Luật Luật sư và Luật trợ giúp pháp lý đều khuyến khích luật sư trợ giúp pháp lý cho người nghèo và các đối tượng chính sách, thế nhưng sự tham gia của luật sư với công tác trợ giúp pháp lý chưa được nhiều. Có nhiều nguyên nhân nhưng có lẽ một nguyên nhân quan trọng là luật sư hoạt động theo mô hình doanh nghiệp, các luật sư phải tự trang trải các khoản chi phí, không có bất kỳ sự đầu tư hỗ trợ gì về kinh phí cho luật sư và các tổ chức hành nghề luật sư.
Vậy nên luật sư cũng phải lo cuộc sống mưu sinh, lo phát triển tổ chức của mình trong sự phát triển nóng của nghề luật sư trong những năm gần đây – đó cũng là điều dễ hiểu! Vì vậy sẽ là rất đáng trân trọng khi có nhiều luật sư đã trợ giúp miễn phí cho khách hàng có khó khăn về kinh tế không có điều kiện trả thù lao cho luật sư.
Có nhiều cách để TGPL miễn phí như tư vấn pháp luật, trợ giúp trong tố tụng và ngoài tố tụng, luật sư đăng ký tham gia cộng tác viên với các Trung tâm, chi nhánh của các trung tâm TGPL nhà nước ở các địa phương. Đã không ít các tổ chức hành nghề luật sư tư vấn miến phí cho người nghèo và các đối tượng chính sách khi họ tìm đến văn phòng, công ty luật ..
Có luật sư đã tham gia bảo vệ quyền lợi cho những khách hàng khó khăn, những mảnh đời bất hạnh, những vụ án gây bức xúc trong dư luận xã hội …Họ đã dùng kiến thức, kinh nghiệm, tâm huyết, tình cảm, ý chí, nghị lực với nghĩa cử cao đẹp nhằm phát huy truyền thống tương thân tương ái lá lành đùm lá rách của dân tộc để làm điều thiện, làm việc tốt cho xã hội. Họ làm được như vậy bởi họ hiểu Luật sư trước hết là công dân, là những người được đào tạo rèn luyện, làm việc trong môi trường, nghề nghiệp mang tính xã hội cao, một nghề cao quí.
Mỗi con người, mỗi nghề nghiệp đều trải qua năm tháng, thời gian, chắc rằng ai cũng muốn làm điều gì mang dấu ấn để rồi khi trở về với cuộc sống đời thường thanh thản, nhẹ nhõm. Hãy bắt đầu từ tư duy, suy nghĩ, từ việc làm nhỏ, việc dễ trước; hãy bắt đầu từ công việc cụ thể, một việc tốt mà mình thấy có ích cho đời mà mình có thể làm được.
Là người sinh ra, lớn lên từ miền quê nghèo khó, thấu hiểu những khó khăn cơ cực, thiệt thòi của những người nghèo, lại sớm bước vào cuộc sống công việc đa dạng phong phú với những trắc ẩn của cuộc đời tôi luôn mong làm điều thiện mong sao giúp gì, làm gì cho ai đó cần mình ! Giúp được người là giúp mình vì giúp đươc ai đó mình thấy lòng thanh thản, nhẹ nhõm vui hơn.
Công việc luật sư đã đem lại cho tôi nhiều niềm vui trong cuộc sống, tôi đang từng ngày mong muốn ghi thêm vào danh sách những đóng góp thầm lặng của mình – đó là đem hiểu biết trường đời, kiến thức và kinh nghiệm tâm huyết và tình con người để giúp đỡ những người kém may mắn. Tôi coi đó lấ sự tri ân là niềm vui bất tận, rồi điều đó giờ như “ mệnh lệnh ” của trái tim mình lúc nào không hay. Và đây là một việc TGPL miến phí cho khách hàng mà tôi nhớ nhất . Vào những ngày đông lạnh giá cuối năm 2009, tôi nhận được cuộc gọi của người phụ nữ từ Sơn La muốn được luật sư giúp đỡ. Qua câu chuyện tôi biết được chị vừa mới thoát chết vì bị bệnh viện mổ nhầm gây đau đớn về thân thể, tốn kém về kinh tế, chán nản về tư tưởng, lo lắng cho tương lai. Thấy oan ức, thấy thiệt thòi, bất công nhưng biết kêu ai để lấy lại sự công bằng ?
Biết được điều kiện của chị khó khăn không chỉ kinh tế mà phải nằm điều trị dài ngày ở Hà Nội nên khó khăn chồng chất khó khăn. Các văn phòng luât sư cũng ngại thực hiện dịch vụ pháp lý loại việc này vì rất khó tính phí và phải chi phí nhiều cho khách hàng. Trước cảnh ngộ đó tôi đã nhận ra rằng mình nên giúp đỡ họ qua lúc bĩ cực. Thế là tôi đề nghị chị gửi toàn bộ hoá đơn viện phí, giấy nhập viện, xuất viện thống kê chi phí, thông tin về bác sỹ điều trị, khoa điều trị, trả lời của gíám đốc bệnh viện …và gửi giấy ửy quyền cho tôi đến bênh viện yêu cầu bồi thường.
Nhận đươc giấy uỷ quyền tôi đã liên hệ với giám đốc bệnh viện. Qua câu chuyện và lời trình bày tâm huyết của người có tâm, có đức với thái độ khiêm nhường nhưng kiên quyết giám đốc bệnh viện (dù rất bận công việc của Bệnh viện tuyến Trung ương lại gần tết nguyên đán) đã nhận ra trách nhiệm của lãnh đạo bệnh viện và kíp mổ, bác sỹ phẫu thuật … giám đốc bệnh viện đã mời bác sỹ trực tiếp phẫu thuật để tôi làm viêc. Sau khi thông tin tình hình sức khoẻ của bệnh nhân, phân tích hậu quả để lại là vô cùng nặng nề đối với việc làm bất cẩn và thái độ thờ ơ bỏ mặc của bệnh viện và bác sỹ (do phẫu thuật nhầm nên lẽ ra bệnh giản đơn mà phải chuyển cấp cứu taị bệnh viện khác). Bác sỹ phẫu thuật tỏ ra lo lắng và có thái độ hợp tác. Luât sư phân tích việc phẫu thuật nhầm là điều không mong muốn, là lỗi của bác sỹ cho dù ca mổ khó dễ như thế nào, và không có gì có thể lấy lại được việc sai sót đó. Có lẽ chỉ có thái độ cầu thị, sự bù đắp những thiệt thòi về vật chất cho bệnh nhân mới có thể vơi đi nỗi đau, nỗi mất mát cho bệnh nhân.
Bác sỹ nhận ra điều đó và đề nghị hỗ trợ một phần thiệt hại về vật chất, bù đắp về tinh thần cho bệnh nhân. Được uỷ quyền giải quyết, với kiến thức kinh nghiệm trong việc thoả thuận bồi thường ngoài hợp đồng hai bên nhanh chóng đạt được thoả thuận mức hỗ trợ và giải pháp động viên tinh thần cho bệnh nhân. Người bệnh đã được an ủi phần nào, bác sỹ cũng yên tâm cầm dao, cầm kéo và cái quan trọng hơn là điều không mong muốn xảy ra đã được giải quyết thoả đáng chóng váng. Việc làm của luật sư đã đạt được cả lý lẫn tình, sự không may mắn đó đã có may mắn là được luật sư trợ giúp miễn phí kịp thời hiệu quả.
Nói TGPL miễn phí cho khách hàng là nói miễn phí về vật chất, tiền bạc nhưng những người được giúp đỡ nhiệt thành luôn trả phí – đó là sự biết ơn. Lúc khó khăn, mắc mớ, không biết kêu ai, nhờ ai, bi quan bị luỵ, mịt mù lại được giúp đỡ vô tư trong sáng không ai thể quên người giúp đỡ. Chỉ cần cái nhìn biết ơn, cái ánh mắt, nụ cười cởi lòng của họ với mình điều đó là phần thưởng quí hơn cả tiền bạc.Vật chất sẽ chuyển từ dạng này sang dạng khác, khó mà mang theo mình, nhưng danh sẽ lưu truyền mãi mãi, vậy nên giúp người là tiếng thơm là giá trị trường tồn rất nên làm !
1 phản hồi
Cám ơn tầm lòng của bác ạ