập cũng tỷ lệ thuận tăng theo, cũng đồng nghĩa với việc phải trách nhiệm và cố gắng hơn. Một bản án là một mạng người!
Và, không phải tự nhiên mà tôi có thể có những thành công bước đầu như vậy. Bên cạnh tôi luôn có một người thầy, một tấm gương, để học hỏi, noi theo và là một chỗ dựa tinh thần mỗi khi tôi cảm thấy bế tắc.
-
Từ cuộc đời những ngày đầu chập chững…
Nếu đã trải qua 4 năm học Luật ở trường đại học, chắc chắn các bạn cũng đã có khoảng thời gian như tôi.
Sinh viên nào khi vừa mới ra trường cũng đều cố gắng tìm cho mình một công việc, chỉ đặng để nhận lương hằng tháng, trước là duy trì cuộc sống, sau là có cái để nói với gia đình, cha mẹ rằng con “có việc làm…”. Đối với tôi thì không, vì ước mơ từ khi còn đi học là trở thành luật sư. Thời điểm đó ước muốn chỉ đơn giản là trở thành người “ngầu” như Luật sư trong các bộ phim.
Nhưng “cuộc đời không như là mơ”, ngay lúc ra trường đi xin việc, không một VPLS hay Công ty Luật nào nhận mình. Đơn giản vì không một đơn vị nào, có thể nhận một người làm công mà đơn khởi kiện viết còn sai lên xuống, chứ chưa nói đến thay mặt đương sự gặp và làm việc với Tòa án hay các cơ quan nhà nước.
Tôi mất gần 08 năm kể từ khi ra trường, trải qua nhiều công việc (trái ngành cũng có) chỉ để đi kiếm tiền, không có mục tiêu cho cuộc sống mình.
-
…cho đến cơ duyên gặp gỡ thầy – Luật sư Trần Xuân Tiền.
Ắt hẳn, các bạn còn nhớ khoảng thời gian đại dịch Covid-19. Lúc này tôi đang ở Ninh Thuận (thực tế có thể nói là bị kẹt lại nơi này, vì TP HCM đang giới nghiêm), và có thực hiện việc đại diện ủy quyền có một số khách hàng ở đây. Cũng thời điểm này tôi tham gia lớp zoom của Văn phòng luật sư Đồng Đội do Luật sư Trần Xuân Tiền tổ chức.
Tại đây, có một vụ việc của một gia đình làm tôi thay đổi cái nhìn về người làm luật sư, cho tôi ấn tượng về Luật sư Trần Xuân Tiền để phấn đấu tu chí trở thành một luật sư chân chính, thực thụ. Đây cũng là kỷ niệm đặc biệt giữa tôi và thầy mà đến suốt đời không thể nào quên.
Ngày đó, có một cuộc gọi của một gia đình sắp bị cưỡng chế Thi hành án (đã có Quyết định của Chi cục THADS và chỉ còn 7 ngày nữa là đến thời điểm cưỡng chế), họ liên tục kêu oan, liên tục cầu xin sự giúp đỡ từ tôi. Gia đình 3 thế hệ sắp bị cưỡng chế đi ra khỏi phần đất mà họ sinh sống bấy lâu nay. Người bị cưỡng chế thậm chí còn đòi tự vẫn vì mất niềm tin và uất hận quá mức.
Tuy nhiên bản thân tôi chưa có một kinh nghiệm thực tế nào về Thi hành án Dân sự. Tôi chợt nhớ đến thầy Tiền, người có hơn 15 năm kinh nghiệm thực tế làm việc tại cơ quan Thi hành án. Thầy đã triển khai công việc, giúp đỡ tận tình gia đình này, mặc dầu điều kiện kinh tế của họ rất khó khăn, bấy giờ không có đủ chi phí thuê Luật sư.
Bằng sự mẫn cán và thương người, thầy từ Hà Nội bay vào Ninh Thuận (không có tiền ở khách sạn thì ở cùng người nhà đương sự). Cùng ăn cùng ngủ với đương sự, triển khai làm hồ sơ, gửi đơn từ cần thiết đến nhiều cơ quan chức năng, thay mặt đương sự làm việc với Chi cục Thi hành án, nhanh chóng ngăn chặn được một vụ cưỡng chế có nhiều sai sót có thể dẫn đến chết người. Và tiếp sau đó thầy đã nhiệt tình hỗ trợ đương sự thực hiện Giám đốc thẩm, khởi kiện thêm vụ án mới để tìm ra công lý.
Đây là vụ việc khó, rất khó, mà theo đánh giá của cá nhân tôi, thậm chí ngay cả luật sự lão luyện trong nghề nhiều khi sẽ từ chối nhận. Nhưng khi biết được những hành động giúp đỡ, biết được cách thức triển khai để làm vụ việc này tôi nhận ra, thực sự mình đang quen biết được một người thầy, người luật sư tốt, tận tâm và có chuyên môn rất sâu.
-
Những đức tính quý giá mà tôi đã học được từ người thầy của mình
3.1. Chăm chỉ, không ỷ lại, luôn phải chịu khó học hỏi & nghiên cứu. Phải tự khiến bản thân trở thành người có giá trị
Chúng ta phải biết rằng, thời điểm trước năm 2000, người có trình độ cử nhân rất có địa vị trong xã hội. Trong khi đó thầy tôi đã có rất nhiều bằng cử nhân, và kinh qua nhiều công việc, vị trí công tác. Thầy từng là sĩ quan quân đội, đã từng làm kiểm sát viên, chi cục trưởng Chi cục THA Dân sự…
Với lượng kiến thức chuyên sâu và kinh nghiệm hành nghề, kinh nghiệm trong cuộc sống phong phú như vậy, thầy rất dễ dàng nắm bắt các vụ việc để triển khai và luôn thành công.
Cũng vì vậy mà thầy thường xuyên nhắc rằng phải liên tục học hỏi. Nếu tìm không ra thì phải hỏi người biết cho ra vấn đề. Và rất tuyệt vời, khi tham gia lớp Zoom tôi đã quen biết được nhiều Luật sư, anh chị em hành nghề luật, khi cần thiết có thể nhờ sự hỗ trợ của cộng đồng. Tôi cảm thấy hạnh phúc và được là một phần trong cộng đồng, và tôi biết rằng mình không hề lạc lõng.
Khi học đủ, biết đủ thì làm gì cũng dễ, vô hình chung bạn sẽ trở nên có giá trị hơn. Thỉnh thoảng trong lớp Zoom tôi vẫn thấy có người đặt câu hỏi làm sao để trở thành luật sư giỏi, hay làm sao để có nhiều khách hàng!?. Tôi nghĩ đây là câu trả lời đúng: “Lượng đủ thì chất mới đổi”.
Không ai cứu mình bằng chính bản thân tự cứu lấy mình. Việc học hỏi và tự học là rất quan trọng.
3.2. Thương người là thương mình, cho đi để nhận lại
Khi chúng ta đối xử tốt với người khác, chúng ta cũng đang tạo ra một môi trường sống tích cực cho chính mình. Tình yêu thương không chỉ mang lại niềm vui và hạnh phúc cho người nhận mà còn làm phong phú thêm tâm hồn của người cho. Khi chúng ta giúp đỡ người khác, chúng ta cảm nhận được sự ấm áp, lòng biết ơn và niềm vui từ việc làm điều tốt.
Một nguyên tắc nhân quả trong cuộc sống nữa là việc “cho đi để nhận lại”. Khi chúng ta cho đi, dù là vật chất hay tinh thần, chúng ta không chỉ giúp đỡ người khác mà còn tạo ra những mối quan hệ tốt đẹp và bền vững. Sự cho đi không nhất thiết phải được đáp lại ngay lập tức, nhưng theo thời gian, những hành động tốt đẹp đó sẽ quay trở lại mang cho chúng ta nhiều lợi ích dưới nhiều hình thức khác nhau. Điều này có thể là sự giúp đỡ khi chúng ta gặp khó khăn, sự ủng hộ từ cộng đồng, có thêm khách hàng mới hay đơn giản là cảm giác hạnh phúc và mãn nguyện từ việc làm điều tốt.
Cũng vì lẽ đó, mà thầy đã giúp đỡ rất nhiều khách hàng, nhận làm những vụ việc rất khó khăn, thời gian làm lên đến chục năm. Hay như lớp Zoom mà thầy tôi tổ chức, giúp đỡ cho rất nhiều học sinh, luật sư mới ra nghề biết, hiểu, học và đạt được thành công trong cuộc sống.
Đây là những việc làm thiết thực, hiếm có luật sư nào có thể làm được!
-
Những kỹ năng trong hành nghề mà tôi học được từ người thầy của mình
Trong khuôn khổ của bài viết ngắn này, tôi xin phép chỉ nói đến những vấn đề mình đã đúc kết được từ thầy, khi hành nghề trong mảng tố tụng – là mảng mà Luật sư thường xuyên gặp, số lượng vụ việc nhiều và lượng khách hàng nhiều nhất. Đây là những điều vô cùng trân quý tôi học được từ Luật sư Trần Xuân Tiền.
4.1. Học đi đôi với hành
Nghiên cứu kỹ quy định, quan hệ pháp luật, không hiểu thì phải hỏi, hỏi đến khi ra vấn đề, “ngứa chỗ nào gãi chỗ đó”. Lý thuyết vững thì thực hành sẽ dễ dàng. Lúc này sẽ có đường hướng “đánh” phù hợp.
Nghiên cứu ra vấn đề để áp dụng trực tiếp vào vụ việc tranh chấp. Khi triển khai tố tụng, về thực tế sẽ gặp nhiều vấn đề hơn so với giai đoạn nghiên cứu ban đầu. Phải cố gắng đạt được mục tiêu luôn là mang lại lợi ích, hoặc phần thắng (trong phạm vi chấp nhận được) cho khách hàng của mình. Tham gia tố tụng nhiều sẽ rèn luyện kỹ năng làm việc với Cơ quan tố tụng, Thẩm phán, thư ký tòa, luật sư ở phía đối lập, nâng cao sự tự tin và độ nhạy bén. Cho đến thời điểm hiện tại, tôi đã đạt được trạng thái cảm xúc là “thèm” được đi Tòa án, thực sự tuần nào mà không được đi Tòa thì người tôi cảm thấy rất bứt rứt khó chịu không yên!
Phải làm song song cả hai việc học & hành, thì mới thành công và tích lũy kinh nghiệm. Vì sao lại nói vậy? Tướng quân trải nhiều trận, trên người đầy “vết sẹo” thì mới là tướng quân thực thụ. Nếu chỉ biết luận đàm trên sách vở, âu cũng chỉ đến đẳng cấp là “nhà nghiên cứu quân sự” mà thôi, khi vào trận đánh thật sẽ rối và “nhát gừng”.
4.2. Chỉ nên tập trung làm những việc mình tinh thông – Nhất nghệ tinh nhất thân vinh. Việc chưa sành sỏi phải học thật kỹ.
Kinh nghiệm cá nhân, tôi thường chia các vụ việc mình nhận làm 2 dạng.
Dạng thứ nhất, là những vụ việc mình đã có kinh nghiệm làm, tư vấn nhanh và làm hồ sơ nhanh, các quy định, quan hệ pháp luật đã làm qua nhiều lần, triển khai hồ sơ nhanh gọn để “được việc cho khách hàng” mà cũng vừa “được cho mình”. Đơn cử như mảng thu hồi nợ, trái phiếu, lao động, chia tài sản thừa kế và chia tài sản khi ly hôn… là những mảng tôi sẽ triển khai nhanh, tốt cho khách. Do đó, đối với dạng vụ việc này, mình tự tin nhận, thậm chí làm càng nhiều càng tốt.
Dạng thứ hai, là những vụ việc có tính chất phức tạp hoặc những vụ việc mình lần đầu xử lý. Đối với những vụ việc này cần có thời gian nghiên cứu, tìm hiểu đúng và sâu. Nên tôi hạn chế nhận số lượng nhiều. Và khi nhận việc thì phải hết sức dành thời gian cho nó, để đảm bảo được 2 mục đích: giúp đỡ khách hàng trong vụ việc và quan trọng hơn có thêm kinh nghiệm đối với dạng án này.
4.3. Luôn giữ tâm thế “làm chủ”.
Làm chủ bản thân (cảm xúc, tinh thần) là điều kiện tiên quyết khi hành nghề Luật sư, khi có tranh chấp xảy ra, giữa các bên rất dễ có chiến tranh với nhau. Khi mới gặp khách hàng, cần có “trái tim nóng”, đồng cảm với nỗi đau, sự mất mát của họ. Nhưng khi vào triển khai vụ việc cần sự chuyên nghiệp. Ngoài ra, không phải lúc nào sự việc cũng sẽ trôi chảy theo kế hoạch của mình, đặc biệt khi làm tố tụng, có rất nhiều biến hóa.
Làm chủ khách hàng: bản thân anh phải tự quản trị được mình, thì mới có thể giúp đỡ khách hàng. Đứng dưới góc nhìn của Luật sư luôn phân định rõ ràng, ở đây không có chuyện vui buồn tủi hờn, mà chỉ có lợi ích, cái nào tốt cái nào không tốt cho khách hàng mình. Khách hàng họ không am hiểu pháp luật nên mới cần tới chúng ta. Chúng ta vừa phải đồng cảm, cũng vừa phải lý trí lợi ích, đó mới là cách làm việc chuyên nghiệp.
Làm chủ vụ án của mình, đó là lý do vì sao bản thân tôi chia án làm 2 dạng như đã nói ở trên. Khi đã quen việc, ta sẽ lường trước được các bước đi tiếp theo của đối phương, các bước tố tụng tiếp theo của Tòa án hay cơ quan Thi hành án nhằm đưa ra đối sách giúp đỡ khách hàng của mình. Mục tiêu giống việc chơi cờ, phải chiếu tướng, và phải “chiếu bí” được tướng bên kia mới là thành công.
4.4. Đừng vội vàng kiếm tiền, hãy đứng trên vai người khổng lồ, giữ bàn tay sạch, trái tim nóng và cái đầu lạnh
Đặt mục tiêu kiếm nhiều tiền sớm bằng nghề luật, là một trong những sai lầm lớn, có thể dẫn đến mất nghề. Khi đã xác định “làm nghề”, cho dù bất kể là nghề gì, hãy nên đặt mục tiêu “tinh thông trước”. Nếu vụ việc chưa có kinh nghiệm, mà đã vội vàng nhận làm, nhận thù lao thì rất dễ rơi vào bế tắc. Hữu xạ tự nhiên hương, khi bạn có năng lực và kinh nghiệm về một mảng nhất định, khách hàng sẽ tự đến với bạn. Thành công không hề dễ dàng, không vội vàng. Bản thân tôi rất may mắn, có cơ hội gặp và làm việc với các Luật sư nước ngoài, thực tế tôi nhận thấy ở các nước đang phát triển, nghề Luật sư được chia rõ ràng, rạch ròi thành các mảng khác nhau, mỗi Luật sư chỉ đảm nhiệm một vài mảng mà họ chuyên sâu.
Bên cạnh tôi có rất nhiều người bạn, anh chị Luật sư, lấy thẻ sớm rồi ra mở văn phòng, công ty luật riêng. Nhưng hiện tại họ rất chật vật, lấy chỗ này đắp chỗ kia để duy trì văn phòng và thuê nhân viên. Tôi đồng cảm, nhưng không hề tán thành cách làm trên vì vô hình chung tự đưa mình vào thế khó. Tôi cũng có một chút kinh nghiệm về Marketing, theo cảm nhận cá nhân của mình, nhìn chung đối với nghề Luật, nếu chưa đảm bảo được về “nguồn khách, hệ thống khách hàng” thì chưa nên tự độc lập ra riêng.
Đứng trên vai người khổng lồ – hãy xem cách mà thầy mình, những người đi trước mình làm, cả về quy hoạch văn phòng, công ty (kinh doanh) cho đến cách làm tố tụng (làm nghề), theo cách người khác đã thành công để thành công, mới là cách tốt nhất.
4.5. Hài hòa lợi ích giữa các bên để đi đến thành công.
Không chỉ đơn giản là chuyện tranh chấp giữa bên nguyên và bên bị, khi làm tố tụng cần lưu ý đến Cơ quan tố tụng, cơ quan ban ngành khác để đi đến thành công cuối cùng.
Đối với bên nguyên đơn, lợi ích của họ chính là việc quyền lợi đang bị xâm phạm. Đối với bị đơn, đó là việc bị đòi quyền lợi từ bên nguyên. Thư ký Tòa thì cần chuẩn bị đúng, đủ hồ sơ và đảm bảo thời gian cho Thẩm phán. Thẩm phán cần “bảo vệ án”…
Là Luật sư, cần hài hòa được lợi ích giữa các bên, bằng khả năng thuyết phục, tư duy nhạy bén, đảm bảo lợi ích cho thân chủ mình. Trong đa số các vụ việc tôi đã làm thì từ Thẩm phán đến thư ký Tòa, thậm chí là Luật sư bên bị đơn, sau phiên xử dù gay gắt đến đâu đều trở thành thân quen. Tôi nghĩ, đây cũng là một thành công của mình!
-
“Không thầy đố mầy làm nên” – Điểm tựa tinh thần vô bờ bến của tôi!
Người thầy đóng vai trò vô cùng quan trọng trong cuộc sống và sự nghiệp của mỗi người. Họ không chỉ là nguồn cung cấp kiến thức chính thống và có hệ thống, giúp học trò nắm vững các khái niệm và kỹ năng cần thiết, mà còn là người định hướng và phát triển tư duy phản biện, khả năng giải quyết vấn đề và sáng tạo. Một người thầy tận tâm có thể truyền cảm hứng và động lực, giúp học sinh vượt qua khó khăn và đạt được mục tiêu.
Hơn thế nữa, thầy cũng là người góp phần quan trọng trong việc hình thành nhân cách, đạo đức và các giá trị sống trong khi hành nghề. Thầy luôn lắng nghe, hỗ trợ và khuyến khích, giúp tôi tự tin hơn trong học tập và cuộc sống. Thầy không chỉ là người truyền đạt kiến thức mà còn là người bạn, người hướng dẫn và là nguồn cảm hứng lớn lao trong cuộc đời tôi.
Mỗi khi gặp bế tắc tôi thường mở lại các đơn từ, hồ sơ của thầy để đọc và nghiền ngẫm, hoặc đọc lại các bài viết trên website của thầy để lấy lại động lực.
Một bài viết ngắn vài trang không thể nào nói lên hết được những gì mình đã học, cảm nhận được từ người thầy. Hơn tất thảy mọi thứ trên đời, tôi luôn cầu mong cho thầy có sức khỏe để tiếp tục cống hiến.
Trong thời gian tới, sẽ có nhiều khó khăn, thách thức phía trước, tuy nhiên nhờ có những gì thầy chỉ bảo, tôi tin rằng mình sẽ vượt qua được và sẽ gặt hái được nhiều thành công hơn nữa!
Trân trọng cảm ơn người thầy đáng kính của con, Luật sư Trần Xuân Tiền!
Bài viết tri ân thầy và hướng tới ngày truyền thống Luật sư Việt Nam 10-10-2024!
TP HCM, ngày 09 tháng 10 năm 2024
Tác giả: Nông Vinh Tiền
Thông tin liên hệ:
Văn phòng luật sư Đồng Đội: P2708, Tòa nhà VP3 Bán đảo Linh Đàm, Hoàng Liệt, Hoàng Mai, Hà Nội
Điện thoại: 0936.026.559 – Email: tranxuantien1964@gmail.com
Website: https://dongdoilaw.vn
Facebook: https://www.facebook.com/dongdoilaw
Youtube: https://www.youtube.com/c/VănphòngluậtsưĐồngĐội