Nghề Luật sư là nghề đặc thù, nên khi hành nghề, Luật sư không chỉ tuân thủ theo quy định của pháp luật, mà còn phải cần phải tuân theo các quy định trong Luật luật sư và các quy tắc đạo đức ứng xử nghề nghiệp, trong đó việc cung cấp thông tin về vụ việc của khách hàng cho báo chí, người khác là một vấn đề hết sức thận trọng, cần cân nhắc rất kỹ lưỡng. Thông qua hoạt động của mình, Luật sư góp phần bảo vệ công lý, các quyền tự do, dân chủ, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho khách hàng. Với tính chất riêng của mình, Luật sư có các quyền và nghĩa vụ nhất định, đặc biệt là trong vụ án hình sự.
Quyền và nghĩa vụ của Luật sư trong vụ án hình sự được thể hiện xuyên suốt trong các giai đoạn bao gồm điều tra, truy tố và xét xử. Theo đó, các quyền và nghĩa vụ chung của Luật sư được quy định tại Điều 21 Luật Luật sư 2006 sửa đổi bổ sung năm 2012. Riêng trong vụ án hình sự, quyền và nghĩa vụ của Luật sư được quy định tại Điều 73 Bộ luật tố tụng hình sự năm 2015 (BLTTHS). Vấn đề cung cấp và bảo mật thông tin về vụ việc của khách hàng là một vấn đề luôn được nhấn mạnh mà các Luật sư cần đặc biệt quan tâm, chú ý.
- VỀ NGUYÊN TẮC GIỮ BÍ MẬT THÔNG TIN KHÁCH HÀNG:
Theo đó, tại Điều 25 Luật Luật sư 2006 sửa đổi, bổ sung 2012 đã quy định về quá trình hoạt động hành nghề luật sư “giữ bí mật thông tin”, cụ thể “Luật sư không được tiết lộ thông tin về vụ, việc, về khách hàng mà mình biết được trong khi hành nghề, trừ trường hợp được khách hàng đồng ý bằng văn bản hoặc pháp luật có quy định khác; Luật sư không được sử dụng thông tin về vụ, việc, về khách hàng mà mình biết được trong khi hành nghề vào mục đích xâm phạm lợi ích của Nhà nước, lợi ích công cộng, quyền, lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân; Tổ chức hành nghề luật sư có trách nhiệm bảo đảm các nhân viên trong tổ chức hành nghề không tiết lộ thông tin về vụ, việc, về khách hàng của mình”. Không chỉ có vậy, ngoài Luật Luật sư, tại Quy tắc 7 Bộ Quy tắc đạo đức và ứng xử nghề nghiệp luật sư Việt Nam quy định về “giữ bí mật thông tin” nêu rõ: Luật sư có nghĩa vụ giữ bí mật thông tin của khách hàng khi thực hiện dịch vụ pháp lý và sau khi đã kết thúc dịch vụ đó, trừ trường hợp được khách hàng đồng ý hoặc theo quy định của pháp luật. Luật sư có trách nhiệm yêu cầu các đồng nghiệp có liên quan và nhân viên trong tổ chức hành nghề của mình cam kết không tiết lộ những bí mật thông tin mà họ biết được và Luật sư có trách nhiệm giải thích rõ nếu tiết lộ thì phải chịu trách nhiệm trước pháp luật.
Như vậy, đối với bản thân mình, Luật sư phải bảo mật thông tin về khách hàng, không tiết lộ các thông tin về khách hàng. Đối với các chủ thể khác ngoài Luật sư và khách hàng, Luật sư phải hạn chế các khả năng những thông tin về khách hàng bị tiết lộ, bị xâm phạm. Đối với các Luật sư cùng hành nghề trong một tổ chức hành nghề Luật sư (Văn phòng Luật sư hoặc Công ty luật), không chỉ bản thân Luật sư tiếp nhận, thụ lý giải quyết vụ việc của khách hàng phải giữ bí mật thông tin về khách hàng mà các Luật sư khác trong cùng tổ chức hành nghề Luật sư cũng phải giữ bí mật thông tin về khách hàng của tổ chức mình. Việc giữ bí mật thông tin về khách hàng của Luật sư không có sự giới hạn về thời gian. Khi kết thúc vụ việc, Luật sư vẫn có nghĩa vụ giữ bí mật thông tin về khách hàng.
Vấn đề sử dụng thông tin trong vụ án hình sự như thế nào là một vấn đề hết sức nhạy cảm, thận trọng và cần cân nhắc thật kỹ lưỡng, bởi nếu Luật sư không chú ý thì rất dễ vi phạm pháp luật. Cụ thể, Luật sư sẽ chỉ có nghĩa vụ thông tin, trao đổi với người trực tiếp ký hợp đồng và người cần sự giúp đỡ của Luật sư (như bị hại, bị cáo, bị can, người bị tạm giam, tạm giữ…). Điều này đồng nghĩa với việc chỉ người ký hợp đồng và người được bảo vệ có quyền đề nghị cung cấp thông tin vụ án và được biết hướng tiếp theo của vụ việc,… Luật sư không có quyền và nghĩa vụ cung cấp thông tin cho những người không liên quan, đặc biệt là với bên đối thủ. Do đó, khi có những đề nghị cung cấp thông tin không phù hợp, Luật sư phải từ chối, tránh để lộ thông tin sai quy định. Hành vi tiết lộ bí mật thông tin là vi phạm nghĩa vụ, trách nhiệm của Luật sư, vi phạm pháp luật nên tùy tính chất, mức độ sẽ bị xử lý kỷ luật, bồi thường thiệt hại do hành vi của mình gây ra, thậm chí xử lý hình sự.
- LUẬT SƯ CÓ ĐƯỢC CUNG CẤP THÔNG TIN KHÁCH HÀNG CHO CÁC CÁ NHÂN, TỔ CHỨC KHÁC?
- Đối với người thân của khách hàng:
Đối với thân chủ, người nhà, Luật sư cũng cần khéo léo cung cấp, trao đổi những thông tin phù hợp, đặc biệt là trong giai đoạn điều tra, khi mọi việc còn chưa rõ ràng. Cụ thể theo quy định tại điểm e, khoản 2 Điều 73 BLTTHS 2015 quy định người bào chữa không được tiết lộ bí mật điều tra mà mình biết khi thực hiện bào chữa; không được sử dụng tài liệu đã ghi chép, sao chụp trong hồ sơ vụ án vào mục đích xâm phạm lợi ích của Nhà nước, lợi ích công cộng, quyền và lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân. Bên cạnh đó, Luật sư cũng không được tiết lộ thông tin về vụ án, về người bị buộc tội mà mình biết khi bào chữa, trừ trường hợp người này đồng ý bằng văn bản và không được sử dụng thông tin đó vào mục đích xâm phạm lợi ích của Nhà nước, lợi ích công cộng, quyền và lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân.
Tuy nhiên, thực tế có rất nhiều trường hợp khách hàng (thân chủ hoặc gia đình) muốn luật sư cung cấp thông tin trong quá trình điều tra, thậm chí là thỏa thuận tăng thêm phí luật sư để nhận được kết quả điều tra của cơ quan tố tụng. Nếu luật sư cung cấp thông tin cho khách hàng, gia đình của họ thì đã vi phạm pháp luật tố tụng và có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự. Ngược lại, nếu không cung cấp thông tin thì có thể xảy ra mâu thuẫn với khách hàng, nhiều khách hàng còn nghĩ rằng Luật sư kém về chuyên môn nên mới không cung cấp thông tin cho khách hàng và gia đình…. gây khó khăn cho việc thực hiện hợp đồng dịch vụ pháp lý đã giao kết ví dụ như khách hàng không nghe theo sự tư vấn, hướng dẫn của luật sư, kiên quyết làm theo ý mình rồi kết quả không thực sự như mong muốn. Vậy khi rơi vào trường hợp trên, luật sư cần phải làm gì?
Cách tốt nhất để vừa tuân thủ quy định pháp luật vừa gìn giữ được mối quan hệ hòa hoãn với khách hàng là luật sư giải thích cho khách hàng hiểu quy định của pháp luật trong việc giữ bí mật điều tra. Do người phạm tội thường tìm cách nắm thông tin hoạt động điều tra để làm vô hiệu hóa hoạt động điều tra, trốn tránh sự trừng phạt của pháp luật. Vì vậy, những thông tin về hoạt động điều tra cần phải giữ bí mật, và Bộ luật tố tụng hình sự đã quy định luật sư – với tư cách người tham gia tố tụng không được tiết lộ bí mật điều tra mà mình biết khi thực hiện việc bào chữa. Do đó, việc luật sư không tiết lộ những thông tin trong quá trình điều tra là tuân thủ quy định pháp luật, là nghĩa vụ, chứ không phải muốn che giấu hay lừa dối khách hàng. Bên cạnh đó, khách hàng cũng cần giữ thái độ tôn trọng, tin tưởng luật sư của mình. Bởi khi đã giao kết hợp đồng dịch vụ pháp lý, luật sư luôn mong muốn giúp đỡ khách hàng. Những bí mật điều tra không được phép tiết lộ thì luật sư cũng không thể cung cấp cho khách hàng.
- Đối với các cơ quan báo chí, truyền thông:
Khoản 1 Điều 38 Luật Báo chí 2016 quy định về vấn đề cung cấp thông tin cho báo chí như sau: “Trong phạm vi quyền hạn, nhiệm vụ của mình, các cơ quan, tổ chức, người có trách nhiệm có quyền và nghĩa vụ cung cấp thông tin cho báo chí và chịu trách nhiệm trước pháp luật về nội dung thông tin đã cung cấp…”.
Luật sư, khi cung cấp thông tin cho báo chí không những phải tuân thủ quy định của Luật Báo chí mà còn phải tuân thủ quy định của Luật Luật sư và Bộ Quy tắc Đạo đức và ứng xử nghề nghiệp Luật sư Việt Nam, và phải chịu trách nhiệm trước pháp luật về những thông tin mình đưa ra.
Tại Quy tắc 31.1 trong Bộ Quy tắc Đạo đức và ứng xử nghề nghiệp Luật sư Việt Nam quy định: “Khi cung cấp thông tin cho báo chí, phương tiện thông tin đại chúng, sử dụng mạng xã hội, Luật sư phải trung thực, chính xác, khách quan”, tính trung thực của Luật sư được thể hiện qua việc cung cấp thông tin chính xác, phản ánh đúng sự thật khách quan.
Với tư cách là người thực hiện trách nhiệm cao cả với khách hàng thông qua đảm bảo tốt nhất quyền và lợi ích hợp pháp của họ, đồng thời Luật sư cũng thực hiện chức năng xã hội của mình thông qua việc tuyên truyền, phổ biến, tư vấn pháp luật và trợ giúp pháp lý miễn phí cho người dân nên Luật sư có quyền lựa chọn thông tin để cung cấp cho báo chí. Luật sư không có nghĩa vụ phải chia sẻ tất cả các thông tin về vụ việc của khách hàng, nhưng những thông tin Luật sư cung cấp cho báo chí phải chính xác, trung thực, đã được xác minh, chứng thực, phản ánh đúng bản chất của vấn đề tránh gây hiểu lầm và hệ lụy không đáng có.
Luật sư không được dựa vào sức mạnh của báo chí, truyền thông để lan truyền những thông tin sai sự thật, nhằm vun vén lợi ích cá nhân, lợi ích nhóm, không được điều hướng, dẫn dắt dư luận khiến người dân hiểu sai bản chất của vấn đề gây ảnh hưởng đến uy tín của nghề Luật sư, làm ảnh hưởng đến an ninh, lợi ích quốc gia, và lợi ích chung của xã hội. Điều này được cụ thể hóa tại Điều 31.2 Bộ Quy tắc Đạo đức và ứng xử nghề Luật sư Việt Nam quy định: “31.2. Luật sư không được sử dụng báo chí, phương tiện thông tin đại chúng, mạng xã hội để cố ý phản ánh sai sự thật nhằm mục đích cá nhân, động cơ khác hoặc tạo dư luận nhằm bảo vệ quyền lợi không hợp pháp của khách hàng hoặc phát ngôn gây ảnh hưởng đến an ninh, lợi ích quốc gia và lợi ích công cộng”.
- MÂU THUẪN VỀ VIỆC CUNG CẤP THÔNG TIN KHÁCH HÀNG CỦA LUẬT SƯ
Như đã đề cập ở trên, trong quá trình hành nghề, Luật sư không chỉ tuân thủ các quy định của pháp luật nói chung mà còn phải tuân thủ và chấp hành những nội dung quy định tại Luật luật sư, Bộ Quy tắc đạo đức và ứng xử nghề nghiệp khi cung cấp thông tin liên quan đến vụ việc của khách hàng. Có một điều mâu thuẫn dễ nhận thấy đó chính là nguyên tắc về “giữ bí mật thông tin” về vụ việc của khách hàng được quy định tại Điều 25 Luật Luật sư 2006 sửa đổi, bổ sung 2012 và Quy tắc 7 trong Bộ quy tắc đạo đức và ứng xử nghề Luật sư Việt Nam và việc cung cấp thông tin cho báo chí được quy định tại Khoản 1 Điều 38 Luật Báo chí 2016 và Quy tắc 31 trong Bộ quy tắc đạo đức và ứng xử nghề Luật sư Việt Nam. Theo đó, Luật sư vừa phải thực hiện việc giữ bí mật các nội dung thông tin về vụ việc liên quan khách hàng mà mình biết được, trong các trường hợp nhất định tiếng nói của Luật sư đối với xã hội thông qua các cơ quan báo chí, truyền thông là điều cần thiết. Việc quy định mâu thuẫn nhau giữa các quy tắc, quy định của pháp luật liên quan đến việc cung cấp thông tin liên quan đến khách hàng là một vấn đề hết sức nan giải, gây ra nhiều tranh cãi, thậm chí chính bản thân các Luật sư không biết áp dụng như thế nào cho phù hợp. Điều đó gây nên cản trở không hề nhỏ đến quá trình hành nghề của Luật sư.
- ĐỀ XUẤT, KIẾN NGHỊ
Nhận thấy được những bất cập như đã nói ở trên, các cơ quan lập pháp, Liên Đoàn Luật sư Việt Nam, các đoàn luật sư, Các Luật sư đang hành nghề cần có những đóng góp, nhằm bổ sung, sửa đổi các quy định pháp luật về luật sư và các quy tắc ứng xử trong quá trình hành nghề của luật sư. Từ đó, tạo điều kiện cho Luật sư có “hành lang vững chắc” để hành nghề một cách tốt nhất, góp phần bảo vệ tối đa quyền và lợi ích hợp pháp của khách hàng, đồng thời thực hiện một phần chứng năng xã hội của mình trước xã hội thông qua các cơ quan báo chí, Cơ quan thông tấn. Việc giữ gìn nguyên tắc bảo mật thông tin về vụ việc của khách hàng là điều quan trọng, nhưng việc cung cấp thông tin về vụ việc của khách hàng đối với xã hội qua các cơ quan báo chí cũng cân nhắc kỹ lưỡng. Bởi nếu không lường trước được việc cung cấp thông tin về vụ việc của khách hàng dẫn đến ảnh hưởng đến chính bản thân luật sư, nghề luật sư, thậm chí phải chịu trách nhiệm pháp lý về hành vi của mình. Do đó, việc cung cấp thông tin về vụ việc của khách hàng là một bài toán nan giải, cần phải có văn bản hướng dẫn cụ thể; sửa đổi, thay thế, bổ sung quy định của pháp luật, quy tắc ứng xử của luật sư là bài toán nhằm tháo gỡ những bất cập, khó khăn của vấn đề này./.
(Ghi chú: Bài viết này chỉ dựa trên quan điểm cá nhân thuộc về nhóm tác giả VPLS Đồng Đội, mọi ý kiến đóng góp có giá trị sẽ được chúng tôi ghi nhận, bổ sung và chỉnh lý. Xin cảm ơn!)
Biên tập: Thanh Bình – VPLS Đồng Đội
—
Thông tin liên hệ:
Văn phòng luật sư Đồng Đội: P2708, Tòa nhà VP3 Bán đảo Linh Đàm, Hoàng Liệt, Hoàng Mai, Hà Nội
Điện thoại: 0936.026.559 – Email: tranxuantien1964@gmail.com
Website: https://dongdoilaw.vn
Facebook: https://www.facebook.com/dongdoilaw
Youtube: https://www.youtube.com/c/VănphòngluậtsưĐồngĐội
Tiktok: https://www.tiktok.com/@vpls_dongdoi