Ngày 06/4/2023, tại Trung tâm Hội nghị Quốc tế, số 11 Lê Hồng Phong, Ba Đình, Hà Nội đã diễn ra Tọa đàm “Cuộc CMCN 4.0 và cơ hội cho ngành bán lẻ Việt Nam” do Hiệp hội các nhà bán lẻ Việt Nam (AVR) chủ trì, Tạp chí Thương Trường thực hiện.
Buổi Toạ đàm có sự tham gia của các cơ quan quản lý Nhà nước; các chuyên gia; các Hội, Hiệp hội bạn; cùng đại diện các doanh nghiệp, nhà đầu tư, kinh doanh trong lĩnh vực dịch vụ bán lẻ và các cơ quan báo chí.
Sau phần phát biểu Khai mạc Tọa đàm, các diễn giả đã trình bày một số tham luận với các chủ đề như: Tổng quan thị trường bán lẻ và xu hướng phát triển trong bối cảnh CMCN 4.0; Bán lẻ với Thương mại điện tử: Hợp tác và Cạnh tranh; Phân tích SWOT bán lẻ Việt Nam 4.0,…
Trao đổi tại tọa đàm với chủ đề “Những bất cập và rủi ro pháp lý đối với ngành bán lẻ trong thời kỳ chuyển đổi số”, Luật sư Trần Xuân Tiền – Trưởng Văn phòng luật sư Đồng Đội phát biểu đứng trên góc độ của một Luật sư cũng là người tiêu dùng. Ông khẳng định: “Việc chuyển đổi số là không phải bàn cãi, nếu ai tận dụng được cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 sẽ thành công, còn ai không theo con đường đó sẽ phải đứng lại phía sau. Tuy nhiên, chuyển đổi số không có nghĩa là tách biệt mô hình bán hàng truyền thống với trực tuyến, mà là kết hợp giữa sự phát triển, tiến bộ xã hội với thực tiễn của từng doanh nghiệp”.
Luật sư cũng nêu quan điểm, từ xưa đến nay, mỗi con người, mỗi sự việc luôn gắn với nghề nghiệp và cuộc sống, ngành bán lẻ cũng không phải là ngoại lệ. Bán lẻ đã xuất hiện và tồn tại từ rất lâu, nhưng nếu như trước đây (đặc biệt là trong thời kỳ bao cấp), hàng hoá còn ít ỏi, khan hiếm, việc mua bán đồ ăn cũng vô cùng khó khăn, thì đến nay, với sự phát triển như vũ bão của cuộc cách mạng 4.0, việc mua bán diễn ra rất thuận tiện. Chúng ta có thể ngồi tại nhà, tại nơi làm việc mà vẫn có thể mua sắm mọi thứ. Đây có lẽ là con đường phát triển tất yếu và duy nhất của ngành bán lẻ.
Xuất phát từ tính chất và những đóng góp không thể phủ nhận của hoạt động bán lẻ, ông đưa ra quan điểm rằng, chúng ta không chỉ bán hàng hoá để thu lợi nhuận, mà trên hết là đem lại hạnh phúc cho từng gia đình thông qua bán lẻ. Tham gia vào công cuộc chuyển đổi số, người bán lẻ không chỉ chú trọng về chất lượng hàng hoá, mà còn phải xác định nhu cầu của thị trường. Như vậy, với những ý nghĩa và giá trị ngành bán lẻ đem lại, ông hy vọng trong thời gian tới hệ thống bán lẻ không chỉ mang lại giá trị cuộc sống hài hoà cho mỗi gia đình, mà còn đóng góp cho sự phát triển kinh tế – xã hội của nước nhà.
Luật sư Trần Xuân Tiền tại buổi Toạ đàm
Bên cạnh những vai trò và ý nghĩa tích cực của ngành bán lẻ trong công cuộc chuyển đổi số, luật sư Trần Xuân Tiền nêu ra một số bất cập và rủi ro của doanh nghiệp như sau:
Trên thực tế, vẫn còn tình trạng bán lẻ với thói quen không dùng hóa đơn, điều này tiềm ẩn rất nhiều rủi ro, nhất là khi có tranh chấp xảy ra. Bên cạnh đó, còn tồn tại nhiều đơn vị bán lẻ trốn thuế, không kê khai thuế vi phạm nguyên tắc của ngành thuế, có thể khiến doanh nghiệp, nhà bán lẻ bị truy thu số tiền cực lớn. Một trong những nguyên nhân dẫn tới thực trạng trên là do văn bản pháp luật hướng dẫn quản lý việc thu thuế của người bán lẻ vẫn chưa được hoàn thiện và chưa được phổ cập rộng rãi đến quần chúng nhân dân, nhất là những người bán lẻ.
Ngoài ra, một lỗ hổng nữa trong công cuộc chuyển đổi số ngành bán lẻ liên quan đến công tác kiểm soát chất lượng hàng hoá trong thương mại điện tử. Việc quản lý nguồn hàng vào – ra cũng như trong quá trình vận chuyển còn chưa được quản lý rõ ràng, nghiêm ngặt, phân định trách nhiệm của các bên liên quan. Trong trường hợp người mua hàng nhận được mặt hàng không đúng mẫu mã, màu sắc, chủng loại,… không biết phải liên hệ với ai để được giải quyết, khi bên vận chuyển và bên bán hàng đều không nhận trách nhiệm về mình. Cuối cùng người chịu nhiều rủi ro nhất chính là người tiêu dùng.
Với những bất cập nêu trên, Luật sư Trần Xuân Tiền kiến nghị: “Nhà nước cần ban hành những văn bản hướng dẫn cụ thể đối với việc quản lý và thu thuế đối với ngành nghề bán lẻ, nhất là trong bối cảnh cuộc công nghiệp 4.0 đang diễn ra mạnh mẽ. Bên cạnh đó, cần tăng cường công tác tuyên truyền pháp luật để toàn bộ các nhà bán lẻ nắm được toàn bộ các quy định, từ đó đóng góp phát triển kinh tế xã hội, phát triển Nhà nước và cũng phát triển bền vững doanh nghiệp. Ngoài ra, Nhà nước cũng cần tạo điều kiện, phối hợp chặt chẽ với các doanh nghiệp bán lẻ và toàn bộ người sản xuất để ngành bán lẻ ngày càng phát triển trong tương lai”.
Một điểm nữa, theo luật sư Tiền liên quan đến kiểm soát chất lượng hàng hóa trong thương mại điện tử, để nâng cao quản lý chất lượng ngành này, chúng ta cần chuyên nghiệp hóa lực lượng vận chuyển, shipper. Từ đó, có những quy định pháp luật để đóng góp, quản lý lực lượng này. Đơn cử như những quy định về ký quỹ, về nguyên tắc giao nhận hàng, kiểm tra chất lượng hàng hóa khi nhận hàng vận chuyển,… “Phải làm được những việc này, luật hóa các quy định thì sẽ giải quyết được việc đảm bảo chất lượng hàng hóa trong thương mại điện tử”.
Sau buổi tọa đàm, luật sư đã có những cảm nhận, chia sẻ về công việc, về ý nghĩa và giá trị mà mình muốn mang lại: “Hành nghề luật sư với đam mê và hy vọng giúp những mảnh đời bất hạnh, những người kém may mắn, những người yếu thế đã thôi thúc tôi thức khuya dậy sớm. Nhưng cũng có những việc tay trái như được mời Hội thảo, được lên sóng trực tiếp trên truyền hình, trên Đài tiếng nói VN cũng làm tôi thao thức. Những buổi đó thực sự là “cuộc thi”, buổi “sát hạch” vì áp lực, vì mong chỉn chu, vì tôn trọng chương trình và hơn hết là muốn đem điều tốt đep đến cho người xem, người nghe, người đọc…Và như thế cần cân đối thời gian, cần tham khảo các tư liệu, các kịch bản sao cho đi thi thu hút để lại đọng lại dấu ấn…”
Mặc dù công việc chuyên môn còn bận rộn, nhưng luật sư Tiền luôn tích cực tham gia các buổi Tọa đàm, ghi âm, ghi hình tuyên truyền pháp luật với mong muốn đóng góp cho xã hội, tạo giá trị cho bản thân và tổ chức hành nghề luật sư – đúng như cái tên “Đồng Đội”. Hơn 12 năm hành nghề luật sư, ông luôn giữ vững quan điểm, chỉ có để lại dấu ấn, để lại tình cảm và trách nhiệm thì những điều mình làm mới có sức lan tỏa đến cộng đồng. Nên mỗi bài tham luận, chia sẻ ông đều rất tâm huyết, chỉn chu, để lại dấu ấn cho người đọc, người nghe và lần này cũng không ngoại lệ.
Với sự tham gia của Luật sư Trần Xuân Tiền cùng các chuyên gia, đại diện khách mời, buổi Toạ đàm đã diễn ra thành công và để lại dấu ấn tốt đẹp. Xin kính chúc luật sư cùng các khách mời sức khoẻ, hạnh phúc và thành công!
Kính mời Quý độc giả cùng nghe phần phát biểu của luật sư Trần Xuân Tiền tại buổi Toạ đàm trong video dưới đây:
Thông tin liên hệ:
Văn phòng luật sư Đồng Đội: P2708, Tòa nhà VP3 Bán đảo Linh Đàm, Hoàng Liệt, Hoàng Mai, Hà Nội
Điện thoại: 0936.026.559 – Email: tranxuantien1964@gmail.com
Website: https://dongdoilaw.vn
Facebook: https://www.facebook.com/dongdoilaw
Youtube: https://www.youtube.com/c/VănphòngluậtsưĐồngĐội